Hai chữ CK, với tôi, một thời thật bí hiểm. Là người làm chuyên môn, tôi nghe nói ở Bộ Đại học có ban CK, giống như một vụ, nhưng nó làm việc gì thì tôi không rõ. Một lần, nhân lên Bộ có việc, một anh bạn kéo tôi vào Ban CK uống nước, các anh chị ở đây rất hồ hởi với tôi, và tôi hiểu ra Ban này chuyên lo giúp bộ Giáo dục hai nước Lào (C) và Campuchia (K) đào tạo cán bộ. Rồi như có duyên, suốt năm sau đó tôi được tham gia vào chuyện CK của Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.
Mùa thu năm 1985, tôi được điều động về phụ trách Khoa Tiếng Việt. Khoa này danh chính là khoa đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài tại Hà Nội. Tôi hăm hở mong có dịp đẩy mạnh việc quảng bá tiếng Việt cho bầu bạn với một kế hoạch sơ phác cho sự phát triển.
Một buổi chiều, tôi được Vụ Tổ chức của Bộ gọi lên, cùng đi có một vị trong lãnh đạo trường, không nghĩ là lại có một ông Thứ trưởng cùng dự. Lại có cả một ông Khoa giáo. Rất ngắn gọn, ông thứ trưởng nói với tôi: “Tình hình đối ngoại hiện rất mệt, các lực lượng thù địch bao vây cấm vận ta khắp nơi, lưu học sinh đến ta học rất ít. Bộ giao cho anh làm Khoa trưởng ngoại quốc chưa phải là để lo chuyện châu Âu, châu Mĩ, Nhật Bản đâu, đành rằng rồi phải nghĩ đến ngày đó, nhng trước mắt Khoa của anh phải lo chuyện CK, lo dồn dập và phải lo cho tốt. Kiểu gì ta cũng phải lo giúp bạn. Đây là công vụ, là mệnh lệnh”. Tôi hiểu ngay tính hệ trọng của vấn đề.
Từ sau ngày Khơ-me đỏ bị đánh đuổi, một số anh chị em giáo viên khoa tôi đã sớm có mặt ở Nông-pênh để giúp bạn đào tạo nhân lực tiếng Việt cho quan hệ bang trợ giữa hai nước. Những lớp đầu tiên sang bên đó sinh hoạt theo kiểu thời chiến, không lương, không chế độ đãi ngộ, tình cảnh cực kì kham khổ ở một đất nước hoang tàn. Anh em (tôi nhớ là các chị Đỗ Thu, Ngọc, các anh Hiển, Thi, Cừ,...) đã làm việc rất tốt với trách nhiệm và tấm lòng, gặp các anh chị trở về, lòng tôi se lại khi thấy họ họ gầy gò, xanh xao, đen đủi. Có người còn mang theo những cơn sốt rét dai dẳng từ chiến trường năm xa. Nhưng giáo viên bên đó ngày càng cần.
Để tăng cường giáo viên dạy tiếng Việt cho các đại học Campuchia, hai năm trước, Bộ đã tăng cường cho Khoa 25 cán bộ phụ động (thuộc biên chế CK). Thế là Khoa tôi có cả một độ ngũ giáo viên trẻ, khoẻ được đào tạo chính quy về Ngữ văn để đi làm nhiệm vụ quốc tế. Các anh chị hồn nhiên và hăm hở đi làm nhiệm vụ. Thực ra là rất vất vả và nguy hiểm, không ai dám nói ra nhưng lòng tôi luôn lo về những người chiến sĩ trẻ đến một đất nước còn đầy rủi ro: bom, mìn, kẻ thù rình rập khủng bố, “cơm không no, ho không thuốc”. Mỗi lần vào lúc bốn giờ sáng rét lạnh đến cổng Bộ Đại học tiễn một đội lên đường, tôi tần ngần nhìn anh chị em đeo ba lô leo lên chiếc com-măng-ca già cỗi ì ạch ra sân bay, lòng thấy xốn xang. Họ như ra mặt trận vậy, mà mặt trận thì “cổ lai chinh chiến kỉ nhận hồi”, cứ nghĩ thế tôi lại không giám nghĩ tiếp nữa. Rồi trong nhiều năm liền, các anh, các chị giáo viên CK Khoa tiếng Việt đã thay nhau liên tục sang dạy ở các trường Tổng hợp, Sư phạm, Kinh tế, Bách khoa, Nông lâm ở Nông-pênh. Không những họ phải dạy nhiều lớp, nhiều giờ mà còn phải viết bài giảng, tự chế tạo giáo trình cho hợp với các nhóm đối tượng đích. Tiếng là chuyên gia nhưng cuộc sống rất vất vả, “muối dầu gạo củi tự mình phải lo”, có người phải tát ao kiếm cá, vào thành phố kiếm củi ở những vườn hoang, có người phải “đi chợ” nữa, nhưng cuộc sống vẫn đầy ắp tiếng cười. Có những bạn còn học tốt tiếng, chữ Khơ-me mà sau này, khi về đã thể hiện trong các bài nghiên cứu riêng.
Vào thời điểm cao trào, trong một vài năm, do nhu cầu của bạn, chúng tôi ở hậu phương phải lo thêm giáo viên tình nguyện. Các giáo viên khoa Ngữ văn, nhiều thầy có tuổi như Nguyễn Cao Đàm, Lê Khánh Soa, Trần Khuyến,... cũng hăng hái xung phong, có anh em cán bộ Viện Ngôn ngữ học cũng tình nguyện. Vẫn thiếu giáo viên, Bộ quyết định điều động một số lớn giáo viên ngoại ngữ đi dạy tiếng Việt. Anh chị em rất bỡ ngỡ. Chúng tôi phải mở nhiều lớp huấn luyện cấp tốc về thực hành tiếng Việt trước khi đi. Được cái các anh chị là thầy dạy ngoại ngữ nên tiếp thụ và vào cuộc rất nhanh, làm việc có kết quả. Chúng tôi đã làm hết sức mình với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy nhiệt tình làm căn bản để ứng phó với mọi tình huống.
CK ngày ấy cũng có những chuyện vui buồn, nay trở thành những kỉ niệm không bao giờ quên. Anh chị em đi xa nhà, khó khăn là thế nhng vẫn dành cho chúng tôi những người hậu phương những tình cảm tốt đẹp. Mỗi lần về nghỉ phép hay về hẳn, các anh chị thường cho tôi những món quà nhỏ làm kỉ niệm nhưng cái tình thì lớn lắm. Tôi nhớ, một bạn cho tôi lạng cao trăn vì thấy tôi gầy và xanh. Tôi thái cao, nếm thử thấy ngọt, hoá ra lạng mạch nha “xịn” ngào với đường thốt nốt nhuộm màu y chang. Đang thèm đường, tôi bèn cho vào nồi nấu chè đậu đen ăn cực ngon. Nhưng ngọt hơn chính là tấm lòng của bạn tôi. Một lần khác, anh Đặng Quang Hùng đi máy bay về phép, đeo một cái lốp xe mi ni về tặng tôi vì anh nhớ tôi hay đi một “Pơ-giô con vịt” mà lốp trước đã mòn vẹt. Tôi cảm động đến bây giờ. Một lần khác, một bạn tôi trở về mang tặng tôi một cái quần. Trong cái cảnh “người đói ta đây cũng chẳng no”, tôi nhất định không nhận và còn đùa lại: “Nếu có xin ông cái quần thì tôi chỉ giám xin ông một ống thôi!”. Anh bạn lặng lẽ ra về, vốn người trung thực, anh tưởng tôi nói thật nên mang quần ra chợ bán, và mấy hôm sau mang tiền đến chia cho tôi đúng một nửa. Tôi ôm bạn, và chỉ còn thiếu khóc.
Tôi cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo trường mà không có sự ủng hộ này, chắc chắn công việc khó suôn sẻ. Phải lo nhiều việc nhng các anh vẫn thường xuyên quan tâm đến công việc CK, tạo những điều kiện thuận lợi nhất và cả những việc rất nhỏ cho khoa.
Một lần sắp đến Tết, anh Nguyễn Văn Bửu hỏi tôi: “Bọn mày đã có gì cho hội CK vắng nhà chưa?”, tôi nói: “Chưa anh ạ, cũng đang xoay xở”. Anh liền bảo: “Lên trường tao cho “vay lúa non”, ra intershop mua lấy một tạ mì chính, ghi nợ, khi nào khoa có tiền thì trả trường”. Tôi mừng quá, tết năm ấy thêm rôm rả lúc khó khăn. Năm sau bầu hiệu trưởng mới, nhớ ra chuyện, anh gọi điện cho tôi: “Hiệu trưởng mới chưa nhận việc, tao đang “quyền”, mang cái giấy nợ lên đây tao xoá cho”. Gặp tôi, anh nói: “Bọn ta không nợ anh em CK thì thôi chứ sao lại bảo họ là con nợ của trường. Đưa giấy nợ đây tao coi”. Nói rồi anh ghi vào sổ nợ của trường: “Khoa T.V. đã trả đủ”, kí tên, rồi xé toẹt tờ giấy nợ bỏ vào thùng giấy vụn.
Một lần khác, tôi ngồi ở văn phòng khoa thì có ông phó phòng tổ chức mang theo mấy tài liệu xuống làm việc theo lệnh hiệu trưởng. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, anh cho biết, đoàn chuyên gia bên K. có gửi về ý kiến đề nghị trường xử lí mấy trường hợp cán bộ vô kỉ luật, đại để là có thầy cậy ván sàn của khách sạn để lấy củi nấu cơm, có thầy thả lưới bắt cá ở chốn công cộng rồi nướng để uốngủiwợu, có cô giáo xa nhà có chút lỡ bước,... Tôi tần ngần. Toàn những chuyện thật là con người. Mà anh chị em lai tha hương. Tôi ghé vào tai anh nói nhỏ vài câu với anh, anh cười phá lên chia sẻ với tôi, rồi trở về trường. Tôi e ông hiệu trưởng sẽ quở trách tôi. Không dè mấy hôm sau gặp ông, ông cười bảo: “Mình đã nói nguyên văn câu của cậu với Bộ và trả hồ sơ lên Bộ. Chắc Bộ cũng nói với đoàn chuyên gia bên đó câu của cậu đấy”.
Ông hiệu trưởng mới cũng rất nhiệt thành với công tác CK. Chân ớt, chân ráo ông gọi tôi báo cáo công việc bên K. và yêu cầu tôi suy nghĩ làm một vài việc mạnh bạo hơn trong công việc để có sự chuyển biến. Tôi thấy ông nói đúng, nhưng tôi do dự vì có những việc vượt quá trách nhiệm của tôi. Như nhận ra, ông từ tốn nói với tôi: “Ông ngại à, làm cho CK, cho nhiệm vụ quốc tế của trường có gì phải ngại. Còn trách nhiệm, không ai chia sẻ với ông đâu. Nước ta bốn ngàn năm mới chỉ có ông Lê Lai chết thay cho Lê Lợi, chưa có người thứ hai đâu. Nếu thấy đúng thì ông nhận lấy trách nhiệm mà làm. Tôi tin là ông làm tốt”. Cho đến hôm nay, tôi vẫn nghĩ đó là một ý kiến tâm huyết của một người thủ trưởng có bản lĩnh.
Hai mươi năm đã đi qua, đất nước ta so với ngày ấy đã rộng tay bè bạn bao lần, lớp cán bộ CK ngày ấy đầu đã điểm bạc, có những thầy giáo già đã ra đi, lớp trẻ thì hầu hết đã thành tiến sĩ. Tôi gặp, họ vẫn hào hứng và nhiệt thành như xưa khi nhớ đến một thời, một thuở CK.
Tuy nhiên, lòng tôi cũng có chạnh buồn: anh chị em phấn đấu là thế, thành tích là thế, đóng góp là thế, nhưng cho đến hôm nay, các cơ quan thi đua chưa một lần nhớ đến họ, chưa một tấm huân chương, một tấm bằng khen nào dành cho họ, đã đành rằng dân ta luôn vì nghĩa lớn, có bao giờ tính toán thiệt hơn khi đất nước cần.
Tháng 5, năm 2003