Triển khai đào tạo tín chỉ là một chủ trương lớn của ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hướng tới hội nhập quốc tế. Là một trong những đơn vị tiên phong trong chủ trương này, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đã có 4 năm triển khai đào tạo tín chỉ và bước đầu đạt những thành công nhất định. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng - đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học và nhận định những thách thức mới.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, xin ông cho biết những kết quả chính sau 4 năm Trường ĐHKHXH&NV áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ?
- Chủ trương chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ ở Trường ĐHKHXH&NV có từ năm 2003 và chính thức áp dụng đào tạo tín chỉ từ năm học 2007-2008. Trong bối cảnh chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về loại hình đào tạo mới này, Nhà trường đã rất nỗ lực và quyết tâm. Kết quả đạt được ban đầu có thể được xét trên các phương diện:
Thứ nhất và quan trọng hàng đầu là nhận thức của cán bộ, giảng viên về yêu cầu của đào tạo tín chỉ đã được nâng cao. Sau năm học đầu tiên, tâm trạng hoài nghi muốn quay trở lại đào tạo theo niên chế đã xuất hiện. Sang năm học tiếp theo, với việc đẩy mạnh hoạt động thực tiễn, nhận thức trong cán bộ và sinh viên đã thay đổi theo hướng tích cực. Các ý kiến góp ý đa phần tập trung vào việc chỉ ra những việc cần làm tiếp, cần khắc phục đề đào tạo tín chỉ được tốt hơn.
Thứ hai là Trường đã thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi đào tạo đại học theo tín chỉ theo đúng lộ trình dù trong 4 năm qua, khối lượng công việc tổ chức thực hiện rất nặng nề.
Thứ ba là Trường đã tạo bước chuyển căn bản trong xây dựng chương trình đào tạo, đề cương môn học, tài liệu hướng dẫn học tập môn học, biên soạn giáo trình và kiểm tra - đánh giá.
Thứ tư, các điều kiện nâng cao khả năng thích ứng với đào tạo tín chỉ và chất lượng học tập của sinh viên đã được đảm bảo. Thông qua kết quả học tập và hoạt động kiểm định chất lượng, có thể nhận thấy chất lượng giảng dạy đã tăng dần theo từng năm.
Chúng ta cần sớm hiện đại hoá chương trình đào tạo. Sau hai năm vận hành chương trình đào tạo chuyển đổi theo tín chỉ đã thấy rõ khối lượng tín chỉ và số môn học là quá nhiều mà điều này lại xuất phát từ chỉ đạo ban đầu khi chuyển đổi CTĐT: chuyển ngang. Hơn nữa các chương trình đào tạo hiện nay không chỉ có ít thời lượng tự chọn mà quan trọng hơn là sự đóng kín giữa các chương trình đào tạo. Khi triển khai xây dựng CTĐT bằng kép, khối lượng của CTĐT bằng kép đa phần ở mức 85 đến 90 tín chỉ, nghĩa là sự khác biệt tới 65% tổng thời lượng. Điều này hạn chế cơ hội mở các lớp môn học “quanh năm” cho sinh viên. Cần xem xét việc đưa ra một tỉ lệ xác định môn học tự chọn theo đúng thuật ngữ này là “học theo nhu cầu”, tức là sinh viên có thể chọn trong “rổ môn học tự chọn” của nhóm ngành hoặc cao hơn là của trường. Làm được điều này không chỉ giúp sàng lọc môn học đang có mà còn tăng hiệu quả của “vốn CTĐT” chính là các môn học có nhiều sinh viên lựa chọn.
ThS. Đinh Việt Hải - Phó Trưởng Phòng Đào tạo
- Vậy khó khăn căn bản nhất của việc chuyển đổi hình thức đào tạo là gì thưa ông?
- Theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là việc ngại thay đổi, sức ỳ của các thói quen cũ, tức là vấn đề tư tưởng. Khó khăn thứ 2 là thiếu một số điều kiện quan trọng về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cán bộ để triển khai sâu rộng.
- Được biết giai đoạn 2011-2015 được Nhà trường xác định là đưa đào tạo tín chỉ đi vào chiều sâu, xin PGS. nói rõ hơn về những mục tiêu của giai đoạn này?
Chúng tôi gọi giai đoạn 4 năm qua là giai đoạn thứ nhất của quá trình chuyển đổi. Giai đoạn đầu chuyển đổi chủ yếu triển khai trên phương diện hình thức, phương diện công nghệ, chu trình quản lí và tư duy về đào tạo, bước đầu ở phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Từ 2011 đến 2015 sẽ là giai đoạn chuyển đổi theo chiều sâu. Việc triển khai chuyển đổi đào tạo theo chiều sâu diễn ra trong vận hội lớn có nhiều yếu tố thuận lợi. Bốn năm vận hành theo học chế tín chỉ vừa qua đã tạo đà cho sự vận hành cả quá trình chuyển đổi. Mặt khác, hiện nay đào tạo theo tín chỉ là xu hướng tất yếu và phù hợp với xu hướng quốc tế hoá và đổi mới quản lí đào tạo.
Triển khai tín chỉ theo chiều sâu diễn ra chủ yếu ở phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kiểm tra đánh giá và hướng dẫn tự học tự nghiên cứu. Đây là khâu then chốt để thật sự nâng chất lượng đào tạo lên dựa trên ưu thế của đào tạo theo tín chỉ: đó là đề cao tính chủ động của người học và người dạy.
- Vậy Nhà trường xác định những thách thức nào sẽ phải đối mặt và tập trung các giải pháp tháo gỡ?
- Có mấy thách thức lớn sau:
Một là thách thức về con người, tức là vấn đề cán bộ. Tính tự giác, sự thành thục về công nghệ đào tạo, tính chuyên nghiệp của giảng viên và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của đào tạo ở người giảng viên là khâu có vai trò quan trọng trong đào tạo tín chỉ. Hơn nữa ở giai đoạn 2 chúng tôi dự định sẽ tổ chức việc đăng kí chọn thầy và bố trí môn học cách niên tuỳ theo yêu cầu tính chất, vai trò môn học để giảng viên có điều kiện nghiên cứu. Tuy nhiên trong tình trạng yêu cầu với giảng viên ngày càng cao, lao động ngày càng nặng mà thu nhập không tăng hoặc tăng không đáng kể thì vấn đề tư tưởng nảy sinh là điều không tránh khỏi. Từ vấn đề trên chúng tôi coi khâu cán bộ là khâu đột phá, then chốt quyết định không chỉ vấn đề đào tạo mà còn các hoạt động khác của Trường.
Thách thức thứ hai là cơ sở vật chất và công nghệ. Khẩu hiệu: sinh viên có thể học tập bất cứ chỗ nào, có thể tìm tài liệu thuận tiện ở bất kì đâu chắc vẫn còn là một câu chuyện rất xa xôi.
Thách thức thứ ba là hệ thống quản lí đào tạo và quản lí sinh viên cần hiện đại hoá và chuẩn hoá. Hệ thống quản lí hiện nay tạm duy trì được sự vận hành nhưng để đảm bảo tính ổn định, bền vững và phát triển không ngừng phục vụ yêu cầu của giai đoạn 2 thì cần được chuẩn hoá. Một hệ thống vận hành theo chuẩn IS 9000.2001 có lẽ là yêu cầu không thể không theo. Chúng tôi cũng đang đứng trước mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán: tập trung quản lí về các phòng ban hay phán tán quản lí một phần trong lĩnh vực đào tạo về các khoa, đơn vị đào tạo.
Thách thức thứ 4 là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo toàn thể và giải pháp cho các nhóm. Cần khẳng định lại rằng chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ là giải pháp tổng thể và toàn diện để đưa việc đào tạo vào quốc tế hoá và hiện đại hoá. Chủ trương phát triển đào tạo đẳng cấp quốc tế, đào tạo chất lượng cao là chủ trương lớn và cần thiết, nhưng nó đang đặt ra mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn giữa giải pháp tổng thể và ưu tiên nhóm. Đầu tư cho các lớp chất lượng cao có không ít điểm mâu thuẫn với triển khai cho diện rộng. Do đó một nhiệm vụ đặt ra với Nhà trường là: cần có giải pháp đào tạo đẳng cấp quốc tế phù hợp với Trường và đào tạo chất lượng cao trong môi trường đào tạo tín chỉ.
Trong ba yếu tố cần hướng tới của việc triển khai đào tạo tín chỉ là giáo viên, sinh viên và cơ chế tổ chức, yếu tố quan trọng nhất cần tập trung thay đổi là giáo viên. Đây là biến số quan trọng nhất trong đào tạo tín chỉ. Giáo viên thay đổi sẽ làm sinh viên vốn khá thụ động cũng sẽ thay đổi theo. Giáo viên thay đổi cũng sẽ tác động làm cơ chế thay đổi theo vì cơ chế chính là do con người tạo ra. Nói tóm lại, tín chỉ cần được bắt đầu từ giáo viên và đó là động lực chính cho việc chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Cơ chế tổ chức và sinh viên thay đổi là tốt nhưng không phải thay đổi thực chất, căn bản và lâu dài nếu giáo viên không thay đổi.
PGS.TS Hoàng Khắc Nam - Khoa Quốc tế học
- Ở giai đoạn trước, có ý kiến sinh viên phản ánh rằng không có nhiều cơ hội chọn thầy và chọn môn học, điều này có được khắc phục trong giai đoạn tới?
- Trong giai đoạn chuyển đổi phương thức đào tạo vừa qua, sinh viên đã được lựa chọn môn học, nhưng chủ yếu là chọn môn học cho kế hoạch học tập của mình, còn số môn tự chọn có trong chương trình đào tạo được triển khai đào tạo để sinh viên được lựa chọn thì quả là cũng còn chưa nhiều. Điều này cần có thời gian và sự chuẩn bị nhiều mặt. Còn về vấn đề chọn thầy, điều này quả không phải chuyện đơn giản. Muốn cho sinh viên chọn thầy, trước hết các môn học phải có nhiều người cùng tham gia giảng dạy, lượng cán bộ giảng dạy, tức nguồn nhân lực đào tạo phải dồi dào. Đây là việc chưa thực tế, bởi hầu hết các môn học chuyên ngành đều chỉ có một người đảm nhiệm việc giảng dạy. Mặt khác, vấn đề tâm lí, thói quen truyền thống cũng chưa thuận lợi cho loại việc này. Trong một vài năm tới, Trường ĐHKHXH&NV sẽ triển khai cho sinh viên chọn thầy cho các môn thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương trước. Còn ở các môn học chuyên ngành, sinh viên có được chọn thầy hay không sẽ tuỳ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ cán bộ.
- Có ý kiến cho rằng việc chuyển chương trình học cũ sang chương trình đào tạo theo tín chỉ mới đơn thuần là sự chuyển ngang, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của tín chỉ?
- Đương nhiên trong quá trình chuyển đổi, khâu chuyển đổi chương trình đào tạo là hết sức then chốt. Các chương trình đào tạo đã được thực hiện chuyển đổi ở Trường ĐHKHXH&NV không phải là sự chuyển đổi mang tính cơ giới. Nhiều môn học đã được tích hợp, đã được đổi mới về phân bổ các khối kiến thức, lượng môn tự chọn đã tăng lên, yếu tố tiên quyết và tuần tự của chương trình cũng được nâng cao một bước. Để vận hành chương trình đào tạo chuyển đổi, hệ thống Đề cương môn học và tài liệu hướng dẫn môn học đã được biên soạn phục vụ cho việc triển khai phương pháp giảng dạy mới phù hợp với học chế tín chỉ. Tuy nhiên các chương trình đào tạo hiện nay cũng còn một số bất cập, như lượng môn học còn rất nhiều, số môn 2 tín chỉ chiếm tỉ lệ quá lớn làm cho chương trình đào tạo vụn vặt, khó quản lí và triển khai thực hiện chương trình đào tạo, tính tương thông giữa các chương trình đào tạo trong khối KHXH&NV còn thấp.
Là một trong những sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn 1 năm tại Khoa Triết học, bài học kinh nghiệm của chúng tôi là khắc phục khó khăn bằng sức mạnh của sự đoàn kết như việc học nhóm, trao đổi học liệu và chia sẻ hiểu biết về phương thức đào tạo tín chỉ… Chúng tôi cùng giúp nhau vượt qua khó khăn và động viên nhau những lúc mệt mỏi và nản. Bởi lẽ để đạt được mục tiêu học nhanh và có kết quả học tập khá là một điều khó khăn vì chưa hề có kinh nghiệm hay tiền lệ từ người đi trước.
Dương Thị Oanh Thanh - cựu SV khoá QH-2007-X, Khoa Triết học
- Nhà trường có kiến nghị gì với ĐHQGHN để hỗ trợ cho việc triển khai đào tạo tín chỉ tại Trường cũng như đẩy mạnh việc đào tạo theo tín chỉ trên quy mô toàn ĐHQGHN?
- Thứ nhất, ĐHQGHN cần có những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng về các điều kiện cho đào tạo tín chỉ như: thư viện, học liệu, công nghệ thông tin và các cơ sở vật chất phục vụ đào tạo khác.
Thứ hai, cần gia tăng hơn nữa quyền chủ động cho giảng viên, cũng đồng thời đòi hỏi ở giảng viên nhiều hơn, nhưng cần lộ trình phù hợp, từng bước và tương thích với sự cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, học liệu và tính chuyên nghiệp, tính sư phạm được gia tăng của cán bộ giảng dạy và quản lí.
Thứ ba, ĐHQGN cần nghiên cứu và có đề án thích hợp chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo đạt chuẩn quốc tế cho phù hợp với môi trường đào tạo theo tín chỉ.
Thứ tư, cần nghiên cứu đổi mới mô hình hoạt động của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên cho phù hợp với đào tạo tín chỉ, tránh cứng nhắc và thụ động như thời kì đào tạo niên chế.
Thứ năm, cần có quy định chặt chẽ cho việc kiểm định chất lượng kết hợp với thưởng phạt nghiêm minh, thậm chí có đào thải để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Cuối cùng, ĐHQGHN cần có giải pháp hài hoà thích hợp giữ việc tăng cường sự liên thông liên kết giữa các đơn vị với việc tăng quyền chủ động của các đơn vị đào tạo.
- Xin cảm ơn PGS!