Ngôn ngữ
PGS.TS Vũ Thị Phụng thay mặt các thế hệ thầy cô giáo chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của mình đối với mái trường ĐHKHXH&NV/Ảnh: Thành Long
Hôm nay tôi thật vinh dự và cảm động vì được Ban tổ chức, được các thầy cô và cán bộ, viên chức toàn trường cho phép đại diện và phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới 2014 -2015.
Đứng trên bục này nhìn xuống hội trường, tôi thấy "ghen tị" một chút với các tân sinh viên K59, vì các em không chỉ được trường và thầy cô các khoa đón tiếp chu đáo trong ngày nhập học, hướng dẫn và chia sẻ các thông tin cần thiết trong tuần sinh hoạt công dân, mà còn được tham dự một Lễ khai giảng năm học thật long trọng và đầy ý nghĩa.
Sở dĩ tôi bày tỏ một chút "ghen tị" với các em, vì tôi nhớ lại thời mình vào đại học (năm 1976). Lúc đó đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, nhiều thứ cần được ưu tiên hơn, nên chúng tôi không có một lễ khai giảng chung và đến khi ra trường, cũng không có một lễ phát bằng với mũ áo "xênh xang" như các khóa sinh viên bây giờ.
Nhưng với chúng tôi, đó chỉ là một chút thiệt thòi nho nhỏ và so với các thế hệ trước tôi, thế hệ của Thầy, Cô tôi - nhiều người cũng đang có mặt trong hội trường này, thì sự thiệt thòi đó càng chẳng thấm vào đâu so với những ngày học tập trong chiến tranh, ở nơi sơ tán. Chắc ngày đó (năm 1976), thế hệ Thầy, Cô tôi cũng nghĩ: sinh viên bây giờ sướng thật!
Và tôi bỗng thấy, những câu nói có phần "ghen tị" đó của thế hệ trước với thế hệ sau lại là niềm vui vì nó cho thấy sự phát triển đi lên của xã hội nói chung, của nền giáo dục đại học và trường ta nói riêng.
Cho dù có không ít sự khác nhau giữa thời xưa với thời nay, nhưng có một điều bất biến gần như không thay đổi - đó là niềm tự hào về trường, sự biết ơn đối với các thế hệ giảng viên, cán bộ viên chức của trường trong lòng các thế hệ sinh viên.
Hôm nay, trong lễ khai giảng này, tôi rất muốn nói tới điều thiêng liêng đó qua câu chuyện bình thường của chính tôi. Gần 40 năm trước, từ một cô học trò gầy yếu, con của một gia đình bần nông ở tỉnh Thái Bình, tôi như kẻ “điếc không sợ súng”, dám đăng ký thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay. Nhờ một kỳ thi không biết đến tiêu cực, tôi đã bước từ ruộng đồng lên Hà Nội và trở thành sinh viên Khoa Lịch sử. Từ một học trò quê, 17 tuổi lên thành phố thấy gì cũng lạ, tôi đã được thầy cô, cán bộ của trường dìu dắt và chỉ bảo, được bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ, để rồi 4 năm sau, 21 tuổi tôi trở thành giảng viên - cán bộ của Trường. Gần 40 năm học tập và làm việc tại trường, trải qua rất nhiều vai: sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý; được học nhiều Thầy Cô đáng kính; được chia sẻ kiến thức với bao thế hệ sinh viên; được đi đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và bay tới một vài quốc gia trên thế giới..., tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Nhiều lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy mọi điều đến với mình như một giấc mơ, nhưng giấc mơ đó là có thật !
Và tôi tự hỏi: liệu mình có thể có được những điều thật như mơ ấy không, nếu mình không chọn ngôi trường này, nếu mình không có những người thầy, người bạn, không có các thế hệ sinh viên tuyệt vời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay?
Và thưa các bạn sinh viên K59, cho dù vì bất cứ lý do gì đưa các bạn đến với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thì tôi cũng muốn nói lại một lần nữa với các bạn rằng: những điều đó đối với tôi là một giấc mơ có thật, nhưng câu chuyện của tôi lại là một câu chuyện bình thường của rất nhiều người - những người bước vào trường với bao bỡ ngỡ và từ trường bước vào cuộc sống với niềm tự hào và sự biết ơn như vậy.
Tôi đã nói lời biết ơn với Thầy Cô và đồng nghiệp, với sinh viên của tôi rất nhiều lần. Nhưng Thầy Cô tôi bảo, cho dù trường tốt, thầy cô tốt, môi trường tốt, nhưng nếu em không nỗ lực, chồng con em không giúp đỡ và chia sẻ công việc gia đình, liệu em có may mắn như vậy hay không?
Xin cảm ơn Thầy Cô tôi lần nữa, vì Thầy Cô đã giúp tôi nhìn lại những gì mình đã vượt qua: từ những tháng năm sinh viên vất vả thời bao cấp, đến những ngày làm việc miệt mài khi mới ra trường cho dù chưa biết ngày nào mới được nhà nước phát lương; từ những ngày mang theo con nhỏ đi dạy ở tỉnh xa, ăn bánh mỳ khô để có tiền chụp tư liệu cho luận án đến những đêm thức trắng vì đề tài, bài viết đến hẹn phải hoàn thành...
Nhưng trên tất cả, với tôi, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay vẫn là nơi tôi đã trưởng thành, đã đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung và đã được nhận về nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mỗi lần đi đến những nơi xa, gặp lại bạn bè và sinh viên cũ, chúng tôi đều gọi nhau là “Dân Tổng hợp” và bây giờ là “ Dân Nhân văn” với niềm tự hào không cần giấu diếm.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, một lần nữa tôi xin gửi lời tri ân đến các Thầy Cô; xin chia sẻ với các nhân viên, cán bộ quản lý của trường về sự tận tâm với bao công việc bộn bề; xin chúc mừng anh chị em nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các khóa về những nỗ lực, thành công và cả những dự định còn đang cố gắng hoàn thành.
Với riêng các em sinh viên năm thứ nhất, tôi không chỉ chúc mừng vì các em đã vượt qua một kỳ thi khó khăn để vào đại học, mà còn chúc mừng vì các em đã được trở thành tân sinh viên của Trường Đại học số một Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - ngôi trường mà thương hiệu gắn với tên tuổi những người Thầy nổi tiếng, ngôi trường mà tài sản và giá trị lớn nhất là tầm cao trí tuệ và chất nhân văn hiếm thấy. Các em hãy nỗ lực hết mình trong học tập và rèn luyện ở ngôi trường như vậy, để sau này đóng góp cho xã hội và nhận về cho mình những điều thật như mơ!
Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2014
(Trích phát biểu của PGS.TS Vũ Thị Phụng - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Văn phòng, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng - tại Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của Trường ĐHKHXH&NV).
Tác giả: PGS.TS Vũ Thị Phụng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn