Xu hướng hợp tác đa phương trong đào tạo và NCKH
i333
2010-07-18T07:41:25-04:00
2010-07-18T07:41:25-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/xu-huong-hop-tac-da-phuong-trong-dao-tao-va-nckh-6142.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Chủ nhật - 18/07/2010 07:41
Năm 2009 đã khép lại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục đạt được những thành công trong nhiều lĩnh vực hoạt động của mình, trong đó có lĩnh vực Hợp tác quốc tế.
Năm 2009 đã khép lại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục đạt được những thành công trong nhiều lĩnh vực hoạt động của mình, trong đó có lĩnh vực Hợp tác quốc tế.
Trong năm qua, Nhà trường nâng số lượng đối tác quốc tế gồm các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức giáo dục, các tổ chức quốc tế… lên con số hơn 110, trong đó có khoảng 70% có sự trao đổi và hợp tác thường xuyên. Số lượt cán bộ và sinh viên nước ngoài đến trao đổi, hợp tác, nghiên cứu và học tập ở bậc học đại học và sau đại học cũng như nhiều chương trình liên kết đào tạo khác nhau trong năm 2009 cũng vượt qua con số 700 lượt – cao nhất từ trước đến nay. Số lượng cán bộ và sinh viên đi học tập, nghiên cứu, trao đổi khoa học và giảng dạy ở nước ngoài đạt 150 lượt; đặc biệt, trong đó có nhiều cán bộ của Nhà trường đi học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học. Các dự án nghiên cứu và liên kết đào tạo quốc tế ngày càng mở rộng quy mô và hình thức.
Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là xu hướng hợp tác đa phương trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hợp tác đa phương được hiểu đơn thuần là có sự tham gia của ít nhất 3 đối tác trở lên, phân biệt với hình thức hợp tác song phương giữa Nhà trường với một đối tác quốc tế khác vốn đã rất phổ biến. Thực chất hợp tác đa phương của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bắt đầu từ lâu, nhưng trong năm 2009, hình thức này nổi lên một cách rõ rệt.
Thứ nhất, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp cho việc trao đổi thông tin liên lạc, việc đi lại tham quan và trao đổi; đặc biệt là quá trình trao đổi, kết hợp làm việc qua mạng Internet được thực hiện một cách dễ dàng. Các đối tác ở các quốc gia khác nhau có thể liên hệ và làm việc với nhau để tiến đến hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu thuận lợi hơn mà ít cần có sự gặp gỡ trực tiếp.
Thứ hai, xu hướng đào tạo và nghiên cứu liên ngành đang ngày càng được quan tâm và phát triển. Nhiều đối tác có thế mạnh, chuyên môn khác nhau muốn hợp tác để bổ sung, hỗ trợ chuyên môn và tạo mạng lưới trao đổi học thuật cho cán bộ và sinh viên của mình. Sự hợp tác giữa các đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn càng ngày càng nhiều. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là nhiều vấn đề cần có sự nghiên cứu và tiếp cận liên ngành.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 đã khiến các tổ chức giáo dục, nghiên cứu… phải hợp tác đa phương để chia sẻ chi phí tài chính trong hợp tác quốc tế.
Những hợp tác đa phương điển hình trong thời gian gần đây của Trường cần phải kể đến là: hợp tác với Đại học Samyung, Công ty Korealang, với Trung tâm tiếng Hàn và Hàn Quốc học (HSK); Chương trình thạc sĩ về Tâm lí học hợp tác giữa ĐH Toulouse II (CH Pháp), Cơ quan Pháp ngữ (AUF), Cơ quan Đại học Pháp tại Hà Nội (PUF) với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngoài ra, Nhà trường cũng hợp tác với ĐH San Jóse State California (Hoa Kì) và UNICEF-Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về Công tác Xã hội trong kế hoạch phát triển ngành Công tác Xã hội bậc Sau đại học. Thêm vào đó, Nhà trường đã và đang tiến hành trao đổi và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Úc-Hàn thuộc Đại học New South Wales (Úc), Viện Nghiên cứu Hàn Quốc trung ương (AKS) để tiến tới việc thành lập Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc ở Đông Nam Á với trụ sở chính tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
[img class="caption" src="images/stories/2010/01/03/091208_5731_0040.jpg" border="0" alt="Hội thảo Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn: Kinh nghiệm và triển vọng, ngày 08-09/12/2009. (Ảnh: NA/USSH)" title="Hội thảo Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn: Kinh nghiệm và triển vọng, ngày 08-09/12/2009. (Ảnh: NA/USSH)" width="580"/>
Hợp tác đa phương đang giúp cho chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, trên cơ sở đó, sẽ nâng cao uy tín khoa học và hình ảnh của Nhà trường trên thế giới. Các chương trình đào tạo và nghiên cứu của chúng ta đạt chuẩn quốc tế có cơ hội được thế giới thừa nhận rộng rãi.
Hợp tác đa phương cũng đi liền với các nghiên cứu liên ngành, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đối tác có thế mạnh chuyên môn khác nhau. Đây cũng là một hướng quan tâm đặc biệt của Nhà trường trong việc xây dựng Trung tâm đào tạo liên ngành bậc Sau đại học, thể hiện rõ nét nhất qua Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn: Kinh nghiệm và triển vọng” mới được tổ chức vào đầu tháng 12 năm 2009 vừa qua.
Hợp tác đa phương sẽ giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng quy mô đào tạo với chất lượng cao, có cơ hội để xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu có quy mô rộng lớn. Chúng ta đang từng bước chuẩn bị cho việc xây dựng và thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ và trao đổi chuyên môn cho các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia, nhiều chuyên môn khác nhau hơn. Mối liên hệ này sẽ giúp tạo nên một mạng lưới nghiên cứu trên quy mô quốc tế.
Một cơ hội nữa từ hợp tác đa phương là sự chia sẻ gánh nặng tài chính với nhau để có sự đóng góp tài chính từ nhiều đối tác, giúp cho việc tập hợp đội ngũ khoa học từ nhiều quốc gia sẽ được thực hiện với một chi phí ít hơn, sinh viên của các bên đối tác có thể tham gia các chương trình thực tập, thực tế, các chương trình giao lưu văn hoá ở nhiều quốc gia khác nhau với một chi phí thấp hơn. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi khả năng tài chính dành cho hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường còn hạn chế và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa kết thúc.
Tuy có những thuận lợi như vậy nhưng hợp tác đa phương cũng đặt ra những thách thức lớn không tránh khỏi. Bên cạnh những thách thức về mặt nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy để đạt chuẩn quốc tế và nâng cao uy tín quốc tế là thách thức về mặt quản lí và tài chính.
Thứ nhất, hợp tác đa phương đòi hỏi phải có sự quản lí khác với hợp tác song phương. Quá trình đàm phán, hợp tác và triển khai các hoạt động đòi hỏi năng lực quản lí cao hơn vì hoạt động hợp tác phức tạp hơn.
Thứ hai, các hợp tác đa phương không còn đơn thuần như hợp tác song phương trước kia là một bên tài trợ - một bên nhận tài trợ và tổ chức thực hiện hay một bên có yêu cầu và bên còn lại đáp ứng. Sự kết hợp các vấn đề chuyên môn với vấn đề quản lí trở thành thách thức của hợp tác đa phương. Nó đòi hỏi đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế không chỉ giỏi về quản lí mà còn phải có những hiểu biết nhất định về chuyên môn.
Thứ ba, hợp tác đa phương với số lượng đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau còn đòi hỏi những người làm công tác hợp tác quốc tế phải đối diện với nhiều ngoại ngữ khác nhau. Việc thông thạo một ngoại ngữ có vẻ như chưa đủ trong điều kiện hợp tác đa phương hiện nay. Tất nhiên, tất cả các đối tác có thể sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao dịch chính nhưng việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của đối tác sẽ đem lại sự hiểu biết và hiệu quả hợp tác cao hơn.
Cuối cùng, hợp tác đa phương đặt ra những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất và tài chính. Nhiều chương trình, dự án đào tạo và nghiên cứu dài hạn đòi hỏi chúng ta phải có cơ sở vật chất ổn định để có thể đảm trách vai trò là cơ quan đầu não của các liên kết khu vực, có sự đóng góp bình đẳng về mặt tài chính với các đối tác. Chúng ta phải có những sự chuẩn bị nhất định về mặt tài chính để tham gia vào hợp tác đa phương.
Hợp tác đa phương trong đào tạo và nghiên cứu đang là một xu hướng nổi lên và chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới với những thuận lợi và khó khăn nhất định. Việc chuẩn bị chu đáo, toàn diện sẽ giúp chúng ta tận dụng được xu thế này. Sự chuẩn bị đó bao gồm cả việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, đội ngũ quản lí lẫn nâng cao cơ sở vật chất và tài chính. Với những chiến lược cụ thể đã đề ra trong lĩnh vực hợp tác quốc tế được thể hiện trong các văn bản, chương trình hành động của Nhà trường, chúng ta cần chủ động sẵn sàng cho một xu thế hợp tác có tính tất yếu này.