Tin tức

Cán bộ trẻ với công bố quốc tế: Cần kiên trì và biết lắng nghe các ý kiến phản biện!

Thứ năm - 09/01/2014 10:43

Vào tháng 12/2013, lần đầu tiên ĐHQGHN có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các nhà khoa học có các công bố quốc tế có giá trị trên các tạp chí khoa học thuộc danh sách ISI và Scopus. Trường ĐHKHXH&NV có hai cán bộ được nhận hỗ trợ trong đợt đầu tiên là ThS. Trần Điệp Thành (Phòng Đối ngoại và Hợp tác quốc tế) và TS. Trần Văn Kham (Phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học). 

Cán bộ trẻ với công bố quốc tế:  Cần kiên trì và biết lắng nghe các ý kiến phản biện!
Cán bộ trẻ với công bố quốc tế: Cần kiên trì và biết lắng nghe các ý kiến phản biện!

- Những chính sách khuyến khích của ĐHQGHN đối với cán bộ, cán bộ trẻ trong NCKH, đặc biệt là trong công bố các kết quả nghiên cứu quốc tế có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân anh trong hoạt động NCKH?

Từ năm 1997, khi bắt đầu làm việc tại Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN đến nay, tôi nhận thấy đây là lần đầu tiên ĐHQG HN có một chính sách đặc biệt nhất nhằm động viên, khen thưởng tập trung vào các nhà khoa học trẻ có công bố quốc tế (có bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh sách của ISI, Scopus, hoặc có chỉ số IF cao). Một chính sách khuyến khích như vậy chắc chắn đã có ý nghĩa rất đặc biệt đối với cá nhân tôi. Đặc biệt không phải vì mức tiền thưởng được nhận mà vì một bài nghiên cứu tâm huyết của tôi được công bố sau đó lại nhận được sự hỗ trợ, động viên quý giá của Quỹ Phát triển ĐHQGHN. Đối với tôi đây là một niềm vinh dự và sự động viên khích lệ rất lớn.

- Theo anh, các công bố khoa học quốc tế có ý nghĩa thế nào đối với bản thân các nhà khoa học, và rộng hơn đối với ĐHQGHN?

Như chúng ta đều biết, công bố công trình nghiên cứu là một việc rất cần thiết cho mỗi cá nhân các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Vì vậy, trong bản thân mỗi nhà khoa học đều cố gắng công bố công trình nghiên cứu của mình ở trong nước và quốc tế. Công bố khoa học quốc tế còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là vì một công trình trong nước sẽ được nhiều học giả quốc tế biết đến ở nước ngoài. Vì vậy, chỉ một bài khoa học của một cán bộ trẻ của ĐHQGHN (VNU) được đăng tại một tạp chí khoa học nước ngoài có chỉ số ISSN thì có nghĩa là cán bộ đó đã góp một công sức nhỏ để khẳng định “thương hiệu” VNU trên “thương trường” quốc tế. Theo nghĩa đó, chính sách khuyến khích của ĐHQGHN lần này, theo tôi là một chính sách mang tầm “chiến lược” của lãnh đạo ĐHQGHN nhằm xây dựng và phát triển ĐHQGHN thực tế trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu, thẳng tiến xếp hàng với các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.

- Theo anh, để có những công bố khoa học có giá trị trên các tạp chí quốc tế, cần những điều kiện gì?

Theo tôi, một điều kiện quan trọng nhất đó là “chất lượng” của công trình công bố. Hầu hết các nhà xuất bản đều mong muốn ngày càng có nhiều độc giả đặt mua và đọc tạp chí, ngày càng có nhiều nhà khoa học gửi bài đăng ở tạp chí của họ do vậy họ rất chú trọng đến việc giữ và nâng cao chất lượng và uy tín của tạp chí. Cho nên mỗi bài viết, ngoài việc đảm bảo đủ các điều kiện như: ngôn ngữ, hình thức, thủ tục gửi bài ... phải là những bài có chất lượng về nội dung, có tính mới về khoa học.

- Xin anh chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của anh trong việc triển khai nghiên cứu, làm các thủ tục, liên hệ với các tạp chí khoa học quốc tế… để có thể xuất bản công trình của mình?

Lần đầu tiên tôi đăng bài không phải tôi gửi trực tiếp đến tạp chí mà tôi có bài tham dự hội thảo khoa học quốc tế. Sau hội thảo khoảng 1 tháng, ban tổ chức hội thảo gửi thông báo là bài của tôi được chọn đăng trong một tạp chí chuyên ngành nhưng phải chỉnh sửa theo ý kiến phàn biện nếu tôi đồng ý đăng.

Lần thứ 2 tôi gửi trực tiếp bài đến tạp chí và lần này tôi bị phản biện đến 2 lần, cuối cùng bài của tôi được đăng sau gần 1 năm kể từ khi gửi bài. Kinh nghiệm của tôi là để được đăng tạp chí quốc tế nên đón nhận ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kiên trì chỉnh sửa bài và chờ đợi kết quả từ hội đồng biên tập.

- Anh có dự định gì trong hoạt động nghiên cứu sắp tới?

Tôi vẫn tập trung nghiên cứu vào những vấn đề sở trường. Ngoài ra, trong Chương trình Cafe số 4 tại Ba Vì vừa qua, nhóm các nhà khoa học trẻ của Trường ĐHKHXH&NV đã trao đổi và nêu một số hướng nghiên cứu chung. Sau đây chúng tôi sẽ cùng nhau hoàn chỉnh đề xuất gửi lãnh đạo ĐHQGHN phê duyệt và cùng nhau triển khai nếu được thông qua.    

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây