Tại hội thảo “Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á” lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26/11/2008 vừa qua, GS.TS Mai Ngọc Chừ - Chủ nhiệm Khoa Đông phương học Trường ĐHKHXH&NV đã trình bày tham luận về tình hình đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc ở Việt Nam. Tác giả đã chia sẻ nhiều nhận định sát thực đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo Hàn Quốc học ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Phóng viên của Website Trường ĐHKHXH&NV đã trò chuyện với GS. Mai Ngọc Chừ xung quanh vấn đề này.
- Thưa GS. Mai Ngọc Chừ, bàn về thành tựu và triển vọng của Hàn Quốc học ở châu Á là một trong những chủ đề quan trọng tại hội thảo lần này. Qua những nội dung trao đổi của đại biểu tại tiểu ban này, GS. có những nhận định tổng quát gì về vấn đề này?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Những năm gần đây làn sóng Hàn Quốc ảnh hưởng đến rất nhiều nước ở châu Á, không chỉ ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam... mà cả Australia nữa. Cả những nước phát triển hơn Hàn Quốc như Nhật Bản chẳng hạn thì ở một góc độ nào đó cũng bị làn sóng Hàn Quốc tác động vào. Hay như Trung Quốc chẳng hạn cũng bị ảnh hưởng mạnh của làn sóng Hàn Quốc, thể hiện ở chỗ số sinh viên Trung Quốc đi học ở Hàn Quốc hiện rất nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân làm ch ngành Hàn Quốc học được tuyên truyền mạnh mẽ.
Hàn Quốc hiện nay là một trong bốn con rồng châu Á với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến nhiều nước khác, đặc biệt là các nước kém phát triển hơn. Sự phát triển về kinh tế Hàn Quốc cũng kéo theo sự phát triển của ngành Hàn Quốc học. Ví dụ như ở Việt Nam hiện nay, sự xuất hiện của nhiều công ti, doanh nghiệp Hàn Quốc đã thúc đẩy nhu cầu đào tạo về Hàn Quốc học. Do đó có thể thấy rằng những năm gần đây Hàn Quốc đã khẳng định được vị thế của mình ở châu Á, mở rộng được các quan hệ ngoại giao, kinh tế với nhiều nước, đó là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàn Quốc học ở khu vực châu Á.
Nếu so vớ cách đây khoảng 10-15 năm về trước thì tốc độ phát triển Hàn Quốc học tại châu Á hiện nay là rất mạnh. Tôi lấy ví dụ ở Việt Nam chúng ta, vào năm 1993 chỉ có 1 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Hàn Quốc học thì đến nay đã có 10 cơ sở đào tạo và 3 trung tâm nghiên cứu. Hay ở Trung Quốc có đến 100 viện nghiên cứu về Hàn Quốc, trong 10 năm có đến 6000 luận văn nghiên cứu về Hàn Quốc. Hàn Quốc học ở châu Á đang rất phát triển, đang ở thế đi lên. Tuy nhiên nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Ví dụ: hiện nay gần như ở tất cả các nước đều lấy việc dạy tiếng Hàn là chủ yếu. Còn Hàn Quốc học, nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ này thì chưa được như ý. Và hội thảo này hay ở chỗ nó nhìn lại một chặng đường phát triển của Hàn Quốc học để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong tương lai.
- Tại hội thảo, ngài đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đã phát biểu rằng ở Việt Nam hiện nay, Hàn Quốc học đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và các cơ sở đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng mở rộng. Theo GS, có những cơ sở nào để khẳng định điều đó?
[img class="caption" src="images/stories/2008/12/03/img_7346.jpg" border="0" alt="GS.TS Mai Ngọc Chừ (thứ 2, từ trái sang) tại Hội thảo" title="GS.TS Mai Ngọc Chừ (thứ 2, từ trái sang) tại Hội thảo" width="300" height="201" align="right" ]
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Đây là nhận định hoàn toàn đúng. Theo tôi có mấy cơ sở để khẳng định điều này như sau:
Thứ nhất là tất cả các cơ sở đào tạo Hàn Quốc tại Việt Nam đều ý thức được rằng Hàn Quốc học là một ngành đang cần đầu tư để phát triển. Tôi cho là điều này rất quan trọng ví có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng.
Thứ hai là nhu cầu đào tạo ngành này ngày càng lớn. Ở Việt Nam hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam có nhu cầu về nhân viên biết tiếng Hàn và Hàn Quốc học. Đầu ra tốt thì đầu vào nhiều, đầu vào nhiều thì điểm chuẩn sẽ cao, sẽ chọn được nhiều sinh viên giỏi. Như vậy là có điều kiện để phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo.
Thứ ba, phía Hàn Quốc rất quan tâm tới việc phát triển ngành học này ra thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc, từ thời ngài đại sứ Paik Nak Whan đã có những gắn bó với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ với Khoa Đông phương học. Hiện nay, ngài Paik Nak Whan đã trở thành giáo viên thỉnh giảng tại khoa chúng tôi. Hay Viện Nghiên cứu Hàn Quốc trung ương, Quỹ Koica, Quỹ Hàn Quốc đều có những hoạt động hợp tác, hỗ trợ cho ngành học này phát triển. So với các ngành học khác, học bổng cho sinh viên ngành Hàn Quốc học thuộc loại nhiều nhất trong Khoa hiện nay. Chúng tôi có hàng chục học viên đang được đào tạo ThS. tại Hàn Quốc. Hàng năm, các giảng viên biết tiếng Anh cũng được cấp học bổng sang nghiên cứu tại Hàn Quốc.
Thứ tư nữa là thông tin về Hàn Quốc học từ Việt Nam nối ra khu vực, ít ra là ở châu Á ngày càng phát triển. Trước đây chúng ta chỉ biết về nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, nhưng gần đây Trường ĐHKHXH&NV HN và ĐHKHXH&NV TPHCM đã tham gia Hội Nghiên cứu Hàn Quốc của Đông Nam Á. Ngày nay chúng ta đã có nhiều thông tin về Hàn Quốc học ở Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
- Hiện nay, Việt Nam có 10 trường đại học đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học nhưng trên thực tế, việc đào tạo hiện nay vẫn chú trọng nhiều vào tiếng Hàn và số sinh viên tốt nghiệp ra trường chủ yếu là làm công việc phiên - biên dịch tại các công ti, tổ chức Hàn Quốc tại Việt Nam. GS. nghĩ gì về điều này?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Tình hình này là đúng với thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước khác. Đến 90% số đào tạo về tiếng Hàn và Hàn Quốc học ra làm việc cho các công ty Hàn Quốc. Nên sinh viên ra làm phiên - biên dịch là một nhu cầu thực tế của xã hội mà chúng ta phải đáp ứng. Dù cho chúng ta cố gắng tập trung đào tạo về Hàn Quốc học theo hướng chuyên sâu thì cũng chỉ khoảng 10% số sinh viên tốt nghiệp là đi theo hướng nghiên cứu. Chúng ta phải đào tạo cái mà xã hội cần chứ không đào tạo cái mà chúng ta có. Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta chỉ đào tạo tiếng, vấn đề đào tạo tiếng là chủ yếu do các trường đại học ngoại ngữ đảm nhiệm còn chúng ta phải có đích sau đó nữa, ý tôi nói ở đây là đào tạo sau đại học.
- Một thực tế nữa là nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Hàn Quốc học phải học thêm nhiều chuyên ngành phụ và phải đào tạo lại theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nguyên nhân là do đâu thưa GS?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Điều này cũng hoàn toàn đúng. Vì sao? Vì các cơ sở đào tạo của chúng ta chỉ chú trọng đào tạo tiếng thôi thì chưa đủ. Sinh viên làm việc cho các công ti, tổ chức của Hàn Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tiếp thị, quản trị văn phòng, văn hoá doanh nghiệp... Ngoài tiếng Hàn ra thì có rất nhiều kiến thức mà họ cần phải biết. Để lấp những chỗ trống đó thì buộc các nhà tuyển dụng phải có kế hoạch đào tạo cho nhân viên của mình. Tôi biết có nhiều công ty xuyên quốc gia của Hàn Quốc có những trường đại học riêng của họ. Sau khi tuyển người biết tiếng Hàn, họ đưa nhân viên về chính quốc để đào tạo, để từ đó những nhân viên ấy có khả năng làm việc tại các chi nhánh của họ ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ đối xử với nhân viên nước ngoài bình đẳng như nhân viên chính quốc và có chế độ đãi ngộ rất tốt để đảm bảo nhân viên sẽ làm việc lâu dài và dốc hết tâm huyết với công ti.
Tuy nhiên, thực tế trên cũng buộc chúng ta phải có thay đổi trong chương trình đào tạo. Muốn sản phẩm đào tạo của mình đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, chúng ta phải đưa vào chương trình học những môn học cần thiết như văn hoá doanh nghiệp, quản trị, tiếp thị... Tất nhiên đây có thể là những chuyên đề tự chọn. Tóm lại, điều muốn nói ở đây là phải có sự phối hợp giữa hai bên, nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo. Chúng ta không hoàn toàn đào tạo theo tiêu chuẩn của họ nêu ra nhưng cũng không thể đứng độc lập một mình và cho rằng việc đào tạo lại là việc của phía công ty tuyển dụng.
- Trong tham luận của mình, GS nhận xét rằng việc đào tạo Hàn Quốc học hiện nay ở Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu xã hội. Vậy đâu là những khó khăn chủ yếu?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Khó khăn lớn thứ nhất là sự thiếu hụt về nhân lực, tức là đội ngũ giáo viên, những nhà nghiên cứu về Hàn Quốc học. Có thể nói là chúng ta đã không chuẩn bị kịp đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy về Hàn Quốc học so với thực tế phát triển quá nhanh của ngành học này. Hạn chế nhân lực ở đây là cả về số lượng và chất lượng. Chẳng hạn hiện muốn có những chuyên đề giảng dạy về các doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng chúng ta làm gì đã có chuyên gia? Hiện tất cả các cơ sở đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam đều phải có sự hỗ trợ nhân lực từ phía Hàn Quốc, đó là các giáo viên tình nguyện đến từ Quỹ Koica của Hàn Quốc. Mặt khác, chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên ngành Hàn Quốc học có học hàm, học vị nhiều như các ngành có truyền thống khác...
Khó khăn lớn thứ hai là cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn. Tôi lấy một ví dụ cụ thể là rất nhiều công ti, tổ chức của Hàn Quốc sẵn sàng tài trợ cho chúng ta máy móc, thiết bị nhưng chúng tôi không có phòng để tiếp nhận. Đấy là một điều rất trớ trêu!
[img class="caption" src="images/stories/2008/10/12/img_0116.jpg" border="0" alt="Giáo trình Tiếng Hàn tổng hợp - một trong những sản phẩm của hoạt động hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Giáo dục quốc tế Hàn Quốc" title="Giáo trình Tiếng Hàn tổng hợp - một trong những sản phẩm của hoạt động hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Giáo dục quốc tế Hàn Quốc" width="240" height="138" align="right" ]
Thứ ba là không phải cơ sở đào tạo nào hay người lãnh đạo nào cũng đều ý thức được là phải cho ngành học này phát triển cho đúng với đòi hỏi của nó. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn của người lãnh đạo. Trước đây không phải không có quan điểm cho rằng đây không phải là ngành học cơ bản chẳng hạn ...
Thứ tư là hiện nay còn thiếu rất nhiều tài liệu, giáo trình về Hàn Quốc học, đặc biệt là tài liệu chuyên sâu. Tất cả các học viên học ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam chủ yếu đều đang sử dụng các giáo trình tiếng Hàn viết bằng tiếng Anh. Đây là một bất lợi vì người học phải học tiếng Hàn qua một ngoại ngữ khác. Hơn nữa mục tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo là khác nhau nên việc các cơ sở dùng chung một loại giáo trình là chưa khoa học. Mặc dù những tài liệu về Hàn Quốc học bằng tiếng Việt đã gia tăng về số lượng và chủng loại so với trước đây nhưng phẩn lớn nội dung của những tài liệu này là những tri thức mang tính phổ cập. Những người nghiên cứu về Hàn Quốc đang muốn có những tài liệu nghiên cứu mang tính chuyên sâu.
- Vậy để khắc phục những khó khăn trên, theo GS., chúng ta cần có những giải pháp gì?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Thứ nhất, xuất phát từ nhận thức rằng Hàn Quốc học là ngành học đang đòi hỏi có những bước phát triển mới thì phải nhanh chóng tăng thêm số lượng đội ngũ các giảng viên, nhà nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo. Không thể nhìn Hàn Quốc học với tư cách là một bộ môn xếp ngang với các bộ môn khác trong một khoa đơn ngành. Đây là môt ngành học độc lập, nếu chỉ có 5 cán bộ thì chẳng làm được gì cả, mà phải là 10 đến 15 người.
Thứ hai, phải làm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng số lượng cán bộ có học hàm, học vị. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy là nghiên cứu về ngành học nào thì nên đưa cán bộ đi đào tạo ở chính quốc gia đó. Chúng ta cần phải đầu tư dài hạn cho đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết với ngành Hàn Quốc học.
Về cơ sở vật chất, cái này thì khó khăn thật vì phụ thuộc vào ĐHQG. Đối với Trường ĐHKHXH&NV thì tôi mong muốn là càng sớm được lên Hoà Lạc càng tốt. Tôi thì vẫn ủng hộ dự án này. Tôi thấy rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới không nhất thiết phải ở trung tâm thành phố mà ở cách trung tâm đến năm sáu chục cây số.
Một kinh nghiệm nữa từ Khoa Đông phương học chúng tôi là phải có mối liên hệ chặt chẽ với phía Hàn Quốc. Bài học của Khoa là để có những giáo trình cơ bản, chúng tôi phải liên hệ và nhờ các trường đại học Hàn Quốc. Rõ ràng là trong điều kiện của Việt Nam khi đội ngũ những người làm về Hàn Quốc chưa được như mong muốn thì chúng ta phải dựa vào phía Hàn Quốc. Sự hợp tác này là rất quan trọng và thời gian vừa rồi Khoa Đông phương học đã làm rất tốt. Khi có giáo trình rồi chúng tôi đã gửi cho tất cả các cơ sở đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam để có thể cùng sử dụng một cách hiệu quả. Theo tôi cần tăng cường các dự án hợp tác như vậy để giải quyết khâu giáo trình.
- Được biết đến như một trong những cơ sở đào tạo Hàn Quốc học sớm nhất và có uy tín hàng đầu trong cả nước, Khoa Đông phương học sắp tới có những dự định gì để tiếp tục mở rộng quy mô, tầm ảnh hưởng của mình và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên để thích nghi với yêu cầu thực tế, thưa GS?
[img class="caption" src="images/stories/2008/12/03/pv-gs-maingocchu.jpg" border="0" alt="“Chúng tôi muốn xây dựng mã ngành đào tạo riêng để Hàn Quốc học trở thành một ngành học độc lập”" title="“Chúng tôi muốn xây dựng mã ngành đào tạo riêng để Hàn Quốc học trở thành một ngành học độc lập”" width="280" height="188" align="right" ]
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Chúng tôi có mấy dự định, trước hết là chúng tôi muốn xây dựng mã ngành đào tạo riêng để Hàn Quốc học trở thành một ngành học độc lập. Vì sao vậy? Vì khi có mã ngành riêng thì chương trình đào tạo mới được chỉnh sửa theo hướng chuyên sâu. Có mã ngành riêng thì mới có điều kiện để tuyển thêm biên chế cho đội ngũ cán bộ. Rồi chưa kể là cơ sở vật chất sẽ được mở rộng hơn.
Tại hội thảo Hàn Quốc học lần thứ IX vừa rồi, tôi có đưa ra một đề xuất và được nhiều ý kiến ủng hộ, đó là chúng ta nên có những định hướng khác nhau cho việc đào tạo Hàn Quốc học ở mỗi bậc học. Chương trình đào tạo cử nhân thì nên hướng đến chủ yếu là phục vụ nhu cầu nghề của xã hội. Xã hội cần những người có kiến thức và kĩ năng như thế nào để làm việc được thì chương trình đào tạo phải thích ứng với thực tế công việc ấy. Chúng ta vẫn giữ những môn về lịch sử, kinh tế, văn hoá nhưng phải thêm những môn học khác nữa theo nhu cầu xã hội. Nhưng đào tạo những nhà nghiên cứu về Hàn Quốc học thì phải ở các cấp học cao hơn là thạc sĩ và tiến sĩ chứ cử nhân thì chưa thể nghiên cứu được. Sẽ phải có mã ngành đào tạo Hàn Quốc học độc lập từ bậc cử nhân lên tiến sĩ. Như vậy việc đào tạo ấy vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội vừa vẫn đáp ứng được định hướng chuyên sâu về nghiên cứu Hàn Quốc học cho những ai có nhu cầu.
Nói thật, nước ta vừa nhỏ vừa nghèo mà chỉ toàn đào tạo ra các nhà nghiên cứu thì không ổn. Đừng đặt mục tiêu quá lớn là đào tạo nghiên cứu ở bậc cử nhân. Không thể đào tạo nghiên cứu theo kiểu đại trà mà cử nhân thì tôi cho là đại trà. Bậc sau đại học sẽ đào tạo ra các nhà nghiên cứu
- Với những bạn trẻ còn do dự khi định chọn tương lai cho mình là ngành Hàn Quốc học, GS. có lời khuyên gì?
-
GS.TS Mai Ngọc Chừ: Tôi quý nhất những người mà khi đã tìm hiểu kĩ về ngành nào thì quyết tâm theo học ngành đó đến cùng, không cứ gì là ngành Hàn Quốc học. Nếu có ý định chọn ngành Hàn Quốc học thì theo tôi là nên vào vì nó đang có tương lai sáng sủa. Đặc biệt là đối với các bạn sinh ra ở nông thôn không có nhiều điều kiện lựa chọn như các bạn ở thành phố thì vấn đề công ăn việc làm sau tốt nghiệp là rất quan trọng. Mà học Hàn Quốc học ra thì chắc chắn có công ăn việc làm, thậm chí với mức lương cao so với thu nhập chung của một viên chức nhà nước hiện nay. Bây giờ quan niệm về biên chế cũng không còn quan trọng như ngày trước. Nhiều bạn trẻ từ chối biên chế vì thu nhập thấp mà chọn con đường bay nhảy để thoả sức của mình. Khả năng được công ty tuyển dụng đưa đi đào tạo tại nước ngoài cũng là một điều hấp dẫn cần tính đến.
Nếu những ai không muốn đi làm cho các công ty tổ chức của Hàn Quốc mà muốn nghiên cứu sâu về Hàn Quốc học thì có thể học ở những bậc học cao hơn. Tôi lại phải nói thêm một thông tin đáng mừng nữa là hiện nay những học viên nào đang làm thạc sĩ tại Khoa Đông phương học thì dù được đào tạo ở trong nước hay ở nước ngoài đều được nhận học bổng từ phía Hàn Quốc. Rõ ràng là tương lai ngành học này rất tươi sáng.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
• Thanh Hà (thực hiện)