Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHNhttps://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ sáu - 25/10/2024 08:53
Đây là nội dung của Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay 25/10/2024 với sự tham dự của nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
Hoạt động khoa học ý nghĩa góp phần thắt chặt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Hội thảo khoa học quốc tế “Hồ Chí Minh – Vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đầu mối là khoa Khoa học Chính trị) phối hợp của Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức là một hoạt động học thuật có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hội thảo vinh dự đón Giáo sư Hoàng Tranh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc và Giáo sư Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ tịch Hội đồng khoa học - đào tạo của nhà trường.
PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thật to lớn và có giá trị sâu sắc, cần được tiếp tục trân trọng nghiên cứu và vận dụng vào thực tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, đồng thời là người bạn chiến đấu thân thiết của nhiều lãnh tụ cách mạng của thế giới trong thế kỷ XX, trong đó có Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lý luận đã xây dựng nên một hệ thống tư tưởng toàn diện và sâu sắc, và về thực tiễn đã đấu tranh không mệt mỏi không chỉ cho sự nghiệp giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam, mà còn vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
PGS.TS. Lại Quốc Khánh nhấn mạnh, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thật to lớn và có giá trị sâu sắc, cần được tiếp tục trân trọng nghiên cứu và vận dụng vào thực tế, nhất là trong bối cảnh những những mục tiêu lớn của nhân loại là “hòa bình, hữu nghị và phát triển” vẫn đang bị thách thức nghiêm trọng bởi những tham vọng bá quyền và những cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới.
Hội thảo khoa học quốc tế “Hồ Chí Minh - vì một thế giới hòa bình hữu nghị và phát triển” với sự tham dự của các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế chính là nhằm góp phần khẳng định và làm rõ thêm những giá trị to lớn trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh và phát huy những giá trị này trong những nỗ lực chung vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển; góp phần thúc đẩy giao lưu học thuật và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc vì một “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo
Trong bài báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, hội thảo càng trở nên đặc biệt khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, Trung Quốc (11/11/1924 - 11/11/2024). Đây được coi là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Người, bởi tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh không chỉ mở rộng tầm nhìn quốc tế mà còn gặp gỡ những nhà cách mạng tiền bối, tạo nên nền tảng tư tưởng cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nhờ vào sự kết nối này, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã không ngừng lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới, từ châu Á đến châu Phi và Mỹ Latin. Hàm lượng khoa học và thực tiễn sâu sắc khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội thảo được tổ chức với 02 phiên làm việc chính, trong đó đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và đoàn kết quốc tế; tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển bền vững và ứng dụng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hơn 90 bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước gửi tới hội thảo đã mang tới những giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Các tham luận có nội dung bao trùm nhiều khía cạnh khác nhau như: Hồ Chí Minh – Biểu tượng của văn hóa hòa bình; Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, Hữu nghị và Phát triển toàn cầu; Tư tưởng Ngoại giao hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc của Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh – người thiết lập chiến lược đoàn kết quốc tế và tạo dựng các quan hệ quốc tế của Đảng cộng sản Việt Nam; Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế để hòa giải một số thách thức trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam hiện nay; Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển bền vững và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Triết lý giải phóng của Hồ Chí Minh và triết lý giải thoát của Phật giáo – Tiếp cận so sánh; Đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình trong ngăn ngừa và giải quyết các xung đột hiện nay, v.v.
Những chủ đề phong phú này không chỉ phản ánh sự quan tâm sâu sắc của giới học thuật mà một lần nữa khẳng định giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay. Để tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hoà bình, hữu nghị và phát triển tiếp tục được Ban Tổ chức hội thảo mong muốn các nhà khoa học trong nước và quốc tế bên cạnh việc nghiên cứu, tôn vinh những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh sẽ tập trung thảo luận làm rõ hơn nữa giá trị, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong giai đoạn mới hiện nay, vận dụng tư tưởng của Người vào việc đề xuất các giải pháp thiết thực cho những thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Giáo sư Hoàng Tranh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc (ngồi giữa)
Chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đánh giá hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, Giáo sư Hoàng Tranh khẳng định: “Tôi cho rằng, trong thời gian tiến hành hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, thành quả hoạt động trên các phương diện như lý luận, báo chí, văn học, đã làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng của Hồ Chí Minh, đã xác lập vị thế lịch sử “danh nhân văn hóa” của Người”. Xúc động tưởng nhớ và ghi nhận sâu sắc về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hoàng Tranh nhấn mạnh, Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản, đồng thời là một danh nhân văn hóa. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc trong nghị quyết Hội nghị họp năm 1987 đã vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Giáo sư Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Phùng Hữu Phú đã chia sẻ sự xúc động khi nhắc nhớ về những thành tựu trong hệ thống lý luận Hồ Chí Minh. “Tư tưởng về hoà bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng sâu sắc, đặc biệt với việc xây đắp nền hoà bình trên nền tảng của sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Giáo sư Phùng Hữu Phú khẳng định: “Hồ Chí Minh là một chiến sĩ chiến đấu vì nền hoà bình đích thực và chân chính”. Những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển là một tư tưởng lớn có giá trị trong suốt gần một thế kỷ qua và sẽ mãi mãi có giá trị với dân tộc Việt Nam và với nhân loại.
PGS.TS. Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
PGS.TS. Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trong tham luận “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” nhấn mạnh, từ cội nguồn dân tộc, ra đi tìm đường cưú nước, cứu dân, Hồ Chí Minh nhận thức với hàm lượng khoa học sâu sắc mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Theo Người, cần phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh anh dũng bất khuất, ý thức tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đoàn kết với nhân dân các nước thuộc địa, lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới để chống kẻ thù chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong sự kết hợp đó, cần phải phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, giúp bạn là giúp mình, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế. PGS.TS. Bùi Đình Phong khẳng định: “Trong thế giới đầy biến động hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẹn nguyên giá trị, mang tính thời sự nóng hổi”.
TS. Vi Lệ Xuân (Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc)
TS. Vi Lệ Xuân (Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc) trong bài tham luận có chủ đề “Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh và những gợi mở của nó đối với quan hệ Trung - Việt” đánh giá, Hồ Chí Minh là nhà hướng dẫn tư tưởng và lãnh đạo thực tiễn lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Người đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, kiên trì nguyên tắc giai cấp vô sản thế giới đoàn kết lại của chủ nghĩa quốc tế, phản đối sự xâm lược và bành trướng của chủ chủ nghĩa đế quốc, đề cao tình đoàn kết hữu nghị giữa các đảng và các quốc gia anh em, cũng như sự liên minh quốc tế của tất cả giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh đã kiên định tư tưởng chủ nghĩa quốc tế trong việc lên tiếng ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước Châu Á, Chi Phi và châu Mỹ La tinh, đã làm phong phú và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Hồ Chí Minh.
TS. Vi Lệ Xuân nhấn mạnh, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh và ý tưởng cộng đồng vận mệnh nhân loại của Tập Cận Bình đều là sự phát triển đổi mới của chủ nghĩa quốc tế Chủ nghĩa Mác-Lênin. Việc hai đảng Việt Nam và Trung Quốc xây dựng cộng đồng vận mệnh chung mang ý nghĩa chiến lược, có nền tảng tư tưởng và giá trị chung dựa trên chủ nghĩa Mác, cũng như lý thuyết bản địa hóa chủ nghĩa Mác được hình thành từ thực tiễn của mỗi quốc gia, việc tiếp tục và ngày càng sâu sắc hóa tình hữu nghị và quan hệ hợp tác thân thiết giữa hai đảng, tất yếu đưa tư tưởng chủ nghĩa quốc tế chủ nghĩa Mác- Lê nin trong thời đại mới lên một tọa độ lịch sử mới.
TS. Phạm Thị Thúy Vân - Trường Đại học Sư Phạm 2 trình bày tham luận với chủ đề “Triết lý giải phóng của Hồ Chí Minh và triết lý giải thoát của Phật giáo - tiếp cận so sánh”PGS.TS Nguyễn Văn Chiều và PGS.TS Lý Việt Quang chủ trì phiên thảo luận 2
Với sự tham dự của nhiều nhà học giả đến từ Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc, hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, mà còn khởi đầu cho nhiều cơ hội hợp tác giữa Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học KHXH&NV với Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc trong tương lai. Đây cũng chính là minh chứng sinh động của truyền thống và củng cố quan hệ đoàn kết, hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp.