Hiện nhiều sinh viên đăng kí vào Khoa Đông Phương học với sức hấp dẫn về cơ hội nghề nghiệp và học tập tại những nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, cơ hội đó không phải lúc nào cũng có và ai cũng có được. Nhưng Khoa Đông Phương còn có một chuyên ngành mà cơ hội tìm kiếm một công việc như mong muốn và một môi trường học tập tốt hơn đều có thể đến với tất cả những ai say mê ngành học này.
Bỡ ngỡ thưở ban đầu
Khó khăn lớn nhất của nhiều sinh viên khi đăng kí vào Khoa Đông Phương là không biết chọn theo chuyên ngành nào. Đa số thường bị cuốn theo trào lưu của những chuyên ngành “hot”, không nhiều bạn chọn chuyên ngành Ấn Độ học bởi đây là một chuyên ngành mới thành lập tại Khoa Đông Phương, sinh viên chưa biết nhiều đến cơ hội học tập và việc làm khi theo học chuyên ngành này. Nhiều sinh viên thường băn khoăn không biết học ra sẽ làm gì. Một số ý kiến khác lại cho rằng tiếng Anh của Ấn Độ rất khó học và khó sử dụng.
Giải đáp những thắc mắc này, PGS.TS Đỗ Thu Hà (Phó Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học, kiêm chủ nhiệm Bộ môn Ấn Độ học) cho biết: Tuy Ấn độ học là một chuyên ngành mới, đến nay mới chỉ là năm thứ 6, nhưng hầu hết các môn học đều có giáo trình, bài giảng nên sinh viên không phải học chay. Chuyên ngành có thuận lợi cơ bản là bên cạnh các môn chuyên ngành, sinh viên chỉ học ngoại ngữ là tiếng Anh và số giờ học nhiều. Các giảng viên của Bộ môn Ấn Độ học đều được đào tạo ở Ấn Độ, có kiến thức nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Hiện đội ngũ giảng viên cơ hữu của bộ môn gồm 3 người, trong đó có 1 PGS.TS, 2 ThS-Nghiên cứu sinh; ngoài ra còn có các cán bộ kiêm nhiệm là 1 PGS.TS, 2 TS và 2 Ths vừa học ở nước ngoài về đang tham gia giảng dạy. Giảng viên đều rất yêu nghề, gần gũi sinh viên.
Hơn nữa tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến. Số lượng học bổng cho sinh viên của Bộ môn tới từ các quốc gia sử dụng ngôn ngữ này rất nhiều. Vì vậy cơ hội học bổng và việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất khả quan.
Như một gia đình
PGS.TS Đỗ Thu Hà chia sẻ, sinh viên ngành Ấn Độ thường tâm sự rằng: “Chúng em thấy mình thật may mắn được là sinh viên của chuyên ngành Ấn Độ học bởi ở đây, chúng em cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương gắn bó như một gia đình”.
Bên cạnh việc học những kiến thức tiếng Anh, sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học còn được học về văn hoá - xã hội của các nước Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện những kĩ năng mềm, tham gia ca múa, nấu ăn, thuyết trình và tham gia các hoạt động của Đại sứ quán như hùng biện, tham quan du lịch, giao lưu với sinh viên, thanh niên Ấn Độ… Điều đặc biệt là phần này được áp dụng để tính điểm rèn luyện cho sinh viên.
Giữa Khoa Đông Phương học và Đại sứ quán Ấn Độ thường phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tạo môi trường cho sinh viên có điều kiện học hỏi, tiếp thu thực tế. Vì vậy, khi sang học tập và nghiên cứu tại Ấn Độ sau này, thời gian thích nghi với môi trường mới của sinh viên được rút ngắn rất nhiều.
PGS.TS Đỗ Thu Hà tâm sự: Thời gian đầu các em chưa quen, còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều em không thích nghi nổi với môi trường khí hậu và điều kiện sinh hoạt tại Ấn Độ. Tuy nhiên sau một thời gian rút kinh nghiệm và nhờ sự gắn kết, trao đổi thường xuyên giữa hai bên nên Bộ môn đã chọn được những vùng miền có khí hậu tốt, phù hợp hơn để gửi các em đến học. Bởi vậy mà hiện nay, các em chỉ mất một tháng là có thể làm quen với môi trường mới. Trước khi đi các em đều có sự chuẩn bị chu đáo, sang bên đó các em lại nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán, Nhà trường, thầy cô và các anh chị lớp trước. Có thể nói, khó khăn trong việc thích nghi với môi trường hiện nay đã không còn là trở ngại.
Ngoài ra, Bộ môn còn nhận được sự giúp đỡ và đầu tư của Iran - cường quốc dầu mỏ tại Trung Đông - nên số lượng học bổng cho sinh viên về ngôn ngữ và văn hoá cũng như các ngành học khác trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp là rất rộng mở. Hiện Bộ môn đang có 7 sinh viên đã học từ 2 đến 7 năm tại đây sắp về nước và vẫn sẽ tiếp tục gửi đi nữa do nhu cầu của xã hội. Chỉ riêng năm học 2010-2011, Đại sứ quán Iran đã dành cho Bộ môn mười học bổng gồm 5 lấy bằng Cử nhân, 3 lấy bằng Thạc sĩ và 2 lấy bằng Tiến sĩ.
Điều làm nên sự khác biệt
Trải qua một chặng đường phát triển chưa phải là dài nhưng sinh viên Khoa Đông Phương nói chung và chuyên ngành Ấn Độ học nói riêng đã và đang dần khẳng định thương hiệu của mình. Bộ môn Ấn Độ học có định hướng phát triển một cách rõ ràng, đầu tư trọng điểm vào giáo trình bài giảng, vào việc học tiếng Anh, được bổ sung bằng tiếng Hinđi và Ba Tư tại nước bản ngữ.
PGS.TS Đỗ Thu Hà cho rằng ngoại ngữ là một trong những phương tiện giúp sinh viên Đông Phương học có nhiều cơ hội việc làm và du học. Nhưng đây chưa phải là điểm mạnh chủ yếu của sinh viên Đông phương học. Sở dĩ sinh viên Đông phương học “đắt hàng” là bởi ngoài vốn kiến thức về ngoại ngữ, sinh viên còn được trang bị kiến thức về văn hoá, phong tục tập quán, đất nước và con người của các nền văn hoá khác nhau, các quốc gia khác nhau.
Các học bổng dành cho sinh viên, học viên chuyên ngành Ấn Độ học của Khoa Đông Phương học hiện nay:
1. Hằng Hà - Mekong: Học bổng chuyên về văn hoá, có cả cao học và cử nhân.
2. ITEC: Học bổng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ dành cho những người đi làm được 5 năm, với học bổng này chương trình đào tạo thạc sĩ chỉ trong thời gian 1 năm.
3. Học bổng học tiếng Hindi và Sanskrit: Với học bổng này sinh viên có thể đi học 1 năm về, sau đó tiếp tục theo học hay đi làm.
4. ICCR: Đây là học bổng thường xuyên, dành cho sinh viên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
5. Các học bổng của Iran về đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
6. Học bổng trao đổi ngắn hạn tại Mĩ, Hà Lan, Singapore bằng tiếng Anh.
Qua trao đổi, chúng tôi cũng được biết thêm hiện nay sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học (bao gồm cả Nam Á và Trung Đông) được các cơ quan trong và ngoài nước tuyển dụng rất nhiều. Những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Ấn Độ học có thể công tác trên các lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Nam Á và Trung Đông có thể nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, có thể làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán, văn phòng đại diện của các nước Nam Á đặt tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các công ty chế xuất và du lịch của các nước Nam Á và Trung Đông tại Việt Nam v.v. Năm 2009 Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam với con số lên tới 6 tỉ USD, các công ty Ấn Độ đang mở ở Việt Nam rất nhiều. Vì vậy mà cơ hội việc làm ngày càng lớn hơn.
Không chỉ có việc làm thuận tiện mà cơ hội học cao hơn cũng rất nhiều. Nếu muốn, mọi sinh viên của ngành đều có học bổng du học. Hơn nữa, rất đặc biệt là sinh viên có thể học lên cao học ở bất cứ ngành nào như Quan hệ quốc tế, Báo chí truyền thông, Quản trị kinh doanh, Khoa học chính trị…không nhất thiết phải theo chuyên ngành Ấn Độ học. PGS.TS Đỗ Thu Hà khẳng định: “Cơ hội việc làm và học tập với sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học hiện nay rất nhiều và luôn được chia đều đến tất cả mọi người nếu như sinh viên có sự say mê, cố gắng và quyết tâm”.
Trải qua một quá trình nỗ lực phấn đấu khẳng định, sức hấp dẫn của chuyên ngành Ấn Độ học đã được khẳng định. Những năm gần đây sinh viên đăng kí vào chuyên ngành Ấn Độ học đã tăng lên một cách đáng kể. Năm 2009, chuyên ngành chỉ chọn những sinh viên có nguyện vọng 1 vào học. Những năm tới, số sinh viên đăng kí vào ngành Ấn Độ học rất có thể sẽ tăng lên với một con số đáng ngạc nhiên hơn nữa.