Ngôn ngữ
Nảy mầm từ mái trường đại thụ về đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn
Năm 1990, khoa Báo chí (nay là khoa Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một trường đại học không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN).
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, trong đó, nhiều thầy, cô là những nhà khoa học lớn, có tên tuổi, uy tín như GS. Hà Minh Đức, PGS.TS. Dương Xuân Sơn, PGS.TS. Đinh Văn Hường, PGS.TSKH. Đỗ Xuân Hà, PGS.TS. Vũ Quang Hào, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp, TSKH. Đoàn Hương, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, TS. Trịnh Hồ Khoa,…
Tập thể cán bộ giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông và lãnh đạo Nhà trường
trong ngày Báo chí Việt Nam 21/6
Kiến thức hàn lâm và kinh nghiệm nghề nghiệp của các vị giáo sư, tiến sĩ thời kỳ đầu đã đặt nền móng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của Khoa, giúp Khoa nhanh chóng lớn mạnh và sớm khẳng định vị thế của mình trong khối các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn của ĐHQG Hà Nội. Nối tiếp sự nghiệp của các thế hệ đi trước, đội ngũ giảng viên của Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay phần lớn là những cán bộ trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, 100% giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó 29% cán bộ giảng dạy của khoa là PGS, 43% đạt học vị TS. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở Liên Xô, Anh, Úc, Hàn Quốc,... và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu và tư vấn nghiệp vụ báo chí truyền thông. Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, khoa còn có hơn 50 giảng viên kiêm nhiệm, mời giảng là những chuyên gia về báo chí, quản lý báo chí, và nhiều nhà báo uy tín, giầu kinh nghiệm.
Học tập và làm việc trong môi trường đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của khoa được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về các ngành triết học, sử học, văn học, ngôn ngữ học, tâm lý học, chính trị học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.
Đối mới đào tạo: Lấy người học làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành
Hiện nay, Khoa Báo chí và Truyền thông (trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) là một trong 2 cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông lớn nhất ở Việt Nam, đào tạo 3 bậc học từ cử nhân đến tiến sỹ ngành Báo chí; là cơ sở đầu tiên liên kết đào tạo cử nhân báo chí với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc), và là một trong những cơ sở đầu tiên liên kết đào tạo thạc sỹ ‘Quản trị truyền thông” với Đại học Stirling (Anh). Khoa cũng là khoa duy nhất tại Việt Nam đào tạo cả 2 ngành học: Báo chí và Quan hệ công chúng. Chương trình Thạc sỹ định hướng ứng dụng ngành Báo chí mà khoa đang chờ phê duyệt sẽ là chương trình Cao học Báo chí đầu tiên ở Việt Nam chú trọng các môn học tác nghiệp và kỹ năng nghề báo.
Richard Kilborn, giáo sư Đại học Stirling (Anh) trao đổi chuyên đề "Thỏa thuận tham gia - khi khán giả
là một phần của chương trình truyền hình" với sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, tháng 6/2015
Kể từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, Khoa đã đào tạo hơn 10,000 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, cùng hơn 350 thạc sỹ và tiến sỹ. Trong đó có hàng ngàn phóng viên, biên tập viên, nhân viên truyền thông cho nhiều địa phương trong cả nước, từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Thường Tín, Thanh Hóa, Vinh, Tp. Hồ Chí Minh,… cho đến Cà Mau. Hơn 100 cựu sinh viên của khoa đạt giải báo chí quốc gia và giải báo chí của các ngành, các cấp. Nhiều cựu sinh viên của khoa là người đứng đầu hoặc đang giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương,..
Công tác cơ sở vật chất cũng có nhiều chuyển biến, phục vụ hiệu quả và thiết thực cho việc giảng dạy và nghiên cứu báo chí truyền thông. Dự án đầu tư chiều sâu xây dựng trung tâm đào tạo thực nghiệm báo chí truyền thông, được Đại học Quốc gia phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư trị giá gần 60 tỷ đồng (giai đoạn 1 và 2) đã giúp Khoa trở thành cơ sở đào tạo báo chí truyền thông có hệ thống trang thiết bị đào tạo hiện đại, đồng bộ nhất ở Việt Nam hiện nay. Rất nhiều sản phẩm là bài tập lớn của sinh viên trong các môn học tác nghiệp, được phát sóng và đăng tải trên các kênh truyền thông đại chúng, rất nhiều sinh viên của Khoa đã lựa chọn thực hiện sản phẩm báo chí thay cho viết khóa luận tốt nghiệp đại học của mình. Khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn hoạt động báo chí đang dần thu hẹp lại, lý thuyết đang được gắn kết nhiều hơn với thực hành khi Khoa đào tạo Báo chí là tòa soạn thu nhỏ. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ này là một trong những yếu tố quan trọng giúp khoa khẳng định điều kiện và chất lượng đào tạo trong quá trình đàm phán để trao đổi sinh viên và công nhận các tín chỉ đào tạo tác nghiệp với mạng lưới các trường đào tạo báo chí lớn trong khu vực.
Nghiên cứu chuyên nghiệp làm nền tảng cho đào tạo chuyên nghiệp
Ngoài nhiệm vụ đào tạo, Khoa còn là trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp ĐHQG HN, 1 đề tài Quỹ châu Á và 3 đề tài cấp trường đang được triển khai. Trong 5 năm qua, hơn 200 bài báo khoa học của cán bộ giảng viên được đăng tải trên các tạp chí khoa học, lý luận, chuyên ngành, hoặc được báo cáo tại các hội thảo trong và ngoài nước.
Nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do khoa tổ chức trong 5 năm qua đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu, đồng thời, đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp, đóng góp cho các cơ quan hữu quan quản lý và thúc đẩy nâng cao chất lượng báo chí ở Việt Nam hiện nay như hội thảo “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập, “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, “Mô hình báo chí kinh tế Việt Nam và Đức”, “Truyền thông xã hội, truyền thông cổ điển và dư luận xã hội”, ‘Quản trị truyền thông và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, “Vai trò, tác động của văn hóa truyền thông đại chúng đối với công chúng và xã hội VN trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, “Kỹ năng tác nghiệp cho các tờ báo ngành”, “Thảo luận tham gia – Khi khán giả là một phần của chương trình truyền hình” và “Những vấn đề luật định trong hoạt động quan hệ công chúng”…
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông trong giờ học thực hành nghiệp vụ truyền hình
với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại
Đội ngũ cán bộ giảng viên của khoa đã biên soạn 20 giáo trình và 24 bài giảng chuyên ngành, gần 30 đầu sách chuyên khảo, biên dịch hơn 15 tài liệu về báo chí nước ngoài. Các công trình này tạo dựng một cách hệ thống và bài bản về các vấn đề căn cốt trong nghiên cứu và thực tiễn báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay, phục vụ đắc lực cho việc đào tạo và tư vấn chính sách, trong đó nhiều cuốn giáo trình, sách chuyên khảo không chỉ là sách gối đầu giường cho sinh viên của khoa, mà còn là sách cẩm nang cho giảng viên và sinh viên nhiều trường bạn.
Hợp tác, hội nhập và phát triển
Khoa Báo chí và Truyền thông là đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam, với quan hệ đối tác với nhiều cơ quan tổ chức báo chí lớn của quốc tế.
Nhiều dự án hợp tác với nước ngoài được triển khai, tiêu biểu Dự án MediaPro – Xây dựng khung chương trình đào tạo báo chí theo chuẩn quốc tế (Hội đồng Anh tài trợ), Dự án nâng cao năng lực nhà báo trẻ (Đại sứ quán Mỹ tài trợ)… Kết quả của các dự án hợp tác này là nhiều cuốn sách chuyên khảo được ra mắt, hàng chục lượt cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng giảng dạy ở trong và ngoài nước, khung chương trình đào tạo báo chí cũng từng bước được chỉnh sửa, nâng cao cho phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp truyền thông thế giới và Việt Nam.
Khoa Báo chí và Truyền thông hiện đang từng bước gia nhập mạng lưới 5 trường đào tạo báo chí lớn trong khu vực, và trong tương lai gần 5 trường sẽ trao đổi sinh viên và công nhận các tín chỉ đào tạo tác nghiệp trong chương trình đào tạo cử nhân của nhau. Đây là một trong các bước đi để Khoa ngày một nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Bài học sâu sắc đưa lại thành công của Khoa ngày hôm nay là tinh thần đoàn kết, nhất trí, gắn bó của các thế hệ thầy và trò của khoa, là tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tâm, năng động và hiệu quả của các cán bộ, giảng viên, là sự nỗ lực, nghiêm túc, cầu thị, ham học hỏi và đầy sáng tạo của các sinh viên, học viên khoa Báo chí và Truyền thông, cùng sự chung tay giúp sức của rất nhiều lực lượng trong ngoài.
Với sức trẻ của tuổi 25 đầy hoài bão, Khoa Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể, thu hút các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển Khoa theo chiều sâu và theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá các mặt công tác trong sự phát triển chung của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội theo định hướng đại học nghiên cứu.
Tập thể nữ cán bộ khoa Báo chí và Truyền thông và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông được thực hành với những thiết bị hiện đại tại Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông
Hội thảo Khoa học do Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với viện KAS (CHLB Đức) tổ chức ngày 10/6/2015
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Chủ nhiệm Khoa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn