(22/12) Thuyết trình: Max Weber, Georg Lukács, Jürgen Habermas và xã hội hiện đại

Thứ tư - 16/12/2009 14:01

Max Weber (1864-1920), Georg Lukács (1885-1971) và Jürgen Habermas (1929) có thể được xem là ba khuôn mặt tiêu biểu trong việc lí giải lịch sử ra đời, đặc điểm và triển vọng của quá trình hiện đại hoá của phương Tây, và, nói chung, của xã hội hiện đại. Xung quanh các khái niệm trung tâm như “lí tính hoá”, “giải ảo” (Max Weber), tính toàn thể (Hegel), “tha hoá” (Marx),… ta có ở đây các hệ hình tư duy vừa tiếp thu lẫn nhau vừa có chỗ khác nhau. Trong khi Max Weber có dự đoán bi quan về sự mất tự do của cá nhân, còn G. Lukács vẫn đặt hi vọng vào một “lí tính khách quan” thể hiện trong ý thức của chủ thể lịch sử (giai cấp vô sản) thì Habermas muốn hiện thực hoá lí tính trong “hành động truyền thông” và “xã hội công dân”. Bài học gì có thể rút ra cho xã hội chúng ta từ các nhận định ấy?

Đây là chủ đề chính của buổi thuyết trình khoa học mang tên Max Weber, Georg Lukács, Jürgen Habermas và xã hội hiện đại do Nhà xuất bản Tri thức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh đồng tổ chức. Ngoài phần thuyết trình của diễn giả - nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn,chương trình còn là không gian cho các chuyên gia, giảng viên và sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn thảo luận về những vấn đề tư tưởng của xã hội hiện đại.

Thời gian: 9h – 11h, thứ Ba ngày 22 tháng 12 năm 2009.

Địa điểm: Hội trường Tầng 8, nhà E, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội.

I. Thông tin về diễn giả

  • Họ tên: Bùi Văn Nam Sơn
  • Sinh năm 1947, tại Vĩnh Trinh - Duy Xuyên - Quảng Nam
  • 1964-1968: học triết tại Sài Gòn
  • 1969-1979: học triết tại CHLB Đức
  • hoạt động chuyên môn (từ 1976-1992): “Cộng tác viên khoa học” (Wissenschaftlicher Mitarbeiter) cho các đề án nghiên cứu:
    + Lịch sử chủ nghĩa Spinoza (GS Norbert Altwicker)
    + Kí hiệu học và triết học siêu nghiệm của Charles S. Peirce (GS Karl Otto Apel)
    + Xây dựng lại một lí thuyết về các loại hình của lí tính (GS Herbert Schnädelbach / Jürgen Habermas)
  • Từ 1992: dịch sang tiếng Việt và chú giải một số tác phẩm triết học (Kant, Hegel…) và cộng tác với “Tủ sách Tinh hoa” của NXB Tri thức và Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh.

II. Thông tin về các đơn vị tham gia tổ chức

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Định hướng phát triển của nhà trường là: Tập trung xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế trên cơ sở quốc tế hoá các chương trình đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động học thuật và mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học đẳng cấp cao ở khu vực và trên thế giới.

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, tiền thân là Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 1 năm 2007. Việc đổi tên thành Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh năm 2008 đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, Quỹ sẽ có nhiều hoạt động văn hoá khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hoá đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hoá Việt Nam và thế giới. Kể từ năm 2008, bên cạnh giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế”, Quỹ còn trao thêm hai giải thưởng khác là: “Việt Nam học” và giải "Nghiên cứu".

Nhà xuất bản Tri thức được thành lập tháng 9 năm 2005, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, là đơn vị đi đầu trong việc khởi xướng và tổ chức dịch, xuất bản có hệ thống những tác phẩm tinh hoa của tri thức nhân loại. Với tôn chỉ: “Cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại [...]”, Nhà xuất bản Tri thức không chỉ là một Nhà xuất bản tham chiếu trong việc phổ biến các trào lưu tư tưởng lớn, cổ điển lẫn hiện đại, mà còn là một diễn đàn và địa chỉ có uy tín của các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên và độc giả Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Tác giả: i333

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây