5 sinh viên trước cơ hội nhận bằng sớm

Thứ bảy - 27/04/2013 05:20
Đào tạo tín chỉ đã được triển khai tại Trường ĐHKHXH&NV từ năm học 2007-2008. QH-2007-X (K52) là khoá sinh viên đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo này trong tất các các môn học. Trong số 1.345 sinh viên của khoá này, hiện có 05 sinh viên đã hoàn thành trên 90% tổng số tín chỉ, có điểm số đủ đăng kí bảo vệ khoá luận tốt nghiệp
5 sinh viên trước cơ hội nhận bằng sớm
5 sinh viên trước cơ hội nhận bằng sớm

Các sinh viên này đứng trước cơ hội được nhận bằng tốt nghiệp đại học trong năm nay và trở thành những sinh viên đầu tiên của Nhà trường lấy được bằng tốt nghiệp đại học chỉ sau 3 năm chứ không phải 4 năm như thông thường. Đó là Dương Thị Oanh Thanh, Ninh Thị Ánh Hồng, Nguyễn Thị Phượng, Vũ Thị Kim Loan, Đồng Thị Chinh lớp K52A Khoa Triết học.

5 sinh viên trên đã hoàn thành từ 115 đến 119 trên tổng số 136 tín chỉ với kết quả học tập khá. Trong thời gian đang làm khoá luận tốt nghiệp để bảo vệ trong tháng 6/2010, 5 sinh viên trên cũng vẫn đang cố gắng hoàn thành tiếp những tín chỉ cuối cùng.

Phóng viên ussh.edu.vn đã có cuộc phỏng vấn nhanh với 5 sinh viên này để tìm hiểu những cố gắng của các bạn trong quá trình “chạy đua” để rút ngắn thời gian học tập và có cơ hội việc làm sớm hơn các bạn cùng khoá.

Phóng viên (PV): Việc có thể rút ngắn thời gian học tập là kế hoạch ngay từ đầu của các bạn khi bước chân vào đại học hay hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên?

Dương Thị Oanh Thanh: Thưa chị, đây là một ý định đã được suy ngẫm và lên kế hoạch trước từ năm đầu tiên khi em và các bạn học tại Trường ĐHKHXH&NV. Khi tìm hiểu về phương thức đào tạo tín chỉ, chúng em nhận thấy rằng nếu sắp xếp khéo léo và không bỏ phí một khoảng thời gian nào thì hoàn toàn có thể học vượt môn và hoàn thành số tín chỉ theo yêu cầu trước thời hạn. Chúng em đã lên kế hoạch và xin tư vấn của các thầy cô để thực hiện mục tiêu của mình.

Sinh viên có đủ các điều kiện sau đây được xét tốt nghiệp:

- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỉ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên tính đến thời điểm xét tốt nghiệp.

- Đã tích luỹ đủ số tín chỉ quy định cho mỗi ngành đào tạo. Điểm trung bình chung tích luỹ từ 2.00 trở lên đối với hệ chuẩn hoặc 2.50 trở lên đối với hệ chất lượng cao.

- Có trình độ tiếng Anh tối thiểu đạt 4.0 IELTS đối với đào tạo hệ chuẩn, 5.5 IELTS đối với đào tạo chất lượng cao hoặc tương đương đối với các thứ tiếng khác.

- Hoàn thành chương trình hai môn học Giáo dục quốc phòng – An ninh và Giáo dục thể chất.

(Trích Sổ tay sinh viên Trường ĐHKHXH&NV)

PV: Vậy cụ thể các bạn đã làm gì để thực hiện mục tiêu đó?

- Dương Thị Oanh Thanh: Trước hết là mình phải tìm hiểu và nắm vững tiến trình đào tạo của nhà trường dành cho sinh viên ngành Triết học, xem môn nào là môn tiên quyết cần phải học trước, rồi dựa vào thời gian biểu các lớp môn học mà Phòng Đào tạo cung cấp cho khoá mình, thời gian biểu các lớp môn học của khoá trên (tức khoá QH-2006-X – PV), xem mình còn trống khoảng thời gian nào để sắp xếp học các môn học vượt với khoá trên cùng lúc với các môn hiện tại.

Nguyễn Thị Phượng: Nói chung là mình phải chủ động trong việc đăng kí môn học, nắm bắt được thời khoá biểu của khoá mình và khoá trước, tất nhiên là các môn học của khoá mình phải ưu tiên học hết sau đó mới xem xét học các môn vượt với điều kiện không trùng thời gian học với bất kì môn nào.

PV: Các em nghĩ gì về những lợi ích và khó khăn do phương thức đào tạo theo tín chỉ đem lại đối với việc học tập của sinh viên?

Dương Thị Oanh Thanh: Em nghĩ đào tạo tín chỉ tuy là phương thức đào tạo mới những giúp tăng tính hiệu quả và chủ động trong học tập của sinh viên. Sinh viên phải chủ động tìm hiểu tiến trình học tập trong 4 năm học, tìm hiểu về các môn học, chủ động trong hỏi han, giao tiếp với các thầy cô giáo để nhận được thông tin liên quan đến quá trình học, thậm chí là những lời khuyên hữu ích cho việc sắp xếp việc học. Nếu chủ động và kiên trì, cố gắng thì sinh viên có thể rút ngắn thời gian học và sớm có cơ hội việc làm hơn.

Ninh Thị Ánh Hồng: Đào tạo tín chỉ có thể giúp sinh viên tận dụng thời gian để rút ngắn thời gian học tập nhưng đi kèm theo đó là áp lực học tập rất cao. Điều đó gây khó khăn cho chúng em khi đang quen cách học thụ động cũ và phải thay đổi nhận thức, hành động của bản thân trong việc chủ động tìm tài liệu, chủ động thời gian và cách học. Đặc biệt, ngoài giờ lên lớp, chúng em phải tìm cách tự thu nạp thêm nhiều kiến thức cho bản thân mình.

PV: Vậy theo em, đào tạo tín chỉ hiện nay ở trường ta còn những hạn chế gì?

Đồng Thị Chinh: Khoá của em là khoá đầu tiên mà tất các các môn học đều áp dụng phương thức đào tạo mới, là khoá thử nghiệm đầu tiên của nhà trường với phương thức đào tạo này. Do đó, bên cạnh việc được hưởng lợi từ những yếu tố tích cực của phương thức đào tạo này thì chúng em cũng có một số thiệt thòi vì những hoạt động quản lí đào tạo tín chỉ sẽ chưa ngay lập tức hoàn hảo mà còn có nhiều hạn chế. Cả thầy và trò đều chưa hoàn toàn thích nghi được với phương thức đào tạo mới.

Dương Thị Oanh Thanh: Theo em cơ sở vật chất là một trong những hạn chế. Sinh viên phải học cả sáng và chiều chỉ được nghỉ một chút vào giữa trưa. Điều này khác với đào tạo niên chế chỉ học một buổi trong ngày. Nếu trưa mà về nhà thì các bạn sẽ không kịp thời gian để vào học giờ học chiều nên sinh viên phải ở lại trường vào buổi trưa. Nhưng hiện nay Nhà trường không có nơi để sinh viên ngồi nghỉ vào buổi trưa mà em và các bạn cứ phải ngồi tạm đâu đó trong sân trường nên rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học. Em nghĩ nhà trường nên mở cửa một số giảng đường vào giờ nghỉ trưa cho sinh viên sử dụng.

Vũ Thị Kim Loan: Tài liệu trên thư viện ít cũng gây khó khăn cho sinh viên khi học tín chỉ. Chúng em phải đợi nhau đến lượt mới được mượn vì số lượng đầu tài liệu và số lượng sách trên một đầu tài liệu ít. Tài liệu ở các thư viện khoa cũng không nhiều. Lớp học theo tín chỉ quá đông sinh viên, có lớp hơn 100 người nên khó khăn trong việc thảo luận, trao đổi trên lớp.

Sinh viên được nhận đề tài khoá luận tốt nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện dưới đây:

- Hoàn thành từ 90% trở lên các môn học của chương trình đào tạo (không tính thời lượng tốt nghiệp)

- Đạt từ điểm B trở lên đối với tất cả các môn học nâng cao.

- Có đề cương đề tài khoá luận tốt nghiệp được thủ trưởng đơn vị quản lí ngành đào tạo đồng ý giao thực hiện đề tài.

(Trích Sổ tay sinh viên Trường ĐHKHXH&NV)

PV: Lời khuyên của các em cho các bạn sinh viên khác để có thể học tập theo phương thức đào tạo tín chỉ đạt hiệu quả cao mà rút ngắn được thời gian học?

Dương Thị Oanh Thanh: Nếu các bạn đã xác định học muốn học vượt phải có kế hoạch ngay từ đầu và phải kiên định với mục tiêu đó. Bởi trong quá trình học vượt sẽ phải chịu áp lực lớn khi phải học với khối lượng kiến thức lớn hơn nhưng trong thời gian ngắn hơn sơi với các bạn khác. Áp lực ấy diễn ra thường xuyên trong một khoảng thời gian dài mấy năm nên không phải dễ vượt qua. Sau khi xác định được tư tưởng đó thì bạn cần phải chủ động tìm hiểu và theo sát các thông tin của nhà trường về lịch học, chương trình đào tạo, nội dung các môn học, liên hệ với các thầy cô để xin hướng dẫn, tư vấn để kế hoạch học tập của của mình hợp lí, khít thời gian, không bị chồng chéo mà cũng không bỏ phí khoảng trống nào.

Đồng Thị Chinh: Lời khuyên của em với các bạn là phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với áp lực học tập khi phải học nhiều môn học với lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn. Việc cả lớp có kế hoạch đi chơi vào ngày mai nhưng riêng mình không tham gia được vì vướng lịch thi là điều hay xảy ra. Nhìn chung là các bạn muốn học vượt sẽ phải đối mặt với việc thi cử dồn dập căng thẳng hơn các bạn sinh viên khác. Nếu kết quả thi tốt thì sẽ làm cho mình phấn chấn để kì sau tiếp tục xếp lịch học vượt. Nếu kết quả thi không tốt thì rất dễ làm mình nản lòng mà bỏ cuộc giữa chừng.

Nguyễn Thị Phượng: Các bạn nên mạnh dạn tiếp xúc trao đổi với các thầy cô để mình có thêm thông tin và những lời khuyên hữu ích.

PV: Có ngẫu nhiên không khi các bạn là một nhóm gồm 5 người thuộc cùng một lớp?

Dương Thị Oanh Thanh: Khi đã có ý định muốn học vượt để tiết kiệm thời gian, chúng em đã rủ nhau tạo thành một nhóm để cùng học tập cho có động lực. Chúng em về cơ bản đã cùng học các lớp môn học như nhau, với thời gian như nhau để cùng đi, cùng về, cùng học, cùng thảo luận, trao đổi. Thật ra ban đầu nhóm chúng em có 7 người nhưng sau đó có 2 bạn không tiếp tục theo cùng nhóm nữa.

PV: Vậy theo các bạn, để học vượt thì có khó không?

- Không khó lắm nếu mình biết cách học, học chủ động, năng động trong học tập, và quan trọng là phải kiên trì với mục tiêu ban đầu đề ra.

PV: Cảm ơn các bạn và chúc các bạn hoàn thành được mong muốn của mình và nhận được bằng tốt nghiệp đại học vào hè năm nay!

Trao đổi bên lề cuộc phỏng vấn, chúng tôi phát hiện một thông tin rất thú vị là cả 05 sinh viên trên, vì lí do này khác đều vào học đại học tại Trường muộn hơn một năm so với thông thường. Có thể đó cũng là một động lực để các bạn sinh viên này cố gắng và khẩn trương hơn trong việc lên kế hoạch học tập cho mình? Chia sẻ với chúng tôi, các bạn cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục lên các kế hoạch “chạy vượt thời gian nếu có điều kiện” trong chặng đường học tập và làm việc sau này của mình. Bởi các bạn ấy sẽ có nhiều thời gian hơn để làm thêm những điều mình mong muốn và để nắm bắt được nhiều cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống – mà đôi khi nó chỉ đến một lần và tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời mỗi người.

Tác giả: THANH HÀ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây