Ngôn ngữ
Vẫn phấn trắng, bảng đen, vẫn giảng đường năm ấy
Vẫn dáng thầy đi thong thả sớm mai này
Một chút heo may tóc xoà lơ thơ bạc
Bao mùa thu qua rồi lặng lẽ dưới hàng cây…
Đó là mấy câu thơ mở đầu trong bài thơ tôi viết tặng Giáo sư Đinh Văn Đức ngày 20-11-2008, nhân dịp thầy nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Nhanh thật. Năm nay (2015), GS. Đinh Văn Đức đã bước sang tuổi 72.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đinh Văn Đức
Không phải là tôi không nhớ năm sinh của thầy. Nhưng tôi (cũng như nhiều bạn bè của tôi) đã rất nhiều lần nhầm lẫn. Cũng bởi bao nhiêu năm rồi, dáng thầy vẫn như xưa: nhẹ nhàng, điềm tĩnh, vui vẻ và rất hóm hỉnh. Ông vẫn cần mẫn với sách vở, ngày ngày lên lớp, không chỉ cho học viên cao học và nghiên cứu sinh mà còn cho cả các lớp sinh viên nữa. Những lần vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dạy, tôi nhiều hôm bắt gặp thầy đang rảo bước lên giảng đường cho kịp. “Tôi phải lên lớp bây giờ đây. Ông chờ tôi lát nữa giải lao ta gặp nhau nhé” - thế rồi thầy vội đi ngay. Tôi nhìn theo dáng thầy và cố hình dung ra một người thầy mà tôi may mắn được học cách đây gần bốn chục năm.
Đó là đầu năm 1979. Lớp Ngữ K22 (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) của chúng tôi học chuyên đề Ngữ pháp tiếng Việt về phần Từ loại. Lên lớp cho chúng tôi là một giảng viên còn trẻ, hoàn toàn mới lạ mà chúng tôi mới gặp lần đầu. Thầy người tầm thước, da trắng, khuôn mặt thanh tú với cặp kính trắng rất trí thức. Thầy còn đẹp hơn với trang phục mà lúc ấy với “cánh trẻ” chúng tôi đã là rất “mốt”, rất “sành điệu”. Buổi đầu tiên, cả lớp đều rất mê lối giảng của thầy: chững chạc, rõ ràng, khúc chiết… với rất nhiều ví dụ khó từ tiếng Nga (mà quá nửa lớp chúng tôi đang học ngoại ngữ này). Sau đó, chúng tôi mới được biết, đó là thầy Đinh Văn Đức, vừa bảo vệ luận án PTS năm trước ở Liên Xô về.
Thế rồi những năm sau này, do công việc và những quan hệ khác trong cuộc sống, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, gần gũi thầy và đọc những công trình mang tên Đinh Văn Đức. Tôi hiểu thêm nhiều về một người thầy mà tôi luôn kính trọng.
GS. Đinh Văn Đức xuất thân từ một gia đình trí thức bình dân tại Thanh Hóa. Gia đình thầy, đã có bốn đời làm nghề dạy học. Giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, trong thời buổi chiến tranh chống Pháp, cậu bé Đức nhỏ nhắn, thông minh và hiếu động phải theo cha mẹ đi tản cư ở nhiều nơi theo cơ quan, biết được nhiều người, nhiều cảnh ngộ. Cậu làm nhiều người ngạc nhiên vì còn đang còn bé mà đã có vẻ “ông cụ non”, rất hay quan sát, suy tư một mình. Ngay từ hồi cấp 1, cấp 2, cậu đã học rất giỏi với năng khiếu về các môn xã hội và nhân văn. Hồi đó, các trường có phong trào làm báo tường rất rầm rộ “trăm hoa đua nở”. Những bài tản văn “ngẫu hứng” đầu đời của trò Đức sớm được các thầy, các bạn đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Thầy chủ nhiệm lớp cuối cấp đã khuyên cậu nên thi vào một khoa có thiên hướng Ngữ văn, dù cậu rất thích Lịch sử và Địa lý. Thế là năm 1961, Đinh Văn Đức được tuyển vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau kỳ thi “Trường Nam thi lẫn với trường Hà” ở Nam Định. Ngày đó, người ta quen gọi khoa Văn tắt là “Tổng hợp Văn” (cũng như Tổng hợp Toán, Tổng hợp Sử…), một cái tên mang dấu ấn một thời, thể hiện sự tôn vinh một ngành khoa học cơ bản rất cần và rất đáng trân trọng.
Ông là Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1985–1990); Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH & NV (1996-2004).
Nhớ lại chuyện này, GS. Đinh Văn Đức kể lại một chuyện vui. Ông bảo: “Mình vào Trường Tổng hợp nhưng khác với nhiều bạn trong lớp, chưa phải là Đoàn viên. Thời đó vào Đoàn rất khó. Lúc ở phổ thông mình bị coi thuộc thành phần “tiểu tư sản” do ham tìm đọc tác phẩm văn học “ngoài luồng” (của Tự lực văn đoàn với những cái tên Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và của phong trào Thơ mới,…) đang hồi bị lên án. Rồi lại có lần bị coi là lười lao động khi đi tham gia gặt lúa giúp dân, mình có “sáng kiến” chạy về mượn xe đạp thồ lúa chứ không chịu è cái vai mà gánh”. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện thoảng qua thôi. Ngay sau vào đại học mấy tháng, nhờ kết quả học tập và tu dưỡng, chàng thanh niên ưa “lãng mạn” này đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Và nay thầy đã gần bốn mươi tuổi Đảng.
Mơ ước trau dồi tiếng Nga để sau mong có dịp đi sâu nghiên cứu văn học Nga của sinh viên Đinh Văn Đức đã dừng giữa chừng vì sự tình đột xuất khiến anh đã rẽ sang một ngả khác: Ngôn ngữ học. Đó là vào cuối học kỳ 1 năm 1962, thầy Nguyễn Phan Cảnh (mà nhiều người đã biết qua chuyên luận về Ngôn ngữ thơ của ông) đã nhận diện được khả năng của trò và giới thiệu sinh viên Đinh Văn Đức với thầy Nguyễn Tài Cẩn. Thầy Cẩn hỏi han nguyện vọng của anh và hỏi có muốn đi sang Ngôn ngữ học. Lúc đầu thầy chưa mấy mặn mà với anh vì cho là trò chưa quyết tâm (dễ bỏ cuộc). Nhưng rồi Đinh Văn Đức đã bị tài năng và nhân cách của thầy Nguyễn Tài Cẩn thu phục và cảm hóa hoàn toàn để an tâm đi vào địa hạt mới. Thế là, Đinh Văn Đức quyết định “dấn thân” vào một ngành còn rất mới lạ, không chỉ vì “khô, khó, khổ” mà tương lai lúc đó rất khó đoán định, có rất ít người đam mê (Thầy vẫn lẩy câu Kiều: “Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu”).
Được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở ngành Ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó, một môi trường toàn những thầy giỏi, là một vinh dự lớn. Giảng viên trẻ Đinh Văn Đức (cũng như các thầy khác trong Bộ môn, trong Khoa) đều phải chịu đựng nhiều vất vả của thời kì chiến tranh (khi Mỹ ném bom mở rộng ra miền Bắc). Nhận giấy bổ nhiệm cán bộ đúng 4 ngày, thầy đã cùng các đồng nghiệp lên vùng sâu huyện Đại Từ, Bắc Thái để xây dựng một cơ sở thời chiến cho Đại học Tổng hợp giữa núi rừng hoang vu, đầy thiếu thốn. Sống cái cảnh “nhà tranh, vách nứa, ăn núi, ngủ rừng” trong bốn năm nhưng các thầy đã vượt lên tất cả, vừa dạy, vừa tự học, vừa thực hiện một chương trình điều tra điền dã ngôn ngữ dân tộc, lấy tiếng Tày - Nùng làm trọng điểm và kết quả thành công thật mĩ mãn… Thầy Đức cũng trưởng thành lên từ đó nhờ chịu học và chịu khó xông xáo “làm dâu trăm họ”.
Thế là, nhờ “sự kiện” đổi hướng bất ngờ như đã nói, làng Ngôn ngữ học ta đã có thêm một chuyên gia mới, chuyên về Ngữ pháp tiếng Việt. Sau những năm tháng tu nghiệp ở Rostov và Moskva (Liên Xô), thầy được đào tạo chính quy theo hướng Lí luận ngôn ngữ, thầy trở về đi sâu tiếp vào Việt ngữ học. Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại của Đinh Văn Đức trình làng vào năm 1986 đã ghi dấu ấn trong giới Việt ngữ về một quan điểm mới, cách tiếp cận mới cho từ loại tiếng Việt theo hành chức luận. Sau ba mươi năm, chuyên luận này vẫn đậm tính thời sự, sâu sắc càng ngày càng khẳng định giá trị khoa học của công trình. Năm nay, thầy vừa cho xuất bản tậpI& II, khai thác sâu hơn, cập nhật hơn cho những nội dung này.
Nhưng đóng góp khoa học của GS. Đinh Văn Đức không dừng lại ở đó.
Là người nghiên cứu chuyên nghiệp, thầy rất chịu học hỏi mọi nơi, mọi lúc (Thầy nói: Cần học ngay cả ở các học trò mình). Luôn nhạy bén với cái mới, đọc tốt ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp), thầy lại có dịp được thỉnh giảng tại đại học nhiều nước (Pháp, Hàn Quốc, Mĩ, Canada,…), nên đã lĩnh hội, tích lũy được nhiều tư tưởng và phương pháp học thuật của Ngôn ngữ học hiện đại. Thầy đọc nhiều, thực hành nhiều quan sát và nghiệm ra rằng: “Trong một thời gian, sau khi thoát khỏi khung mô tả ngữ pháp tiếng Việt theo lối nhìn châu Âu, các nhà Việt ngữ học tin rằng phải có cách cư xử khác đối với tiếng Việt” (Các bài giảng về Từ pháp học tiếng Việt - Từ loại nhìn từ bình diện chức năng, NXB ĐHQG Hà Nội, 2010, tr. 10). Từ đây, thầy nhìn ra một loạt vấn đề liên quan tới Lý luận ngôn ngữ, Đông phương học ngôn ngữ thể hiện qua các công trình mang tính chuyên khảo ở những địa hạt rất khó: sách Ngôn ngữ học đại cương - Những nội dung quan yếu (NXB ĐHQG Hà Nội, 2012), sách Ngôn ngữ và Tư duy - Một tiếp cận, NXB ĐHQG Hà Nội, 2013… Có tới gần một chục đầu sách chuyên sâu đã xuất bản mà thầy đã đầu tư bao công sức, không một ngày ngơi nghỉ (nhất là từ sau lúc nghỉ hưu, 2009). Những cuốn sách này in đậm nét những tư tưởng học thuật với tầm quan sát rộng và sâu của thầy, đã nói lên một điều, GS. Đinh Văn Đức đã kiên trì, bền bỉ như thế nào trong suốt cuộc đời mình để trở thành một nhà Ngữ học khả kính thuộc thế hệ thứ ba của nước nhà. Những cuốn sách mới đây của thầy trở thành những gợi ý sâu sắc cho một loạt vấn đề lí luận chung và Việt ngữ học, cung cấp những tri thức về cơ sở lí thuyết, phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học cho các thế hệ học trò đang đeo đuổi sự nghiệp này.
Từ một thanh niên ban đầu ham mê văn học và muốn trở thành nhà nghiên cứu văn học, GS. Đinh Văn Đức hôm nay đã trở thành một nhà Việt ngữ học có “thương hiệu”. Nhưng thật là thiếu sót nếu ta không nói về ham mê văn chương của thầy.
GS.TS.NGND Đinh Văn Đức và giây phút thanh thản ở vùng thôn quê
Chuyển sang ngữ học, “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”, thầy vẫn luôn quan tâm đến văn chương, đọc văn chương và nghĩ về ngôn ngữ văn học qua các sách viết về tiếng Việt lịch sử. Tôi biết thầy vẫn chiêm nghiệm cuộc đời bằng cách viết những bài tản văn rất hay về các sự tình đã chứng kiến và về những người sống chung quanh. Tản văn của thầy có một phong cách rất riêng, vô cùng thú vị, rất “Đinh Văn Đức”: nhẩn nha, sâu lắng và trữ tình, rất giàu cảm xúc. Nghe đâu thầy sẽ có một quyển tản văn gần năm chục bài sẽ xuất bản dưới cái tên: “Từ làng tôi đến làng Đại học: Chút kỉ niệm dừng chân”.
Trong tư cách cá nhân, thầy Đinh Văn Đức cũng là một nhân cách đáng trọng.
Chưa tiếp xúc thì như thấy thầy lặng lẽ, nhưng ai tiếp xúc với ông rồi thì đều cảm thấy thầy cởi mở, gần gũi, vui vẻ và rất dễ chịu. Nghiêm túc, chu đáo nhưng không kiểu cách, thầy có lối nói chuyện giản dị, thân mật và đậm chất “uy-mua” hài hước. Trong giảng bài thầy là người có tính sư phạm cao. Các chuyên đề về ngữ pháp, về ngôn ngữ học đại cương, về ngôn ngữ tư duy vốn rất khó tiếp cận, do chỗ trừu tượng, khô khan, khó hiểu, song người nghe thầy Đức giảng đều rất hứng thú bởi thầy luôn có một cách diễn giải “dễ hóa”, bằng một lối nói từ tốn, đơn giản, nhẹ nhàng, “khẩu ngữ hóa” và “văn học hóa” những vấn đề lí luận cao siêu. Thỉnh thoảng thầy lẩy Kiều, vận thơ Đường hay dẫn ca dao, tục ngữ… rất hợp và tạo nên sắc thái riêng, sinh động cho những bài giảng trên lớp. Thầy phát biểu trước công chúng bao giờ cũng rất ngắn, gọn, nhiều thông tin và cảm xúc với một lối diễn đạt giàu cá tính.
Thầy rất yêu quý học trò, thương trò, phê bình học thuật nghiêm nhưng giúp đỡ tận tình, thân tình và luôn khuyến khích họ. Dạy học đã nửa thế kỉ, làm chủ nhiệm các khoa Ngữ gần hai chục năm, học trò các lớp kính nể thầy về tầm hiểu biết, sự uyên bác về kiến thức và cách lập luận, cách nói và viết chặt chẽ (nhưng thầy là người khiêm tốn và không phô trương). Trò cũng kính yêu thầy về tấm lòng bao dung, thích trao đổi học hỏi mọi người:
Bài học một thời thành chứng nhân lịch sử
Giọng nói thân quen chúng em còn gìn giữ
Cứ nhẩn nha như gió thổi bên trời
Thêm muối mặn cho đời, tiếng Việt của ta ơi
Ngoại 70 tuổi đời, nửa thế kỉ tâm huyết với giảng đường đại học, đi đến chân trời góc biển, những tưởng GS. Đinh Văn Đức đã có thể yên lòng “rửa tay gác kiếm”. Nhưng không, thầy vẫn say sưa, cần mẫn như ngày nào, rất hào hoa “lão thực” với phong thái ung dung tự tại. Nhìn cái dáng nhanh nhẹn, giọng nói khỏe khoắn và nụ cười thân thiện, có cảm giác thầy “trẻ mãi” với cái tuổi thất thập của mình.
Có một chút thơ thầy lặng lẽ gieo trong bài ngữ pháp
Mỗi lắng đọng ngôn từ theo cuộc sống sinh sôi
Ngàn trang sách vẫn những lời giản dị
Thầy Đức xứng đáng được coi là “chứng nhân lịch sử” khi đi qua và chứng kiến mọi bước thăng trầm, mọi sự trưởng thành của làng Việt ngữ học. Các thế hệ Ngôn ngữ học nước nhà đều nhắc đến tên thầy - GS. Đinh Văn Đức - với niềm kính trọng, yêu quý và thân thương. Với một người thầy, một nhà khoa học, thì đó chính là “tấm huy chương” xứng đáng nhất.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐINH VĂN ĐỨC
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. + Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1980-1985). Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1985–1990). Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học và Việt ngữ học (1995–1996) (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH & NV (1996-2004). Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học đại cương và ứng dụng (1996–2004). Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương (Trường ĐHKHXH&NV) (2006-2012).
Hỏi và Đáp về Ngữ pháp tiếng Việt hiện đại (đồng tác giả). H., Nxb Giáo dục, Đ, D, 1974. Đối lập Danh–Động trong các ngôn ngữ biến tố và đơn lập. Luận án PTS Ngữ văn, ĐHTH Mátxcơva, 1978. Ngữ pháp tiếng Việt (từ loại). Nxb Đại học và THCN, H., 1986, 2001, 2009. Các bài giảng về Từ pháp học tiếng Việt, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, H., 2001. Một trăm năm ngôn ngữ văn học Việt Nam. In trong bộ sách Một thế kỉ văn học Việt Nam. Phần 8, ĐHQG HN. H., Nxb Giáo dục, 2004. Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỉ XX). Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, H., 2005. Ngôn ngữ học Đại cương: Những nội dung quan yếu, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2012. Ngôn ngữ và Tư duy: Một tiếp cận, NXB ĐHQG HN, 425 trang, 2013. Tiếng Việt Lịch sử trước thế kỷ XX: Những vấn đề quan yếu (Chủ biên), NXB ĐHQG HN, 2015. Ngữ pháp tiếng Việt: Từ Loại I&II, NXB ĐHQG HN, 2015. Ngôn ngữ học Ứng dụng: Một dẫn nhập (đồng tác giả), NXB ĐHQGHN. Từ vựng thuật ngữ kinh tế thương mại Pháp–Việt, Việt–Pháp. Paris, AUPELF-UREF, 1993–1994. Nghiên cứu về sự phát triển tiếng Việt nửa đầu thế kỉ XX. Đề tài đặc biệt QX 97–13., ĐHQG HN, H., 1997–1998. Một số vấn đề về sự phát triển tiếng Việt nửa đầu thế kỉ XX. Đề tài cấp Bộ, mã số QG 97–13., ĐHQG Hà Nội, 1997–1998. Một số vấn đề về sự phát triển tiếng Việt nửa cuối thế kỉ XX. Đề tài cấp Bộ, mã số QG 01–23, ĐHQG Hà Nội, 2001–2003. Ngôn ngữ văn học Việt Nam trên lộ trình hiện đại hoá trong thế kỉ XX. Đề tài cấp Bộ, mã số: QG 04–18, 2004–2005. |
Tác giả: PGS.TS Phạm Văn Tình