Vị giáo sư Sử yêu thơ chữ Hán

Thứ năm - 13/01/2011 12:24
PGS. Nguyễn Văn Hồng sinh ra trong một gia đình nhà Nho nhiều đời làm nghề dạy học. Quê thầy ở vùng đất xứ Thanh nghèo khó nhưng hiếu học - cũng là vùng đất văn vật sản sinh ra nhiều nhân tài văn võ các thời. Với sinh viên thầy hay tâm tình: “Quê thầy nghèo lắm, vì nghèo quá mà phải cố học và học để sống”. Một lần, ông ngỏ ý với cha rằng không muốn theo tiếp nghề dạy học của gia đình. Người cha nhìn con rất lâu rồi nói: “Con ạ, xã hội, thời thế có thể biến đổi, các chức vị xã hội cũng đổi thay. Chỉ có danh hiệu người thầy không bao giờ mất đi. Đó là một nghề đẹp và cao thượng”. Chỉ với câu nói ấy, nghề dạy học đã trở thành duyên, thành nghiệp theo thầy suốt cả cuộc đời.
Vị giáo sư Sử yêu thơ chữ Hán
Vị giáo sư Sử yêu thơ chữ Hán
PGS. Nguyễn Văn Hồng sinh ra trong một gia đình nhà Nho nhiều đời làm nghề dạy học. Quê thầy ở vùng đất xứ Thanh nghèo khó nhưng hiếu học - cũng là vùng đất văn vật sản sinh ra nhiều nhân tài văn võ các thời. Với sinh viên thầy hay tâm tình: “Quê thầy nghèo lắm, vì nghèo quá mà phải cố học và học để sống”. Một lần, ông ngỏ ý với cha rằng không muốn theo tiếp nghề dạy học của gia đình. Người cha nhìn con rất lâu rồi nói: “Con ạ, xã hội, thời thế có thể biến đổi, các chức vị xã hội cũng đổi thay. Chỉ có danh hiệu người thầy không bao giờ mất đi. Đó là một nghề đẹp và cao thượng”. Chỉ với câu nói ấy, nghề dạy học đã trở thành duyên, thành nghiệp theo thầy suốt cả cuộc đời.

Năm 1955, thầy được Nhà nước cử đi học chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngày ấy, vì nhà xa, đến muộn, thầy được phân vào đoàn Trung Quốc - đoàn đi cuối cùng. Ngờ đâu, đó cũng lại là một sự se duyên may mắn khác của số phận, bởi càng học thầy càng thấy “ngấm” và thích cái thâm trầm sâu sắc của ngôn ngữ, văn hoá của đất nước này. Sau 6 năm miệt mài bên đất bạn, thầy về nước trở thành giảng viên chuyên ngành Lịch sử thế giới của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1965 đến năm 1967, thầy trở lại Trung Quốc học tu nghiệp tại Đại học Nam Khai (Trung Quốc). Từ năm 1996 đến năm 2001, thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Từ năm 2001 - 2007 thầy là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc. Trên phương diện quản lí, PGS. Nguyễn Văn Hồng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp và đặc biệt là cho ngành Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Năm 2001, khi được cử làm chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học, ông bắt tay vào việc xây dựng chương trình và lên kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho một chuyên ngành còn non trẻ lúc bấy giờ. Đội ngũ cán bộ còn ít nhưng PGS. Nguyễn Văn Hồng chủ trương cộng tác và khai thác tốt nguồn lực chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao cùng các trường đại học bạn tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Bộ môn. Với những quan hệ vốn có, PGS. Nguyễn Văn Hồng góp nhiều công sức trong việc thiết lập hợp tác ban đầu với Đại sứ quán Trung Quốc, Phòng Văn hoá Đài Loan tại Việt Nam và nhiều nhà khoa học Trung Quốc. Trên cơ sở ấy, đội ngũ cán được củng cố thêm với nhiều cán bộ có trình độ được đào tạo ở nước ngoài, hệ thống tài liệu, sách tham khảo được mở rộng… Ban đầu chỉ có 2 đến 3 cán bộ, trong đó chỉ có một, hai giảng viên về ngôn ngữ. Đến nay Bộ môn đã có 03 tiến sĩ ngôn ngữ tiếng Trung, thạc sĩ văn học, lịch sử, kinh tế và bắt đầu đặt vấn đề nghiên cứu pháp luật. Năm 1996, nhận thấy cần củng cố thêm ngành học quan trọng này, PGS. Nguyễn Văn Hồng đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và trở thành Giám đốc Trung tâm đầu tiên. Từ một ngành học non trẻ ban đầu, đến nay, ngành Trung Quốc học đã trở thành một thương hiệu của Trường ĐHKHXH&NV. Thầy viết không quá nhiều sách và giáo trình, nhưng đó đều là những cuốn được tái bản nhiều lần và là sách gối đầu giường của sinh viên chuyên ngành Lịch sử thế giới như Lịch sử cận đại thế giới, Lịch sử Trung Quốc cận đại, Lịch sử giáo dục Minh Trị Duy Tân (Nhật Bản), Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam - một cách nhìn … Từ cái nền căn bản ban đầu là lịch sử thế giới, thầy vươn rộng tầm nghiên cứu ra các lĩnh vực của ngôn ngữ và văn hoá khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ngôn ngữ, văn hoá Trung Quốc, Nhật Bản. Với lịch sử Việt Nam, dù không là sở trường nhưng thầy vẫn có niềm yêu thích đặc biệt. Thầy vẫn thường nói: “Nếu không biết sử Việt Nam mà nghiên cứu sử thế giới thì như là không có gốc vây, nếu chỉ tìm hiểu sử Việt Nam mà tách ra khỏi nhãn quang, tầm nhìn của khu vực và thế giới thì không thể có cái nhìn toàn diện và sâu sắc”. Bởi vậy, những nghiên cứu của thầy về các vấn đề của lịch sử châu Á và Việt Nam, về giao thao văn hoá, về Nho giáo, hẹp hơn là cách nhìn nhận về các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Phan Châu Trinh, Tôn Trung Sơn, Nguyễn Trường Tộ… đều sâu sắc và gây ấn tượng. Sinh viên truyền tai nhau: nghe thầy Hồng giảng bài rất “kì thú” - đó là khi nhãn quan rộng mở của một chuyên gia nghiên cứu sử thế giới hoà quyện với tư duy thâm trầm sâu sắc của một nhà nghiên cứu văn hoá phương Đông. Văn dĩ tải đạo - thầy không thích lối dạy và học khô cứng - “Tôi thích dùng văn để dạy Sử” - thầy thường chia sẻ như vậy với đồng nghiệp và học trò. Bởi vậy bài giảng của thầy luôn sâu sắc và tinh tế, hàm chứa những chiêm nghiệm cuộc đời mình. Không phải ngẫu nhiên, từ thời còn là lưu học sinh ở Trung Quốc, khi được phân công phụ đạo tiếng Việt cho đồng chí Lí Gia Trung, thầy đã truyền được cho người học niềm thích thú và say mê với tiếng Việt. Mấy chục năm sau, đồng chí Lí Gia Trung, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn kể lại rằng: “Dường như muốn gợi lên trong tôi niềm hứng thú học tiếng Việt, nên ngay từ buổi phụ đạo đầu tiên, anh Hồng đã đọc cho tôi nghe một số câu thơ trong “Kim Vân Kiều truyện”. Mặc dù chưa hiểu gì nhưng tôi cảm thấy tiếng Việt cũng đẹp và rung động như tiếng Pháp. Từ đó đến nay thời gian đã hàng chục năm, đồng chí Nguyễn Văn Hồng luôn là người thầy và người bạn thân thiết của tôi”. Và khi nghe thầy kể chuyện thì quả thật không bao giờ biết chán. Trong chuyện học có chuyện đời và kể chuyện đời là để nói chuyện học. Thầy nói khoa học và cuộc đời giống nhau ở chỗ luôn chứa đựng những điều bí ẩn bất ngờ cần ta khám phá, mà mỗi một khám phá mới lại đem đến cho ta những niềm vui khó tả. Nhưng khoa học và cuộc đời lại nên có nhiều cách ứng xử khác nhau. Nếu khoa học cần nhiệt tình, say đắm thì cuộc đời lại cần sự tĩnh tại, than thản. Tự ví mình có đôi chút tính cách của thầy đồ Nho, một chút “gàn”, một chút “kiêu”, một chút “khó”, cả cuộc đời mình thầy sống ngay thẳng, yêu đời và quý người. Không bon chen cũng chẳng vội vã vì “Danh bất như nhàn” - thầy tin vào số phận, vào cái duyên vận vào mỗi một đời người. Và duyên của cuộc đời thầy là nghiệp dạy học, là sinh viên, là khoa học lịch sử. Thầy nói: có người hỏi tôi làm nghề dạy học có gì đề mất, tôi nói: chẳng mất gì mà còn được lại rất nhiều. Bởi tôi có sinh viên, đứng trước sinh viên tôi luôn thấy mình nhỏ bé trước những khát vọng hiểu biết của các em. Sinh viên chính là một người Thầy lớn bởi các em luôn thúc giục, gợi mở và trông chờ những kiến thức mới, những cách diễn giải hay từ người Thầy. Thầy mê sách, thích đọc sách cho đến “ngấm”. Thầy nói với sinh viên: Hãy đọc sách và luôn tư duy. Muốn làm khoa học thì phải có khát vọng tìm ra cái mới, phải trả lời các vấn đề trên cơ sở luận cứ và bằng chứng thuyết phục. Khi trả lời xong một vấn đề cũng là bắt đầu một vấn đề khác được đặt ra. Khi chứng minh được một điều mới ấy là khi ta được hưởng một niềm sung sướng tuyệt diệu vậy. Ngoài việc dạy học và nghiên cứu, một góc lớn của tình yêu và cuộc đời thầy gửi gắm vào thơ ca. Thơ về quê hương, đất nước, thơ tặng danh nhân, bạn bè, đồng chí.. hay đôi khi chỉ là những cảm nghĩ suy tư thoáng vụt qua. Thầy viết thơ bằng chữ Hán, tự phiên âm và dịch thơ. Mỗi bài thơ làm theo thể thất ngôn hay ngũ ngôn tứ tuyệt đậm chất Đường thi, lịch lãm chứa chất bao điều suy tư, trăn trở, có cả bề sâu và bề rộng. Chiều sâu trong tình cảm, cảm hứng về lịch sử dân tộc, bề rộng trong các mối quan hệ của một người quảng giao, lịch lãm và từng trải. Đong đầy những cảm xúc và chiêm nghiệm, những bài thơ chữ Hán của thầy lần lượt ra đời, đọng lại trong tập “Dạ thảo”, gây ngạc nhiên cho ngay cả những nhà phê bình. Ông Nguyễn Quang Hà - một học trò và một người nghiên cứu Hán Nôm và Lịch sử nhận xét: “Tập thơ “Dạ thảo” của PGS. Nguyễn Văn Hồng đã được chưng cất từ một sự từng trải trong cuộc sống lao động và học tập. Để có một bài thơ hay, giàu trí tuệ cần đòi hỏi một quá trình suy tư sâu sắc, phải trải nghiệm với bao hi sinh. Thơ trong Dạ thảo đã thể hiện được sự lịch lãm, hiện đại mà vẫn mang phong vị của những bài Đường thi, đậm đà truyền thống Á đông”. Là chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á, thầy có dịp đi nhiều nước giảng dạy và trao đổi khoa học. Thơ ca đã giúp thầy kết giao được nhiều bạn bè và để lại trong lòng họ những ấn tượng sâu sắc và tình cảm mến trọng về một vị giáo sư Việt Nam uyên bác mà tài hoa. GS. Văn Trang của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân có dịp đọc tập thơ Dã thảo đã thân ái có lời đề tặng: Dã Thảo ở nước Nam Thu đông không khô chết Ngàn năm còn giữ nếp Vạn dặm chim hồng Nho Hoa Việt cùng thưởng thức Núi sông cùng vui ca Sao không ngâm nga nhỉ? Bác Hồ có học trò Đồng cảm với những suy tư và tấm lòng rộng mở với cuộc đời của thầy, GS. Thiết Giang - một chuyên gia điêu khắc nổi tiếng người Trung Quốc thì viết: Dáng người tạo hoá Trong người là tâm! Một đồng nghiệp cùng ngành Sử, GS. Chương Thâu từng nói: Người tiêu biểu còn lại cho một thời kì Văn - Sử - Triết bất phân của Đại học Tổng hợp xưa, đó là PGS. Nguyễn Văn Hồng. Còn tôi và nhiều thế hệ học trò lại yêu mến và tìm thấy ở thầy sự hoà quyện thú vị và tài tình giữa cốt cách một ông đồ Nho sâu sắc với tính cách sôi nổi và hướng ngoại của một nhà nghiên cứu khoa học hiện đại.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây