Đào tạo chất lượng cao về nguồn nhân lực báo chí
admin
2010-11-06T04:24:36-04:00
2010-11-06T04:24:36-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/dao-tao-chat-luong-cao-ve-nguon-nhan-luc-bao-chi-7156.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ bảy - 06/11/2010 04:24
Nhân kỉ niệm 20 năm thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông, Tạp chí Người làm báo đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Đinh Văn Hường - Chủ nhiệm Khoa. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn này.
Nhân kỉ niệm 20 năm thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông, Tạp chí Người làm báo đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Đinh Văn Hường - Chủ nhiệm Khoa. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn này.
- 20 năm ra đời và trưởng thành đi lên, Khoa Báo chí và Truyền thông đã giành được những thành tích đáng trân trọng trong sự nghiệp đào tạo nhà báo trẻ cho đất nước. Xin PGS điểm lại những thành tựu chính nổi bật?
- 20 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận: xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy gồm 1 giáo sư, 5 phó giáo sư, 2 tiến sĩ khoa học, 7 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 3 thạc sĩ và mời khoảng 35 – 40 nhà báo tham gia đào tạo. Khoa đã đào tạo cho nền báo chí nước nhà gần 7.000 nhà báo, 250 thạc sĩ báo chí, hiện đang đào tạo 1.200 sinh viên và học viên sau đại học.
Khoa cũng đã biên soạn được 13 giáo trình chuyên ngành, hàng chục sách chuyên khảo, tham khảo, đạt 70% tài liệu cho các môn học; thực hiện nghiên cứu 13 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp ĐHQGHN, đăng gần 800 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; có quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí trong nước và các nước: Mĩ, Úc, Nhật, Nga, Singapore, Pháp, Anh... về lĩnh vực truyền thông đại chúng.
Khoa đã được Thủ tướng Chính phủ và Giám đốc ĐHQGHN tặng nhiều bằng khen và các phần thưởng cao quý khác.
Có thể nói, trong thành tựu chung của báo chí Việt Nam thời kì Đổi mới, có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN).
- Đất nước và ngành giáo dục đã bước vào thời kì đổi mới với ngổn ngang những thuận lợi và khó khăn luôn song hành, Khoa đã có những đổi mới như thế nào để bắt kịp sự đổi thay chung, đáp ứng yêu cầu của đời sống báo chí và truyền thông?
- Đất nước đổi mới, báo chí cũng tự đổi mới và phát triển. Báo chí truyền thông thế giới phát triển nhanh, nhu cầu thông tin – giải trí – thương mại của nhân dân ngày càng cao. Trong dòng chảy chung đó, Khoa Báo chí và Truyền thông đã kịp thời hoà nhập, có những bước điều chỉnh hợp lí, hiệu quả. Đó là: Hoàn chỉnh cấp độ đào tạo từ cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ; chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ; đổi mới, bổ sung khung chương trình đào tạo (thêm nhiều môn học mới, tăng kĩ năng thực hành, giảm giờ lí thuyết); đa dạng hoá các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội (chính quy, tại chức, văn bằng 2, ngắn hạn...); đổi tên Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Truyền thông để mở thêm ngành mới (Quan hệ công chúng – PR); đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giai đoạn 2009 – 2011 với 30 tỉ đồng do Nhà nước cấp; mở rộng liên kết đào tạo quốc tế và hợp tác quốc tế.
Tất nhiên, trong quá trình điều chỉnh đó, có việc thành công, có việc đang chờ thời gian và cũng có việc chưa tốt. Tuy nhiên, phải thay đổi, đổi mới theo hướng hiện đại – khoa học – chuyên nghiệp và nhân văn.
- Sau mỗi khoa tốt nghiệp, tình hình có được việc khi ra trường của sinh viên trong Khoa như thế nào trong 20 năm qua? Khoa có tổng kết hàng năm hay vài năm tình hình này không? Nếu có, kết quả thế nào, xin PGS cho vài con số?
- Chúng tôi chưa có điều kiện thống kê đầy đủ, chi tiết con số này. Tuy nhiên, có thể thấy việc làm của sinh viên báo chí và truyền thông hiện nay rất đa dạng, phong phú, tích cực và chủ động. Có nghĩa là, có những em vào làm ở cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, hãng thông tấn, báo ảnh... có những em làm ở các công ty truyền thông, các công ty liên doanh, tập đoàn kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, các cơ quan chỉ đạo và quản lí báo chí Trung ương và địa phương, có em làm tổ chức sự kiện, quảng cáo, marketing, môi giới truyền thông, mở công ty riêng. Có xu hướng là, trước đây nhiều ngành nghề tham gia làm báo chí thì hiện nay ngành báo chí cũng tham gia làm nhiều công việc của nhiều ngành nghề khác nhau. Vậy nên “đầu ra” của ngành báo chí và truyền thông là rất rộng.
Do vậy, người theo học ngành báo chí truyền thông hàng năm vẫn đông đảo, đó là do nhu cầu xã hội và người học tự điều tiết, điều chỉnh “đầu vào” và “đầu ra” trong lĩnh vực này.
- Dư luận, thường nổi lên trong dịp Ngày Báo chí Việt Nam (21/6), cho rằng các cơ sở đào tạo báo chí cho “ra lò” những sản phẩm xa rời thực tiễn đời sống báo chí và yêu cầu của các tờ báo; các toà soạn nhận sinh viên báo chí mới ra trường thường phải đào tạo lại theo yêu cầu của các cơ quan báo chí đó. PGS có ý kiến gì về nhận định này?
- Tôi vừa đồng ý vừa không đồng ý. Đồng ý là vì chất lượng đào tạo chưa cao, tuyển sinh đầu vào “chưa chuẩn”, nguồn nhân lực chưa hấp dẫn các nhà tuyển dụng, còn yếu về kĩ năng thực hành và tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, đội ngũ giảng viên còn thiếu và còn nặng tính “hàn lâm”,...
Không đồng ý vì không phải tất cả các sinh viên “ra lò” đều hỏng cả. Thực tế là không phải cứ đào tạo 100 em thì thành 100 nhà báo giỏi cả. Trong 100 em đó có nhiều mức độ khác nhau. Tôi nghĩ, mỗi khoá 100 em thì chừng 3 – 5 em viết giỏi là quý lắm rồi. Nghề này cũng khó lắm, khi học thì mình chọn nghề, ra đời thì nghề chọn mình. Có sự đào thải rất ghê. Có đam mê, nghị lực và giỏi mới trụ lại được với nghề. Thực tế chúng tôi đã đào tạo gần 7.000 nhà báo, trong đó có khoảng 50 cựu sinh viên đang công tác tại các cơ quan báo chí đã đoạt giải báo chí toàn quốc, báo chí quốc gia. Có nhiều người trong số này giành giải nhiều lần. Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí cũng có những đánh giá tốt phẩm chất và năng lực làm việc của các sinh viên báo chí.
- Khoa BC&TT vạch ra con đường đi tiếp phía trước như thế nào?
Mặc dù 20 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông đã làm được nhiều việc, tuy nhiên, phía trước cũng còn nhiều việc phải làm để đáp ứng yêu cầu và tình hình mới. Theo đó, sẽ:
* Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có trình độ cao.
* Đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo.
* Mở các ngành học mới trong lĩnh vực truyền thông đại chúng.
* Nghiên cứu những vấn đề lí luận và thực tiễn cấp thiết của báo chí truyền thông trong nước và trên thế giới.
* Liên kết đào tạo quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế.
* Đổi mới phương pháp, tư duy đào tạo thiết thực, chất lượng, hiệu quả.
* Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị xứng tầm đào tạo chất lượng cao nguồn nhân lực cho báo chí truyền thông đất nước.
Các hướng phát triển đó phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt cùng với sự hỗ trợ hợp tác của các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế mới có thể trở thành hiện thực.
- Xin cảm ơn PGS.TS Đinh Văn Hường!