Suy nghĩ về tư duy đào tạo thời Đại học Văn Khoa

Thứ ba - 02/11/2010 06:20
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh (10/10/1945) thành lập Đại học Văn khoa, những nhà quản lí giáo dục đại học đã thể hiện tư duy nắm bắt khuynh hướng đào tạo của thời đại rất kịp thời và biết tiếp thu từng bước để vận dụng có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nước nhà lúc Cách mạng tháng Tám vừa thành công. Điều đó có thể thấy rõ nét qua Nghị định(1) ngày 3/11/1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục về quy định Chương trình đào tạo và phương thức đào tạo ở Trường Đại học Văn khoa(3). Nhân kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Đại học Văn khoa ở Hà Nội, chúng tôi thử phác hoạ tư tưởng giáo dục đại học thời kì đó có tầm nhìn hội nhập và ý nghĩa tư tưởng ấy đối với hôm nay.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh (10/10/1945) thành lập Đại học Văn khoa, những nhà quản lí giáo dục đại học đã thể hiện tư duy nắm bắt khuynh hướng đào tạo của thời đại rất kịp thời và biết tiếp thu từng bước để vận dụng có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nước nhà lúc Cách mạng tháng Tám vừa thành công. Điều đó có thể thấy rõ nét qua Nghị định(1) ngày 3/11/1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục về quy định Chương trình đào tạo và phương thức đào tạo ở Trường Đại học Văn khoa(3). Nhân kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Đại học Văn khoa ở Hà Nội, chúng tôi thử phác hoạ tư tưởng giáo dục đại học thời kì đó có tầm nhìn hội nhập và ý nghĩa tư tưởng ấy đối với hôm nay.

1. Chương trình đào tạo

Lúc này chương trình đào tạo được xác định 10 môn học cơ bản nhất, nên rất gọn nhẹ. Cụ thể là: - Triết-học Đông-phương - Triết-học Tây-phương - Xã-hội và Nhân-chủng-học - Văn-chương Việt-Nam bằng Việt-văn và Hán-văn - Văn-chương Trung-hoa từ thượng-cổ đến đời Đường - Văn-chương Trung-hoa từ đời Tống đến hiện nay - Văn-chương Tây-phương - Sử-kí Đông-Tây từ thượng-cổ đến thế-kỉ thứ 13 - Sử-kí Đông-Tây từ thế-kỉ thứ 13 đến nay - Địa dư Muốn thi tốt nghiệp 4 môn trong 10 môn trên để lấy bằng Văn khoa đại học sĩ (cử nhân ngày nay) thì sinh viên phải có bằng tốt nghiệp trung học và phải học ở Đại học Văn khoa ít nhất 3 năm. Năm đầu học 2 môn, chưa thi; năm thứ hai học 2 môn, thi 2 môn đã học ở năm thứ nhất; năm thứ ba thi 2 môn học ở năm thứ 2. Môn nào thi trượt, thì sinh viên được phép học lại. Đây là 4 môn thi tốt nghiệp, nên ngoài nghe một hai chuyên đề, sinh viên còn phải tự khảo cứu những chuyên đề khác của môn học phục vụ thi môn đó. Bên cạnh đó, những môn học trên được kết cấu cho 4 chuyên khoa. Tốt nghiệp một trong bốn chuyên khoa này sẽ được nhận bằng Văn chuyên khoa đại học sĩ và được bổ đi dạy ở các trường trung học: * Triết học chuyên khoa đại học sĩ Tốt nghiệp chuyên khoa này, sinh viên phải học và thi 4 môn: Triết học Đông phương; Triết học Tây phương; Xã hội học và Nhân chủng học; và một môn hoặc Sử kí, hoặc Hán học, Văn học, Văn chương Tây phương học. * Việt học chuyên khoa đại học sĩ Tốt nghiệp chuyên khoa này sinh viên phải học và thi 4 môn: Văn chương Việt Nam bằng Việt văn và Hán văn; Sử kí Đông-Tây từ thượng cổ đến thế kỉ 13; Sử kí Đông-Tây từ thế kỉ 13 đến nay; và một môn hoặc Hán học, hoặc Triết học, hoặc Văn chương Tây phương học * Hán học chuyên khoa đại học sĩ Tốt nghiệp chuyên khoa này sinh viên phải học và thi 4 môn: Văn chương Trung-hoa từ thượng cổ đến đời Đường; Trung-hoa từ đời Tống đến nay; Văn chương Việt Nam bằng Việt văn và Hán văn; và một môn hoặc Sử kí, hoặc triết học, hoặc Văn chương Tây phương học * Sử kí, địa dư học chuyên khoa đại học sĩ Tốt nghiệp chuyên khoa này sinh viên phải học và thi 4 môn: Sử kí Đông-Tây từ thượng cổ đến thế kỉ 13; Sử kí Đông-Tây từ thế kỉ 13 đến nay; Địa dư; và một môn hoặc Hán học, hoặc Triết học, hoặc xã hội học và Nhân chủng học. Trong văn bằng Văn khoa đại học sĩ hay Văn chuyên khoa đại học sĩ đều ghi rõ những môn đã thi tốt nghiệp. Những người có một trong hai loại văn bằng trên, có thể học tiếp để thi lấy bằng Văn khoa bác sĩ (tiến sĩ ngày nay). Chương trình trên dự kiến bước đầu thực hiện trong trong 3 năm (1945-1946; 1046-1947; 1947-1948). Đến năm học 1948-1949 thì thay đổi một phần ba chương trình; năm học 1949-1950 lại tiếp tục thay đổi một phần ba nữa; năm học 1950-1951 thay đổi một phần ba còn lại và cứ như thế luôn đổi mới chương trình đào tạo. Như vậy, chủ trương hàng năm đổi mới tới một phần ba chương trình là tư duy đẩy nhanh việc tiếp cận và cập nhật tri thức mới phù hợp với yêu cầu kiến quốc cấp bách đang đặt ra. Đáng tiếc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, chương trình đào tạo đại học văn khoa đã phải ngưng trệ.

2. Phương thức đào tạo

a/ Vai trò của giảng viên - Giáo sư phụ trách môn học thống nhất nội dung môn học với Giám đốc Đại học Văn khoa rồi trình Giám đốc Vụ đại học duyệt y. Quy định này khẳng định quyền và trách nhiệm cá nhân của người trực tiếp giảng dạy, nhất là tính chuyên môn của giáo sư môn học được tôn trọng. - Mỗi năm giáo sư phụ trách môn học chỉ chọn một hoặc hai chuyên đề để giảng và xác định một số chuyên đề cho sinh viên tự khảo cứu. Còn những chuyên đề khác của môn học, sinh viên tự tìm kiếm, nếu có ý định thi môn đó. Như thế, giảng viên không phải giảng tất cả các chuyên đề của môn học, mà tạo cơ hội để sinh viên tự nghiên cứu, tự khám phá và nếu muốn thi môn học nào đó thì cũng phải tự nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn. Rõ ràng, cơ chế đào tạo đã đề cao tính chủ động và tự học là chính của sinh viên. Người thầy chỉ có vai trò hướng đạo mà thôi. b/ Quy định đối với sinh viên - Sinh viên đăng kí ghi tên tại Đại học văn khoa và nộp Giấy khai sinh để khẳng định là đến 30/10/1945 đã 18 tuổi. Sinh viên nào muốn thi để lấy bằng Văn khoa đại học sĩ thì phải nộp thêm Bằng tốt nghiệp trung học. Cơ chế này tạo cho những thanh niên, tuy chưa có bằng tốt nghiệp trung học, nhưng đủ 18 tuổi, muốn theo học tại Đại học văn khoa để mở rộng hiểu biết thì vẫn được tiếp nhận vào học. - Sinh viên học tập theo sự chỉ dẫn của giáo sư mỗi môn ít nhất là hai năm. Nhưng muốn thi để lấy bằng Văn khoa đại học sĩ ( theo một trong 4 chuyên khoa trong chương trình nêu trên) phải học ít nhất ba năm. c/ Chế độ thi cử ở bậc đại học - Không bắt buộc sinh viên phải thi tất cả những môn sinh viên thích học, mà chỉ phải thi 4 môn tốt nghiệp hoặc những môn thi tốt nghiệp theo chuyên khoa nêu trên. Sinh viên định thi tốt nghiệp môn nào, bên cạnh việc nghe giáo sư môn học đó giảng một hay hai chuyên đề và thực hiện khảo cứu những chuyên đề do giáo sư gợi ý thì còn phải tự khảo cứu những chuyên đề khác của môn học đó. - Mỗi môn thi tốt nghiệp gồm các bước sau: + Thi viết: Tự luận 2 bài, nếu trung bình cộng của 2 môn đạt 50% số điểm quy định thì được vào thi vấn đáp. + Thi vấn đáp: Trả lời 2 câu hỏi về những vấn đề thuộc chương trình và giảng về một vấn đề trong chương trình (nói 20 phút, chuẩn bị 2 tiếng đồng hồ). Đạt 50% số điểm quy định thì được công nhận tốt nghiệp môn đó. - Để được cấp bằng đại học, ngoài 4 môn thi, sinh viên phải thi một môn ngoại ngữ do Hội đồng giáo sư Văn khoa đại học hiệu xác định những ngoại ngữ mà sinh viên có thể chọn để thi. d/ Quy định đào tạo tiến sĩ - Những người có bằng Văn khoa đại học sĩ hoặc bằng Văn chuyên khoa đại học sĩ được phép học tiếp để thi lấy bằng Văn khoa bác sĩ (tiến sĩ ngày nay). - Sinh viên (nay gọi là nghiên cứu sinh) phải đăng kí 2 vấn đề khảo cứu và được Hội đồng giáo sư văn khoa đại học hiệu chuẩn y rồi mới được đăng kí vào sổ của Nhà trường (để người sau tránh không chọn nữa). Trong quá trình khảo cứu, sinh viên có quyền được thay đổi vấn đề khác để nghiên cứu. - Sinh viên phải trình ở Văn khoa đại học hiệu 2 luận án in và báo cáo 2 luận án đó trước Hội đồng giám khảo. Luận án thứ nhất phải là luận án khảo cứu về một trong các lĩnh vực: Triết học, Văn chương, Xã hội học, Sử kí hay Địa dư. Luận án thứ hai có thể cũng là một khảo cứu về một vấn đề Triết học hoặc Văn chương, hoặc Xã hội học, hoặc Sử kí, hoặc Địa dư, hoặc dịch và giải thích về một xuất bản phẩm hoặc một tài liệu bằng Hán văn hay Việt văn đã in từ thế kỉ 19 về trước ở Việt Nam hoặc ở Trung Quốc. - Hai luận án này phải trình Giám đốc Văn khoa đại học hiệu. Ông Giám đốc cử một hay hai giáo sư chuyên môn nhận xét có đủ điều kiện bảo vệ hay không. Nếu đủ điều kiện, ông Giám đốc đề nghị ông Giám đốc đại học vụ của Bộ Quốc gia Giáo dục kí giấy phép cho in luận án. - Sinh viên phải nộp ở Văn khoa đại học hiệu mỗi luận án 60 quyển. Giám đốc Văn khoa đại học hiệu kí Quyết định thành lập Hội đồng giám khảo cho cả 2 luận án gồm 5 đến 7 giáo sư chuyên môn và một số nhà chuyên môn không phải là giáo sư của trường sau khi đã được Hội đồng giáo sư đại học hiệu nhất trí. e/ Quy định đào tạo thạc sĩ Trường Đại học Văn khoa có thể cấp bằng Văn khoa cao học cho những thí sinh không kể hạn tuổi nếu ghi tên vào sổ nhà trường ít nhất 6 tháng trước khi thi và có thể thi lấy bằng cao học ở một trong 3 ngành sau: - Cao học Triết lí: Thí sinh phải thực hiện các nhiệm vụ: + Trình một luận án khảo cứu về một vấn đề thuộc Triết lí hay Xã hội học hay nhân chủng học và được Hội đồng giáo sư Văn khoa đại học nhận ít nhất 6 tháng trước khi thi. + Trả lời Hội đồng về vấn đề đã chọn làm luận án + Cắt nghĩa và thảo luận về một đoạn văn của một triết gia, hay nhà xã hội học, hay nhà nhân chủng học mà Đại học hiệu cho thí sinh biết trước 3 tháng. - Cao học sử kí, địa dư Thí sinh phải thực hiện các nhiệm vụ: + Trình một luận án về một vấn đề sử kí hay địa dư do thí sinh tự chọn và được Hội đồng giáo sư đại học hiệu chấp thuận 6 tháng trước khi thi. + Thảo luận về một vấn đề sử kí hay địa dư do thí sinh chọn trước 3 tháng và được Đại học hiệu chấp thuận. Nhưng vấn đề định trình bày phải nằm ngoài thời gian lịch sử hay địa dư so với chủ đề đã chọn làm luận án. + Trả lời về một vấn đề thuộc địa dư hay những môn bổ trợ của sử kí (cổ vật học, bi kí học, văn liệu học) tuỳ ý thí sinh chọn và được Đại học hiệu chấp nhận 3 tháng trước khi thi. - Cao học văn chương Thí sinh phải thực hiện các nhiệm vụ: + Trình một luận án khảo về một vấn đề văn chương do thí sinh chọn và Hội đồng giáo sư Đại học hiệu chấp thuận 6 tháng trước khi thi. + Thí sinh phải cắt nghĩa và thảo luận một đoạn dài văn chương Trung Hoa, hay Việt Nam, hay Âu-Mĩ do thí sinh chọn và được Đại học hiệu đồng ý 3 tháng trước khi thi. + Trả lời về một vấn đề lịch sử văn chương do thí sinh chọn và Đại học hiệu chấp thuận 3 tháng trước khi thi. Như vậy, cách thức cấp bằng cao học chủ yếu dựa trên cơ sở tự chọn lĩnh vực chuyên môn để tự khảo cứu vấn đề và dự các môn thi, chứ không hề có sự lên lớp nghe giảng bài. Vấn đề quản lí đào tạo thể hiện ở việc đề xuất đề tài luận văn phải được Hội đồng giáo sư đồng ý ít nhất 6 tháng trước khi thi; những vấn đề liên quan đến nội dung thi do thí sinh chọn phải được Đại học hiệu đồng ý 3 tháng trước khi thi.

3. Đôi điều suy nghĩ

Nghiên cứu chương trình đào tạo, cách thức đào tạo của Đại học Văn khoa 65 năm trước, chúng tôi có vài suy nghĩ sau: - Mặc dù Cách mạng mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo chọn những người đủ tài, đức, giàu tri thức để cập nhật xu hướng giáo dục của thời đại. Do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ về các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, con người…), chương trình đào tạo mới giới hạn trong khuôn khổ những môn học cơ bản nhất và điều quan trọng có đội ngũ giáo sư dư sức thực thi(3), không đặt ra những môn chưa có điều kiện giảng dạy. - Tư tưởng giáo dục đại học thời Đại học Văn khoa 65 năm trước nêu cao vai trò của người thầy trong việc xác định các chuyên đề cần giảng, trách nhiệm chính là hướng đạo cho sinh viên học tập. Đồng thời, sinh viên được tự chủ xác định chuyên môn trong khi học và cơ chế học tập tạo ra cho sinh viên tính tự giác cao, tự xác định kế hoạch, lộ trình học tập của mình, thực sự làm chủ quá trình học tập, không phải chịu sức ép của Chương trình đào tạo. Nay Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang tin chỉ là tạo cơ hội cho sinh viên chủ động xây dựng lộ trình học tập của mình, có thể kết thúc quá trình học đại học sớm, hay muộn tuỳ theo năng lực và điều kiện của bản thân. Nhưng, hình như tổng số tín chỉ mà sinh viên cần phải tích luỹ theo một ngành học còn vẫn còn lớn. Phải chăng phải tiếp tục nghiên cứu để tích hợp trước hết là những môn cơ bản nhằm giảm thiểu khối lượng tín chỉ hiện tại để sinh viên có quỹ thời gian tự khảo cứu những vấn đề chuyên ngành mà họ theo đuổi. Đương nhiên, hoạt động tự khảo cứu của sinh viên cần có sự định hướng, giúp đỡ của bộ môn, của cố vấn học tập. - Chương trình và quy trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ thời Đại học Văn khoa càng khẳng định tính tự chủ rất cao của người học. Không thấy có một chương trình học tập nào dành cho người làm tiến sĩ, thạc sĩ. Người học được đề xuất vấn đề nghiên cứu, chuyên môn thi và được Nhà trường chấp thuận. Sau đó là quá trình tự khảo cứu của người học, cuối cùng là bảo vệ và thi vấn đáp trước Hội đồng chấm thi. Nay quy trình đào tạo sau đại học của ta đòi hỏi người học muốn có bằng tiến sĩ phải học qua giai đoạn thạc sĩ. Song, chương trình cao học còn nặng, có những chuyên đề liên quan trực tiếp, có những chuyên đề chỉ là mở rộng kiến thức, Vì thế, người học còn mất khá nhiều thời gian theo đuổi một hệ thống các chuyên đề trên lớp, ít có thời gian khảo cứu, thêm vào đó đa phần đang là công chức, viên chức nên còn phải hoàn thành công việc của cơ quan. Có lẽ cần nghiên cứu để tích hợp các chuyên đề có thể vào làm một và giảm lượng tín chỉ, hoặc trong hệ thống các chuyên đề cao học, cần xác định những chuyên đề cần phải giảng trên lớp, còn lại là giảng viên hướng dẫn học viên cao học tự khảo cứu và nộp báo cáo thu hoạch. __________

Chú thích

(1) Nguồn: Việt Nam Dân quốc Công báo. Số 9 ngày 17/11/1945 (2) Trong Sắc lệnh 45, ngày 10/10/1945, Điều thứ nhất ghi “ Nay thiết lập một trường Đại-học Văn-khoa tại Hà Nội”, nhưng từ “trường” đã bị một nét gạch chéo và chú lên trên là “ban”. Không rõ có phải Chủ tịch Hồ Chí Minh thay từ “ban” cho từ “trường” hay không rồi kí luôn, không cần đánh máy lại Sắc lệnh (điều này có lẽ không phù hợp với phong cách của Bác, hay hoàn cảnh lúc đó đòi hỏi phải đơn giản ???). Công báo cũng đăng là “ban” (xem Việt Nam Quốc dân Công báo, số 4, ngày 20/10/1945). Một vấn đề đặt ra là, các văn bản của Bộ Quốc gia Giáo dục (QGGD) ban hành sau Sắc lệnh 45 đều viết là “Trường Đại-học Văn-khoa”. Ví dụ: Trong Nghị định ngày 3/11/1945, Điều thứ nhất ghi: “Trường Đại-học Văn-khoa ở Hà Nội sẽ có dạy những môn sau này: Triết-học Đông-phương, Triết-học Tây-phương …”. Trong Nghị định này cũng ghi rõ người học muốn được trường Đại học Văn khoa cấp bằng Văn khoa đại học sĩ, Văn khoa bác sĩ (tiến sĩ) thì phải theo đuổi chương trình học tập, nghiên cứu như thế nào. (Xem: Việt Nam Quốc dân Công báo số 9, ngày 17/11/1945). Hay Nghị định khác Của Bộ QGGD kí cùng ngày 3/11/1945, cùng đăng Công báo số 9, ngày 17/11/1945, Điều thứ nhất có ghi: “Mở ở trường Đại-học một lớp Cao-đẳng giậy những môn thuộc về chính-trị và xã-hội học… Lớp học này tạm phụ thuộc vào trường Đại-học Văn-khoa, và do một viên Tổng Thư kí trông nom”. Từ đó, một câu hỏi được đặt ra, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí là Ban Văn khoa, tại sao sau đó Bộ Quốc gia Giáo dục lại ban hành những nghị định gọi là trường. Phải chăng, Ban không đủ tư cách cấp bằng từ cử nhân đến tiến sĩ như trường hay việc thay từ “ban” cho từ “trường” không phải của Bác. Xin ghi ra đôi điều băn khoăn… (3) Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đã kí Nghị định cử 25 giáo sư giảng dạy cho Trường Đại học Văn khoa, trong đó có các giáo sư, các vị trí thức như: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đức Nguyên, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỉ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ ... Đặc biệt, tham gia giảng dạy lớp chính trị-xã hội có Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng giảng dạy về khoa hiến pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp giảng dạy khoa kinh tế.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây