Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện nổi bật trong hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV: kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống của Nhà trường và Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI của Đảng bộ Nhà trường. Đây cũng là năm đánh dấu nhiều chuyển biến lớn trong định hướng phát triển của Nhà trường để tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong hệ thống các trường đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu mới của xã hội đối với giáo dục đại học. GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi với phóng viên về những thời cơ, thách thức đang đón đợi Nhà trường trong thập niên mới.
- Hiện nay, các ngành nghề thuộc khối xã hội và nhân văn đang bị cạnh tranh bởi nhiều ngành nghề “hot” khác nên ít nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhà trường đã nhận thức và giải quyết vấn đề này như thế nào thưa GS?
- Đây đúng là một thực tế mà Nhà trường đã phải đối mặt trong thời gian qua. Các ngành KHXHNV là khoa học về con người và đời sống xã hội, thông qua việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng xã hội để làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lí đề ra các chiến lược và kế hoạch phát triển lâu dài. Vai trò to lớn như vậy nhưng những lợi ích mà KHXHNV đem lại không dễ nhìn thấy ngay trong trước mắt. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của kinh tế và khoa học kĩ thuật trong thời gian qua đã khiến các ngành nghề kinh tế, công nghệ, ngoại thương... có sức thu hút lớn đối với người học. Vậy những người làm nghiên cứu và đào tạo KHXHNV phải tự xác định rõ được thực tế này để không nản lòng với niềm say mê mà mình đã chọn. Là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về KHXHNV, Nhà trường đã phải rất năng động và sáng tạo trên nhiều mặt để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của xã hội hiện nay đối với các ngành học này.
Thứ nhất là từ những ngành học cơ bản ban đầu như Lịch sử, Văn học, Triết học..., Nhà trường đã nghiên cứu và xây dựng thêm các ngành học mới phục vụ nhu cầu xã hội và người học như: Quốc tế học, Du lịch học, Nhân học, Công tác xã hội, Đông phương học, Việt Nam học, Sở hữu trí tuệ, Quản trị văn phòng... Những ngành học mới do đáp ứng đúng nhu cầu xã hội nên đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của xã hội, trong đó có cả người học và các nhà tuyển dụng lao động. Đặc biệt, nhiều ngành học đạt đẳng cấp quốc tế bước đầu được triển khai như Ngôn ngữ học, Lịch sử sẽ đem đến cơ hội học tập chất lượng cao cho sinh viên.
Thứ hai là các chương trình đào tạo đã được cập nhật theo hướng hiện đại hoá về nội dung, tăng thêm thời gian thực hành, chú trọng đào tạo các kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng mềm để sinh viên có thể thích ứng tốt với công việc ngay sau khi ra trường. Ngoài ra, nhiều biện pháp về quản lí khác cũng được áp dụng nhằm tăng cường chất lượng đào tạo - yếu tố quan trọng nhất làm nên thương hiệu của một trường đại học.
Nhiều ngành học đạt đẳng cấp quốc tế bước đầu được triển khai như Ngôn ngữ học, Lịch sử sẽ đem đến cơ hội học tập chất lượng cao cho sinh viên.
— GS.TS Nguyễn Văn Khánh
Thứ ba là đa dạng hoá các loại hình đào tạo, trong đó mở rộng liên kết đào tạo với nhiều trường đại học nước ngoài theo hướng 2+2, 3+1 để tăng cơ hội học tập cho người học; liên kết đào tạo và chuyển giao công nghệ đào tạo với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới; đào tạo bằng kép, đào tạo ngắn hạn...
Bốn là Nhà trường đã xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức, cơ sở tuyển dụng, trong đó có Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra tiếng nói chung, đồng thời giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường.
- Nhà trường được đánh giá là đơn vị đi đầu của ĐHQGHN trong việc triển khai đào tạo tín chỉ (ĐTTC) nhưng việc triển khai mới chỉ là những bước đầu tiên còn rất nhiều bỡ ngỡ trong nhận thức và thực hành. Xin giáo sư cho biết những giải pháp mà Nhà trường sẽ thực hiện trong thời gian tới để ĐTTC chỉ thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hết hiệu quả của phương thức đào tạo này?
- Chúng tôi xác định rõ: Thực hiện tốt việc đào tạo theo học chế tín chỉ ở tất cả các bậc đào tạo là giải pháp tổng thể và lâu dài để đổi mới phương thức quản lí đại học, quản lí công tác đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
Một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành, những trở ngại tâm lí nhất định của sinh viên và cán bộ đã được khắc phục để ĐTTC trở nên quen thuộc trong tư duy và hoạt động của thầy và trò.
— GS.TS Nguyễn Văn Khánh
Với nỗ lực và quyết tâm cao, Nhà trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được những thành công bước đầu trong việc chuyển đổi từ phương thức đào tạo niên chế sang ĐTTC, trở thành một trong những đơn vị đi đầu của ĐHQGHN trong công tác này. Những kết quả bước đầu này đã tạo ra những thay đổi tích cực trong giảng dạy và học tập, thổi vào một không khí học tập mới hướng tới sự năng động, sáng tạo và hiệu quả trong cán bộ và sinh viên. Nhà trường đã xây dựng và điều chỉnh kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn, quy trình quản lí đào tạo phù hợp với ĐTTC. 1.144 đề cương môn học, 41 giáo trình, 15 sách tham khảo, 106 bài giảng và các tài liệu hướng dẫn môn học bậc cử nhân và 672 đề cương môn học/chuyên đề bậc sau đại học đã được biên soạn, chuyển đổi lại phù hợp với ĐTTC. Một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành, những trở ngại tâm lí nhất định của sinh viên và cán bộ đã được khắc phục để ĐTTC trở nên quen thuộc trong tư duy và hoạt động của thầy và trò. Khoá QH-2007-X với 1.345 sinh viên - khoá đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo này trong toàn khoá học - đã có 05 sinh viên hoàn thành trên 90% tổng số tín chỉ, có điểm số đủ đăng kí bảo vệ khoá luận tốt nghiệp và có cơ hội hoàn thành toàn bộ chương trình học chỉ sau 3 năm chứ không phải 4 năm như thông thường. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các em sinh viên đã dần thích nghi với phương thức đào tạo mới, đã nỗ lực để có thể tận dụng được hết những ưu thế nổi bật của phương thức đào tạo này trong kế hoạch học tập của mình.
Trong thời gian tới, để ĐTTC đi vào chiều sâu, Nhà trường xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đổi mới khâu quản lí đào tạo theo hướng đề cao tính năng động của các bộ phận chức năng; tăng tính liên thông giữa các phòng ban và các đơn vị; tăng tính chủ động của các khoa, bộ môn trực thuộc trong việc tổ chức vận hành các chương trình đào tạo, thiết kế chương trình mới, đề xuất môn học mới; tăng quyền chủ động, tự quyết của giảng viên trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá; thanh tra nghiêm ngặt việc thực hiện quy chế đào tạo nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do thiếu kiểm tra đánh giá.
- Kiểm định chất lượng đào tạo cũng là một trong những hoạt động nổi bật và tiên phong của Nhà trường trong thời gian qua, xin giáo sư đánh giá những kết quả làm được và những dự định của Nhà trường cho lĩnh vực mới mẻ này?
- Sớm nhận thức vai trò của KĐCLĐT trong việc nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập khu vực, năm 2006, Nhà trường đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng Đào tạo với chức năng là cơ quan đầu mối thực hiện các công tác KĐCL trong nhà trường cũng như phối hợp với các đơn vị ngoài để tiến hành KĐCL các chương trình đào tạo của Nhà trường. Nhà trường đã tiến hành đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá bài giảng của thầy qua ý kiến phàn hồi của sinh viên, tổ chức đánh giá giữa chu kì và đề ra các giải pháp hiệu quả sau đánh giá nhằm cải thiện chất lượng dạy và học. Năm 2007-2008, Hội đồng Kiểm định chất lượng quốc gia đã công nhận Nhà trường là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm ĐBCLĐT của trường là đơn vị KĐCL đầu tiên trong trường đại học thành viên của ĐHQGHN, liên tục nhiều năm được ĐHQGHN đánh giá là đơn vị có thành tích tốt trong công tác KĐCL, đạt 100/100 điểm. Nhiều trường đại học bạn đã đến học hỏi kinh nghiệm KĐCL của Nhà trường. Nhà trường cũng là đơn vị có nhiều thành tích trong việc nghiên cứu và xây dựng cơ sở lí luận về KĐCL tại Việt Nam. Trong thời gian tới, công tác kiểm định chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để trở thành công tác thường xuyên của trường. Sau ngành Ngôn ngữ học, CTĐT các ngành Lịch sử, Du lịch, Quốc tế học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng sẽ được tiến hành đánh giá và thẩm định ở cấp cơ sở và cấp ĐHQGHN. Đến năm 2012, Nhà trường sẽ tiến hành đánh giá các chương trình đào tạo theo chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Thực hiện được điều này sẽ là bước tiến gần hơn tới cái đích hội nhập về chất lượng đào tạo với khu vực và quốc tế.
- Sáu đề tài cấp Nhà nước, 156 đề tài cấp ĐHQGHN, 123 đề tài cấp cơ sở đang triển khai, 100 hội thảo khoa học, trong đó có 34 hội thảo quốc tế được tổ chức thành công trong giai đoạn 2006-2010 - đây là những con số rất ấn tượng về thành tích NCKH của Nhà trường. Nhưng cũng nhìn nhận lại một thực tế là trong lĩnh vực KHXH&NV, các đề tài mang tính liên ngành còn chưa nhiều, những nghiên cứu có tính dịch vụ để mang lại các nguồn thu chưa cao, Nhà trường có phương hướng gì để khắc phục những hạn chế trên?
- NCKH chính là hoạt động nhằm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín của nhà trường trong cộng đồng khoa học. Trên thực tế là thời gian qua, quy mô và số lượng các đề tài của nhà trường ngày càng tăng. Các học giả và tổ chức nước ngoài coi nhà trường là địa chỉ hợp tác hàng đầu về KHXHNV Việt Nam. Nhiều dự án quốc tế do Nhà trường triển khai đã rất thành công, thậm chí có vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu lí luận ở nhiều ngành khoa học còn rất mới tại Việt Nam như: Công tác xã hội, Nhân học, Phân tích chính sách, Sở hữu trí tuệ... Mặt khác, 06 đề tài cấp Nhà nước mà Nhà trường đã và đang đảm nhận đều là các đề tài lớn, mang tính liên ngành rất rõ như: ‘Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước thế kỉ XXI’, ‘Vấn đề gia đình trong phát triển xã hội và quản lí phát triển xã hội nước ta trong thời kì đổi mới’, ‘Những đặc trưng cơ bản về con người và văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay”, “Văn hoá quản lí: lí luận và thực tiễn”... Các đề tài liên ngành này đã góp phần giải quyết những vấn đề lớn của đất nước.
Để tiếp tục triển khai được những đề tài mang tính liên ngành cao, nhà trường sẽ phải tiếp tục chú trọng xây dựng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đào tạo những chuyên gia có khả năng đảm đương các nhiệm vụ nghiên cứu liên ngành. Đó phải là những nhà khoa học có chuyên môn cao, kiến thức liên ngành rộng, có uy tín trong giới khoa học. Ngoài ra, nghiên cứu liên ngành còn là câu chuyện của việc tổ chức, quản lí. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn rộng, nhận thức đúng về tầm quan trọng của nghiên cứu liên ngành trong KHXHNV để từ đó chú trọng đầu tư vào những dự án nghiên cứu lớn có giá trị lí luận và thực tiễn cao. Còn về những nghiên cứu dịch vụ thực hiện theo đơn đặt hàng của xã hội thì KHXHNV quả thật có nhiều “thiệt thòi” so với nhiều lĩnh vực khác. Nhưng với đội ngũ cán bộ khoa học mạnh và với uy tín, kinh nghiệm trong thời gian qua, chúng tôi vẫn là một trong những địa chỉ lựa chọn đầu tiên khi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước muốn đặt hàng một sản phẩm nghiên cứu khoa học nào đó. Thời gian qua, nhiều chuyên gia về lịch sử, xã hội học, ngôn ngữ của trường đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu lịch sử và văn hoá địa phương. Hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đội ngũ các cán bộ lịch sử, văn học, triết học của nhà trường... đã và đang tham gia xây dựng tủ sách 1000 năm Thăng Long cùng nhiều dự án khác của Thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các cơ quan và tăng cường việc quảng bá, giới thiệu về năng lực nghiên cứu của mình ra ngoài xã hội.
- Xin giáo sư cho biết những định hướng nghiên cứu lớn của Nhà trường trong thời gian tới?
- Việc xây dựng các định hướng NCKH của Nhà trường trong tương lai được xác định là vừa phải bảo đảm tính phát triển toàn diện, vừa tạo những điều kiện ưu tiên cho một số ngành học có khả năng, tiềm lực, có thể phát triển vượt trội, trở thành các ngành học đạt trình độ quốc tế. Các định hướng khoa học phải thể hiện quan điểm nghiên cứu, tư duy khoa học mới theo hướng xây dựng các dự án mang tính liên ngành, khu vực học. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2010-2020 và những năm tiếp theo, Nhà trường sẽ tập trung thực hiện 8 định hướng nghiên cứu cơ bản sau:
Một là nghiên cứu các vấn đề lí thuyết, giải quyết các vấn đề lí luận, các học thuyết, quan điểm, phương pháp nghiên cứu thuộc phạm vi khoa học xã hội và nhân văn nhằm góp phần xây dựng nền tảng lí thuyết, luận cứ khoa học vững chắc cho việc xây dựng chủ thuyết phát triển của Việt Nam;
Hai là xây dựng các đề tài nghiên cứu lớn mang tính liên ngành, nghiên cứu khu vực, nhằm phân tích, xác lập các luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng cơ chế quản lí, chiến lược phát triển, nghiên cứu dự báo những vấn đề của KHXHNV, các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong nửa đầu thế kỉ XXI;
Ba là xây dựng các đề tài nghiên cứu nhằm tập trung làm rõ các đặc tính lịch sử, văn hoá, xã hội điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu vùng và liên vùng, tiến trình phát triển, đấu tranh thống nhất, hoà hợp dân tộc...;
Các định hướng khoa học phải thể hiện quan điểm nghiên cứu, tư duy khoa học mới theo hướng xây dựng các dự án mang tính liên ngành, khu vực học.
— GS.TS Nguyễn Văn Khánh
Bốn là nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề giao lưu, tiếp xúc văn hoá của các nền văn hoá, các không gian văn hoá tộc người, các trung tâm văn hoá trên đất nước ta trong lịch sử;
Năm là nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự biến đổi xã hội, các giai cấp, tầng lớp xã hội, các nhóm lợi ích, các hệ giá trị xã hội;
Sáu là tập trung nghiên cứu về đô thị hoá và xã hội thành trị bao gồm các loại hình thành thị, các vấn đề về không gian tự nhiên và xã hội trong việc thiết lập, quy hoạch đô thị, kinh nghiệm quản lí đô thị, phát triển ngành đô thị học;
Bảy là nghiên cứu về tiềm năng, môi trường văn hoá, kinh tế biển, truyền thống khai thác biển và ý thức về biển của dân tộc ta trong lịch sử;
Tám là nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa con đường phát triển đặc thù của Việt Nam đã qua và sắp tới.
- Nhà trường đặt mục tiêu lọt vao top 400 các trường hàng đầu của châu Á trong thập niên tới, có nghĩa là phải hội nhập được về mặt chất lượng đào tạo với quốc tế. Nhà trường có những giải pháp cơ bản gì để thực hiện được mục tiêu đó thưa giáo sư?
- Có thể nói đây là mục tiêu số một của Nhà trường trong thập niên tới. Tất cả tâm sức, trí tuệ, sức sáng tạo của tập thể cán bộ Nhà trường; tất cả các giải pháp mà Nhà trường đề ra trên các lĩnh vực đào tạo, khoa học, tổ chức cán bộ... đều để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đạt tầm khu vực và quốc tế. Để đạt mục tiêu ấy, Trường ĐHKHXH&NV xác định 3 yếu tố quan trọng cần tập trung đầu tư: một là đội ngũ cán bộ khoa học phải đủ về số lượng và chất lượng phải đạt chuẩn quốc tế; hai là chương trình và nội dung đào tạo phải cập nhật với thế giới; ba là khâu quản lí cần phải hiện đại hoá để phát huy tính năng động sáng tạo của thầy và trò, phát huy được tính chủ động, chuyên nghiệp trong hoạt động đào tạo và NCKHK.
- Năm nay có nhiều sự kiện quan trọng đối với Trường ĐHKHXH&NV: kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống và Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI. Giáo sư đánh giá thế nào về ý nghĩa của những sự kiện đó trong chặng đường phát triển sắp tới của Nhà trường?
- Đây là 2 sự kiện lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường trong tương lai. Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI sẽ đánh giá các thành tựu, đúc rút các kinh nghiệm, đồng thời đề ra những phương hướng và giải pháp để đưa nhà trường nhanh chóng phát triển đạt tới trình độ và quy mô của một đại học nghiên cứu, có chất lượng đào tạo và NCKH đạt chuẩn khu vực, một số ngành/chuyên ngành mới đạt chuẩn quốc tế và phấn đấu đến cuối thập niên thứ hai của thế kỉ này, Nhà trường có mặt trong danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Đây sẽ là một giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng, có tính chất bước ngoặt của nhà trường và để lại dấu ấn trong giáo dục đại học Việt Nam.
Năm nay, Nhà trường sẽ tổ chức lễ kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Văn khoa - trường đại học tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Đây sẽ là ngày hội lớn của các thế hệ cán bộ và sinh viên nhà trường, là dịp để chúng tôi ôn lại, và khẳng định truyền thống lịch sử lâu đời và những thành tựu mà các ngành KHXHNV cách mạng Việt Nam đã đạt được trong 65 năm qua, để từ đó bồi đắp thêm lòng tự hào, hun đúc thành sức mạnh nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường trong thời gian tới. Lịch sử và ánh hào quang của quá khứ rọi về, thúc giục chúng tôi và thế hệ sinh viên hôm nay phải xét lại mình và tự hỏi: sẽ làm gì và làm như thế nào để nối tiếp truyền thống vẻ vang của một trường đại học do chính chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trực tiếp kí sắc lệnh thành lập sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời chưa đầy hai tháng tuổi.
- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này và xin chúc Nhà trường thực hiện thành công mục tiêu của mình!