Hội thảo về EFEO là dấu ấn trong hợp tác khoa học Việt-Pháp

Thứ năm - 11/12/2014 00:06
Ngày 6/12/2014, Hội thảo “Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp với các ngành KHXH&NV Việt Nam” đã bế mạc, sau hai ngày làm việc tại 6 tiểu ban, với 31 tham luận được trình bày.
Hội thảo về EFEO là dấu ấn trong hợp tác khoa học Việt-Pháp
Hội thảo về EFEO là dấu ấn trong hợp tác khoa học Việt-Pháp

Phiên bế mạc do GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), GS. Yves Goudineau (Giám đốc EFEO Paris), GS. Léon Vandermeersch (nguyên giám đốc EFEO), PGS. TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chủ trì.

Tại phiên bế mạc, những ý kiến tổng kết nữa một lần nữa khẳng định lại vai trò của EFEO với sự phát triển của KHXH&NV Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự thành công của Hội thảo như một trong những biểu hiện hợp tác hiệu quả giữa EFEO và Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) nói riêng, giữa các nhà khoa học Việt - Pháp nói chung.

GS. León Vandermeersch (nguyên giám đốc EFEO) (ngoài cùng bên phải)/Ảnh: Thành Long

GS. Léon Vandermeersch (nguyên giám đốc EFEO) bày tỏ cảm xúc: “Đối với tôi, Hội thảo này là một dấu ấn đặc biệt. EFEO sẽ không làm được gì nếu không có sự hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học Việt Nam. Hội thảo này đã làm rõ được một khía cạnh quan trọng là những đóng góp của các nhà nghiên cứu ở cả phía Pháp và Việt Nam tại EFEO”. Nhà khoa học kỳ cựu về nghiên cứu Việt Nam cũng nhấn mạnh đến những mối quan hệ cá nhân mật thiết giữa các nhà khoa học Pháp và Việt Nam, bên cạnh sự hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu hai nước. Tình bạn thân thiết này chính là một cầu nối quan trọng trong hoạt động trao đổi học thuật giữa hai bên. Ông cũng bày tỏ niềm vui nếu được tiếp tục tham gia các hoạt động khoa học hợp tác giữa EFEO và Trường ĐHKHXH&NV.

GS. Yves Goudineau (Giám đốc EFEO Paris) trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo đài bên lề Hội thảo/Ảnh: Thành Long

GS. Yves Goudineau thì nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của Hội thảo này, coi đây là dịp tổng kết lại hoạt động và thành tựu của EFEO tại Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới đầy triển vọng giữa các nhà khoa học Pháp và Việt Nam.

Trong bài phát biểu khá dài tại Hội thảo, GS. Phan Huy Lê dành phần lớn thời gian để nói về những cảm nhận và trải nghiệm của riêng ông với EFEO ở Hà Nội và Paris. Năm 1954, GS. Phan Huy Lê là giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐHTH Hà Nội, từ vùng kháng chiến trở về Hà Nội sau khi thủ đô được giải phóng. Trong bối cảnh các trường ĐH ở Hà Nội khi ấy không có thư viện thì lần đầu tiên được vào thư viện EFEO tại đường Lý Thường Kiệt đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng đến từ sự khang trang của khuôn viên thư viện, tới nhiều đầu sách phong phú và thái độ phục vụ thân thiện của nhân viên. Sau này, khi đi sâu nghiên cứu về cổ Sử, GS. Phan Huy Lê được tiếp xúc chủ yếu với tư liệu Hán Nôm mà một bộ phận quan trọng của nguồn tư liệu này là do EFEO thu thập và bàn giao cho phía Việt Nam vào năm 1957. Nguồn tư liệu gồm 8.368 đầu sách và trên hai vạn bản văn bia. “Về phương diện này, cá nhân tôi, giới Sử học Việt Nam và cả nhân dân Việt Nam phải hết sức cảm ơn EFEO vì đã bỏ công thu thập và bảo quản cho Việt Nam một bộ phận quý giá của di sản Hán Nôm Việt Nam. Nếu không có sự giúp đỡ này của EFEO thì di sản Hán Nôm của Việt Nam bị tổn thất biết bao nhiêu, trong số đó có những cuốn sách và văn bia quý vĩnh viễn đã không còn” - GS. Lê nói.

GS. Phan Huy Lê (bên phải) và GS.TSKH Vũ Minh Giang (Khoa Lịch sử) tại Hội thảo/Ảnh: Thành Long

Bên cạnh đó, EFEO cũng có công rất lớn trong bảo tồn di sản văn hoá vật thể cho Việt Nam thông qua việc trùng tu và lập hồ sơ các di tích trên cả nước, đặc biệt là thu thập các cổ vật và xây dựng ba bảo tàng đầu tiên của Việt Nam gồm: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Từ năm 1900-1957, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, bằng các hoạt động nghiên cứu của mình, EFEO đã có những tác phẩm, công trình nghiên cứu góp phần thúc đẩy sự hiện đại hoá các ngành KHXH&NV của Việt Nam. EFEO giữ vai trò rất quan trọng, thậm chí là quyết định trong việc tạo ra bước chuyển biến từ nền học thuật cổ truyền sang nền học thuật hiện đại, với hệ thống quan điểm và phương pháp luận rất mới, không chỉ ở ngành Sử học mà còn ở nhiều ngành khoa học mới sau này Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Bảo tàng học, Văn bản học. Cũng từ đó, nghiên cứu Sử học được thực hiện với một nền tảng khoa học hoàn toàn mới, trong mối quan hệ mật thiết với các ngành khoa học trên, với cách tiếp cận có khi chuyên ngành, đa ngành, có khi liên ngành. Đây là bước tiến rất lớn và là sự chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của các ngành KHXH&NV của nước Việt Nam độc lập sau năm 1945.

Từ 1993, Trung tâm EFEO được tái lập tại Việt Nam. Quan hệ hai bên đã được thiết lập trở lại trong nền tảng mới của hai quốc gia. Những kết quả nghiên cứu mới trên phương diện hợp tác giữa EFEO và các học giả Việt Nam tiếp tục được công bố, trên cả phương diện xuất bản ấn phẩm cũng như đào tạo cán bộ. Đặc biệt, những công trình công bố tư liệu có tính chất hệ thống của EFEO trong thời gian qua rất có giá trị. Trong đó, nổi bật lên là “Tổng tập Văn khắc Hán Nôm”, “Đồng thái Dư địa chí” (tiếng Pháp và Việt), “Kỹ thuật An Nam”, các thư mục của lưu trữ, công bố văn khắc ở Sapa…

Hơn một thế kỷ đã qua, EFEO với những hoạt động của mình, với những nhà khoa học tên tuổi và những công trình khoa học cụ thể, đã góp phần rất lớn trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá Việt Nam” - GS. Phan Huy Lê một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của EFEO trong sự phát triển của KHXH&NV Việt Nam trong bài phát biểu của mình.

GS. Vũ Dương Ninh, PGS. Lê Mậu Hãn và PGS.TS Phạm Quang Minh (từ trái qua phải) tại Hội thảo/Ảnh: Thành Long

Đại diện cho lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Phạm Quang Minh điểm lại các hoạt động khoa học mà Trường hợp tác với các đối tác Pháp thực hiện trong năm hữu nghị Pháp - Việt 2013-2014. Đây là hội thảo thứ tư trong năm nay mà Trường ĐHKHXH&NV tổ chức và tham gia với các nhà khoa học Pháp. PGS. Minh khẳng định: sự thành công của Hội thảo sẽ là bước quan trọng để đẩy mạnh thêm hoạt động hợp tác giữa hai bên trong tương lai.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây