Ngôn ngữ
Sinh ra ở một vùng quê ven biển nghèo khó - làng muối Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nơi người dân suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời để dâng cho đời những hạt muối quý giá mà chát mặn mồ hôi nên vốn chẳng có truyền thống học hành, nhưng, không như đa số bạn bè cùng trang lứa, PGS. TS. Lê Huy Tiêu ngay từ nhỏ đã là một cậu bé hiếu học, ham đọc sách, đặc biệt yêu thơ văn và bộc lộ thiên hướng văn chương khá sớm (đã từng đạt giải trong một cuộc thi viết văn dành cho lứa tuổi thiếu nhi thời Pháp thuộc). Lớn lên một chút, thứ thầy mê đọc nhất vẫn là tiểu thuyết, đặc biệt những bộ tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc luôn là những cuốn sách gối đầu giường của thầy. Văn chương đã vận vào thầy từ đây, khi mà có cơ hội được đi du học Trung Quốc thì ngành thầy chọn theo học không gì khác ngoài ngành Văn học.
Phó Giáo sư, Tiến si, Nhà giáo Ưu tú Lê Huy Tiêu/Ảnh: Thành Long
Sau khi học xong chương trình phổ thông năm 1954, thầy được cử sang Trung Quốc du học. Sau một năm học tiếng ở Khu học xá Nam Ninh, thầy chính thức trở thành sinh viên Trường Đại học Sơn Đông Trung Quốc. Trong 5 năm theo học ở ngôi trường nổi tiếng này (1955-1960), thầy luôn là một sinh viên nước ngoài xuất sắc, được thầy cô và bạn bè nể phục và yêu quý. Bằng chứng là cho đến mấy năm gần đây, trong một lần quay lại trường nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, thầy vẫn mang về đầy ắp và vẹn nguyên tình nghĩa thầy trò, bạn bè nước bạn với những kỉ niệm của “một thời oanh liệt” tưởng chừng đã xa lắc xa lơ.
Tốt nghiệp Đại học Sơn Đông với tấm bằng loại ưu năm 1960, trở về nước, thầy được tiếp nhận vào công tác tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và gắn bó với ngôi trường thân yêu này tròn 40 năm cho đến khi nghỉ hưu (năm 2000). Trong 40 năm ròng rã đó, tiếp nối các Giáo sư Đặng Thai Mai, Trương Chính…, thầy đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhiều thế hệ học trò và phát triển ngành Trung Quốc học ở Việt Nam.
Với tư cách là một nhà giáo, hàng năm thầy lên lớp từ 200 đến 300 giờ cho sinh viên các hệ. Ban đầu, khi mới về trường công tác, thầy được phân công giảng dạy phần văn học cổ đại Trung Quốc, nhưng có thời kì thiếu cán bộ, thầy phải đảm nhiệm thêm cả phần văn học Trung Quốc hiện đại và sau này là văn học Trung Quốc đương đại. Chính công việc nặng nề đó cũng đã tạo cơ hội để thầy tiếp cận sâu hơn và đạt được những thành tựu mới trong việc nghiên cứu văn học hiện-đương đại Trung Quốc, góp phần khỏa lấp khoảng thiếu hụt của giới nghiên cứu Trung Quốc học ở Việt Nam.
Trong cuộc đời giảng dạy của mình, ngoài việc hướng dẫn cả trăm khóa luận tốt nghiệp đại học cho sinh viên của khoa như một công việc bắt buộc hàng năm, tính đến nay, sau khi đã nghỉ hưu được mười lăm năm, thầy đã hướng dẫn hàng chục học viên cao học và NCS bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại trường cũng như các cơ sở đào tạo khác nhưTtrường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Văn học… Với uy tín chuyên môn của mình, dù đã nghỉ hưu hơn chục năm trời, nhưng thầy vẫn thường xuyên được mời tham gia nhiều hội đồng chấm luận án Tiến sĩ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Và gần đây thôi, tháng 9 năm 2013, mặc dù đã qua cả cái tuổi “xưa nay hiếm”, thầy vẫn được Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây đích thân mời làm Giáo sư thỉnh giảng cho trường này.
PGS.TS Lê Huy Tiêu thời trẻ
Vốn công tác tại một trường đại học nghiên cứu, công việc giảng dạy, đào tạo của thầy luôn song hành với nghiên cứu, thậm chí công việc nghiên cứu đôi khi có vẻ còn quan trọng hơn. Trong mấy chục năm qua, kể cả khi còn công tác lẫn lúc đã về hưu, thầy đã viết hàng chục bài nghiên cứu về văn hóa và văn học Trung Quốc đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu văn học, Tạp chí Trung Quốc học, Tạp chí Văn học nước ngoài,… Thầy cũng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, chẳng hạn: chủ trì đề tài cấp trường Những từ Hán Việt mới xuất hiện gần đây về khoa học xã hội (nghiệm thu năm 1995), đồng chủ trì đề tài Tân thư và ảnh hưởng của nó đối với xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (nghiệm thu năm 1997, đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành ngay trong năm đó). Và đặc biệt, với mong muốn dìu dắt, bồi dưỡng thế hệ trẻ khi “tre già nhưng măng chưa kịp mọc”, nên dù đã nghỉ hưu, không còn phải gánh vác trách nhiệm gì nhưng thầy vẫn đề xuất và cùng một cán bộ trẻ trong bộ môn đồng chủ trì đề tài đặc biệt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mang tên Sự đổi mới lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa (1978-2000) (nghiệm thu năm 2009, đã được chỉnh lý và in thành sách). Ngoài ra, thầy còn chủ trì nhiều hội thảo về văn học Trung Quốc, Hàn Quốc (như Hội thảo về Tân thư, Hội thảo về Ảnh hưởng của văn hóa, văn học Hàn Quốc…) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tham dự và viết bài cho nhiều hội thảo về văn học Trung Quốc ở Bắc Kinh, Sơn Đông, Quảng Tây…
Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh hai nước Việt - Trung bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh, nhu cầu học tiếng Trung và tìm hiểu văn hóa Trung Quốc ngày càng tăng, trong tình hình thiếu thốn về giáo trình tài liệu, đặc biệt là sách công cụ, thầy đã cùng các đồng nghiệp kịp thời biên soạn bộ Từ điển Trung - Việt (NXB KHXH, 1993). Bộ từ điển này sau đó được tái bản nhiều lần và cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những bộ từ điển Trung - Việt tốt nhất, được người học ưa chuộng. Ngoài ra, bằng kiến thức sâu rộng về văn hóa – văn học Trung Quốc, thầy còn biên soạn những cuốn sách có giá trị như: Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB KHXH, 1993), Truyện ngụ ngôn Trung Quốc (NXB Phụ nữ, 1993)…
Với sự am tường về tiểu thuyết Minh Thanh và ngôn ngữ Trung Quốc, thầy (cùng với người đồng nghiệp thân thiết của mình là PGS. Lê Đức Niệm) thường được các nhà xuất bản mời hiệu đính và viết lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt các tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc mà họ xuất bản. Những kiệt tác như: Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Đông Chu liệt quốc… được xuất bản ở Việt Nam chủ yếu do thầy hiệu đính và giới thiệu với những quan điểm mới mẻ.
Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, người ta còn biết đến thầy với tư cách một dịch giả có tiếng. Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, thầy đã chủ biên dịch thuật hoặc đích thân dịch thuật nhiều công trình, tác phẩm quan trọng và có giá trị.
Trước hết, ý thức được sự thiếu hụt về giáo trình, tài liệu tham khảo về văn học Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trong việc tiếp nhận nền văn học nước ngoài, tránh tình trạng “học chay”, thầy đã đề xuất và đứng ra chủ trì dịch thuật nhiều bộ giáo trình và tác phẩm có giá trị trong nền văn học Trung Quốc, chẳng hạn chủ biên dịch thuật các bộ giáo trình: Lịch sử văn học Trung Quốc cổ đại, Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, Lịch sử văn học Trung Quốc đương đại; hay dịch rất nhiều tiểu thuyết, truyện vừa, tập truyện ngắn của các nhà văn đương đại nổi tiếng như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, cho các nhà xuất bản Văn học, Hội Nhà văn, Giáo dục, Lao động…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng diễn ra sâu sắc và xu thế hội nhập ngày một mạnh mẽ, những lý thuyết văn nghệ mới mà Trung Quốc tiếp thu của Phương Tây và vận dụng vào Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến, trong khi chúng ta thường là “kẻ đi sau”, ý thức được điều đó, thầy cũng đã quan tâm đến việc dịch và giới thiệu lý luận văn học phương Tây cũng như việc vận dụng nó ở Trung Quốc, như các lý thuyết về Văn học so sánh, Văn học hậu hiện đại, thơ mông lung, nghệ thuật dòng ý thức…
Có thể nói, PGS. TS. Lê Huy Tiêu là một nhà giáo đa năng, ngoài là thầy giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, thầy còn là một “nhà báo không thẻ”. Hàng chục năm qua, thầy là cộng tác viên quen thuộc của rất nhiều tờ báo như: Văn nghệ, Thanh niên, Tiền Phong, Nhân dân, Lao động, Hồn Việt, Thế giới mới, Kiến thức ngày nay… với hàng trăm bài báo về văn hóa, văn học Trung Quốc. Ở lĩnh vực này, thầy đóng vai trò như một vị đại sứ giao lưu văn hóa-văn học Việt – Trung vậy.
Lấy tiêu đề cho bài viết về thầy là Một đời “đắm đuối” với văn học Trung Quốc, người viết chẳng hề dùng “thủ pháp khoa trương”. Không “đắm đuối” là gì, khi nghỉ hưu đã mười lăm năm (đúng bằng thời gian đằng đẵng lưu lạc của Thúy Kiều) và đã tròn “bát thập”, mà thầy vẫn ngày đêm miệt mài với từng con chữ, để rồi chỉ trong vòng dăm năm gần đây đã ra đến mấy đầu sách (dịch và viết): Tiểu thuyết Trung Quốc thời kì Cải cách mở cửa (NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), Giáo trình văn học so sánh (dịch, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), Đổi mới lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014), chưa kể rất nhiều bài viết in đều đặn trên các tạp chí (như tạp chí “Lý luận phê bình văn học nghệ thuật”) và các báo. Không “đắm đuối” thì sao thầy vẫn luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự văn học, đặc biệt là rất quan tâm đến các hội thảo về văn học dịch và văn hóa-văn học Trung Quốc. Mới vừa năm ngoái thôi, khi Khoa Văn học tổ chức Hội thảo Quốc tế về văn học dịch, chúng tôi một phần (tự trong tiềm thức thôi) là lo cho sức khỏe của thầy (thầy hay bị huyết áp, đau tim và đã từng phải đặt stent), một phần vì sự “đểnh đoảng” của tuổi trẻ, chẳng ai nghĩ đến chuyện báo cho thầy, sau khi hội thảo diễn ra thầy mới biết tin, thầy rất buồn và tiếc nuối, thầy có trách nhưng không giận chúng tôi. Thầy vẫn thế, luôn nhân hậu và bao dung trước lỗi lầm của “con trẻ”. Điều đó khiến chúng tôi càng thấy mình có lỗi và áy náy. Nhân đây xin được có lời tạ lỗi với thầy về sự vô tâm của các học trò.
Một điều đáng quý, và cũng nói lên cái sự “đắm đuối” của thầy không chỉ trong khoa học mà còn trong lĩnh vực tình cảm, đó là thầy luôn quan tâm đến việc dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ trẻ trong việc dịch thuật và nghiên cứu bằng cách nhận đề tài nghiên cứu của trường, nhận dịch sách Trung Quốc để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tham gia. Ngay ở thời điểm hiện tại, thầy vẫn không ngừng tìm kiếm những cuốn sách hay, liên hệ xin bản quyền, tài trợ để cho lớp trẻ tham gia dịch thuật và thầy thường đóng vai trò hiệu đính, với suy nghĩ để cho “chúng” vừa kiếm thêm thu nhập vừa bồi dưỡng chuyên môn. Có lẽ chỉ có bằng thứ tình cảm “cá chuối đắm đuối vì con” thầy mới làm được những điều như vậy. Ở đây, xin được thay mặt mọi người cảm ơn thầy về tất cả.
Với sự nghiêm cẩn vốn có từ trong tính cách, cho dù làm bất cứ việc gì, lên lớp, viết bài hay hướng dẫn nghiên cứu sinh, thầy đều làm việc với một tình thần nghiêm túc, không bao giờ làm qua loa, lấy lệ. Có thể nói sự nghiêm túc đã trở thành “thương hiệu” của thầy. Đến mức nhiều người quen biết, khi làm nghiên cứu sinh, đã mang cả luận án của mình (thậm chí có những luận án mà đề tài hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực nghiên cứu của thầy) đến nhờ thầy đọc giúp trước khi trình Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước). Tiếng lành đồn xa, nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam sang Trung Quốc học tập cũng tìm đến nhờ thầy giúp đỡ. Nhiều sinh viên ở miền Nam dù thầy chưa hề biết mặt cũng viết thư nhờ thầy chỉ bảo, góp ý. Với ai thầy cũng đều nhiệt tình và vô tư giúp đỡ. Tất cả đủ để thấy sự nghiêm túc, cẩn trọng của thầy trong công việc, lòng nhiệt thành, trong sáng vô tư của thầy trong cuộc sống đã “hữu xạ tự nhiên hương” thế nào.
Để kết thúc bài viết này, người viết muốn nhắc đến một câu chuyện chẳng liên quan gì đến khoa học mà thầy hay kể với tôi bằng niềm tự hào xen lẫn sự bồi hồi xúc động về những hồi ức xa xăm. Chuyện là trong những ngày gian khó thời chiến tranh chống Mỹ, có thời gian trường sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên), thầy được phân công phụ trách sản xuất để tăng thêm khẩu phần ăn cho cán bộ. Mọi công việc từ cuốc đất, trồng rau, bón phân, tưới tắm, thầy đều luôn tích cực đi đầu, không quản khó khăn, hơn nữa còn động viên anh em cùng chung tay tăng gia sản xuất, chia ngọt sẻ bùi.…. Dù khó khăn gian khổ, nhưng nó đã trở thành kỷ niệm đẹp không thể phai mờ trong kí ức thầy về một thời gian khó. Có lẽ đến đây phẩm chất của “trai làng muối” đã được phát huy triệt để: nhiệt tình hăng say lao động, trách nhiệm với công việc, và đáng quý hơn là cái tình cảm sâu lắng, mặn mòi như chính hạt muối của quê hương Diêm Điền vậy.
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ HUY TIÊU
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Phương Đông, Khoa Ngữ văn (1989-1997).
Từ điển Trung Việt (viết chung, NXB KHXH, 1992). Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB KHXH, 1993). Truyện ngụ ngôn Trung Quốc (NXB Phụ nữ, 1993). Tân thư và xã hội Việt Nam (đồng chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, 1997). Cảm nhận mới về văn hóa và văn học Trung Quốc (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004). Tiểu thuyết Trung Quốc thời kì Cải cách mở cửa (NXB Giáo dục Việt Nam, 2011). Đổi mới lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014). |
Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Diên