Ngôn ngữ
PGS.TS Phạm Quang Minh. (Ảnh: Thành Long/USSH)
PV: Thưa PGS. TS Phạm Quang Minh, được biết trong những năm qua Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Với tư cách là Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, PGS có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học năm 2013 của Trường là gì?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Nghiên cứu khoa học là một trong hai lĩnh vực quan trọng nhất trong số các nhiệm vụ của bất kì trường đại học nào. Hiện nay tất cả trường đại học trên thế giới đều phấn đấu tập trung xây dựng nguồn lực của mình để trở thành đại học nghiên cứu. Trong những năm qua và hiện tại Trường ĐHKHXH&N đã, đang phát huy được thế mạnh của một trường đại học nghiên cứu cơ bản, phát huy được năng lực tổng hợp của tất cả cán bộ giảng dạy, NCS, Học viên cao học và sinh viên. Kết quả đó có thể tóm lược trong 3 con số: số đề tài NCKH, số hội thảo và số xuất bản phẩm. Trong năm 2013, Trường có tổng cộng 85 đề tài NCKH các loại, trong đó có đến 12 đề tài cấp Nhà nước, còn lại là các đề tài nhóm A, nhóm B của ĐHQG, đề tài của Sở KHCN thành phố, của Quỹ Nafosted... Cũng trong năm 2013, Trường đã tổ chức thành công 38 hội thảo, tọa đàm các cấp, trong đó có 23 hội thảo quốc tế. Nhiều hội thảo gây được tiếng vang lớn, được đánh giá cao như: “Hiệp định Paris - 40 năm nhìn lại” phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Pháp; “Việt Nam trong lịch sử thế giới” phối hợp với Hội Sử học Thế giới và Đại học Hawaii Pacific (Hoa Kỳ); “Lựa chọn lý luận Cánh Tả trong thế giới biến đổi” phối hợp với Viện Rosa Luxemburg (Đức); “Truyền thông xã hội, truyền thông cổ điển và dư luận xã hội” phối hợp với Viện Konrad Adenauer (Đức)….Trên cơ sở đó, tong năm 2013, cán bộ của Trường đã công bố tổng cộng 642 bài báo trong nước và quốc tế, 37 sách giáo trình, chuyên khảo, tham khảo, tra cứu. Tiêu biểu nhất là số bài báo công bố quốc tế trong 4 năm từ 2010 – 20013 tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, nếu như trong năm học 2009 – 2010 mới chỉ có 7 bài báo của cán bộ Nhà trường được đăng ở nước ngoài, thì năm học 2010 – 2011 đã có 11 bài; năm học 2011 -2012 có 18 bài và năm học 2012 – 2013 tăng lên là 21 bài. Đặc biệt, trong số 21 bài công bố quốc tế trong năm học 2012 - 2013, có 6 bài được đăng trên tạp chí thuộc danh mục các ISI, là những tạp chí có chỉ số trích dẫn và ảnh hưởng khoa học quốc tế cao.
Ngoài ra, Nhà trường tiếp tục xây dựng, duy trì phát triển 28 nhóm nghiên cứu mạnh. 30% sinh viên thường xuyên nghiên cứu khoa học và đạt nhiều giải của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2013 đã có 831 báo cáo nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Như vậy nhìn tổng thể có thể thấy rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường trong năm qua tương đối phong phú, đa dạng và đang ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.
PV: Năm qua Trường cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình hợp tác quốc tế. Xin PGS cho biết một vài dấu ấn quan trọng trên lĩnh vực hợp tác quốc tế của Trường trong năm 2013?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Có thể nói cùng với uy tín và năng lực hợp tác quốc tế trong những năm qua, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức thành công nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các Trường đại học và Viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Tính đến cuối năm 2013, Trường Đại học KHXH& NV đã ký kết được 180 văn bản ghi nhớ, hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có nhiều trường đại học có uy tín và xếp hạng cao như Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Đại học Humboldt (Đức), Đại học California (Mỹ), Đại học Mahidol (Thái Lan)… Đặc biệt trong năm 2013, Trường đã ký văn bản hợp tác với Viện Liên kết Toàn cầu (Institute for Global Engagement) của Hoa Kỳ, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về tôn giáo và đã tổ chức một cuộc hội thảo ngay tại Washington D.C về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với Viện Liên kết Toàn cầu, Trường đã tổ chức hai khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, nhà nước pháp quyền và tôn giáo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm học viên.
Trong năm 2013, bằng các hình thức khác nhau, các đối tác nước ngoài đã hỗ trợ 2 tỷ 837 triệu đồng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, chiếm 17, 58% tổng kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học. Mỗi năm, trung bình Trường cử khoảng 100 lượt cán bộ và sinh viên đi nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở nước ngoài và cũng đón khoảng 100 lượt cán bộ và sinh viên nước ngoài đến công tác và học tập. Đặc biệt, năm qua Trường có vinh dự được đón Thủ tướng Đông Timor và Thủ tướng Trung Quốc đến thăm và đối thoại với cán bộ và sinh viên.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế vẫn bộc lộ một số hạn chế. Đó là Nhà trường vẫn chưa có nhiều các dự án nghiên cứu phối hợp, thực hiện chung với các đối tác, học giả nước ngoài. Trường cũng chưa khai thác một cách hiệu quả tất cả các văn bản hợp tác đã ký kết. Nguồn lực tài chính, rào cản ngôn ngữ và tâm lý của thời bao cấp là những nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong hợp tác quốc tế của Trường.
PV: Năm 2014 các hoạt động hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới dự báo sẽ sôi động, PGS nhận định như thế nào về triển vọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế của Trường?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Xu thế gia tăng hợp tác quốc tế của Việt Nam với thế giới và các nước là điều chắc chắn bởi vì theo dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khu vực đồng EURO đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hợp tác quốc tế của Việt Nam chắc chắn sẽ rất sôi động và hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Việt Nam và các đối tác cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình quốc tế hóa giáo dục thông qua tăng cường trao đổi giáo viên sinh viên, tài liệu, sách giáo khoa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và sẽ có nhiều hơn các chương trình đào tạo liên kết như 2+2, 3+1 hoặc đào tạo từ xa, qua mạng, hoặc các chương trình ngắn hạn.
Đối với Trường Đại học KHXH&NV, năm 2014 cũng hứa hẹn một năm thành công với nhiều hợp tác quốc tế quan trọng. Ngay trong những ngày đầu năm (từ ngày 9-10/1/2014), Trường ĐHKHXH&NV đã có sáng kiến cùng với Học viện Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc), thành lập Hiệp hội các trường đại học lưu vực Sông Hồng nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác khoa học giữa các trường đại học lưu vực sông Hồng nằm trên địa phận của tỉnh Vân Nam và miền Bắc Việt Nam vì sự phát triển bền vững của cộng đồng. Tiếp theo đó, tại Paris từ ngày 16-18/1/2014, Trường đã phối hợp với Đại học Sorbon, Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Pháp đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Pháp, Liên minh châu Âu và Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay” trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp. Ngày 22/1/2014, Trường đã phối hợp với Đại học George Washington tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Các quan điểm về năng lượng nguyên tử ở châu Á”.
Trong năm 2014, Trường cũng dự định tổ chức khoảng 20 cuộc hội thảo quốc tế về các chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật là các hội thảo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Viện RLS, Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với Viện FES (Đức) và SIPRI (Thụy Điển), “Điện Biên Phủ - 60 năm nhìn lại từ góc độ quan hệ quốc tế”, “Vai trò của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) đối với sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam”…với Đại học Sorbon và Đại sứ quán Pháp…
PV: Để những dự định trên được triển khai và đạt kết quả tốt Trường đã đề ra những giải pháp gì thưa PGS?
Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của ĐHQGHN, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành hữu quan, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKHXH&NV đã có nhiều chuyển biến quan trọng cả về công tác tổ chức, quản lý. Trường sẽ tích cực, chủ động đề xuất, triển khai hoạt động khoa học và hợp tác khoa học quốc tế, rà soát lại các quy định hiện hành, kiểm tra thường xuyên các công việc được giao, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và một số địa phương để thực hiện các dự án, đề án lớn.
Bên cạnh đó, Nhà trường sẽ quan tâm hơn đến cơ chế đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn, mang tính liên ngành; ban hành các quy định khen thưởng và kỷ luật một cách phù hợp như khen thưởng cho các đề tài hoàn thành đúng hạn, đạt kết quả tốt, các công bố quốc tế và quy đổi các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thành giờ lao động để đánh giá lao động hàng năm. Cơ chế này đã và đang phát huy hiệu quả cao. Bài học kinh nghiệm là phải thực sự coi trọng nghiên cứu cơ bản là nhiệm vụ không thể thiếu của một giảng viên đại học, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng thời khuyến khích các nhà khoa học hăng say nghiên cứu.
Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Tác giả: Nguyễn Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn