Ngôn ngữ
“Hãy cho tôi một cơ chế !”
Trong căn hộ tại một chung cư trên đường Hoàng Đạo Thuý có nhiều bức ảnh chụp chung của thầy cô từ khi còn trẻ với những nụ cười và niềm vui sáng bừng trên gương mặt. Dường như hình ảnh và tinh thần của Thầy vẫn còn hiện hữu rất sâu đậm trong không gian này. Lặng đi vì xúc động, cầm trên tay cuốn nhật ký viết tay đã ngả vàng của người chồng thân yêu, PGS.TS Trần Thị Kim Chi nhớ lại:
Vào năm 1993, GS. Nguyễn Văn Đạo đã chuyển vào công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại PHCM. Thầy cô sống cuộc đời bình dị của những cán bộ khoa học bình thường. Cuối năm 1993, thầy cô ra Hà Nội ăn Tết. Không ngờ chuyến đi này lại tạo một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của GS. Nguyễn Văn Đạo.
Trong nhật ký của Thầy - như cô Kim Chi chia sẻ “chỉ những việc rất quan trọng và phải suy nghĩ nhiều, anh ấy mới viết vào đây” - đã ghi lại sự việc này:
“Ngày 23/2/1994, 9h00, anh Quân (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân - PV) gọi điện hẹn đến nhà thăm và trao đổi công việc, hẹn chiều đến. 14h30-15h30, anh Quân đề nghị sang phụ trách, làm Giám đốc ĐHQG. Trao đổi với anh Quân một số nét về các trường, cán bộ và quy hoạch cán bộ thì kết luận rằng xin để suy nghĩ, sẽ trả lời sau, lúc này còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Ngày 2/3/1994, buổi chiều, anh Quân gọi điện thoại đến nhà đề nghị chấp thuận phương án hôm trước. Anh Quân đề nghị gặp sau giờ làm việc, sau rồi bận nên hẹn đến chiều thứ 6, 4/3/1994.
Ngày 3/3/1994, buổi trưa anh Quân gọi điện đề nghị hẹn sớm hơn vào chiều nay để ngày mai Ban cán sự của CP đã phải quyết định việc này.
17h30 – 18h15, gặp anh Quân ở Bộ Giáo dục, anh Quân tiếp tục trao đổi ý kiến về việc sang nhận nhiệm vụ ở ĐHQGHN. Ý kiến của tôi để cân nhắc thêm và đợi mọi việc ở Trung tâm rõ ràng, có quyết định của Chính phủ. Anh Quân đề nghị đưa lên Chính phủ các phương án để cùng cân nhắc.
Ngày 7/3/1994, lúc 16h45 đến 17h15, anh Nguyễn Khánh (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - PV) gặp tại VP CP. Anh Khánh thông báo ý kiến của Ban bí thư và ý kiến của Chính phủ để cử tôi làm GĐ ĐHQG, nếu tôi đồng ý sẽ ra quyết định sớm. Tôi đề nghị cứ thong thả, đợi mọi việc của trung tâm xong xuôi đã. Tôi hỏi: anh Kiệt (Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) có ủng hộ việc tôi làm giám đốc không? Anh Khánh nói: anh Kiệt ủng hộ mặc dù anh Kiệt không hiểu rõ tôi bằng anh Khánh. Anh Khánh khuyên tôi nên nhận và đây là việc quan trọng, là việc Chính phủ hết sức quan tâm. Tôi đề nghị cho lui lại một thời gian.
Ngày 11/3/1994, 10h sáng, anh Quân gọi điện đề nghị gặp để trao đổi một số việc của ĐHQG vào chiều nay”.
PGS.TS Trần Thị Kim Chi. (Ảnh: Thành Long/USSH)
PGS. Trần Thị Kim Chi cho biết: tuy là một cán bộ khoa học nhưng Thầy có thâm niên về giảng dạy đại học và rất tâm huyết với những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học. Năm 1981, sau khi đi trao đổi khoa học tại hơn 20 trường ĐH của Mỹ, Thầy đã viết một bài báo trên báo Nhân dân (số ra ngày 9/11/1981) nhắc tới hai điều làm Thầy ngạc nhiên khi nghiên cứu mô hình quản lý ở các ĐH của Mỹ: “Nền giáo dục ĐH ở Mỹ phát triển không theo một kế hoạch nhất định, chương trình đào tạo, SGK, việc thi cử, bảo vệ luận án cũng do từng trường quy định. Phần lớn, các trường ĐH ở Mỹ dù là trường tư hay trường công thì SV đều phải đóng học phí khá cao”.
Kinh nghiệm làm công tác quản lý cộng với những nhận thức mới mẻ ấy càng khiến Thầy nhìn thấy rất rõ những bất cập trong quản lý giáo dục ĐH ở Việt Nam lúc đó. Muốn đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng nhân lực xã hội cần phải có một cuộc cải cách triệt để trong giáo dục ĐH, tức là phải thay đổi về “chất”, phương thức và nội dung đào tạo mà một nhân tố chủ yếu là vấn đề quản lý; phải trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH. Vào lúc những ý tưởng về giáo dục đang độ “chín”, thì như một sứ mệnh, Thầy được yêu cầu xây dựng ĐHQGHN. Điều này thôi thúc Thầy bởi đây chính là nơi để Thầy thực hiện tâm nguyện. Nhưng đây cũng chính là thử thách “một mất một còn”, bởi kinh nghiệm bao năm làm việc Thầy hiểu rằng mình phải đối mặt, phải đương đầu với một thành trì kiên cố của sự bảo thủ, của những quan điểm lạc hậu trong giáo dục ĐH.
Trăn trở rất nhiều về việc xây dựng mô hình tổ chức quản lý tại ĐHQGHN, Thầy vẫn thường băn khoăn trao đổi với cô: “Phải xây dựng ĐH thế nào mới phát triển được? Phải tổ chức các hoạt động như thế nào để có thể tạo chuyển biến về lượng và chất ? Nếu chỉ tập hợp các trường, thêm kinh phí đầu tư thôi thì cũng không thể tạo nên thay đổi về chất !”.
Trong cuốn sách hồi ký “Nhớ lại những ngày đầu gian khó”, Thầy viết “Những băn khoăn của tôi xoay quanh những khó khăn của việc tổ chức một ĐH theo mô hình hoàn toàn mới với tính tự chủ cao trong điều kiện của Việt Nam”. Băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở khi các điều kiện để xây dựng tính tự chủ cho đại học của Việt Nam bấy giờ còn rất khó khăn do những chậm trễ và trì trệ trong nhận thức và tư duy quản lý.
Khát khao có một cơ chế để làm việc, Thầy liên tưởng tới câu nói của nhà cơ học Acsimet khi xưa “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả Trái đất này”, giờ đây, mượn lời ông, Thầy nói: “Hãy cho tôi một cơ chế, tôi sẽ xây dựng thành công ĐHQG !”. Một câu nói giản dị chứa đựng một ước mơ lớn, và đặc biệt chứa đựng sự kiên định, khẳng khái của một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới !
Đấu tranh cho sự tồn tại ĐHQGHN
Nếu tính tự chủ là tinh thần cốt lõi trong quá trình phát triển ĐHQGHN mà GS. Nguyễn Văn Đạo muốn hướng tới thì bản Quy chế hoạt động đầu tiên của ĐHQGHN lại là sản phẩm thể hiện rõ nét nhất tinh thần ấy. Bản Quy chế khiến Thầy trăn trở suy ngẫm nhiều trước khi bắt tay vào viết, vì Thầy hiểu, đây chính là điểm tựa cho sự phát triển của ĐHQGHN.
Trong bốn tháng liền (4-8/1994), Thầy đã đích thân chủ trì và chắp bút xây dựng bản quy chế với sự tham gia đóng góp ý kiến của hàng trăm nhà khoa học của ĐHQGHN, kết hợp tham khảo nhiều bản quy chế của các trường đại học trong và ngoài nước. PGS. Kim Chi kể: “Viết đi viết lại, ngày đêm miệt mài, trong bốn tháng thì bản Quy chế mới hoàn thành. Sức làm việc của Thầy Đạo thật “khủng khiếp”, nghĩ nhanh và viết nhanh !”.
Đến ngày 5/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQGHN với sự chấp nhận về cơ bản dự thảo do ĐHQGHN trình lên với những nội dung chủ yếu: ĐHQGHN được sử dụng con dấu mang hình quốc huy, được hoàn toàn quyết định quyền hợp tác quốc tế, được cấp các loại bằng cử nhân, ThS, TS. Bản quy chế hoạt động đầu tiên cho ĐHQGHN đã tạo cơ sở nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ĐHQGHN với tính tự chủ cao.
Là người bạn đời, cũng là người cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, PGS. Trần Thị Kim Chi luôn cho rằng mình rất may mắn bởi có điều kiện luôn ở bên cạnh và chia sẻ được nhiều điều trong công việc và chí hướng của GS. Nguyễn Văn Đạo. Chứng kiến những boăn khoăn, day dứt của chồng, cô càng thấu hiểu rằng trên thực tế, việc đấu tranh cho tính tự chủ của ĐHQGHN không suôn sẻ và đơn giản. Là người lãnh đạo cao nhất, lại là người tiên phong và “mở đường” cho một hướng đi mới, Thầy gặp áp lực đến từ nhiều phía. Bởi “tự chủ ĐH” quá mới nên khó chấp nhận với ngay cả những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, trong đó có cả những người thân thiết gần gũi với Thầy. Thậm chí, có những ý kiến nghi ngờ rằng thầy Đạo đang làm một điều gì đó cho riêng mình ?
Những tâm huyết của GS. Nguyễn Văn Đạo đã nhận được sự ủng hộ của những người lãnh đạo cao nhất, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng từng trao đổi trong một lần gặp mặt tại ĐH FPT: “Khi anh Đạo làm ở ĐHQGHN, tôi đã ủng hộ anh nhưng anh phải rất vất vả để đấu tranh cho sự tồn tại của ĐHQGHN, cho việc thực hiện được quy chế đó”.
Khi ĐHQGHN đang trong những ngày tháng đầu tiên của sự phát triển thì có một sự kiện khá "nghiêm trọng" xảy ra. Đầu năm 1999, trong đề cương cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần liên quan đến các ĐHQG đã đề cập đến vấn đề thu dấu quốc huy của ĐHQGHN, xoá bỏ hoàn toàn mô hình của ĐHQGHN. Trước cuộc họp về việc này một ngày, Thầy Đạo nhận được bản đề cương đó của Bộ. Như lệ thường, PGS.TS Trần Thị Kim Chi đọc tài liệu trước giúp Thầy. Tối ấy Thầy về, cô thảng thốt: “Anh Đạo ơi, thu quốc huy và xoá bỏ ĐHQGHN !”. Gần như "vồ" lấy bản tài liệu, Thầy đọc và sau đó đã thức suốt đêm ngồi viết bản phản biện dự án này của Bộ. Suy nghĩ và cảm xúc chất chứa đã khiến chỉ một đêm Thầy viết đến 40 trang giấy với những lời lẽ phản biện khoa học mà đanh thép.
Một số cán bộ Văn phòng ĐHQGHN chắc vẫn còn nhớ, ngay sáng hôm sau, GS. Nguyễn Văn Đạo đã huy động tất cả các thư ký đánh máy và đóng lại thành các tập tài liệu để buổi chiều phát trong cuộc họp. Đó là ý kiến phản biện chính thức của ĐHQGHN đối với ý tưởng cải tổ các ĐHQG trong chương trình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thời điểm căng thẳng nhất là vào dịp cuối tháng 6/1999. Ngày 22/6/1999, Thầy Đạo nhận được tin dự án cải cách giáo dục của Bộ đã được đưa lên cấp trên xem xét lần cuối để thông qua.
Chiều 23/6/1999, rất đông cán bộ của ĐHQGHN đã đến nhà thầy cô với một tâm trạng buồn lo trĩu nặng. Lặng lẽ, không ồn ào, có lẽ hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ hết lòng của cán bộ, nhân viên ĐHQGHN dành cho người lãnh đạo của mình được thể hiện sâu sắc mà tình cảm đến thế. Lật giở những trang tài liệu của Thầy về ĐHQGHN vào những ngày tháng ấy, ở trang ngoài cùng có đề một dòng chữ ngắn gọn mà rõ nét: “Đấu tranh cho ĐHQGHN !”.
Ngày 24/6/1999, Thầy Đạo lên đường đi họp ở Bỉ. Trên máy bay có một đoàn của VP Chính phủ đi Pháp. Trong số đó có một đồng chí rất ủng hộ ĐHQGHN đến gặp thầy Đạo, nắm tay Thầy và nói “Hỏng mất rồi anh ạ !”.
Nhưng với sự đấu tranh bền bỉ của hai ĐHQG và được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo cấp cao, có uy tín và của các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, ngày 11/7/1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã triệu tập một cuộc hpj đặc biệt để thảo luận vấn đề liên quan đến ĐHQG. Quyết định cuối cùng của Chính phủ là: vẫn giữ và phát triển mô hình các ĐHQG.
Thầy Đạo vui lắm ! Kể chuyện với cô, Thầy nói: “Cuối buổi họp, một vị rất có trọng trách đã nói từ nay trở đi, ai muốn ra khỏi ĐHQGHN thì cá nhân đó ra đi còn tổ chức thì ở lại!”. Chặng đường gắn bó của GS. Nguyễn Văn Đạo với ĐHQGHN đã trải qua những giây phút cam go và kịch tính như vậy đó !
Đến những tin vui …
Ẩn trong những lời kể về GS. Nguyễn Văn Đạo và ĐHQGHN, chúng tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương, trìu mến pha lẫn sự ngưỡng mộ và tin tưởng mà người bạn đời dành cho nhà khoa học và nhà quản lý nổi tiếng. Như cô tự thừa nhận, tính cách của mình đơn giản, hướng nội, dường như trái ngược với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán của Thầy - người có những phẩm chất bẩm sinh trong công tác quản lý, lãnh đạo mà càng trong những hoàn cảnh khó khăn thì tài năng ấy lại càng toả sáng. Nhưng những khác biệt ấy dường như chỉ càng giúp cộng hưởng thêm sự gắn bó giữa hai người bạn đời có cùng mối quan tâm chung trong công việc và nghề nghiệp. “Tôi đã học được nhiều điều từ anh Đạo !” - PGS.TS Trần Thị Kim Chi bộc bạch với chúng tôi. Không chỉ là tính kiên cường và độc lập trong công việc, là sự vượt qua hoàn cảnh một cách quyết tâm và kiên định, cô còn học được ở Thầy tính tỉ mỉ và kiên nhẫn của một người làm khoa học. Trong ứng xử với đồng nghiệp và cấp dưới, Thầy rất nguyên tắc trong công việc nhưng luôn chu đáo và thấu hiểu.
Hội trường 10/12 - nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng của ĐHQGHN - vừa qua đã được đổi tên thành Hội trường Nguyễn Văn Đạo. Đây là sự tri ân sâu sắc của các cấp lãnh đạo và các thế hệ thầy trò ĐHQGHN với những đóng góp của Thầy như là nhà lãnh đạo có công mở đường cho sự phát triển của ĐHQGHN. Mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực với tính tự chủ cao của ĐHQG cũng được ghi nhận trong Luật Giáo dục ĐH 2012. Cuối năm 2013, Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về ĐHQG với những điều kiện rộng mở cho tương lai phát triển của ĐHQGHN. Chúng tôi nhìn thấy sự xúc động trong ánh mắt long lanh của cô: “Đây là vinh dự và là niềm vui rất lớn của gia đình chúng tôi, là thành quả của nhiều thế hệ thầy cô và sinh viên của ĐHQGHN, là tâm nguyện của Thầy Đạo lúc sinh thời. Những điều mà Thầy mong mỏi và kỳ vọng về ĐHQGHN thì giờ đã đạt được. Ở một nơi xa chắc Thầy rất vui…”.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn