Ngôn ngữ
Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Tổng Giám đốc TTXVN; đồng chí Nguyễn Khắc Hà - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; đồng chí Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhà báo Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị đối tác của Khoa…
Về phía ĐHQGHN có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS. NGND Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông phát biểu tại lễ kỷ niệm
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông - đã điểm lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của Khoa.
Năm 1990, Khoa Báo chí (nay là khoa Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một trường đại học không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).
Hiện nay, Khoa là một trong 2 cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông lớn nhất ở Việt Nam, đào tạo 3 bậc học từ cử nhân đến tiến sỹ ngành Báo chí. Kể từ năm 2013, sau khi xây dựng thành công chương trình đào tạo cử nhân ngành Quan hệ công chúng, Khoa Báo chí và Truyền thông là khoa duy nhất tại Việt Nam đào tạo cả 2 ngành học: Báo chí và Quan hệ công chúng.
Khoa Báo chí và Truyền thông là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình đào tạo theo phương thức tín chỉ (áp dụng từ năm 2009 và điều chỉnh toàn diện đi vào chiều sâu từ năm 2012); xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra.
Khoa Báo chí và Truyền thông là một trong những đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam, với quan hệ hợp tác đối tác với nhiều cơ quan tổ chức báo chí nước ngoài. Khoa là cơ sở đào tạo đầu tiên tiến hành liên kết đào tạo ngành báo chí truyền thông với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) ở bậc đại học, và là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam tổ chức đào tạo liên kết quốc tế bậc thạc sỹ ngành ‘Quản trị truyền thông” với Đại học Stirling (Anh).
Kể từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, Khoa đã đào tạo hơn 10,000 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, cùng hơn 350 thạc sỹ và tiến sỹ, phục vụ hiệu quả cho nền báo chí Việt Nam, và ngành công nghiệp truyền thông nước nhà. Nhiều cựu sinh viên của khoa đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại lễ kỷ niệm
Đánh giá cao những thành tích của Khoa Báo chí và Truyền thông, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh cho biết: Tập thể thầy, cô giáo và sinh viên của Khoa đã từng bước vượt mọi khó khăn đưa Khoa phát triển nhanh và tương đối toàn diện trên các mặt, khẳng định vị trí hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu BC&TT của cả nước. Thành công trong triển khai các chương trình đào tạo, hợp tác liên kết, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế không chỉ khẳng định uy tín, vị trí của Khoa BC&TT mà còn góp phần đa dạng hóa các hình thức hợp tác và nâng cao vị thế của Trường ĐHKHXH&NV.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hà - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Khoa Báo chí và Truyền thông
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm
Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Khoa BC&TT đối với sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông. Đào tạo báo chí của Khoa Báo chí và Truyền thông trên nền kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn rộng và chắc - điều đó giúp tạo phong cách riêng, bản sắc riêng trong đào tạo của Khoa, góp phần tạo nên chất lượng của sản phẩm đào tạo.
Đồng chí đề nghị: trong bối cảnh báo chí và truyền thông thay đổi nhanh chóng, Khoa cần chủ động đón lấy những tri thức mới, thử thách mới để từ đó tìm cách đưa vào trong chương trình, giáo trình, bài giảng của mình. Khoa Báo chí và Truyền thông cũng cần mở rộng hợp tác hơn nữa với các các cơ quan báo chí để tăng cường cơ hội thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của ngành nghề trong bối cảnh mới.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Khoa Báo chí và Truyền thông
Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tại lễ kỷ niệm
Cũng đánh giá cao những đóng góp của Khoa Báo chí và Truyền thông, đồng chí Hồ Quang Lợi khẳng định: những kết quả mà Khoa đạt được trong 25 năm qua là rất ấn tượng. Với đội ngũ cán bộ tận tuỵ và có năng lực, Khoa Báo chí chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Đồng chí Hồ Quang Lợi trao tặng Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam cho Khoa Báo chí và Truyền thông
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức trao tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho Khoa Báo chí và Truyền thông
GS.NGND Hà Minh Đức - nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Báo chí và Truyền thông phát biểu tại buổi lễ
GS.NGND Hà Minh Đức - nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Báo chí và Truyền thông - bảy tỏ niềm vui và chia sẻ nhiều kỷ niệm về những ngày đầu thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông. Khoa đã vượt qua rất nhiều khó khăn để trưởng thành, có những đóng góp quan trọng cho nền báo chí Việt Nam.
GS.NGND Hà Minh Đức tặng sách cho Khoa Báo chí và Truyền thông
Nhà báo Hồ Quang Lợi tặng sách cho Khoa Báo chí và Truyền thông
Ban Chủ nhiệm Khoa tặng hoa tri ân các thế hệ thầy cô giáo của Khoa
Các thế hệ thầy cô giáo trong Khoa cùng các vị đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
KHOA BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG HÀNH TRÌNH 25 NĂM ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU
+ Ngày 31/5/1990, Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký Quyết định số 352/KHTV cho phép mở ngành Báo chí tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. + Ngày 29/6/1990 Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký Quyết định ố 566/TCCB cho phép thành lập khoa Báo chí tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
+ Bộ sách (3 tập) ‘Thời gian và Nhân chứng’ ra mắt tập đầu. Bộ sách ghi lại hồi ký của các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. + Cuốn “Báo chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ra mắt tập đầu. Đây là cuốn sách tuyển chọn các công trình nghiên cứu tiêu biểu của tập thể giảng viên và cán bộ thỉnh giảng của khoa. Cuốn sách đã trở thành sách nghiên cứu truyền thống của khoa. Hiện đã xuất bản được 9 tập.
+ Ngày 17/4/1997, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1295/TCCB giao nhiệm vụ đào tạo Cao học ngành Báo chí cho trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội). + Tuyển sinh lớp Vừa làm Vừa học đầu tiên tại miền Trung (Nghệ An).
+ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Đào Trọng Thi quyết định giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ cho khoa Báo chí và Truyền thông. + Tuyển sinh lớp Vừa làm vừa học đầu tiên tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Tuyên Quang)
+ Dự án đầu tư chiều sâu xây dựng Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông (giai đoạn 1) chính thức đi vào hoạt động. Dự án gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng. + Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia lần đầu tiên ‘Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” (phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam). Hội thảo thu hút 54 nhà khoa học viết bài đăng kỷ yếu, và hàng trăm đại biểu tham dự. + Tuyển sinh lớp Vừa làm vừa học đầu tiên tại Tây Nam Bộ (Cà Mau).
+ Giáo sư Hà Minh Đức được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam. + Giám đốc Đại học Quốc gia Mai Trọng Nhuận ký Quyết định số 4598/QĐ - ĐT ngày 27 tháng 12 giao nhiệm vụ đào tạo ngành Quan hệ công chúng, trình độ đại học tại trường ĐH KHXH và NV. Khoa Báo chí và Truyền thông là khoa duy nhất ở Việt Nam hiện nay đào tạo cả 2 ngành: Báo chí và Quan hệ công chúng. + Điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo cả 3 bậc từ cử nhân đến tiến sỹ của khoa Báo chí và Truyền thông theo hướng chuẩn đầu ra. Khoa Báo chí và Truyền thông là đơn vị cấp khoa duy nhất được trao tặng Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia về thành tích chuyển đổi chương trình đào tạo.
+ Khoa Báo chí và Truyền thông lần đầu tiên đấu thầu thành công đề tài khoa học cấp Nhà nước ‘Văn hóa truyền thông đại chúng trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa”, mã số KX.03.18/11-15. + Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên về chủ đề “Mô hình kinh tế báo chí Đức và Việt Nam”. Sau đó, nhiều hội thảo khoa học quốc tế khác được tổ chức như ‘Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”…
+ Khoa Báo chí và Truyền thông đấu thầu thành công đề tài khoa học cấp Nhà nước thứ hai về đề tài ‘Nghiên cứu, đánh giá tác động của truyền thông, đề xuất giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng công tác truyền thông phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc” thuộc Chương trình KH và CN trọng điểm “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. + Kết thúc lớp Vừa làm vừa học ở Cà Mau. Được UBND tỉnh Cà Mau trao tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc cho đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương tỉnh. + Khoa Báo chí được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. |
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn