PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý - "người chở đò" thầm lặng

Thứ ba - 20/10/2015 05:13
PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý là một trong những nhà khoa học đầu ngành về khoa học Thông tin – Thư viện (TT-TV) của Việt Nam. Với hơn 30 năm làm việc và cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, cô đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc phát triển ngành TT-TV của Việt Nam nói chung và cho ngành TT-TV của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý -
PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý - "người chở đò" thầm lặng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và khoa bảng, PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý đã thừa hưởng và phát huy tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình. Cô luôn phấn đấu hết mình trong học tập và công tác, luôn nghiêm túc và nhiệt huyết trong mọi công việc.  Những danh hiệu và phần thưởng cao qúy như Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng 3 là những ghi nhận của Nhà nước và xã hội về những đóng góp không mệt mỏi  của cô trong hơn 30 năm qua.

Đóng góp của cô được thể hiện rõ các lĩnh vực như: xây dựng và phát triển Khoa TT - TV vững mạnh; đề xuất nhiều các hướng nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực TT- TV hiện đại và xây dựng được hệ thống các bài giảng, giáo trình nền tảng phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TT – TV.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Thị Quý/Ảnh: Thành Long

Là thế hệ lãnh đạo thứ hai của Khoa Thông tin – Thư viện, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, PGS.TS.NGƯT. Trần Thị Quý đã cùng tập thể Khoa quyết tâm đưa Khoa lên một bước phát triển mới về chất, từ một bộ môn nhỏ trực thuộc Trường thành một Khoa đào tạo độc lập với 3 bộ môn trực thuộc. Trong quản lý, cô luôn là người nghiêm túc, mẫn cán với công việc. Cô đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giảng viên cả về chất và lượng, đưa Khoa TT-TV trở thành một cơ sở đào tạo với đội ngũ giảng viên đông đảo, tâm huyết và có trình độ cao nhất trong cả nước. Đội ngũ cán bộ có 90% có trình độ sau đại học.

Cùng với việc mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, Khoa trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu, tư vấn khoa học có uy tín trong lĩnh vực TT-TV. Cô trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và đổi mới các chương trình đào tạo các hệ theo hướng hiện đại và cập nhật. Nội dung nhiều môn học mới trong chương trình đào tạo đã được ứng dụng từ kết quả nghiên cứu của cô. Trên nền tảng ấy, sản phẩm đào tạo của Khoa sau khi ra trường đạt chất lượng cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đã và đang phát huy tốt nhu cầu xã hội, nhu cầu nghề nghiệp. Các môn học do cô nghiên cứu xây dựng đã được nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước học tập và đưa vào chương đào tạo của mình… Đó chính là thành quả đáng trân trọng mà PGS.TS.NGƯT. Trần Thị Quý đã để lại cho các thế hệ giảng viên và học trò đi sau.

Cô là Chủ nhiệm Khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV (2000-2014)/Ảnh: Thành Long

Trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS.NGƯT. Trần Thị Quý đã luôn đi tiên phong trong việc đưa ra những hướng nghiên cứu mới đối với ngành, trong đó điển hình là các hướng nghiên cứu khoa học về Lịch sử sách và thư viện; sự nghiệp TT-TV; quản lý nhà nước về hoạt động TT-TV; thông tin học; thông tin phục vụ lãnh đạo; phát triển tài nguyên thông tin; xử lý thông tin theo hướng truyền thống và hiện đại; phân loại khoa học và phân loại tài liệu… Thành quả của những nghiên cứu này đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành thông tin - thư viện của Việt Nam. Ý tưởng nghiên cứu chuyên sâu của PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý đã góp phần quan trọng vào hoàn thiện lý luận và định hướng phát triển của sự nghiệp thông tin, thư viện, trong đó có sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông và nhu cầu của xã hội đang hướng tới. Theo hướng nghiên cứu này, PGS.TS Trần Thị Quý đã đi sâu nghiên cứu: vai trò của sách/tài liệu, vai trò hoạt động TT-TV đối với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; sự nghiệp TT- TV sau 30 năm đổi mới; nghiên cứu các tiêu chuẩn đối với các cơ quan TT-TV hiện đại; nghiên cứu nguồn nhân lực TT-TV hiện nay trước đòi hỏi của thực tiễn nghề nghiệpđể từ đó có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu đã làm rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TT-TV trong sự nghiệp phát triển hoạt động văn hóa, tư tưởng, khoa học & công nghệ; giáo dục & đào tạo của Đảng và Nhà nước phục vụ sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Về mặt thực tiễn, các kết quả của hướng nghiên cứu đã giúp đánh giá được thực trạng nội dung chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành TT-TV.

PGS.TS.NGƯT Trần Thị Quý là tác giả của những cuốn giáo trình, tài liệu tham khảo nền tảng của ngành như: Xử lý thông tin; Phân loại khoa học và phân loại tài liệu; Tự động hóa hoạt động thông tin - thư viện; Lịch sử sách; Phát triển nguồn lực thông tin... Những tài liệu này đã được sử dụng ở nhiều cơ sơ sở đào tạo ngành TT-TV trong cả nước. Bên cạnh đó, cô cũng là tác giả những bài viết có chất lượng trên các tạp chí chuyên ngành, các báo cáo tại hội thảo trong và ngoài nước, các công trình nghiên cứu khoa học các cấp…

Thành quả lớn nhất của sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo của PGS.TS. NGƯT Trần Thị Quý là cô đã góp phần đào tạo và xây dựng được một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thông tin - thư viện trong cả nước. Nhiều cử nhân do cô giảng dạy, các thạc sĩ và tiến sĩ do cô hướng dẫn khoa học đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Với kiến thức và nhiệt huyết với ngành nghề mà cô truyền đạt, họ đang phát huy tốt năng lực của mình trên các cương vị khác nhau. Cô luôn là hình mẫu, là tấm gương sáng về thái độ nghiêm túc trong lao động và học tập, về tấm lòng nhân ái của một nhà giáo. Cô chính là hình ảnh người lái đò cần mẫn, miệt mài với giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần vun đắp cho thế hệ tương lai. 

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ TRẦN THỊ QUÝ

  • Năm sinh: 1957
  • Quê quán: Nam Định.
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thông tin thư viện tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979.
  • Nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Thông tin – Thư viện tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga năm 1994.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2007.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm  2012.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1996-nay.

+ Đơn vị công tác:

Trung tâm Thông tin – Thư viện,  ĐHQGHN (1996-2000).

Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn, ĐHQGHN (2000-nay).

+ Chức vụ quản lý:

Trưởng phòng Phân loại – Biên mục, Trung tâm TTTV,  ĐHQGHN (1996- 2000).

Chủ nhiệm Khoa Thông tin – Thư viện (2000-2014).

Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin -  Tư liệu (2000 đến nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lý luận về thông tin thư viện; Thông tin học; Xử lý thông tin; Phân loại tài liệu; Phát triển nguồn lực thông tin; Chính sách thông tin; Thông tin phục vụ lãnh đạo; Phát triển sự nghiệp thông tin-thư viện. Tiêu chuẩn hóa, tự động hóa trong hoạt động TT-TV; Phương pháp nghiên cứu khoa học thông tin-thư viện; Lịch sử thư viện; Lịch sử sách. Nguồn nhân lực thông tin-tư viện.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Đề tài cấp ĐHGQHN (Nhóm A): “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng tiêu chuẩn đánh giá thư viện đại học đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay”.

Đề tài cấp ĐHQGHN “Nguồn nhân lực thông tin-thư viện của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội”.

Giáo trình: “Xử lý thông tin trong hoạt động thông tin & thư viện”.H.-ĐHQG, 2007.

Giáo trình: “Tự động hóa trong hoạt động thông tin – thư viện”. H.-ĐHQGHN, 2007.

Bài giảng: “Phát triển nguồn lực thông tin”.H.-Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, 2015.

 

Tác giả: TS. Đỗ Văn Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây