Tin tức

Nhà giáo Vũ Cao Đàm - người khai phá những vùng đất mới trong khoa học

Thứ sáu - 25/09/2015 08:53
Qua hơn 40 năm hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, thầy đã để lại cho đồng nghiệp trong nước và nước ngoài những công trình đầy tâm huyết, từ những nghiên cứu lý luận về khoa học và công nghệ đến các bài viết mang ý nghĩa ứng dụng trong thực tiễn quản lý và hoạch định chính sách. Qua những công trình được ghi nhận trong tuyển tập này, có thể nói: Thầy là người đã đặt nền móng và xây dựng ngành Khoa học luận, Công nghệ luận, ngành Chính sách Khoa học và Công nghệ và ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ của nước nhà
Nhà giáo Vũ Cao Đàm - người khai phá những vùng đất mới trong khoa học
Nhà giáo Vũ Cao Đàm - người khai phá những vùng đất mới trong khoa học

Nhà giáo Vũ Cao Đàm sinh năm 1938 tại Thái Bình.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, con đường học vấn của thầy Vũ Cao Đàm cũng đã trải qua những nền giáo dục khác nhau: học tiểu học trong nhà trường của Pháp, học trung học trong các nhà trường của Chính phủ Bảo Đại và kết thúc trung học trong các nhà trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thầy tốt nghiệp một ngành công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1961 và trở thành giảng viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.

Tưởng rằng sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của thầy sẽ được định vị trong lĩnh khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhưng không phải vậy, có những biến cố đã làm nên những bước ngoặt trong cuộc đời sự nghiệp của thầy – người khai phá những vùng đất mới trong khoa học.

Xây dựng ngành Khoa học luận và ngành Quản lý khoa học và công nghệ

Vào những năm đầu thập niên 1970, thầy được đến Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Đến đây sự nghiệp khoa học của thầy đã mở sang trang mới, khi thầy có cơ hội làm việc tại Viện Điều khiển học Kiev và được thọ giáo Giáo sư phó viện trưởng, Viện sỹ G. M. Dobrov – một trong những người đặt nền móng cho ngành Khoa học luận (Theory of Science), tác giả cuốn sách nổi tiếng Khoa học về khoa học – Nhập môn Khoa học luận đại cương. Từ đây, thầy nhận ra những nghịch lý: Chúng ta học rất nhiều loại khoa học, nhưng lại chưa được chính thức học một định nghĩa đơn giản “Khoa học là gì?” Chúng ta học rất nhiều thứ lý thuyết khoa học, nhưng lại không hề được học thứ “Lý thuyết về Lý thuyết khoa học”, càng không được học cách xây dựng một lý thuyết khoa học. Thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Khoa học luận ở Việt Nam để góp phần lý giải những câu hỏi nêu trên.

PGS.TS Vũ Cao Đàm là Viện trưởng sáng lập Viện Quản lý Khoa học và Công nghệ, nay là Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (1978-1992); Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách, nay là Viện Chính sách và Quản lý, Trường ĐHKHXH&NV (2008-2011).

Đầu năm 1976, khi biết Vũ Cao Đàm đi vào lĩnh vực Khoa học luận, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã giao cho thầy nhiệm vụ thành lập một viện nghiên cứu quản lý khoa học và công nghệ, và đến năm 1978, thầy đã trở thành viện trưởng sáng lập Viện Quản lý Khoa học và Công nghệ tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, với tiền thân là một Tổ nghiên cứu chính sách khoa học và kỹ thuật của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Từ năm 1983, thầy Vũ Cao Đàm bắt đầu có những hoạt động kiêm nhiệm đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đầu tiên là hướng dẫn luận văn với các chủ đề liên quan đến cuộc Cách mạng Khoa học và Công nghệ hiện đại tại Khoa Triết học, Khoa Xã hội học – Tâm lý học, và từ giữa thập niên 1990, thầy đã chuyển hẳn về làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Mặc dầu các phương hướng khác nhau về Khoa học luận đã được đưa vào chương trình đào tạo ở nhiều nước trên thế giới, nhưng việc đưa vào Việt Nam luôn là một trở ngại lớn. Thầy Vũ Cao Đàm đã dành những nỗ lực không mệt mỏi để tìm cách gắn nó với các chương trình đào tạo, trước hết là đưa môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học vào chương trình chính khóa. Những cuốn sách về phương pháp nghiên cứu khoa học của thầy ra đời chính vì lẽ đó. Cuốn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (Nxb Khoa học và Kỹ thuật), Giáo trình Phương pháp luận Nghiên cứu Khoa học (Nxb Giáo dục), Nghiên cứu khoa học – Những cơ sở Lý luận và thực tiễn (Nxb Chính trị Quốc gia) là những cố gắng đầu tiên đi theo cách tiếp cận hiện đại và phổ quát trong nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau. May mắn, các cuốn sách này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đồng nghiệp với số lần tái bản đến khó tin: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tái bản 18 lần, Nhà xuất bản Giáo dục tái bản 7 lần và đặc biệt, năm 2015, cuốn sách đã được Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp cho người mù Sao Mai chuyển sang phương tiện nghe để phục vụ người khiếm thị.

Vào năm 1991, thầy Đàm đã cùng với các đồng nghiệp thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ mở đào tạo thạc sỹ ngành Chính sách Khoa học và Công nghệ, và đến năm 1997 Thầy đã cùng với các đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mở đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ. Đến năm 2012 bắt đầu đào tạo Tiến sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ, đồng thời mở đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ.

Xây dựng ngành Chính sách công – tiếp cận từ khoa học chính sách

Tuy hoạch định chính sách là lĩnh vực tưởng như quen thuộc, nhưng xem xét chính sách từ những hướng tiếp cận hiện đại thì lại là lĩnh vực còn rất mới.

Trong tác phẩm Khoa học Chính sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2011, thầy Đàm đã đưa ra những cặp khái niệm mới, như mục tiêu công bố và mục tiêu ngầm định của chính sách, tác động dương tính và tác động âm tính của chính sách, tác động ngoại biên và chuỗi tác động kế tiếp của chính sách, xung đột và bất bình đẳng xã hội do chính sách, paradigm (khung mẫu) và kiến tạo xã hội của chính sách… cùng với những cặp khái niệm này là quy trình/phương pháp phân tích, hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách được tiếp cận dưới các hướng tiếp cận hiện đại của khoa học. Cuốn Khoa học Chính sách là giáo trình của môn học cùng tên thuộc chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học quản lý và một số ngành học khác.

Với sự cộng tác của Viện Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên Bang Đức), thầy Đàm cùng các đồng nghiệp đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho chuyên viên hoạch định và thực thi chính sách tại các địa phương như Bạc Liêu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Thầy và các đồng nghiệp cũng tổ chức các lớp tập huấn về chính sách cho chuyên viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn đề nghị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cung cấp 500 cuốn tài liệu tập huấn chính sách cho các đại biểu Quốc hội.

Năm 1996, thầy Đàm được Giám đốc Đại học Quốc gia bổ nhiệm là Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Quản lý của Đại học Đại cương. Năm 2003, được cử làm Trưởng ban biên soạn chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Quản lý Chất lượng cao. Thầy cũng được Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ định là Trưởng nhóm biên soạn Chương trình đào tạo Cử nhân Chính sách công và đào tạo Thạc sĩ Chính sách công, dự kiến bắt đầu đào tạo từ năm 2016.

Tổng kết triết lý phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam

Đã có nhiều học giả, nhà quản lý bàn về cải cách giáo dục và đào tạo, nhưng thầy Đàm lại đi theo một hướng tiếp cận khác.

Xuất phát từ việc nghiên cứu về triết lý khoa học và công nghệ, thầy nhận ra triết lý giáo dục và triết lý khoa học luôn song hành với nhau, thầy đã dành nhiều thời gian nghiên cứu mối quan hệ đầy hấp dẫn này, để chứng minh cải cách triết lý giáo dục  không thể đạt hiệu quả nếu không gắn với công cuộc đổi mới triết lý phát triển khoa học.

Bắt đầu từ tác phẩm Suy nghĩ về Khoa học và Giáo dục trong xã hội đương đại Việt Nam do Nxb Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007 và cuốn Nghịch lý của Khoa học và Giáo dục trong xã hội đương đại Việt Nam do Nxb Thế giới xuất bản năm 2009, Thầy đã bàn đến mối quan hệ giữa khoa học và giáo dục.

Từ cách tiếp cận này Vũ Cao Đàm đã phát triển thành một hệ thống triết lý được phân tích trong cuốn Nghịch lý và lối thoát: Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2014, trong đó đã nêu luận điểm cho rằng “Khoa học và Giáo dục là hai chị em song sinh. Khoa học được sinh ra là để tạo ra kho tàng tri thức cho nhân loại; còn Giáo dục được sinh ra là để mang những tri thức đó trả về cho nhân loại. Không có Khoa học thì Giáo dục không có gì để mà giảng dạy; ngược lại không có Giáo dục thì Khoa học không được ai biết đến để mà áp dụng”.

Cuốn sách đã được GS.TS Trần Hồng Quân, Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo viết lời giới thiệu. Ông nhận xét, Vũ Cao Đàm đã: “...phát hiện  ra nhiều điều dị thường, nhiều nghịch lý mà nếu còn đắm chìm trong dòng tư duy cũ sẽ thấy đó chỉ là bình thường, là thuận lý, là hiển nhiên”. Ông cho rằng, “Những ý kiến của anh (Vũ Cao Đàm) cũng không phải quá xa lạ. Ta cũng đã từng gặp ở nơi này nơi khác, từ người này người khác lác đác có những ý kiến tương tự, nhưng chưa thấy ở đâu mang tính hệ thống,  thẳng thắn và triệt để như trong tác phẩm này”.

Triết lý về mối quan hệ giữa khoa học và giáo dục đã được Vũ Cao Đàm mô tả khái quát thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Giáo dục đi sau khoa học, truyền thụ cho người học những gì khoa học đã sáng tạo ra trước đó; Giai đoạn 2: Giáo dục tiến lên đi song hành với khoa học, truyền thụ cho người học những kiến thức thường xuyên được cập nhật của khoa học đương thời; Giai đoạn 3: Giáo dục vượt lên trước khoa học, truyền thụ cho người học các phương pháp sáng tạo khoa học, có năng lực nhìn trước và biết lựa chọn các quyết định thích ứng với mọi tình thế luôn biến đổi của xã hội tương lai.

Từ luận điểm đó, thầy Vũ Cao Đàm xác định lộ trình cải cách giáo dục là phải hướng tới Giai đoạn 3 trong quan hệ giữa khoa học và giáo dục.

Cựu bộ trưởng Trần Hồng Quân đã nhận định: “… quyển sách này sẽ được tiếp nhận với nhiều thái độ rất khác nhau, thậm chí là quyết liệt dù đồng tình hay phản đối. Khá nhiều vấn đề đặt ra ở đây đáng được tiếp tục nghiên cứu”.

*

Vào năm 2008, khi chuẩn bị xuất bản Tuyển tập các công trình đã công bố vào dịp thầy Đàm tròn 70 tuổi, chúng tôi đã viết: Qua hơn 40 năm hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, thầy đã để lại cho đồng nghiệp trong nước và nước ngoài những công trình đầy tâm huyết, từ những nghiên cứu lý luận về khoa học và công nghệ đến các bài viết mang ý nghĩa ứng dụng trong thực tiễn quản lý và hoạch định chính sách. Qua những công trình được ghi nhận trong tuyển tập này, có thể nói: Thầy là người đã đặt nền móng và xây dựng ngành Khoa học luận, Công nghệ luận, ngành Chính sách Khoa học và Công nghệ và ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ của nước nhà”. Đến hôm nay, chúng tôi viết tiếp: Nhà giáo Vũ Cao Đàm là người đã khai phá thêm những vùng đất mới trong khoa học, đó là khoa học chính sách, triết lý phát triển khoa học và giáo dục.

Đến nay, trong hành trang của suốt cuộc đời lao động, thầy Đàm đã để cho đồng nghiệp trên 200 bài báo, 17 đầu sách, 12 chuyên khảo và bài giảng. Thầy đã chủ trì thực hiện 9 chương trình/đề tài khoa học các cấp (trong đó có 5 chương trình/đề tài cấp Nhà nước), 9 công trình công bố bằng tiếng Anh, là giám đốc/điều phối viên của 12 dự án hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ với nước ngoài, chủ trì 5 dự án biên soạn văn bản chiến lược, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ. Thầy đã làm cố vấn về chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ của Chính phủ Ethiopia (1984) và Chính phủ Lào (1986).

Nhìn lại những đóng góp của thầy, chúng ta nhận ra một giá trị xuyên suốt, là tâm huyết luôn nóng bỏng trong những công trình đã và chưa công bố của thầy để lại cho đồng nghiệp. Thầy đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành danh trong làng khoa học và giáo dục, nhưng nổi lên trên hết, thầy đã gieo vào lòng họ tình yêu vô bờ bến với sự nghiệp khoa học và giáo dục.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VŨ CAO ĐÀM

  • Năm sinh: 1938.
  • Quê quán: Thái Bình.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Khai thác mỏ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1961.
  • Nhận bằng tiến sỹ chuyên ngành Khai thác hầm lò tại Trường Đại học Mỏ Moskva, Liên Xô năm 1974.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1997.
  • Thời gian công tác tại trường: 1995 đến nay.

+ Đơn vị công tác:

Bộ môn Khoa học Quản lý, Trường Đại học Đại cương, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995-1996).

Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1997-2008).

Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2008-2011).

+ Chức vụ quản lý:

Viện trưởng sáng lập Viện Quản lý Khoa học và Công nghệ, nay là Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (1978-1992).

Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Quản lý, Trường Đại học Đại cương, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995-1996).

Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Khoa học và Công nghệ, Khoa Khoa học Quản lý (1997-2008).

Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách, nay là Viện Chính sách và Quản lý (2008-2011).

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý (từ 2011 đến nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Khoa học Chính sách, bao gồm Chính sách công và Chính sách KH&CN; Khoa học quản lý, bao gồm Quản lý công và Quản lý KH&CN; Khoa học luận (Theory of Science and Technology/Science and Technology Studies); Một số hướng nghiên cứu Xã hội học chuyên biệt, như Xã hội học Khoa học và Công nghệ, Xã hội học Tri thức, Xã hội học Môi trường, Xã hội rủi ro.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, xuất bản lần thứ nhất năm 1996, tái bản lần thứ 18 năm 2014;

Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, xuất bản lần thứ nhất năm 2007, tái bản lần thứ 7 năm 2015;

Nghiên cứu Khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008.

Đánh giá nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, xuất bản lần thứ nhất năm 2005, xuất bản lần thứ 3 năm 2012;

Khoa học Chính sách, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011;

Nghịch lý của Khoa học và Giáo dục trong xã hội đương đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2009;

Nghịch lý và lối thoát: Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2014.

Một số vấn đề Quản lý Khoa học và Công nghệ của nước ta, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2012.

Bàn về Chiến lược con người, đồng tác giả với Trần Quốc Vượng và Hoàng Đức Nhuận, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1988

Technology Transfer to Vietnam, đồng tác giả với Claes Brundenius và Bo Göransson, University of Lund, Thụy Điển, 1987,

Việt Nam in a changing world, đồng chủ biên với Irene Nørlund và Carolyne Gate, Edition Routledge, Vương Quốc Anh, 1992.

The Role of Top Level Research Institutions in Vietnamese Policy Making, A Study for Swedish International Development Authority, đồng tác giả với Nguyễn Thanh Hà, 1992.

Tác giả: PGS.TS Trần Văn Hải, TS. Đào Thanh Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây