Ngôn ngữ
GS. James Bellini (ĐH Syracuse, Hoa Kỳ)
GS. James Bellini là nhà khoa học của Trường Giáo dục (ĐH Syracuse, Hoa Kỳ). Ông nghiên cứu chuyên sâu về các khía cạnh tâm lý xã hội, văn hoá của người tàn tật, hiệu quả của việc phục hồi và các phương pháp nghiên cứu định tính trong nghiên cứu người khuyết tật. Kể từ năm 1995, ông đã công bố 41 bài báo khoa học trên nhiều tạp chí khoa học và tham gia viết sách. Ông là Chủ tịch Uỷ ban nghiên cứu của Trường Giáo dục (ĐH Syracuse, Hoa Kỳ) trong 12 năm, là thành viên ban biên tập của 3 tạp chí khoa học chuyên nghiên cứu, hỗ trợ người khuyết tật. Trong vai trò biên tập, ông đã biên tập 150 bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Quang cảnh buổi thuyết trình
GS. James Bellini đã đem đến những thông tin hướng dẫn cơ bản để giúp những người nghiên cứu trẻ hình dung được các bước cần chuẩn bị để có một nghiên cứu tốt, đảm bảo các tiêu chí xuất bản của các tạp chí khoa học quốc tế.
GS. James Bellini khuyên người làm nghiên cứu cần phải đọc, cập nhật nhiều thông tin khoa học trong chuyên ngành của mình, để từ đó xác định lĩnh vực, vấn đề khoa học mà mình quan tâm. Điều quan trọng là tìm ra những “khoảng trống” trong nghiên cứu - những vấn đề mà người khác chưa nghiên cứu để “lấp đầy” bằng nghiên cứu của mình. Làm nhật ký nghiên cứu cũng là thao tác bắt buộc, qua đó giúp hệ thống hoá những thông tin mình “góp nhặt” được, cũng như đánh dấu chặng đường tư duy, tìm tòi của bản thân về vấn đề mà mình đang theo đuổi.
Trong bài báo khoa học, cần trình bày rõ ràng câu hỏi nghiên cứu, nêu bật được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, những đóng góp của nghiên cứu này đối với lĩnh vực nghiên cứu chung. Bài nghiên cứu thường có cấu trúc như một “chiếc đồng hồ cát”. Phần mở đầu gợi mở vấn đề, sau đó thu hẹp dần để đi sâu vào phương pháp và trình bày các kết quả nghiên cứu chính của mình. Phần kết luận lại mở rộng phạm vi với việc khẳng định lại các kết quả nghiên cứu chính, nêu bật tính liên quan của kết quả nghiên cứu này với các nghiên cứu đã có. Bài báo cũng cần làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa kết quả nghiên cứu của bản thân với các kết quả nghiên cứu đã có.
Nhà khoa học cũng chia sẻ sâu về những điểm cần chú ý để xuất bản thành công nghiên cứu của mình trên tạp chí khoa học quốc tế như: phải hiểu độc giả của tạp chí đó là ai; cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của nhà xuất bản; luôn xem xét và cân nhắc danh tiếng của tạp chí khoa học mình muốn đăng bài; coi trọng việc sử dụng trích dẫn những nguồn nghiên cứu quốc tế trong bài nghiên cứu của mình; trình bày bài báo với văn phong khoa học; nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia để đảm bảo bài báo của bạn được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh khoa học và chuẩn xác…
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn