Ngôn ngữ
Quả đúng như thế. Và nếu nói như Lénine “điện ảnh là nghệ thuật quan trọng nhất trong các nghệ thuật”, thì Em sẽ đến cùng cơn mưa đã làm trọn sứ mệnh “thiêng liêng, cao cả” của nó. Bộ phim đã mang đến cho người xem một bức tranh đẹp về tâm hồn con người Nhật Bản. Ở một phương diện khác, trong một thế giới hiện đại mà truyền thống đang ngày càng chiếm ưu thế rõ rệt, điện ảnh lại được xem là công cụ nghệ thuật hữu hiệu nhất, thì một bộ phim như Em sẽ đến cùng cơn mưa bao giờ cũng là bài học có ích không chỉ riêng cho những nhà điện ảnh Nhật, mà còn với tất cả những nhà điện ảnh chân chính trên thế giới.
Ngay từ những thập niên đầu thế kỉ XX, nền điện ảnh “đất nước mặt trời mọc” đã được các nước phương Tây biết đến qua tên tuổi các nhà làm phim hàng đầu như Kinugasa, Naruse, Mizoguchi, Ozu, Isao Yukisada, Masanori Murakami. Đó là một nền điện ảnh dân tộc mà cũng rất hiện đại. Xem phim Nhật, ít ai lại không nhận ra một vẻ đẹp nào đó trong sâu xa tâm hồn con người nơi đây. Đó là vẻ đẹp của tinh thần võ sĩ đạo, của cái tinh tế, sự thông minh, trí tuệ được tích tụ từ nhiều đời, của lòng tự tin và quả cảm, đặc biệt của sự hy sinh, tinh thần vị tha, sự trân trọng tình yêu và tình cảm gia đình. Báo chí và truyền thông đã nói rất nhiều về vấn đề này trong và sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 3 năm 2011. Để nói đầy đủ vấn đề này, cần phải có một công trình nghiên cứu dài. Trong một bài viết ngắn, chúng tôi muốn chỉ phân tích một số yếu tố tạo nên sự thành công cho bộ phim Em sẽ đến cùng cơn mưa của đạo diễn trẻ Abuhiro Doi. Hy vọng những điều rút ra từ đây cũng sẽ giúp các nhà làm phim trẻ Việt Nam những bài học cần thiết.
Yếu tố đầu tiên, theo chúng tôi khiến bộ phim của đạo diễn Nobuhiro Doi hấp dẫn khán giả, không chỉ ở Nhật Bản, có lẽ nằm ở tính nhân văn thấm đậm trong từng chi tiết của tác phẩm. Thật ra, câu chuyện phim (story) Em sẽ đến cùng cơn mưa rất dung dị. Truyện chủ yếu chỉ xoay quanh cuộc sống trong một gia đình nhỏ người Nhật bình thường gồm ba thành viên: Takumi (người bố), Mio (người mẹ) và cậu con trai Yuji. Mở đầu phim là cảnh quay một ngôi nhà đẹp như trong mơ, nằm ngay cạnh một hồ nước, giữa rừng. Cậu bé Yuji ngày nào giờ đã thành chàng thanh niên 18 tuổi vui vẻ đón nhận món quà người mẹ đặt từ 12 năm trước do chính ông chủ hiệu bánh trực tiếp mang đến. Trong cuộc chuyện trò giữa hai cha con Takumi và Yuji, một kỷ niệm diệu kỳ khi cậu bé lên 6 tuổi được nhắc lại: người mẹ sau khi sinh đứa con đầu lòng là Yuji mắc một căn bệnh bí ẩn và qua đời. Trước khi trở về sống ở hành tinh Akaibu, chị đã hứa, sẽ trở về sống cùng chồng con trong 6 tuần ngay khi mùa mưa đầu tiên bắt đầu. Và chị đã về. Chính trong cuộc trở về thú vị và bất ngờ này, nhiều điều bí mật thấm đẫm tình người chưa từng được biết đến do Tkumi kể lại đã được hé lộ. Chọn lối kể chuyện từ góc nhìn này, bộ phim đã góp phần soi sáng câu chuyện tình yêu, vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha của từng nhân vật trong tác phẩm và cũng làm cho câu truyện phim “đa tầng, đa lớp” hơn.
Takumi và Mio yêu nhau từ khi còn học chung lớp tại một trường trung học phổ thông ở Tokyo. Tình yêu giữa họ kín đáo, nhẹ nhàng, và lãng mạn như bất cứ một mối tình của tuổi học trò nào. Cả hai đều yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng vì cả hai bản tính đều rụt rè, nên tình yêu đó chỉ được giữ kín trong góc tâm hồn riêng của mỗi người. Vào cái ngày họ sắp phải chia tay, nguy cơ sẽ không còn được gặp lại, một “cái cớ” thần kỳ đã giúp họ gặp lại nhau: Takumi “vô tình” để quên cây bút sau khi viết những dòng lưu bút trong cuốn số học trò theo đề nghị của cô bạn gái. Và tình yêu dẫu có nhiều trắc trở, cuối cùng vẫn kéo họ lại với nhau. Biểu tượng cả một rừng hoa hướng dương ngập sắc vàng trong ngày họ gặp lại đã khẳng định tình yêu chân thành luôn luôn là bất tử. Một đám cưới diễn ra. Hạnh phúc tràn ngập ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ khi đứa con đầu tiên và duy nhất ra đời. Rồi bất hạnh ập đến với Mio: cô mắc một căn bệnh hiểm nghèo và qua đời, sau khi sinh bé Yuji, năm 28 tuổi. Câu hỏi nhói lòng của bé Yuji với Mio ngày “hồn ma” người mẹ trở về: “có phải vì con mà mẹ chết không?”, biểu tượng hình ảnh “cỏ ba lá” Yuji cố công tìm kiểm với hy vọng sẽ được gặp lại mẹ, hình ảnh hành tinh Akaibu trong cuốn Album Mio để lại, những trận mưa dầm dề, những chú “búp bê cầu mưa” cậu bé Yuji đặt ở khắp nơi, chỗ lớp học và nơi nhà ở với hy vọng mưa đến để mẹ trở về…Tất cả những chi tiết và hình ảnh đó đều thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản.
Dựa trên nền chính tác phẩm gốc Em sẽ đến cùng cơn mưa có nội dung chính về một người đã chết trở về sống cùng chồng và con trong 6 tuần, bộ phim của Nobuhiro Doi đã có thêm một số sáng tạo cả trong cấu trúc câu chuyện, bối cảnh, nhân vật và cách thức kể chuyện. Về nhân vật, vai bác sĩ Noguchi, người chuyên theo dõi và tư vấn sức khỏe cho Takumi đã thay cho vai người thầy giáo có tên Nombre trong tiểu thuyết. Sự thay thế này sẽ thuyết phục hơn khi người xem muốn được nhìn thấy một điều kì diệu như thế vẫn có thể tồn tại trong cuộc đời: khi tình yêu và lòng khát khao đạt đến vô cùng thì người ta vẫn có “phép màu” làm cho “người chết sống lại”. Dù không tin câu chuyện rất “phản khoa học” này, nhưng bác sĩ Noguchi luôn khẳng định với Takumi rằng, “điều đó vẫn có thể xảy ra”. So với tiểu thuyết, phim còn sáng tạo thêm nhân vật Aya, cô bạn nhỏ cùng lớp hết đỗi đáng yêu, người duy nhất biết chuyện “bí mật” của bạn mình, và đã nhiều lần lên tiếng để cô giáo cho phép Yuji kịp trở về gặp mẹ…
Về nghệ thuật xây dựng bối cảnh, không phải ngẫu nhiên đạo diễn Nobuhiro Doi đã cố tình tạo ra một không gian hoàn toàn riêng biệt cho gia đình Takumi: một ngôi nhà bên hồ nước và ở giữa khu rừng. Tất cả mọi điều bí mật về “người chết sống lại”, nhờ thế được hoàn toàn bí mật. Trong tác phẩm văn học gốc, gia đình Takumi vẫn sống bình thường trong một khu phố đông người, “hồn ma” Mio vẫn sinh hoạt, đi lại, nói chuyện với những người bình thường khác (đặc biệt với thầy giáo Nombre). Trong phim, sự tiếp xúc của “hồn ma” Mio đã được tiết chế đến tối đa. Khi trở về từ hành tinh Akaibu, ngoài hai cha con Takumi và Yuji, Mio chỉ gặp Tagase, cô bạn đồng nghiệp của Takumi (để nhờ việc chăm sóc hai cha con khi chị ra đi), và ông chủ hiệu bánh (để đặt bánh sinh nhật cho con trai đến tận năm 18 tuổi). Sự sáng tạo ấy dễ được người xem chấp nhận. Ngoài ra, việc đạo diễn đưa vào chi tiết những con búp bê cầu mưa, một tập tục riêng của người Nhật Bản, mà Yuji treo giăng khắp nơi trong lớp học và ở nhà với ước muốn mùa mưa kéo dài để mẹ sẽ còn ở lại, cũng nói lên được vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản. Đặc biệt hơn, việc sáng tạo thêm bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Takumi và Mio ngày họ yêu nhau giữa một rừng hướng dương vàng ruộm cả bầu trời đã tạo cho người xem những xúc cảm vô cùng đặc biệt. Đó là sự khác biệt giữa văn học và điện ảnh. Chúng tôi nghĩ, Doi còn thành công hơn qua cách kể chuyện hết sức độc đáo của mình.
Câu chuyện phim Em sẽ đến cùng cơn mưa thực ra rất đơn giản, nhưng cách thức kể thì lại đa tầng đa lớp, tạo nên rất nhiều bất ngờ cho người xem. So với tiểu thuyết, câu chuyện chỉ được kể từ hai điểm nhìn (điểm nhìn của Takumi và điểm nhìn của Mio, qua bức thư cô để lại), cấu trúc kể chuyện trong phim đã có phần phức tạp hơn. Bộ phim kể ít nhất từ ba điểm nhìn: có một câu chuyện được kể từ điểm nhìn của đạo diễn và chiếc camera về những gì diễn ra trong hiện tại, vào thời điểm sinh nhật lần thứ mười 18 của Yuji; câu chuyện thứ hai được kể từ điểm nhìn của nhân vật Takumi, về tình yêu giữa hai người vào thời điểm Mio trở về sau cái chết khi cô đã mất hoàn toàn trí nhớ; và câu chuyện thứ ba được kể từ cuốn nhật ký của Mio sau khi cô trở lại hành tinh Akaibu, hé lộ những chi tiết còn bỏ sót trong thiên tình sử của họ suốt từ những năm trung học. Nếu không chọn cách kể độc đáo này, truyện phim Em sẽ đến cùng cơn mưa sẽ đơn điệu, khó thuyết phục được khán giả. Hoặc nữa, bộ phim cũng khó tạo ra những bất ngờ, một yếu tố được coi là rất quan trọng trong một tác phẩm tự sự, dù đây là một “văn bản tự sự hình ảnh”.
Truyện phim Em sẽ đến cùng cơn mưa có yếu tố hoang đường (người chết sống lại), nhưng tuyệt nhiên không để lại cho người xem bất cứ cảm giác nào về sự “không có thật”. Để tạo được cảm giác đó, Nobuhiro Doi đã phải có sự tính toán rất công phu. Trước hết ông chọn bối cảnh ngôi nhà ba nhân vật chung sống ở giữa khu rừng, cạnh một hồ nước lớn, không có người qua lại. Bối cảnh ấy, cho phép Mio sau khi đã chết vẫn trở về, vì hai cha con Takumi là những người duy nhất chứng kiến một người chết có khả năng sống lại. Thêm nữa, khát vọng được gặp lại người thân ở hai cha con Takumi, cũng là một lý do quan trọng khác khiến sự trở về của Mio là hợp lý. Trong cách kể chuyện, Nobuhiro Doi cũng luôn luôn duy trì trạng thái mập mờ giữa hai thế giới thực và ảo: câu chuyện trong thế giới ảo, thực ra chỉ kết nối với chuyện thực qua chi tiết gắn với một người duy nhất (ngoài hai cha con Takumi), đó là Nagase, cô bạn gái đồng nghiệp của Takumi. Gần ngày phải trở lại hành tinh Akaibu, lo lắng cho cuộc sống thiếu bàn tay của người phụ nữ của hai cha con Takumi, Mio đã “đường đột” hẹn gặp Nagase tại một quán café vắng vẻ, gần như không có người ra vào. Người xem có một chút giật mình cùng với cô bạn tốt bụng của Takumi trong giây phút đầu tiên gặp lại một người quen đã chết nay bỗng “sống lại”. Nhưng chỉ một giây thôi. Sau đó tất cả nhanh chóng trở lại bình thường. Hai con người thuộc hai thế giới khác nhau (thật và ảo) vẫn “hoàn tất” một cuộc chuyện trò hệt như trong cuộc đời thật. Một nhân vật khác (không có trong tiểu thuyết) - người chủ hiệu bánh Mio đặt sinh nhật cho con trai suốt 12 năm vào ngày cô sắp sửa trở về hành tinh Akaibu, do chưa từng biết Mio là ai, nên không có bất cứ sự ngạc nhiên nào. Điều duy nhất khiến ông ngạc nhiên chỉ là vì “vị khách lạ lùng” này đặt bánh sinh nhật cho con trai mà kéo dài tới những 12 năm sau. Một nhân vật khác là bác sĩ Noguchi, người chữa bệnh cho Takumi chỉ biết chuyện Mio trở về qua lời anh kể. Đạo diễn phim đủ “khôn” để không cho ông bác sĩ – một nhà khoa học – vốn quá hiểu nguyên lý người chết không thể “sống lại”, gặp gỡ trực tiếp Mio. Với bản tính nhân hậu, ông bác sĩ này khẳng định, không thể có câu chuyện người chết trở về, nhưng để làm anh vui, ông lại tin câu chuyện đó là có thật, ít nhất là trong thế giới riêng của Takumi.
Vẻ đẹp của tâm hồn Nhật Bản hiện lên qua từng chi tiết của bộ phim Em sẽ đến cùng cơn mưa. Nó không chỉ tồn tại trong gia đình riêng của Takumi qua một “thế giới hoang đường”, mà ngay cả trong cuộc đời thực với các nhân vật bao quanh cái “thế giới hoang đường” đó: Nagase (cô bạn đồng nghiệp), Noguchi (bác sĩ), đặc biệt là cô bạn gái tốt bụng Aya, người bạn học duy nhất Yuji tiết lộ điều bí mật về sự trở về của người mẹ đã chết. Tất cả đều ánh lên vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của con người Nhật Bản. Phim Em sẽ đến cùng cơn mưa tuyệt nhiên không hề có bất cứ cảnh “nóng”, những chiêu câu khách, những kĩ xảo đặc biệt nào. Thậm chí cả tuyến nhân vật tiêu cực bị cường điệu như ta vẫn thường thấy trong không ít bộ phim Việt Nam, kể các các bộ phim “ăn khách” của Hàn Quốc, được chiếu trên truyền hình gần đây, cũng không hề có. Em sẽ đến cùng cơn mưa chỉ có duy nhất một tuyến nhân vật tích cực, đó là những con người với vẻ đẹp “trong veo”, “thuần khiết”, “vị tha”, khiến người xem luôn có cảm giác rằng, trong thế giới này, cái ác và cái xấu không có cơ sở tồn tại. Ngoài ra, bộ phim hấp dẫn người xem còn qua những khuôn hình đẹp như tranh của nhà quay phim, cách kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn từ đầu đến cuối của đạo diễn, tài năng diễn xuất điêu luyện của bộ ba diễn viên chính: Yuko Takeichi (trong vai Takumi), Shido Nakhamura (trong vai Mio), Akashi Takei (trong vai Yuji). Những yếu tố đó đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người Nhật Bản trong cuộc sống đời thường. Và trên tất cả, xem xong bộ phim có yếu tố “giả tưởng” (người chết sống lại), ta không hề có cảm giác sợ hãi. Trái lại, trong suy nghĩ của người xem, câu chuyện “giả tưởng” kia vẫn có thể có thật. Ai trong cuộc đời này lại không từng mơ ước có được một trải nghiệm đẹp đẽ như những gì đã diễn trong câu chuyện của Nabuhiro Doi. Ai lại không từng một lần trong đời mơ ước một ddieuf kì diệu nào đó trong cuộc đời sẽ đưa người thân yêu nhất đã chết trở lại sống với mình. Điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung chính là cầu nối giúp con người thực hiện được “ ước mơ phi thực đó” đó. Dù điều đó trong thực tế là điều không thể. Ở một phương diện khác, ta cũng thấy rằng, một bộ phim hay không nhất thiết cần đến những đề tài “gay cấn”, những diễn viên đẹp với những cảnh “nóng”, hay sử dụng kĩ xảo đắt tiền. Một bộ phim hay đôi khi chỉ dung dị như chính cuộc sống thường ngày. Điều quan trọng, nó phải mang đến cho cho người xem những “giấc mơ đẹp” và giúp con người sống “đẹp” hơn. Tôi mơ ước điện ảnh Việt Nam một ngày nào đó sẽ làm được những bộ phim như thế.
Bữa cơm gia đình sau ngày Mio từ ngôi sao Akaibu trở về sống với chồng và con
Hình ảnh Takumi và Mio thời gian ở trường trung học
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn