Nguyễn Thị Lệ Quyên: Cái “duyên” với nghiên cứu Hàn Quốc học
Nguyễn Thị Lệ Quyên là cựu sinh viên K62 Đông phương học, chuyên ngành Hàn Quốc học, khoa Đông Phương học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô bạn đã ấp ủ kế hoạch ứng tuyển HBCP và du học tại Hàn Quốc. Trong suốt 4 năm đại học và 2 năm sau tốt nghiệp, với tình yêu lớn đối với tiếng Hàn nói riêng và Hàn Quốc học nói chung, Lệ Quyên luôn chăm chỉ và nỗ lực để thực hiện hóa ước mơ của bản thân.
Lệ Quyên đã ấp ủ kế hoạch ứng tuyển HBCP và du học tại Hàn Quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Điều bất ngờ hơn cả là Hàn Quốc học vốn không phải lựa chọn ban đầu khi cô bạn ứng tuyển đại học. Quyên chia sẻ rằng: “Mình và chuyên ngành Hàn Quốc học nếu được dùng một từ để miêu tả thì sẽ gọi là chữ “duyên”. Mình vẫn nhớ như in lần ấy vào đầu năm 2017, Học viện Cảnh sát Nhân dân thông báo không tuyển khối C nữa mình đã vô cùng mất phương hướng và khá là hoang mang về tương lai. Lúc ấy, mình đọc được cuốn sách mà gần như thay đổi hoàn toàn nhân sinh quan của mình, đó là cuốn “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” của nhà sáng lập tập đoàn Huyndai Chung Ju Yung”. Chính cuốn sách ấy đã khơi gợi lên trong lòng Quyên sự yêu thích và mong muốn khám phá và học tập, nghiên cứu về đất nước Hàn Quốc. Sau cùng Quyên đã quyết định theo học chuyên ngành Hàn Quốc học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện tại, cô bạn đang là phiên dịch viên tại LG Display Hải Phòng. Khi được hỏi về lý do vì sao quyết định ứng tuyển HBCP sau khi đã có một công việc ổn định, Quyên chia sẻ rằng: “Cũng có nhiều người hỏi mình vì sao lại không học thạc sĩ luôn sau khi tốt nghiệp đại học, mà bây giờ mới đi học. Thật ra theo quan điểm và suy nghĩ cá nhân của mình thì mình học chuyên ngành liên quan đến văn hóa và ngôn ngữ. Mà bản chất của việc học ngôn ngữ không chỉ là việc nỗ lực học tập kiến thức lý thuyết có trong sách vở mà còn cần sự trải nghiệm từ môi trường thực tế. Để trở thành một người thầy xuất sắc thì trước tiên mình cần phải trở thành một học sinh xuất sắc trước. Bởi vậy trong vòng 3 năm, mình làm vị trí biên phiên dịch tiếng Hàn tại LG Display để tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình và vừa để hiểu biết nhiều hơn về văn hóa Hàn Quốc. Đi làm 3 năm trước khi đi học Thạc sĩ đã giúp mình vừa nâng cao năng lực thực tế và vừa giúp mình định hướng được rõ ràng hơn rất nhiều về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi trong tương lai”.
Lệ Quyên rất yêu thích tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ, về vấn đề ngôn ngữ, bạn chia sẻ rằng: "Việc học ngôn ngữ không chỉ là việc nỗ lực học tập kiến thức lý thuyết có trong sách vở mà còn cần sự trải nghiệm từ môi trường thực tế".
Khi được hỏi về khó khăn khi ứng tuyển HBCP, cô bạn chia sẻ rằng bài luận xin học bổng chính là thử thách lớn nhất: “Ban ngày mình đi làm, ban đêm lại tranh thủ viết 2 bài luận, một là Personal Statement, hai là Study Plan. Đối với mình, hai bài luận này là linh hồn của bộ hồ sơ nên mình đã sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Mình đã nhờ bạn bè đọc bài hộ rất nhiều lần và nhờ góp ý. Sau đó, lại lọ mọ sửa bài tiếp, rồi liên hệ anh chị khóa trước để tìm hiểu chi tiết kĩ càng về chuyên ngành mình sẽ học trong vòng 2 năm. Cuối cùng, sau một tháng, mình đã hoàn thành được 2 bài luận”.
Khi còn là sinh viên, Quyên rất tích cực trong nghiên cứu khoa học, có thể nói rằng cô bạn có duyên với nghiên cứu. Quyên đã từng nhận học bổng nghiên cứu Châu Á và đạt giải Nhất cuộc thi NCKH SV năm học 2019-2020. Cũng trong hai bài luận ứng tuyển học bổng, cô bạn đã tập trung đề cập về nghiên cứu khoa học và luận văn tốt nghiệp để làm nổi bật lên khả năng nghiên cứu khoa học của bản thân. Lệ Quyên cho rằng: “Nếu nghiên cứu khoa học là một điểm mạnh của bản thân thì chúng ta hãy tập trung biến điều đó thành điểm sáng nhất trong hồ sơ của mình thay vì liệt kê các thành tích một cách lan man, dài dòng”.
Chia sẻ về dự định của bản thân sau khi hoàn thành xong chương trình thạc sĩ tại Hàn Quốc, Lệ Quyên dự định sẽ học tiếp lên chương trình Tiến sĩ. Đặc biệt, cô bạn hy vọng rằng sau khi hoàn thành các chương trình học, bản thân sẽ có cơ hội làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội: “Mình hy vọng rằng có thể đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình góp phần kiến tạo ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa và trở thành cầu nối gắn kết mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, Quyên cũng hy vọng rằng các bạn muốn theo học ngành Hàn Quốc học, đặc biệt những bạn đã đang học ngành Hàn Quốc học và dự định đăng ký HBCP hãy tự tin và dám đương đầu với thử thách: “Điều đầu tiên, các bạn nhất định hãy tin tưởng vào bản thân mình. Bạn nghĩ mình làm được thì sẽ là làm được. Khi bản thân đã kiên định với mục tiêu của mình rồi thì không có sóng gió nào có thể quật ngã được bạn. Và điều thứ hai cũng quan trọng không kém đó chính là hãy dám đương đầu với thử thách và đừng ngại khó khăn. Dám thử thách thì mới biết mình có thể đi xa được đến nhường nào”.
Cuối cùng, cô bạn khẳng định rằng: “Càng làm việc và gắn bó với ngành thì mình lại càng chắc chắn rằng đất nước Hàn Quốc và ngôn ngữ Hàn Quốc có thể không phải là sự lựa chọn ban đầu của mình, nhưng đến hiện tại đây chính là điều mình muốn, là sự lựa chọn đúng đắn nhất mà mình đã đang và sẽ luôn theo đuổi”. Hy vọng rằng cô bạn Lệ Quyên sẽ hoàn thành xuất sắc chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Kyunghee và thực hiện hóa ước mơ trở thành “cầu nối gắn kết mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc”.
Cáp Trọng Phúc Trang: Từ băn khoăn “tại sao mình không thử?” đến hành trình chinh phục tri thức rực rỡ
Cáp Trọng Phúc Trang là cựu sinh viên K64 Đông phương học, chuyên ngành Hàn Quốc học. Phúc Trang là thủ khoa đầu ra của ngành Đông phương học khóa 2019-2023, đồng thời, là một trong 20 thủ khoa xuất sắc nhất của thành phố Hà Nội năm 2023. Trong bốn năm gắn bó với mái trường Nhân văn, cậu bạn này luôn có thành tích học tập ấn tượng, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn-Hội, ngoại khóa tại trường.
Trước khi trở thành sinh viên USSH, Phúc Trang là học sinh chuyên Địa, trường THPT Chuyên Bắc Ninh, cậu bạn đã đạt giải Nhì HSG QG và có cơ hội được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học, cao đẳng. Đứng trước nhiều cơ hội rộng mở, Trang đã lựa chọn theo học ngành Đông phương học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đối với Phúc Trang, Đông phương học luôn là lựa chọn đầu tiên, nguyện vọng số 1 khi đăng ký xét tuyển đại học: “Ngay từ khi học phổ thông, vận dụng những kiến thức mà mình học được từ chuyên Địa, mình nhận thức được rằng “học ngoại ngữ giống như sống thêm một cuộc đời mới”. Mình được biết đến Khoa Đông phương học qua lời kể của các anh chị khóa trên, Khoa không chỉ chuyên sâu về ngôn ngữ mà sinh viên còn được tìm hiểu nhiều hơn về con người, lịch sử, văn hóa của các đất nước phương Đông”.
Sau học kỳ một năm nhất, ngành Đông phương học tiến hành chia chuyên ngành, Phúc Trang đã lựa chọn Hàn Quốc học, chia sẻ về quyết định này, cậu bạn khẳng định rằng bản thân yêu thích tiếng Hàn và đặc biệt muốn khám phá tìm hiểu về vẻ đẹp địa lý, văn hóa Hàn Quốc. Sau bốn năm gắn bó với chuyên ngành, Trang luôn cảm thấy đây là một sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với bản thân mình: “Những kiến thức được trang bị từ ngành Đông phương học cũng như chuyên ngành Hàn Quốc học đã trở thành hành trang quan trọng giúp mình có nhiều cơ hội”.
Với sự say mê tiếng Hàn, Phúc Trang luôn chăm chỉ, nỗ lực trau dồi trình độ ngoại ngữ của bản thân. Vào năm ba đại học, Trang đã thực tập tại Công ty LG Display Hải Phòng, từ công việc thực tập này đã tạo động lực để cậu nâng cao ngoại ngữ của bản thân. Đối với Trang, học ngoại ngữ cách tốt nhất chính là “đắm chìm vào môi trường của ngôn ngữ đó”. Sau khi tốt nghiệp, cậu đã làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Hàn thường xuyên.
Đối với Trang, học ngoại ngữ cách tốt nhất chính là “đắm chìm vào môi trường của ngôn ngữ đó”
Phúc Trang chia sẻ rằng ban đầu cậu không có ý định ứng tuyển HBCP và cũng chưa từng nghĩ đến việc bản thân sẽ “được đỗ học bổng danh giá này”. HBCP mở đăng ký vào đầu tháng 2 năm 2024 nhưng đến ngày 22 tháng 2, Phúc Trang mới bắt đầu tìm hiểu về guidelines của học bổng, tất cả bắt đầu từ suy nghĩ “Tại sao mình không thử?”. Với tâm thế đó, dù đối mặt với nhiều thủ tục, hồ sơ cần chuẩn bị, Phúc Trang vẫn mạnh dạn thử sức. Chia sẻ về giai đoạn ứng tuyển ấy: “Sau khi hồ sơ của mình được duyệt, mình đối mặt với vòng phỏng vấn. Chắc hẳn đối với ai apply học bổng chính phủ cũng sẽ rất sợ và ngại phần phỏng vấn. Bản thân mình cũng vậy, “kinh khủng” hơn là mình được phỏng vấn tất cả là 4 lần: một lần với các giáo sư Đại sứ quán, 3 lần với 3 trường Đại học. Nhưng thật may mắn, trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn, mình luôn được thầy cô trong bộ môn Hàn Quốc học, các anh chị khóa trên và bạn bè hỗ trợ nhiệt tình”
Vào tháng 6, Phúc Trang đã nhận được thông báo chính thức về kết quả học bổng, cậu đã đỗ cả 3 trường ứng tuyển. Sau cùng, Trang quyết định học tại trường Đại học Hanyang. Khi được hỏi về bí quyết chinh phục các trường đại học, Trang hài hước ví von: “Phỏng vấn apply học bổng cũng giống như hoa hậu trả lời ứng xử vậy, đòi hỏi chúng ta chưa nghe xong câu hỏi đã phải load xong câu trả lời rồi”. Có cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút, cũng có cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài 10 phút, nhưng dù ngắn hay dài, Phúc Trang cho rằng mỗi chúng ta cần “thể hiện được “cái riêng” của bản thân mình nữa”. Bên cạnh sự tự tin, bình tĩnh để không bị rối, trả lời lan man, cậu bạn cũng nghĩ rằng việc tìm hiểu kỹ lưỡng phạm vi kiến thức liên quan đến chuyên ngành ứng tuyển là điều rất quan trọng.
Khi được hỏi về bí quyết chinh phục các trường đại học, Trang hài hước ví von: "Phỏng vấn apply học bổng cũng giống như hoa hậu trả lời ứng xử vậy, đòi hỏi chúng ta chưa nghe xong câu hỏi đã phải load xong câu trả lời rồi”.
Phúc Trang cũng gửi lời nhắn nhủ tới các bạn học ngành Hàn Quốc học cũng như những bạn đang có dự định ứng tuyển HBCP: “Mình cho rằng hành trình apply học bổng lần này không phải kéo dài chỉ trong 2 tuần hay 6 tháng ngắn ngủi mà đây là kết quả của cả một chặng đường rất dài từ khi bản thân mình còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, mình tin rằng nếu chúng ta không ngừng trau dồi học hỏi, cố vươn tới ánh sáng gọi là tri thức và không ngừng bồi đắp bản thân thì chính nghị lực ấy sẽ khiến cuộc đời chúng ta rực rỡ và tươi đẹp hơn”. Hành trình học tập hệ Thạc sĩ tại Trường Đại học Hanyang của Phúc Trang sắp bắt đầu, hy vọng rằng cậu bạn sẽ luôn vững tâm, sẵn sàng chinh phục hành trình tri thức đầy gian truân song cũng rực rỡ ánh sáng.
Chinh phục Học bổng Chính phủ Hàn Quốc là điều không dễ dàng, nhưng mỗi chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Điều quan trọng đó chính là sự tin tưởng vào bản thân và dám thử sức, vượt qua giới hạn của chính mình. Năm 2024, ngành Hàn Quốc học có 4 bạn cựu sinh viên đỗ HBCP Hàn Quốc. Khoa Đông phương học chúc mừng các bạn và hy vọng các bạn sẽ học tập thật tốt, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp tại xứ sở kim chi. Chúc các bạn đã và đang có ý định ứng tuyển HBCP sẽ tiếp tục vững tin và tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cùng trải nghiệm.