USSH trân trọng giới thiệu sách mới "Đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam - Từ lí thuyết đến thực tiễn" của tác giả Nguyễn Văn Sửu (TS, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học). Sách gồm 5 chương, 258 trang, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.
Lời Nhà xuất bản
Trong những năm gần đây, vấn đề đất đai và đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam đã và đang trở thành một đề tài nóng hổi, được bàn luận sôi nổi trong dư luận xã hội. Nó không chỉ là vấn đề của một ngành, một cấp, của các nhà hoạch định chính sách đất đai mà hơn hết nó là vấn đề thường nhật, có liên hệ trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của nhiều cá nhân, gia đình và của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Cũng vì ý nghĩa và tầm quan trọng đó, nên đất đai đã trở thành một chủ đề quan trọng, lí thú, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều học giả, của các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Cho đến nay, đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài nghiên cứu đề cập đến vấn đề đất đai và quá trình đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam. Dù tiếp cận dưới góc độ, khía cạnh nào, phần lớn các nghiên cứu đều đồng thuận ở chỗ: thứ nhất, coi đất đai có giá trị kinh tế và ý nghĩa chính trị đối với các thực thể xã hội và Nhà nước; và thứ hai, đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỉ XX đã và đang tạo ra một sự chuyển biến quan trọng trong cấu trúc, quan hệ đất đai, góp phần to lớn vào việc phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra thời kì tự do hoá và thương mại hoá trên nhiều lĩnh vực ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên, các công trình này chưa phân tích, đánh giá một cách kĩ lưỡng và có hệ thống những vấn đề về bối cảnh, nguyên nhân, nội dung, hậu quả và tác động của quá trình đổi mới chính sách đất đai trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Thực tế đó đặt ra nhiều vấn đề và thách thức cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đất đai ở Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là, phải làm sao có được nhiều nghiên cứu và giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những đòi hỏi của thực tế, đồng thời dự đoán được xu thế và tác động của quá trình đổi mới chính sách đất đai trong tương lai, qua đó đề ra được một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh và thực tiễn của Việt Nam. Từ hướng gợi mở đó, sau nhiều năm suy tư, trăn trở, TS. Nguyễn Văn Sửu đã cho ra đời cuốn sách "Đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam - Từ lí thuyết đến thực tiễn".
Bằng việc kết hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau, cuốn sách này đã phân tích quá trình đổi mới chính sách đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng vốn được khởi xướng từ những năm 80 của thế kỉ XX và xem xét các tác động của nó đối với một số lĩnh vực như sở hữu, quản lí, quyền tài sản, tiếp cận và sử dụng đất đai, thu hồi quyền sử dụng và chuyển đổi sinh kế nông dân, qua đó tìm hiểu các biến đổi trong cấu trúc và quan hệ đất đai; mối liên hệ giữa hoạch định, thực hiện và đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam; tác động kinh tế, chính trị, xã hội của quá trình này đến nông dân nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Tác giả của cuốn sách còn cho thấy hiện đang tồn tại một khoảng cách nhất định giữa lí thuyết và thực tiễn, chính sách và thực hành trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đất đai, nhất là với đất nông nghiệp. Chính những vấn đề này đang và sẽ là động lực, nguyên nhân của những điều chỉnh và đổi mới chính sách đất đai trong những năm tiếp theo.
Cuốn sách là một tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị cho các nhà nghiên cứu, những người hoạch định chính sách đất đai và đông đảo bạn đọc. Nhà xuất bản và tác giả mong muốn nhận được những ý kiến góp ý của độc giả để hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Nhận xét của một số phản biện
“[…] Đây là một công trình nghiên cứu có ý nghĩa lí luận và thực tiễn rất cao, góp phần đánh giá chính sách đã ban hành về đất đai, nhất là đất nông nghiệp ở Việt Nam … Phương pháp tiếp cận đa chiều, khách quan … Nguồn tài liệu rất phong phú, đã khai thác tối đa các nguồn tư liệu hiện có về vấn đề được nghiên cứu, từ các nguồn tư liệu lưu trữ đến tài liệu điền dã dân tộc học và các tài liệu đã xuất bản dưới các dạng khác nhau … Tóm lại, đây là một công trình nghiên cứu công phu, sinh động, nghiêm túc,…là một tài liệu tham khảo rất tốt cho lĩnh vực nghiên cứu ruộng đất và lịch sử nông nghiệp. […]”
“[…] Cách tiếp cận, cách thức trình bày của tác giả trong nghiên cứu này đều gợi lên một cảm giác mới mẻ, thực sự thu hút người đọc … Các nội dung nghiên cứu đều được phân tích, đánh giá từ thông tin nhiều chiều của học giả Việt Nam, học giả nước ngoài, với những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nhờ vậy, nội dung trình bày trở nên khách quan hơn, khoa học hơn, buộc người đọc cũng phải phân tích, đánh giá vấn đề theo quan điểm của chính mình … Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có nhiều đóng góp mới về khoa học. […]”
“[…] Tác giả đã phân tích rõ quan điểm của các nhà khoa học khi đề cập đến vấn đề đất đai ở Việt Nam hiện nay. Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của tác giả không bị giới hạn bởi các định kiến mà thể hiện quan điểm độc lập của mình … Cách lập luận, trình bày của tác giả logic, chặt chẽ và tiếp cận vấn đề dưới góc độ khoa học liên/đa–giao ngành nên hấp dẫn, có sức thuyết phục. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng khoa học cao. […]”
“[…]Tác giả của cuốn sách cho thấy hiện đang tồn tại một khoảng cách nhất định giữa lí thuyết và thực tiễn, chính sách và thực hành trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đất đai, nhất là với đất nông nghiệp. Chính những vấn đề này đang và sẽ là động lực, nguyên nhân của những điều chỉnh và đổi mới chính sách đất đai trong những năm tiếp theo. […]”
Cấu trúc
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách gồm 5 chương, 258 trang. Chương 1 phân tích quá trình đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam, Chương 2 thảo luận vấn đề quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất. Các sai phạm trong quản lí đất đai, sự phân hóa trong tiếp cận quyền sử dụng đất và vấn đề chuyển đổi sinh kế của những người nông dân bị thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp được phân tích, thảo luận và lí giải ở các Chương 3, 4 và 5.