Tin tức

Ngành Đông phương học - cung không đủ cầu

Thứ ba - 15/04/2014 05:38
Phương Đông ẩn chứa trong mình rất nhiều điều thú vị của những nền văn hoá lâu đời. Hệ thống kiến thức về lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị - ngoại giao, ngôn ngữ là phương tiện để bạn khám phá những nét bí ẩn về văn hoá của khu vực này. Và đặc biệt, do nhu cầu nhân lực cao, sinh viên tốt nghiệp ngành Đông phương học luôn có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí công tác tốt, phù hợp với chuyên môn. Đây chỉ là một số trong rất nhiều thông tin mà PGS.TS Lê Đình Chỉnh – Chủ nhiệm khoa Đông phương học (Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN) chia sẻ với chúng tôi khi mùa tuyển sinh đại học 2014 đang cận kề.
Ngành Đông phương học - cung không đủ cầu
Ngành Đông phương học - cung không đủ cầu

Đào tạo theo hướng khu vực học

Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV có nhiệm vụ đào tạo các cử nhân thuộc 5 chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Ấn Độ học và Đông Nam Á học.

PGS.TS. Lê Đình Chỉnh cho biết, sinh viên được đào tạo tại Khoa Đông phương học sẽ phải hoàn thành 14 tín chỉ tiếng Anh bắt buộc và 47 tín chỉ ngoại ngữ chuyên ngành phù hợp với hướng ngành đào tạo của từng sinh viên.

So với các cơ sở đào tạo khác, sinh viên khoa Đông phương học không chỉ được đào tạo về ngoại ngữ mà còn có những nền tảng vững chắc về kiến thức khu vực học. Mỗi sinh viên được đào tạo tại khoa Đông phương học đều phải hoàn thành 138 tín chỉ được chia làm 5 khối chương trình đào tạo. Các khối chương trình đào tạo này được ký hiệu từ M1 đến M5 gồm những môn chung của khối KHXH&NV cũng như các kiến thức khu vực học của ngành học. Cụ thể:

- Khối M1, M2 là những môn học đại cương do ĐHQGHN quy định cho khối KHXH&NV;

- Khối M3 là những môn học cơ sở ngành đối với khoa Đông phương học;

- Khối M4, M5 là những môn chuyên ngành về phương Đông – trang bị cho sinh viên cái nhìn tổng quan về khu vực Đông phương học.

“Với 5 khối kiến thức đó, sinh viên ra trường vừa có nền tảng kiến thức chung của đại học, vừa có kiến thức khu vực học. Đó là đặc trưng của Khoa Đông phương học” – PGS.TS Lê Đình Chỉnh chia sẻ.

Hiện đại, cập nhật, có tính hệ thống là những nét chính về chương trình đào tạo của Khoa. Không chỉ có giáo trình chuẩn, Khoa còn liên tục nhận được sự hỗ trợ về giáo trình, tài liệu nghiên cứu từ các trường đại học trong khu vực. Nói về đội ngũ giảng viên của Khoa, PGS.TS Lê Đình Chỉnh khẳng định: “Đó là những Tiến sĩ, Thạc sĩ vốn là cựu sinh viên của Khoa, được đào tạo ở nước ngoài rồi trở lại làm giảng viên nên họ là những người có chuyên môn và giàu kinh nghiệm”.

Một buổi biểu diễn văn nghệ của sinh viên Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV

Nhiều cơ hội du học

Các học bổng trợ cấp, học bổng du học và những đợt thực tập nước ngoài là điểm hấp dẫn nổi bật của khoa. Khoa Đông phương học là một trong những khoa đứng đầu về quan hệ hợp tác với các trường đại học danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Hàng năm, sinh viên của Khoa đều nhận được những suất học bổng trợ cấp của các trường đối tác, các Đại sứ quán hoặc doanh nghiệp nước ngoài như Japan Foudation, Korea Foudation, Toshiba Foudation…

Bên cạnh đó, sinh viên Khoa Đông phương học được tham gia các chương trình học tập trao đổi, học bổng du học, các đợt thực tập tại nhiều nước tiên tiến phù hợp với hướng ngành đào tạo. “Trong chương trình đào tạo, chúng tôi thiết kế nhiều môn học tương thích với các chương trình đào tạo của các nước nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tính điểm trong thời gian học tập trao đổi” - PGS.TS Lê Đình Chỉnh cho biết thêm.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Khoa Đông phương học còn có thể  tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và nhận học bổng theo học các bậc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Singapore…

100% có việc làm sau tốt nghiệp

Khi chúng tôi băn khoăn về nhu cầu nhân lực của ngành, PGS.TS Lê Đình Chỉnh quả quyết: “Đối với ngành Đông phương học có thể khẳng định ‘cung không đủ cầu’. Theo thống kê mới nhất, 100% sinh viên K54 tốt nghiệp năm 2013 đã có việc làm”.

Sinh viên Khoa Đông phương học sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí công tác đa dạng. Với vốn ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành này có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước của Việt Nam như: các cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện nước ngoài, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu về khoa học xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các đài phát thanh – truyền hình trung ương và địa phương. Ngoài ra, cử nhân ngành Đông phương học còn có thể công tác tại Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các công ty du lịch, các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài đặt tại Việt Nam.

 

Tác giả: Hương Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây