Niềm tin vào sức mạnh của truyền thống và sự đoàn kết
admin
2011-01-14T00:44:07-05:00
2011-01-14T00:44:07-05:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/niem-tin-vao-suc-manh-cua-truyen-thong-va-su-doan-ket-7367.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ sáu - 14/01/2011 00:44
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trưởng ĐHKHXH&NV) trả lời phỏng vấn của Bản tin ĐHQGHN nhân dịp năm mới 2011.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trưởng ĐHKHXH&NV) trả lời phỏng vấn của Bản tin ĐHQGHN nhân dịp năm mới 2011.
- Xin Giáo sư đánh giá những thành tựu nổi bật của nhà trường trong năm qua?
- Trong năm 2010 vừa qua, cán bộ, sinh viên nhà trường tiếp tục cố gắng và đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào trong các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học đến hợp tác và liên kết đào tạo quốc tế.
Công tác đào tạo của nhà trường được thực hiện đúng kế hoạch và đạt chất lượng tốt. Năm 2010, sau 4 năm học thực hiện lộ trình chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ, về cơ bản, các quy trình hoạt động và quản lí theo phương thức đào tạo mới đã được thực hiện đồng bộ ở các đơn vị trong Trường. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng trường đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo, rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu cho Trường nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung.
Bên cạnh 18 chương trình chuẩn, 4 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình đạt trình độ quốc tế đang thực hiện, Trường đã hoàn thành biên soạn chương trình Đông Nam Á học, đang tiếp tục xây dựng chương trình Quan hệ công chúng, Khoa học chính sách; Hoàn thành việc điều chỉnh chương trình đào tạo và nghiệm thu các đề cương môn học; Nghiệm thu 44 bài giảng và 15 tài liệu dịch cho công tác học liệu; Tiếp tục đổi mới phương pháp và nội dung giảng dạy, các môn học thực hành, thực tập đã được đầu tư nhiều hơn trong việc tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng các môn học này.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nguyện vọng của nhiều thí sinh trong cả nước, bắt đầu từ kì thi tuyển sinh năm 2010, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tuyển cả các thí sinh dự thi khối A vào 10 ngành học của trường, gồm Tâm lí học, Khoa học Quản lí, Xã hội học, Triết học, Chính trị học, Thông tin – Thư viện, Lưu trữ học và QTVP, Quốc tế học, Du lịch học, và Nhân học. Cũng trong kì thi tuyển sinh năm 2010, nhà trường chính thức tuyển sinh thêm một ngành học mới: ngành Việt Nam học – một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam theo hướng liên ngành và khu vực học.
Nhờ những cố gắng nói trên, chất lượng đào tạo của trường được nâng cao, tỉ lệ sinh viên chính quy tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi đạt 26,5%, tăng 10,6% so với năm trước. Đặc biệt, đã có 5 sinh viên đầu tiên của Khoa Triết học khoá QH–2007–X – khoá đầu tiên áp dụng hoàn toàn phương thức đào tạo theo tín chỉ tốt nghiệp trước thời hạn sớm hơn 1 năm so với thông thường. Kết quả này góp phần khẳng định những ưu thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ so với phương thức đào tạo theo niên chế trước đây.
Về đào tạo sau đại học, năm 2010, tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tăng 14,5%, nâng quy mô đào tạo sau đại học của trường lên 30% tổng số sinh viên chính quy. Trường đã triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí khoa học công nghệ theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương; xây dựng và đã được ĐHQG phê duyệt các chương trình đào tạo thạc sĩ về Khoa học Quản lí, chương trình đào tạo tiến sĩ về Lưu trữ học, Hán Nôm. Tiếp tục triển khai xây dựng đề án đào tạo tiến sĩ đạt trình độ quốc tế chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận-hiện đại và các chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, thạc sĩ Nghệ thuật Điện ảnh, thạc sĩ Nhân học.
Về công tác nghiên cứu khoa học, trong năm vừa qua, Trường được giao chủ trì thực hiện 06 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, 01 đề tài nghị định thư, 06 đề tài nhóm B, 34 đề tài cấp cơ sở ĐHQG.
Cũng trong năm vừa qua, trường tổ chức thành công 18 hội thảo/toạ đàm khoa học quốc tế, 12 hội thảo khoa học trong nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng đạt được kết quả cao. Cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học của sinh viên được cải tiến với sự tham gia chủ động và tích cực hơn của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các nhóm ngành chuyên môn.
Công tác đối ngoại và hợp tác đào tạo quốc tế cũng đạt được nhiều kết quả rất tốt đẹp. Nhà trường tiếp tục duy trì và triển khai các mối quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 100 đối tác là các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế; tổ chức kí kết thêm 16 hiệp định hợp tác mới với các đại học của Anh, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và Hungary. Hiện nay, trường có gần 700 sinh viên nước ngoài đang theo học nhiều hệ và ngành đào tạo khác nhau như Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam, Việt ngữ học, Quản lí Hành chính công, Quản trị Du lịch, Quản lí các Tổ chức, Quản trị Khách sạn... Năm 2010, Trường đã chủ trì và trực tiếp tổ chức 3 cuộc gặp gỡ và toạ đàm của hiệu trưởng 9 trường đại học của 5 nước là Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia và Việt Nam về xây dựng ngành Đông Nam Á học quốc tế và tổ chức hội thảo khoa học. Đặc biệt, vào dịp tháng 9/2010, cán bộ và sinh viên Trường rất vinh dự được đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao của chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc do Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang dẫn đầu tới thăm và tặng quà (gồm 100 bộ máy tính và 2.000 đầu sách).
Về hoạt động tài chính và cơ sở vất chất, tổng thu của trường năm 2010 tăng 24% so với năm 2009; hệ số thu nhập tăng thêm của CBVC tăng 33%. Trang thiết bị tại các giảng đường phục vụ công tác đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế được bổ sung. Hệ thống mạng nội bộ, tốc đường truyền Internet được nâng cấp. Toàn bộ khuôn viên của trường đã được phủ sóng wifi.
Năm 2010 là năm đầu tiên của nhiệm kì mới của Hiệu trưởng. Trường đã thực hiện tốt khâu chuẩn bị nhân sự và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các phòng, ban thuộc khối hiệu bộ, tổ chức giới thiệu bổ nhiệm và kiện toàn nhân sự một số khoa/bộ môn. Độ tuổi của cán bộ chủ chốt trong trường được trẻ hoá. Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ trên cơ sở khai thác nhiều nguồn kinh phí, học bổng của cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong năm 2010, có 4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT và 11 giảng viên được công nhận chức danh GS, PGS.
Trong năm 2010, nhà trường cũng có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI nhiệm kì 2010 – 2015. Với khẩu hiệu hành động “Đổi mới hiệu quả và phát triển toàn diện” Đại hội Đảng bộ đã đưa ra nhiều quyết nghị quan trọng, tạo điều kiện đưa nhà trường bước sang một giai đoạn phát triển mới. Cuối tháng 9-2010, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, UV BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã về thăm, dự giờ và làm việc với cán bộ chủ chốt của trường.
Đặc biệt, trong tháng 11-2010 vừa qua, các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rất vui mừng và long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 65 năm truyền thống của Trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh – phần thưởng hết sức cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây là niềm vinh dự và tự hào của các thế hệ cán bộ viên chức, sinh viên, học viên của trường, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng vai trò đi đầu, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều tập thể và cá nhân trong trường cũng vinh dự được nhận Huân chương Lao động và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân niềm vui kỉ niệm 65 năm truyền thống, cán bộ và sinh viên của Trường hết sức vui mừng và viinh dự được đón Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, UỶ viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, là cựu sinh viên của Trường, về thăm.
Nhân dịp kết thúc năm 2010 và bước sang năm mới 2011, thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn toàn thể cán bộ và sinh viên Trường trong suốt năm qua đã không ngừng cố gắng, nhiệt tình đóng góp trí tuệ và sức lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tôi cũng xin trân trọng bày tỏ lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức ở trung ương và Hà Nội, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các cán bộ quản lí ở cả trong và ngoài trường đã hết sức quan tâm giúp đỡ, góp phần to lớn tạo nên những thành tích rất đáng tự hào của nhà trường trong năm 2010 vừa qua.
- Những thành tựu đó đã có đóng góp tích cực như thế nào đối với sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội?
- Tôi cho rằng, thành công và sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn liền với sự phát triển và thành công chung của Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, những thành tựu nhà trường đã đạt được trong năm 2010 đã góp một phần không nhỏ nhằm tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội ở trong và ngoài nước.
- Suy nghĩ và nhận định của Giáo sư về sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội – một mô hình đại học mới, tiên tiến?
- Về cơ bản, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển khá thành công và phát huy được thế mạnh của mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, có quyền tự chủ và tính liên thông liên kết cao, phù hợp với cơ chế quản lí, điều hành của Việt Nam hiện nay. Điều này thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, Đại học Quốc gia Hà Nội đã kế thừa được thành tựu của các trường thành viên, và dựa trên ưu thế về quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm, đã huy động và chia sẻ nguồn lực chung, tăng cường liên thông liên kết để tạo điều kiện nhanh chóng phát triển.
Hai là, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu có số lượng giảng viên, cán bộ có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư và phó giáo sư đứng đầu cả nước. Dựa trên đội ngũ giảng viên có trình độ cao, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi đầu trong việc mở hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao, triển khai xây dựng một số ngành, chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đào tạo bằng kép, ngành kép,... từng bước khẳng định uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đứng ở vị trí hàng đầu của Việt Nam, trong đó một số chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đã đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á và thế giới, được các trường đại học danh tiếng trên thế giới thừa nhận.
Ba là, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan đề xuất và chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học-công nghệ quan trọng và có quy mô lớn của quốc gia. Chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học – công nghệ ngày càng được nâng cao, trong đó có một số kết quả đạt tầm cỡ quốc tế, được sử dụng hoặc công bố trên các tạp chí, nhà xuất bảo uy tín của thế giới. Một số kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội nhân văn, kinh tế còn trực tiếp đề xuất, cung cấp các cơ sở, căn cứ lí luận và thực tiến cho việc xây dựng luận chứng khoa học cho các quyết sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Thủ đô.
Bốn là, vị thế, uy tín quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được khẳng định, trình độ học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội được cộng đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế đánh giá cao. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút nhiều nhà khoa học có trình độ và uy tín khoa học cao trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với vị thế của một đại học hàng đầu đất nước, ĐHQGHN là thành viên duy nhất đại diện cho Việt Nam trong mạng lưới các đại học chủ chốt Đông Á (BESETOHA); là chủ tịch và tham gia ban điều hành mạng lưới giáo dục khu vực Đại học Đông Nam Á (AUN)...
Năm là, trang thiết bị phục vụ đào tạo và NCKH ở Đại học Quốc gia Hà Nội từng bước được hiện đại hoá. Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng thành công một số nhóm nghiên cứu mạnh làm nòng cột để hình thành và phát triển các trung tâm nghiên cứu xuất sắc và phòng thí nghiệm đạt trình độ quốc tế...
Có thể nói, xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội là chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm chiến lược về giáo dục-đào tạo của Đảng và Nhà nước ta. Phát huy được lợi thế của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng nghiên cứu, khai thác tính chuyên sâu của từng đơn vị, lợi thế truyền thống về khoa học cơ bản (nền tảng cho đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và phát triển cũng như chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học…), đồng thời xây dựng và triển khai các công trình có tính liên ngành cao, độc đáo, Đại học Quốc gia Hà Nội chắc chắn sẽ làm tốt sứ mệnh của mình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài dựa trên nền tảng sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao, đóng vai trò nòng cột và đầu tầu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thế kỉ XXI.
Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xử lí trong thời gian tới như việc xác định vị trí hành chính của Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ trương đầu tư đặc biệt của Chính phủ để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội thành đại học đạt đẳng cấp quốc tế, hay mối quan hệ và phân cấp giữa học Đại Quốc gia Hà Nội với các trường đại học thành viên, v.v.. Hi vọng rằng, sau Đại hội Đảng lần thứ XI, được sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan Đảng và sự quan tâm của Chính phủ, và các bộ, ngành, các vấn đề trên sẽ từng bước được giải quyết, tạo điều kiện cho Đại Quốc gia Hà Nội và các trường đại học thành viên - vốn là các cơ sở đào tạo và nghiên cứu danh tiếng của đất nước, tiếp tục phát triển.
- Là đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường định hướng và đặt ra những nhiệm vụ gì, phối hợp cùng với sự nỗ lực của tất cả các đơn vị khác để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển ngang tầm khu vực và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế?
- Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu và làm nòng cột trong đào tạo, sáng tạo và truyền bá tri thức mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Định hướng phát triển của Trường là phát triển theo hướng một đại học nghiên cứu, phấn đấu đến cuối thập kỉ này, Trường được đứng vào hàng ngũ 200 trường đại học hàng đầu của khu vực châu Á. Để hoàn thành định hướng trên, trong thời gian tới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tập trung thực hiện những mục tiêu cụ thể sau:
1. Nhanh chóng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ có học vị tiến sĩ trở lên, phấn đấu đến năm 2015, 90% giảng viên có trình độ trên đại học, trong đó có 25% có chức danh GS, PGS và 60% có học vị tiến sĩ.
2. Nâng cao nhanh chất lượng đào tạo, tăng tỉ lệ đào tạo sau đại học đạt 30% tổng quy mô đào tạo chính quy; mở rộng quy mô đào tạo liên kết quốc tế và đào tạo sinh viên nước ngoài.
3. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế (hiện có 3 và 4 liên kết với nước ngoài; đang xây dựng thêm 1-2 ngành/chuyên ngành mới).
4. Tiếp tục mở rộng diện tích khu làm việc, giảng đường, hiện đại hoá các trang thiết bị phục vụ đào tạo, NCKH, HTQT tại Thượng Đình.
5. Đổi mới toàn diện công tác quản trị đại học, tăng cường kỉ cương, nề nếp trong giảng dạy, học tập. Tăng cường quốc tế hoá thương hiệu của Trường và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bốn lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu của nhà trường là công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và quản trị đại học. Nhà trường coi việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên cán bộ là khâu đột phá; coi việc triển khai các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, đổi mới nội dung và áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ là các giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
- Với tư cách là lãnh đạo nhà trường, Giáo sư gửi gắm điều gì trong năm 2011?
- Bước sang năm 2011, để đạt được mục tiêu năm học, cần tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa phương thức đào tạo theo tín chỉ, tập trung mọi nguồn lực để phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế, mở rộng có hiệu quả các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế (thuộc nhiệm vụ chiến lược 16+23), mở rộng liên kết đào tạo quốc tế nhằm nâng cao nhanh chóng chất lượng đào tạo. Tiếp tục xây dựng và triển khai thêm các nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô lớn, có tính liên ngành cao; nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ưu tiên hợp tác, liên kết với các trường đại học có uy tín cao nhằm học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường. Tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện kỉ cương, nề nếp học tập và làm việc; xây dựng môi trường văn hoá cộng đồng, văn hoá chất lượng để đảm bảo cho Trường và Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển nhanh chóng, bền vững và hội nhập quốc tế thành công.
Tôi tin tưởng rằng, với sức mạnh của bề dày truyền thống và những thành tựu đã đạt được, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cùng sự đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng của tất cả các thế hệ cán bộ, sinh viên; sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước, chúng ta chắc chắn sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với truyền thống vẻ vang và niềm tin yêu của Đảng và nhân dân đối với một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu đất nước.
Nhân dịp năm mới 2011 và Xuân Tân Mão sắp tới, thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi xin chúc toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên chức và toàn thể học sinh, sinh viên, học viên đang học tập, công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội một năm mới luôn mạnh khoẻ, có nhiều niềm vui, hạnh phúc và sẽ gặt hái được nhiều thành công mới trong công việc và cuộc sống!
Chúc Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng bừng sáng tầm vóc trí tuệ của mình!