Tin tức

GS.NGND Đinh Gia Khánh – người thầy của những khởi đầu

Thứ ba - 26/11/2013 23:12
GS.NGND Đinh Gia Khánh (1924-2003) thuộc thế hệ “vàng” các nhà khoa học đầu tiên “khai mở” và đặt nền móng cho các ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Thế hệ ấy có những tên tuổi khoa học chói sáng như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Đào Duy Anh… và tiếp đến là Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Giàu, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Như Mai, Trương Chính, Đinh Gia Khánh, Phan Ngọc… Cuộc đời và sự nghiệp của ông tiêu biểu cho các học giả sống và nghiên cứu khoa học trong bầu không khí thời đại thấm đẫm nhiệt tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng – trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của dân tộc Việt Nam.
GS.NGND Đinh Gia Khánh – người thầy của những khởi đầu
GS.NGND Đinh Gia Khánh – người thầy của những khởi đầu

Là nhà nghiên cứu, GS Đinh Gia Khánh hoạt động trong phạm vi chuyên môn rất rộng như văn học viết, văn học dân gian và rộng hơn nữa là văn hoá học, và ở lĩnh vực nào cũng có những công trình nghiên cứu kinh điển, có tính chất mở đường. Về phương diện quản lí, ông là người sáng lập và phát triển các cơ quan hạt nhân đầu tiên trong nghiên cứu và giảng dạy văn hoá, văn học dân gian ở Việt Nam. Trên phương diện người thầy, GS Đinh Gia Khánh là một nhà giáo mẫu mực về phương pháp sư phạm, tư duy khoa học, về nhân cách trong sáng và lối sống giản dị. Ông là người thầy của nhiều thế hệ các nhà khoa học kế tiếp nhau, trong đó nhiều người đã trở thành những chuyên gia có tên tuổi sau này như: Bùi Duy Tân, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Kính… Giới nghiên cứu khoa học và các học trò của ông kính trọng tài năng và yêu mến nhân cách con người của GS Đinh Gia Khánh đã gọi ông bằng những danh xưng: “Người Thầy của những khởi đầu”, “Người mở đường vào kho tàng văn hoá dân gian”, “Vị giáo sư kép”…

 

Giỏi nhờ tự học

GS Đinh Gia Khánh sinh ngày 15/12/1925, trong một gia đình nhà nho ở Ninh Bình, cụ thân sinh có nghề làm thuốc (Đông y). Bản thân ông xuất thân chuyên môn từ tú tài Luật. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, chàng thanh niên Đinh Gia Khánh ở tuổi mười tám đôi mươi bỏ dở việc học tại trường Luật đi theo cách mạng. Ông tham gia làm báo, dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông, sau đó dạy văn học Việt Nam cho trường trung cấp sư phạm. Năm 1956, ở tuổi ngoài ba mươi, Đinh Gia Khánh trở thành giảng viên đại học dạy văn học trung đại (lúc đó gọi là văn học cổ Việt Nam) và văn học dân gian tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – một trong những trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên và danh tiếng của Việt Nam. Cùng với nhiều nhà khoa học khác, ông gánh trên vai trọng trách xây dựng nền móng của các ngành khoa học cũng như xây dựng diện mạo và uy tín của cơ sở đào tạo và nghiên cứu bậc đại học đầu tiên của chế độ mới.

GS Đinh Gia Khánh là người nổi tiếng thông minh, uyên bác. Điều đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn về sách vở, thông tin khoa học bấy giờ, ông đã tự “khổ học” với tinh thần kiên trì và cần mẫn hiếm có, tự trang bị cho mình với vốn kiến thức “thông kim bác cổ” trên các phương diện ngôn ngữ, văn học và văn hoá. Được đào tạo bài bản về tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng ông đã tự học thêm tiếng Nga, tiếng Trung và có vốn Hán Nôm thuộc vào hàng chuyên gia lúc bấy giờ. Nền tảng ấy đã giúp ông thoả sức đi sâu và có những kiến giải độc đáo, sáng tạo mang tính chất mở đường trong các lĩnh vực chuyên môn sau này. Dưới góc độ giáo dục học hiện đại, ông chính là tấm gương sáng của quá trình “biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”.

Ông cũng là người nổi tiếng bởi thái độ cẩn trọng, sự tự ý thức về tính chính xác và nghiêm túc trong khoa học, chỉ viết và nói những gì mình biết và biết “đến nơi đến chốn”. Tư cách nhà khoa học của GS Đinh Gia Khánh còn thể hiện ở ý thức không thoả mãn với vốn tri thức đã có mà luôn cố gắng học hỏi, trăn trở, vươn tới cập nhật với tri thức mới, hiện đại. Nhờ đó, ông đã vượt qua được những hạn chế có tính chất thời đại để trở thành một trong những học giả tiêu biểu cho lớp trí thức Việt Nam – vừa có căn bản văn hoá phương Đông, văn hoá dân tộc vững chắc, sâu rộng, vừa tiếp thu được cặn kẽ những thành tựu đa dạng, phong phú của văn hoá, văn học phương Tây.

Vị giáo sư “kép”

Người ta gọi ông là “Vị giáo sư “kép” bởi ông là chuyên gia hàng đầu ở cả hai lĩnh vực văn học trung đại và văn hoá dân gian Việt Nam – một điều mà hiếm có nhà khoa học nào đạt được vị thế như vậy ở cả hai lĩnh vực chuyên sâu khác nhau…

Để phục vụ cho công tác đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Đinh Gia Khánh đã chủ biên và viết những bộ giáo trình mà cho đến những năm đầu thế kỉ XXI này vẫn là những tượng đài sừng sững không thể thay thế như “Văn học dân gian Việt Nam”, “Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII”. Với cuốn “Văn học Việt Nam thế kỉ X – nửa đầu thế kỉ XVIII”, lần đầu tiên có một bộ lịch sử văn học đề cập tới sự phát triển mang tính lịch sử của thể loại văn học trung đại Việt Nam một cách có hệ thống. Ngay từ khi mới ra đời, cuốn sách đã trở thành cuốn giáo trình “cẩm nang” đối với những người dạy – học văn học Việt Nam thời trung đại.

Là người thầy và cũng là nhà nghiên cứu, GS Đinh Gia Khánh sớm nhận ra và coi trọng mối quan hệ mật thiết giữa công việc giảng dạy và nghiên cứu. Trong những bài giảng của ông đã có hàm lượng khoa học rất cao. Những trang giáo trình ban đầu chỉ để phục vụ cho việc học tập của sinh viên nhưng nhiều vấn đề trong đó đã trở thành những chuyên khảo cô đọng như “Việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam”, “Sơ lược lịch sử văn học dân gian Việt Nam”. Ngược lại, những chuyên khảo của ông ban đầu cũng xuất phát từ nhu cầu giảng dạy như chuyên khảo “Những vấn đề của truyện cổ tích qua việc nghiên cứu truyện Tấm Cám” trước khi xuất bản thành sách lần đầu tiên vào năm 1968 (Nhà xuất bản Văn học) thì thầy đã sử dụng đề cương của bản thảo đó để dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ tư ngành Văn học – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong chuyên khảo này, với một tầm nhìn bao quát và học vấn uyên thâm, GS Đinh Gia Khánh đã đặt ra một số vấn đề về truyện cổ tích rất có ý nghĩa khoa học: tính quốc tế và tính dân tộc; truyền thống đấu tranh, truyền thống đạo đức, mĩ học của dân tộc; nguồn gốc, sự lưu truyền, dịch chuyển, chuyển hoá và biến đổi truyện cổ tích. Đến nay, công trình vẫn là một trong những đỉnh cao của khoa nghiên cứu văn học dân gian nước nhà.

Khai phá ngành văn hoá dân gian

Từ năm 1983, GS Đinh Gia Khánh được điều chuyển sang công tác ở Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian với chức trách Viện trưởng và cho ra mắt Tạp chí Văn hoá dân gian với cương vị Tổng biên tập. Ở cương vị mới, ông càng có dịp đi sâu nghiên cứu hơn nữa về văn học và văn hoá dân gian Việt Nam và viết những công trình “để đời” về lĩnh vực này.

Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian” xuất bản năm 1989 được coi như tuyên ngôn học thuật của Viện trong những năm đầu mới thành lập. Trong công trình này GS Đinh Gia Khánh đã trình bày những vấn đề lí luận, lịch sử nghiên cứu và các thành tố của văn hoá dân gian. Cuốn sách được đánh giá là công trình đạt tới sự khái quát cao, đặt ra các vấn đề lí thuyết và phương pháp luận cho bộ môn khoa học này, xứng đáng là công trình đặt nền móng cho sự phát triển của ngành folklore học Việt Nam. Cuốn sách vừa đúc kết những vấn đề cơ bản, vừa gợi mở để tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề mà tác giả chưa có điều kiện đi sâu hoặc chưa phân tích hết tất cả các khía cạnh tinh vi, cụ thể của chúng: tính chất nguyên hợp có phải là thuộc tính của tất cả các thể loại văn hoá dân gian hay không, mức độ đậm nhạt của nó thể hiện trong các thành tố của văn hoá dân gian như thế nào? Và về mặt khoa học, đây là cuốn sách có tính chất quy phạm, kinh điển cho văn hoá dân gian lúc bấy giờ và lâu dài về sau.

Cùng với chuyên luận Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, với những bài đăng trên Tạp chí Văn hoá dân gian như “Mục đích và ý nghĩa của việc nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian”, “Văn hoá dân gian hay folklore là gì?”, “Vị trí của nghệ thuật tạo hình dân gian trong văn hoá dân tộc và văn hoá dân gian”, “Việc nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn dân gian trong chỉnh thể nguyên hợp của văn hoá dân gian”, “Ý nghĩa xã hội và chính trị của việc nghiên cứu văn hoá dân gian”, “Văn hoá dân gian và xã hội hiện đại”…, GS Đinh Gia Khánh thực sự là người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hoá dân gian nước nhà.

“Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông nam Á” xuất bản năm 1993 là công trình nghiên cứu tiêu biểu không chỉ cho ngành văn hoá dân gian mà cả cho khu vực học và văn hoá so sánh. Ở đây, người đọc nhận diện văn hoá dân gian Việt Nam trong không gian văn hoá Đông Nam Á qua quá trình sáng tạo và giao lưu, tiếp biến văn hoá. Về giá trị của cuốn sách này, đúng như PGS Phan Ngọc đã đánh giá: “Đây là công trình đầu tiên cung cấp một cái nhìn không những về văn hoá dân gian mà cả về văn hoá Việt Nam nói chung trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á. Nó giúp cho mọi người quan tâm tới văn hoá Việt Nam và văn hoá Đông Nam Á thấy được cơ sở chung làm tiền đề nghiên cứu cho từng hiện tượng văn hoá ở vùng này và trong từng nước một. Điều này đặc biệt bổ ích đối với những người quen nhìn văn hoá tĩnh và hẹp. Nó cung cấp cho người đọc một cách tiếp cận mới, rộng lớn và, do đó, sâu sắc hơn…”.

Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam” là một công trình nghiên cứu văn hoá dân gian khác theo chiều lịch đại. Tác giả đi sâu tìm hiểu ý nghĩa và tác dụng của văn hoá dân gian “đối với việc tìm ra các phương pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam”. Những trang ông viết về làng xã, hương ước, hội làng, tín ngưỡng bản địa không phải là những vấn đề hoàn toàn mới mẻ, song được thể hiện một cách sáng rõ với sự phân tích uyển chuyển, chứng mực, giàu sức thuyết phục.

GS Đinh Gia Khánh còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu các tác gia, tác phẩm Hán Nôm như Việt Điện U linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiên nam ngữ lục, Lâm tuyền kì ngộ, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, những khảo cứu chuyên sâu về chữ và nghĩa trong Truyện Kiều…

Một công trình khoa học nổi bật có dấu ấn cá nhân rõ nét nữa của GS Đinh Gia Khánh là tổ chức biên soạn bộ “Tổng tập văn học Việt Nam” (bộ phận văn học viết từ thế kỉ X đến 1945) gồm 42 tập. Ông là người có sáng kiến, có ý tưởng khởi xướng ra bộ sách văn học đồ sộ này, bộ sách lớn nhất trong lịch sử biên soạn và xuất bản Việt Nam từ xưa đến nay. Giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng biên tập, GS Đinh Gia Khánh đã quy tụ được một tập thể hàng trăm nhà khoa học, dịch giả, nhà nghiên cứu cùng biên soạn, tuyển chọn, thâu tóm mười thế kỉ văn học với hàng chục ngàn trang viết, hàng mấy trăm tác giả vào hơn 40 tập sách. Đây là bộ sách có tính khoa học cao và công phu được tiến hành trong 20 năm, bắt đầu từ năm 1978 và kết thúc vào năm 1998.

GS Đinh Gia Khánh cũng là người đầu tiên đề xướng và tổ chức việc điều tra cơ bản văn hoá dân gian ở các địa phương và tổ chức biên soạn Địa chí Văn hoá dân gian các tỉnh, huyện. Với tư cách là Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian, ông đứng ra tổ chức sưu tầm và biên soạn “Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh”, xuất bản 1995, là đồng chủ biên cuốn “Địa chí Văn hoá dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” xuất bản 1991, là tác giả và chủ biên sách “Các vùng văn hoá Việt Nam” xuất bản năm 1995.

Hội thảo khoa học 'GS Đinh Gia Khánh với sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo về văn hoá - văn học truyền thống Việt Nam' được tổ chức ngày 14/10/2014. (Ảnh: NA/USSH)
Hội thảo khoa học “GS Đinh Gia Khánh với sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo về văn hoá – văn học truyền thống Việt Nam” được tổ chức ngày 14/10/2014.

Nhà quản lí khoa học xuất sắc

Về lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hoá dân gian, GS Đinh Gia Khánh không chỉ là người xây dựng và tổng kết các quan điểm lí thuyết, trực tiếp thực hiện các công trình nghiên cứu trên, mà còn là người sáng lập ra tổ chức nghiên cứu, ra cơ quan ngôn luận, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, định hướng và xây dựng hệ thống đề tài.

Với gần 30 năm (1956-1983) làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam dân gian – cổ điển – cận đại tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Đinh Gia Khánh chứng tỏ mình là nhà quản lí có tầm nhìn chiến lược về xây dựng bộ môn. Ông coi bộ môn là đơn vị học thuật chứ không phải là đơn vị hành chính. Vì vậy ông chú trọng việc viết giáo trình, xây dựng hệ thống tư liệu chuyên ngành và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Ông tổ chức và quản lí khoa học không phải mệnh lệnh, sự áp đặt mà bằng cái tầm và cái tâm của một nhà sư phạm, một nhà khoa học uyên bác.

Là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân gian (nhiệm kì 1983-1987), là người đã sáng lập Tạp chí Văn hoá Dân gian, GS Đinh Gia Khánh không chỉ có những công trình có tính chất phương pháp luận nghiên cứu đối với ngành học mới mà còn rất quan tâm xây dựng các thế hệ cán bộ nghiên cứu tiếp nối có trình độ cao, có sự say mê khoa học, qua đó từng bước tạo dựng uy tín khoa học của Viện. Ngoài ra, ông từng giữ cương vị Tổng thư kí Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (từ năm 1982 đến gần cuối năm 1984); từng là Uỷ viên Uỷ ban tư vấn của UNESCO cho việc nghiên cứu văn hoá Đông Nam Á và Uỷ viên Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (từ 1984).

Với những đóng góp xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, GS Đinh Gia Khánh đã được phong học hàm giáo sư khá sớm từ năm 1980; được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt đầu tiên vào năm 1996.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu – người bạn cùng thời – đã từng viết tặng GS Đinh Gia Khánh đôi câu đối: “Thu lấy tinh hoa nghìn bộ sách – Truyền cho tử đệ bốn phương trời”. Với tất cả những đóng góp quý báu cho nền văn hoá dân tộc, Đinh Gia Khánh xứng đáng là một nhà văn hoá có nhiều đóng góp to lớn, góp phần vào việc nhận thức nền văn hoá Việt Nam và con người Việt Nam.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây