GS. Phan Huy Lê: "Hoan nghênh những cống hiến của EFEO đối với Việt Nam"

Thứ sáu - 05/12/2014 05:46
Lời tựa cuốn sách “Lịch sử một thế kỷ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam” (Nhà xuất bản Tri thức, xuất bản tháng 11/2014) của GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).
GS. Phan Huy Lê:
GS. Phan Huy Lê: "Hoan nghênh những cống hiến của EFEO đối với Việt Nam"

Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam từ năm 1956 tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) sau khi tốt nghiệp Ban Sử - Địa Trường Đại học Sư phạm. Từ vùng kháng chiến trở về thủ đô Hà Nội năm 1954, tôi và các bạn cùng lớp phấn khởi được vào đọc sách ở Thư viện Đại học vốn là Thư viện Đại học Đông Dương tại 19 Lê Thánh Tông và Thư viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại 26 Lý Thường Kiệt. Trong kháng chiến các trường đại học không có thư viện, chỉ có một ít sách riêng của các thày truyền tay nhau đọc. Vì vậy đọc sách giữa một thư viện khang trang, đầy các loại sách liên quan đến chuyên môn, chúng tôi vô cùng vui mừng, sung sướng. Tôi còn giữ làm kỷ niệm thẻ đọc sách của Thư viện EFEO do Giám đốc Maurice Durand ký. Đó là tiếp xúc đầu tiên của tôi với EFEO.

GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Đi vào nghiên cứu cổ sử Việt Nam, nguồn tư liệu chủ yếu mà tôi tiếp cận là các loại sách Hán Nôm tập trung tại Ban Hán nôm, từ năm 1979 chuyển thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đây chính là Phông Hán Nôm do EFEO chuyển giao cho Việt Nam từ năm 1957. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Phông này mang ký hiệu bắt đầu chữ A gồm: 8.368 đầu sách cùng 20.979 thác bản văn bia. Về phương diện này tôi và giới sử học Việt Nam rất cảm ơn EFEO đã dày công thu thập và bảo quản một bộ phận quan trọng di sản Hàn Nôm của Việt Nam. Sau năm 1945, do chiến tranh, do thời tiết và do cả sự hủy hoại vô thức của con người, di sản Hán Nôm tàng trữ trong thư viện của triều đình Huế, trong tư gia và trong cộng đồng làng xã bị thất tán và mất mát rất nghiêm trọng. Cả Thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục ở Thịnh Mỹ (Diễn Châu, Nghệ An) với sự cố gắng rất lớn của trường dự bị Đại học Thanh Hóa năm 1952 cũng chỉ cứu vãn được mấy trăm cuốn trong số hàng ngàn sách Hán Nôm. Trong nông thôn đồng bằng sông Hồng, trước đây thôn làng nào cũng có Chưởng bạ lo giữ gìn các sách về địa bạ, đinh bạ, sổ sách thuế khóa, nhưng sau chiến tranh bị mất gần hết, có chăng chỉ còn lưu giữ lại một ít trong gia đình hậu duệ của các chức sắc xưa. Tôi nghĩ rằng nếu không có công việc thu thập của EFEO thì di sản Hán Nôm của Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề đến như thế nào và có những tư liệu vĩnh viễn bị xóa bỏ. Nhiều công trình nghiên cứu của tôi và các nhà sử học Việt Nam đều dựa trên cơ sở tư liệu Hán Nôm này, bao gồm cả các bộ sử, các loại sách và tư liệu như địa bạ, địa chí, gia phả, thần tích, văn bia… Dĩ nhiên ngày nay trên cơ sở Fonds sách của EFEO, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các cơ quan khoa học khác đã thu thập bổ sung thêm một khối lượng mới vào kho tàng này.

Cùng với việc bảo tồn di sản Hán Nôm, EFEO còn có công lớn trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể với việc lập hồ sơ nhiều di tích lịch sử văn hóa trên cả nước, lần đầu tiên xếp hạng và trùng tu một số di tích có giá trị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, xây dựng những bảo tàng đầu tiên của Việt Nam. Đó là Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm), bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn (nay là Bảo tàng lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh). Trong những bảo tàng đó, ngoài các hiện vật trưng bày còn có những kho di vật quý của văn hóa Việt Nam và nhiều nền văn hóa của các nước Đông Dương và Viễn Đông.

Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 1900 đến 1959, EFEO qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và các tạp chí, ấn phẩm của nhiều nhà Đông phương học nổi tiếng như Léonard Arousseau (1888-1929), George Coedes (1886-1969), Henri Maspéro (1883-1945), Paul Pelliot (1878-1945),… đã góp phần tạo ra và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền khoa học xã hội Việt Nam. Công việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử Việt Nam trước đây để lại một di sản rất đồ sộ trên quan điểm và các thể loại truyền thống của văn minh Đông Á. EFEO đã giữ vai trò quan trọng tạo nên bươc chuyển biến từ nền học thuật cổ truyền đó sang nền khoa học hiện đại dựa trên một hệ thống quan điểm và phương pháp luận mới. Cùng với sử học, các ngành khoa học mới ra đời như khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, bảo tàng học, văn bản học…Nghiên cứu sử học được thực hiện trên một nền tảng khoa học quan hệ mật thiết với những ngành khoa học đó, với tiếp cận vừa chuyên ngành, vừa đa ngành, liên ngành. Mở mang con đường nghiên cứu hiện đại này ngoài các học giả Pháp còn có một số học giả Việt Nam trong EFEO như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973)…Và một số sử gia ngoài EFEO cũng vận dụng phương pháp luận hiện đại trong nghiên cứu sử học mà người đi đầu là Hoàng Xuân Hán (1908-1996), Đào Duy Anh (1904-1988)… Đó là một bước tiến rất lớn và là sự chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của nền văn học xã hội của nước Việt Nam độc lập sau năm 1945.

Tôi và thế hệ tôi đi vào Sử học đều trên cơ sở những chuyển biến và những thành tựu này trên con đường xây dựng nền Sử học hiện đại Việt Nam. Nước Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, gồm 54 tộc người thuộc 4 ngữ hệ, trong đó người Việt chiếm gần 87% dân số. Trong số các tộc người thiểu số, có 3 tộc người có chữ viết riêng là người Thái, Chăm, Khmet (người Tày, Dao dùng chữ Hán ghi âm tiếng dân tộc như chữ Nôm của người Việt), và 2 tộc người đã từng có nhà nước. Trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từ thời cổ đại bên cạnh vương quốc Văn Lang-Âu Lạc còn tồn tại vương quốc Phù Nam ở miền Nam và vương quốc Chămpa ở miền Trung. Trước đây lịch sử Việt Nam được nghiên cứu và biên soạn lịch sử của người Việt, từ đó lịch sử miền Trung, miền Nam cũng chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá vùng đất này, chủ yếu từ thế kỷ XVI, XVII. Như thế là đã gạt bỏ lịch sử miền Trung, miền Nam trước khi người Việt vào khai phá ra khỏi lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng gạt bỏ di sản văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ra khỏi văn hóa Việt Nam. Một nhận thức mới được xác lập coi lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả lớp cư dân, các tộc người, các vương quốc đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Trong nhận thức mới đó, khi đi vào lịch sử Phù Nam, Chămpa cùng với di sản văn hóa phong phú của họ, chúng tôi tiếp nhận được những khai phá đầu tiên của các học giả EFEO từ nghiên cứu văn bia, các nguồn sử liệu chữ viết liên quan trong các bộ sử Trung Quốc cho đến các kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học về văn hóa Óc Eo, văn hóa Sa Huỳnh và các di tích đền tháp nằm rải trên dải đất miền Trung. Một lần nữa chúng tôi lại bắt gặp những thành tựu nghiên cứu của EFEO làm cơ sở để các nhà khảo cổ học và cổ sử Việt Nam phát triển với nhiều kết quả mới.

Sau một thời gian gián đoạn, trong những năm 1959 đến năm 1992, từ năm 1993 EFEO trở lại Việt Nam với sự thành lập trung tâm EFEO tại Hà Nội. Quan hệ hợp tác giữa hai bên được thiết lập trên nền tảng mới của hai quốc gia độc lập. Tôi rất vui mừng trước những kết quả hoạt động của Trung tâm, những thành công trong các dự án nghiên cứu của Trung tâm hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học Việt Nam. Tôi đặc biệt đánh giá cao những công trình công bố hệ thống tư liệu quỹ như Tổng tập thác bản văn khác Hán Nôm/Corpus des inscriptions anciennes du Vietnam gồm 24 tập, Đồng Khánh địa dư chí/Géographie descriptive de l’Empereur Đồng Khánh, 3 tập, Kỹ thuật của người An Nam/Technique du people Annamite của Henri Auger gồm 3 tập.

Hơn một nửa thế kỷ, qua hai thời kỳ hoạt động tại Việt Nam mà còn trụ sở đặt tại Hà Nội, EFEO với những tên tuổi tác giả và những công trình khoa học cụ thể đã góp phần to lớn trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Cũng trong thời gian đó, EFEO có đóng góp quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền sử học và khoa học xã hội Việt Nam nói chung. Là một nhà sử học có nhiều dịp tiếp xúc với EFEO tại Hà Nội và Paris, tôi hoan nghênh những cống hiến của EFEO đối với Việt Nam, chúc mừng GS Yves Goudineau, Giám đốc của EFEO, và GS Léon Vendermersch, Giám đốc EFEO những năm 1989-1993, người có công lớn trong việc lập lại Trung tâm EFEO tại Việt Nam.

* Tít bài do Ban Biên tập ussh.edu.vn đặt.

Tác giả: GS. Phan Huy Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây