Báo cáo của BCH Hội Sinh viên Trường

Thứ năm - 04/04/2013 10:06
Toàn văn báo cáo của Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại hội Đại biểu lần thứ V (nhiệm kì 2010-2012). Báo cáo sẽ được trình bày tại Đại hội vào ngày 14-15/5/2010.
Toàn văn báo cáo của Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại hội Đại biểu lần thứ V (nhiệm kì 2010-2012). Báo cáo sẽ được trình bày tại Đại hội vào ngày 14-15/5/2010.

Phần thứ nhất: Tổng kết công tác hội và phong trào sinh viên nhiệm kì IV (2007–2009)

I. Đặc điểm tình hình

Nhiệm kì 2007 - 2009 của Hội Sinh viên Trường là nhiệm kì thứ tư tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác Hội và phong trào sinh viên các nhiệm kì trước. Đại hội diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội và phong trào sinh viên: triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Trường nhiệm kì 2007 - 2009, Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kì 2007 - 2012; chào mừng Đại hội Hội sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội; chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Thành phố lần thứ XIII tiến tới Đại hội Đoàn Toàn quốc nhiệm kì 2008 - 2012 và Đại hội Hội Sinh viên Toàn quốc lần thứ VIII,… Các hoạt động giao lưu quốc tế được mở rộng, Nhà trường xây dựng những chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn - đây là những định hướng lớn, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng những chiến lược phát triển của tổ chức Hội Sinh viên. Việc từng bước chuyển đổi sang mô hình đào tạo tín chỉ trong công tác đào tạo của nhà trường vừa là thách thức vừa là cơ hội để Hội Sinh viên tự điều chỉnh về cơ cấu tổ chức một cách đồng bộ, hệ thống. Đại hội xác định mục tiêu trọng tâm của nhiệm kì là: Giữ vững và phát huy thành tích, vị trí dẫn đầu trong phong trào hoạt động của Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội, Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội; tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, thu hút hội viên, sinh viên vào phong trào thi đua học tập, NCKH và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp.

II. Kết quả thực hiện hoạt động Hội nhiệm kì 2007-2009

1. Hoạt động phối hợp với Đoàn Thanh niên 1.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng Đánh giá chung Cùng với tổ chức Đoàn Thanh niên Nhà trường, Hội Sinh viên xem đây là nội dung hoạt động quan trọng được gắn liền với cuộc vận động lớn của Bộ Chính trị: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc tiếp tục duy trì các nội dung hoạt động định kì, Hội Sinh viên Trường và Đoàn Thanh niên đã đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài trường và có nhiều hình thức đổi mới trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên sinh viên. Những kết quả đạt được Triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động ; tổ chức cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp trường ; toạ đàm ở từng chi hội với định hướng mỗi chi hội một khẩu hiệu hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ ; Cuộc thi Hành trình theo chân Bác (LCH Xã hội học), Triển lãm sách về Hồ Chí Minh (LCH Thông tin thư viện), Triển lãm thư pháp các tác phẩm của Hồ Chí Minh (LCH Khoa Văn học), tham gia Hội trại Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác (đạt 1 Giải Nhất Liên hoan tiếng hát dâng Người, Giải nhì Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Giải Nhất Olympic Tin học, Giải Nhì Hội trại),... . Hiện nay, Hội Sinh viên trường cùng với tổ chức Đoàn Thanh niên đang tiếp tục triển khai cuộc vận động lớn này trong sinh viên với định hướng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn, góp phần xây dựng môi trường học đường kỉ cương – văn minh. Tiếp tục duy trì ổn định, hiệu quả các nội dung hoạt động định kì có tính truyền thống, tạo nền tảng cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng của đoàn viên: Tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu năm học; định hướng các nội dung sinh hoạt chi hội gắn với sự kiện chính trị quan trọng; duy trì hoạt động của diễn đàn sinh viên svnhanvan.org, nội san Tự nguyện ra hàng quý với số lượng trên 1000 bản; hệ thống bảng tin tuyên truyền trong trường, bảng thông tin ở từng giảng đường; duy trì cấp phát báo Sinh viên và Thanh niên đến từng chi đoàn và Liên chi Hội; ... Tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên: Giao lưu và triển lãm với cựu tù Đảo Phú Quốc (phối hợp với Hội Cựu chiến binh); Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Liên hoan tiếng hát Công Đoàn, chủ đề về Hồ Chí Minh (phối hợp với Công Đoàn Trường) ; Hành trình Về nguồn (phối hợp với Hội Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên) ; ... Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của hội viên sinh viên, đặc biệt trong các thời điểm diễn ra các sự kiện nhạy cảm chính trị (vấn đề phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai năm 2008 và 2009). Có định hướng kịp thời và đúng đắn cho hội viên sinh viên trước những sự kiện đó, đảm bảo hội viên sinh viên nhà trường luôn có nhận thức chính trị đúng đắn phục vì lợi ích của quốc gia và dân tộc. 1.2. Công tác xây dựng tổ chức Hội sinh viên Đánh giá chung Trong nhiệm kì 2007 – 2009, Hội Sinh viên Trường tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn Thanh niên, tạo mối liên thông hữu cơ trong quá trình triển khai các nội dung hoạt động phong trào của tuổi trẻ Nhà trường. Những kết quả đạt được Hội Sinh viên Trường tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ hội, quan tâm tới các kĩ năng hoạt quản lí và tổ chức hoạt động cấp chi hội trong mô hình đào tạo theo tín chỉ. Bên cạnh đó, Hội Sinh viên Trường đã chủ động tăng cường và khuyến khích các hoạt động liên kết với các đơn vị ngoài Trường nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm , đồng thời đẩy mạnh tính liên kết giữa các đơn vị trong các hoạt động chung. Bên cạnh việc duy trì ổn định hoạt động của các Câu lạc bộ sinh viên, Hội Sinh viên Trường đã tiếp tục phát triển một số mô hình sinh hoạt câu lạc bộ mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động phong trào sinh viên (Nhóm sinh viên tổ chức sự kiện, Đội Văn nghệ, Câu lạc bộ Hoa Đá). 2. Công tác tư vấn và hỗ trợ hội viên 2.1. Tư vấn và hỗ trợ về học tập và nghiên cứu khoa học Đánh giá chung Trong nhiệm kì 2007-2009, cùng với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường đã có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường; thông qua các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích hội viên sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Những kết quả đạt được Tiếp tục duy trì tốt những hoạt động đã mang lại hiệu quả từ các nhiệm kì trước: hỗ trợ sinh viên năm thứ nhất về kĩ năng khai thác thông tin trên mạng internet và các phương pháp học ở bậc đại học; duy trì các nội dung sinh hoạt chi hội gắn với mục tiêu nói không với tiêu cực trong thi cử, học kỉ cương - ôn thi chất lượng, hỗ trợ phương pháp tổ chức công việc nghiên cứu khoa học cho hội viên, sinh viên, ... - Phát triển các lớp học, khoá đạo tạo ngắn hạn các kĩ năng mềm cần thiết, bổ trợ cho quá trình học tập chuyên môn cho hội viên sinh viên: kĩ năng trình bày báo cáo khoa học, phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, kĩ năng đọc sách, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng làm việc theo nhóm, ... - Tìm kiếm nhiều nguồn học bổng khuyến khích học tập, đặc biệt hương tới những hội viên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt: Học bổng Tiếp sức đến trường, Học bổng Nguyễn Thái Bình, Học Bổng Cùng bạn vượt sóng, Học bổng KOVA, Học bổng Mobile Fone, .... Hội Sinh viên trường cũng xây dựng một quỹ học bổng khuyến khích hội viên sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trao tặng cho những đề tài có ý nghĩa đóng góp trong công tác xây dựng phong trào thanh niên Nhà trường hàng năm. - Tiếp tục khuyến khích các đơn vị duy trì và phát triển các hoạt động chuyên môn định kì cũng như các mô hình hoạt động chuyên môn: Câu lạc bộ các nhà quản lí trẻ (LCH Khoa học quản lí), Câu lạc bộ Hán nôm và Nhà văn làm báo (LCH Khoa Văn học), Câu lạc bộ điện ảnh ( LCĐ Khoa Đông phương), Câu lạc bộ những cán bộ văn phòng trẻ (LCH Khoa Lưu trữ học và QTVP), Cuộc thi Theo dòng lịch sử (LCH Khoa Lịch sử), Ngày Xã hội học (LCH Khoa Xã hội học), Kỉ niệm ngày du lịch Việt Nam(LCH Khoa Du lịch)... - Phát triển các mô hình tình nguyện gắn với chuyên môn: Đội sinh viên làm công tác xã hội (Công tác xã hội, Tâm lí học, Xã hội học), Nhóm sinh viên tổ chức sự kiện và Nội san Tự nguyện (Báo chí và Truyền thông, Văn học, ...), Đội tuyên truyền văn hoá Thăng Long ( Du lịch), Câu lạc bộ Hán nôm (Văn học), Câu lạc bộ Tiếng Hàn quốc (Đông phương học), Đội phóng viên chiến dịch (Báo chí truyền thông), ... - Tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường: tuyên truyền việc nghiên cứu và từng bước áp dụng mô hình đào tạo theo tín chỉ, tham gia đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với hội viên sinh viên, duy trì diễn đàn svnhanvan.org như một kênh thông tin hiệu quả đóng góp tích cực vào quá trình điều chỉnh từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo và quản lí, tham gia tích cực vào các hoạt động chung: Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên, Hội đồng xét thi đua khen thưởng - kỉ luật, Hội đồng xét cấp học bổng ngân sách và học bổng tài trợ, ... 2.2. Tư vấn hỗ trợ đời sống sinh viên Đánh giá chung Trong nhiệm kì 2007-2009 Hội Sinh viên Trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên thông qua các hoạt động trực tiếp cũng như lồng ghép vào các hoạt động sân khấu hoá, các hình thức giải trí, các chương trình văn hoá văn nghệ, các hoạt động Câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm. Những hoạt động được triển khai đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tình thần cho hội viên đồng thời tạo môi trường giao lưu, cung cấp và giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho quá trình hoàn thiện của bản thân. Những kết quả đạt được - Hoạt động của tổ chức Hội Sinh viên đã thực sự được đẩy mạnh theo hướng tăng cường các hoạt động trẻ trung, hấp dẫn đông đảo sinh viên tham gia: Hội thi tiếng hát sinh viên trường, Giải Aerobic sinh viên, Chào tân sinh viên, Lời chia tay mùa hạ, Hiến máu nhân đạo, Hội thi nữ sinh thanh lịch, ...Hội sinh viên Nhà trường với nóng cốt chính trị là Đoàn Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động có quy mô lớn: Hội thi tiếng hát sinh viên 5 trường đại học, Giải Aerobic sinh viên 09 trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Đăng cai tổ chức Kỉ niệm Ngày dân số thế giới với sự tham gia của sinh viên 6 trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Đăng cai Ga la Chào Tân sinh viên – 2009 của Đại học Quốc gia Hà Nội, ... - Việc khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị đã mang lại những hiệu quả rõ nét với các hoạt động phong phú gắn với đặc thù chuyên môn của từng đơn vị, thu hút đông đảo sinh viên tham gia: Đêm phương Đông, Tuần lễ phim Hàn Quốc, Nhật bản, Trung Quốc, Thái Lan, ấn Độ (LCH Đông phương học), Đi tìm thủ lĩnh (LCH Xã hội học), Mr & Ms Ngôn ngữ ( LCH Khoa Ngôn ngữ học), Giao lưu định kì với các Nhà văn, Nhà xuất bản (LCH Khoa Văn học), Theo dòng lịch sử ( LCH Khoa Lịch sử), Dạ hội Pháp ngữ ( LCH Khoa Tâm lí học), Tài năng quản lí (LCH Khoa Khoa học Quản lí), Báo chí hát (LCH Khoa Báo chí), ... - Các Câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh viên Trường tiếp tục duy trì các hoạt động định kì thu hút đông đảo hội viên tham gia cũng như tạo các kênh hỗ trợ thông tin hữu ích cho hội viên: Hương Tháng Ba (Nhóm SEG), Hành trình cùng bạn (Đội TTSKSS), Tiếp sức mùa thi (Đội Xung kích), tiếp tục phát hành nội san Tự nguyện hàng quý, duy trì diễn đàn svnhanvan.org, ... 3. Hoạt động xã hội, tình nguyện, chung sức cùng cộng đồng Đánh giá chung Trong nhiệm kì 2007-2009, các hoạt động xã hội, tình nguyện, chung sức cộng đồng tiếp tục được Hội Sinh viên Nhà trưởng triển khai và đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên Sinh viên. Bên cạnh các hoạt động cấp trường thì các liên chi hội, các câu lạc bộ cũng đã có sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động này. Kết quả đạt được * Hoạt động tình nguyện trong năm: Tiếp tục duy trì hoạt động Hiến máu nhân đạo hàng năm trên cơ sở phối hợp với Viện huyết học truyền máu TW, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hà Nội cũng như vận động hội viên tham gia các hoạt động chung của Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố. Trung bình mỗi năm, hội viên nhà trường tham gia hiến hơn 200 đơn vị máu. Tiếp tục thường xuyên có các hình thức giúp đỡ hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong trường (CLB Hoa Đá), hỗ trợ hội người mù Quận Thanh Xuân (vận động sinh viên mua tăm tre). Các hoạt động chủ động của nhiều liên chi hội và hoạt động xã hội khác: Đạp xe vì môi trường (LCH Du lịch học), tham gia Ngày thơ Việt Nam (LCH Văn học), thăm hỏi thương bệnh binh nhân ngày 27/7 (LCH Khoa học quản lí), tham gia Đại lễ phật đản thế giới, tổ chức kỉ niệm Ngày dân số thế giới, ... * Hoạt động tình nguyện hè: Tiếp tục duy trì các hoạt động tình nguyện hè 2008, 2009 thu hút trên 500 tình nguyện viên mỗi mùa. Phát triển các mô hình tình nguyện gắn với chuyên môn và gắn với các phong trào lớn của tuổi trẻ cả nước: Tiếp sức mùa thi, Câu lạc bộ Hán Nôm, Đội tuyên truyền Văn hoá Thăng Long, Đội Phóng viên chiến dịch. 4. Hoạt động của câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm Đánh giá chung Các mô hình câu lạc bộ sinh viên cấp trường cũng như cấp khoa tiếp tục được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, mộ số mô hình câu lạc bộ mới được thành lập đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tiễn (Câu lạc bộ Hoa Đá, Nhóm Sinh viên tổ chức sự kiện). Nhiệm kì IV cũng đánh dấu những nét mới trong hoạt động các câu lạc bộ thông qua sự liên kết với các đơn vị bạn trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Những kết quả đạt được Duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình các Câu lạc bộ: Đội Tuyên truyền Sức khoẻ sinh sản, Đội Thanh niên Xung kích, Đội Sinh viên làm công tác xã hội, Phòng Thông tin, Ban biên tập nội san Tự nguyện. Xây dựng một số mô hình hoạt động mới: Câu lạc bộ Hoa đá, Nhóm Sinh viên tổ chức sự kiện, Đội văn nghệ, Các Liên chi hội tiếp tục duy trì cũng như phát triển các mô hình câu lạc bộ gắn với chuyên môn của đơn vị: Câu lạc bộ Điện ảnh (Đông phương học), Câu lạc bộ Hán Nôm và Nhà văn làm báo (Khoa Văn học), Câu lạc bộ quản lí trẻ (Khoa Khoa học quản lí), Câu lạc bộ Lữ hành trẻ (Khoa Du lịch học), ... Mở rộng các hoạt động giao lưu phối hợp với các đơn vị bạn trong tổ chức hoạt động các câu lạc bội: Câu lạc bộ Sinh viên quốc tế, Nhóm hành trình xanh, cuộc thi Tài năng quản lí, Ngày xã hội học, Dạ hội Pháp ngữ, ... 5. Những tồn tại trong nhiệm kì 2007-2009 Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với định hướng xây dựng môi trường học đường kỉ cương văn minh trong tuổi trẻ Nhà trường chưa đạt được những hiệu quả cụ thể, mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền vận động. Công tác xây dựng tổ chức hội ở một số Liên chi còn yếu, hoạt động Hội ở nhiều chi hội và Liên chi còn chưa cụ thể, chưa thực sự khẳng định được vị trí vai trò của tổ chức trong hệ thống tổ chức đơn vị. Các hoạt động tư vẫn hỗ trợ sinh viên, đặc biệt trong hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học chưa có nhiều nét mới, mới đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận sinh viên. Hoạt động tình nguyện hè mặc dù thu hút đông đảo đoàn viên sinh viên tham gia nhưng còn phân tán và chưa có nhiều mô hình tạo được hiệu quả xã hội lớn, hàm lượng chuyên môn trong hoạt động tình nguyện còn thấp. Việc duy trì và phát triển các mô hình Câu lạc bộ so với nhu cầu thực tiễn trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ còn hạn chế. Chưa tìm ra giải pháp duy trì hoạt động ổn định cho hầu hết các mô hình câu lạc bộ.

III. Đánh giá tổng quát

Công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kì 2007-2009 của Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đạt được những kết quả cụ thể. Những kết quả đó đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò và những đóng góp của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị nhà trường cũng như trong tương quan chung của Hội Sinh viên Đại học Quốc gia và Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: với những yêu cầu của thực tiễn công tác, hoạt động của Hội Sinh viên trường cần có những chuyển biến nhanh và thiết thực hơn. Hội Sinh viên trường cần xây dựng một tổ chức hội chặt chẽ, linh hoạt, chất lượng về nhân sự cũng như cơ chế vận hành, sử dụng cán bộ hội các cấp làm nòng cốt triển khai hoạt động được nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực với mục tiêu xây dựng tổ chức Hội thực sự là môi trường rèn luyện, là đại diện và là người bạn đồng hành của mỗi hội viên, sinh viên.

Phần thứ hai: Phương hướng công tác hội và phong trào sinh viên nhiệm kì 2010–2012

I. Đặc điểm tình hình nhiệm kì 2010 – 2012

Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lần thứ V diễn ra trong điều kiện đất nước, thủ đô và Nhà trường có rất nhiều sự kiện quan trọng: Nhà trường chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI và hướng tới kỉ niệm 65 năm ngày thành lập, kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Đại hội Đại biểu Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XI. Nhiệm kì 2010 -2012 hoạt động Hội và phong trào sinh viên hoạt động hoàn toàn trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ. Điều này tiếp tục là thử thách và cũng là cơ hội để tuổi trẻ Nhà trường phát huy sự sáng tạo và tinh thần xung kích góp phần tích cực xây dựng môi trường học tập đại học với truyền thống lâu đời hướng tới tri thức hiện đại.

II. Mục tiêu và khẩu hiệu hành động

1. Mục tiêu trọng tâm Giữ vững và phát huy thành tích, vị trí tiên phong trong phong trào Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội, Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội; tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, thu hút hội viên, sinh viên vào phong trào thi đua học tập, NCKH và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp. 2. Khẩu hiệu hành động Tu đức – Luyện văn – Xung kích – Hội nhập

III. Một số chỉ tiêu cơ bản

  • 100% hội viên sinh viên tham gia phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng môi trường học đường văn mình – kỉ cương”.
  • 100% hội viên sinh viên cam kết thực hiện mùa thi nghiêm túc, chất lượng.
  • 100% cán bộ Hội Sinh viên cấp Chi hội được tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ hàng năm.
  • 100% Hội Sinh viên cấp Liên chi hội duy trì có hiệu quả 1 mô hình tình nguyện tham gia tích cực vào Chương trình mùa hè tình nguyện hàng năm,
  • 100% LCH có các CLB, tổ, đội, nhóm hoạt động ổn định, hiệu quả.

IV. Nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Hoạt động phối hợp với Đoàn Thanh niên 1.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng a. Nội dung, nhiệm vụ Phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên trường xây dựng môi trường thống nhất, lành mạnh rèn luyện đoàn viên, hội viên, sinh viên vững vàng về tư tưởng chính trị, chuyên sâu trong chuyên môn khoa học. b. Giải pháp thực hiện - Phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp học chính trị đầu năm học; quán triệt các nghị quyết của Đảng, Đoàn, Hội, nội quy của Nhà trường, tạo môi trường thuận lợi để các sinh viên đoàn viên tu dưỡng, phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. - Xây dựng ít nhất một mô hình hoạt động cụ thể làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng môi trường học đường văn minh – kỉ cương. - Sử dụng tối đa hiệu quả của Phòng thông tin, các bảng tin, tờ tin Tự nguyện, website svnhanvan.org để tuyên truyền về tổ chức Hội và kịp thời nắm bắt những diễn biến tư tưởng, nhận thức của sinh viên từ đó xây dựng môi trường học tập lành mạnh, văn hoá, nhân văn, trong sạch, không có ma tuý và các tệ nạn xã hội. - Cùng với Đoàn Thanh niên khuyến khích, động viên sinh viên phấn đấu trở thành Đảng viên và giáo dục, giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét, bồi dưỡng, kết nạp Đảng. - Triển khai phong trào sinh viên 5 tốt do Trung ướng Hội Sinh viên Việt Nam phát động. 1.2. Công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội sinh viên a. Nội dung, nhiệm vụ Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn Thanh niên, xây dựng tổ chức Hội hợp lí, năng động hoạt động hiệu quả. b. Giải pháp thực hiện - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn công tác tổ chức Hội, xây dựng lề lối làm việc của BCH nhằm định hướng hoạt động cho cấp LCH, tăng cường vai trò chủ động của cấp Chi hội. - Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tập huấn chi cán bộ Đoàn và cán bộ Hội, quan tâm tới các kĩ năng hoạt quản lí và tổ chức hoạt động cấp chi đoàn – chi hội trong mô hình đào tạo theo tín chỉ. - Tăng cường các hoạt động liên kết với các đơn vị ngoài Trường nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm , đồng thời đẩy mạnh tính liên kết giữa các đơn vị trong các hoạt động chung. - Ổn định hoạt động của các Câu lạc bộ sinh viên và tiếp tục phát triển các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ mới. - Thiết lập các kênh thông tin liên lạc, tạo môi trường giao lưu với cựu sinh viên góp phần tích cực phát triển tổ chức Hội và phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. 2. Công tác tư vấn và hỗ trợ sinh viên 2.1. Tư vấn và hỗ trợ về học tập và nghiên cứu khoa học a. Nội dung, nhiệm vụ Tích cực tham mưu và tổ chức các hoạt động góp phần thực hiện hiện mục tiêu chiến lược về việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Trong đó, sinh viên là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua học tập và nghiên cứu khoa học; chống lại các biểu hiện tiêu cực trong học tập, thi cử; tích cực tìm kiếm nhân tài, phát huy trí tuệ sinh viên trong nghiên cứu khoa học. b. Giải pháp thực hiện - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, khơi dậy ý thức tự giác của sinh viên trong học tập và thi cử, phát động kì thi nghiêm túc, chất lượng, phấn đấu không có sinh viên nào vi phạm quy chế. - Định kì tổ chức các buổi toạ đàm về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học ở bậc Đại học cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên các khoá mới vào. Khuyến khích hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên đổi mới phương pháp học tập, phát huy tư duy độc lập sáng tạo, năng lực tự học, tự trau dồi kiến thức chuyên môn, xã hội. - Phát triển rộng rãi mô hình các câu lạc bộ chuyên môn, nhóm sinh viên cùng giúp nhau học tập. Phấn đấu mỗi Liên chi Hội có 01 Câu lạc bộ chuyên môn hoạt động có hiệu quả và hấp dẫn. - Có chế độ khen thưởng thích hợp, kịp thời đối với những sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học và sinh viên vượt khó học tập tốt. - Mở rộng giao lưu, nghiên cứu khoa học với sinh viên có cùng nhóm ngành trong và ngoài Trường, thường xuyên tổ chức trao đổi, hội thảo khoa học với các nhà giáo, nhà khoa học để học tập kinh nghiệm, trao đổi kiến thức. 2.2. Tư vấn hỗ trợ đời sống sinh viên a. Nội dung, nhiệm vụ Hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên giải quyết những khó khăn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, giúp sinh viên bổ trợ những kiến thức cần thiết về cuộc sống. Phát triển tổ chức Hội thành một tổ chức gần gũi hơn đối với sinh viên. b. Giải pháp thực hiện - Tiếp tục các hoạt động văn hoá văn nghệ góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần cho hội viên sinh viên: Hội thi tiếng hát sinh viên, Hội thi Nữ sinh thanh lịch, … đa dạng hoá các hình thức hoạt động, thu hút các nguồn tài trợ bên ngoài trường tạo điều kiện cho đông đảo hội viên sinh viên được tham gia. - Khuyến khích và tạo điều kiện để các Liên chi Hội đăng cai tổ chức các hoạt động có quy mô cấp Trường nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hội viên, sinh viên. - Hỗ trợ hội viên phát triển các kĩ năng mềm. - Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động của các Câu lạc bộ năng khiếu, sở thích, các câu lạc bộ chuyên môn cấp trường cũng như cấp Liên chi Hội. - Phối hợp với Đoàn Thanh niên duy trì các đợt thăm hỏi sinh viên thường xuyên trong các dịp Lễ, Tết. - Tham mưu, đề xuất với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc trang bị cơ sở vật chất, duy trì và phát triển Phòng Thông tin, cung cấp báo đọc, duy trì nội san Tự nguyện, trang web và diễn đàn svnhanvan.org tạo môi trường giao lưu trao đổi tâm tư nguyện vọng, trao đổi kinh nghiệp sống, kiến thức chuyên môn giữa các hội viên sinh viên. - Giới thiệu cho sinh viên các địa chỉ thuê nhà, địa điểm tham quan, du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hoá truyền thống phù hợp với điều kiện của sinh viên. 3. Hoạt động xã hội, tình nguyện, chung sức cùng cộng đồng a. Nội dung, nhiệm vụ - Phát huy hơn nữa thế mạnh của Hội Sinh viên Trường trong mảng hoạt động này theo hướng tập trung – hiệu quả. - Tiếp tục tuyên truyền và nâng cao uy tín của Hội Sinh viên thông qua các hoạt động xã hội tình nguyện theo hướng sử dụng chuyên môn được đào tạo để phục vụ xã hội. b. Giải pháp thực hiện * Hoạt động tình nguyện trong năm: + Tiếp tục duy trì hoạt động Hiến máu nhân đạo hằng năm trên cơ sở phối hợp với Viện huyết học truyền máu TW, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hà Nội. + Tổ chức và phát động các chi hội đăng kí đảm nhận các công trình tình nguyện xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp như: vệ sinh giảng đường, giảng đường tự quản, phòng ở kiểu mẫu. + Chú trọng xây dựng và đẩy mạnh các mô hình tình nguyện gắn với chuyên môn, các ngành học tại các Liên chi Hội. + Phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ của đội sinh viên Xung kích trong các hoạt động của Hội sinh viên trường. * Hoạt động tình nguyện hè: + Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình hoạt động tình nguyện “Về quê hương”, “Tiếp sức mùa thi”,... + Chú trọng xây dựng các mô hình tình nguyện phát huy chuyên môn tại địa bàn. Trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm theo yêu cầu của xã hội (đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi), vận dụng tốt nhất thế mạnh chuyên môn của hội viên, sinh viên Nhà trường. + Tăng cường các hoạt động liên kết, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức các hoạt động tình nguyện đa dạng, phong phú và hiệu quả cao. 4. Hoạt động của câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm a. Nội dung, nhiệm vụ - Xây dựng mô hình CLB, tổ, đội, nhóm trực thuộc HSV Nhà trường ngày càng vững mạnh và là nền tảng để tổ chức và triển khai các hoạt động phong trào Hội sinh viên. Đồng thời tiếp tục phát huy và khai thác thế mạnh của các CLB, tổ, đội, nhóm cũng như tăng cường và phát triển thêm những mô hình hay, thiết thực, hiệu quá, đáp ứng được yêu cầu công tác Hội thời kì mới từ LCH tới HSV Trường. - Tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị ngoài trường và tham gia tích cực các hoạt động xã hội vì cộng đồng. b. Giải pháp thực hiện - Duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình các Câu lạc bộ hiện tại. - Khuyến khích mô hình Câu lạc bộ theo sở thích (về chuyên môn hoặc các sở thích khác), phát triển và duy trì mạng lưới hoạt động ở mỗi LCH hoặc một vài LCH phối hợp tổ chức. - Không ngừng đổi mới, nâng cao tính năng động của hội viên, cách thức, hình thức tổ chức và nội dung hoạt động để các mô hình CLB, tổ, đội, nhóm trở nên thiết thực cũng như tạo ra được những phong trào điển hình trong công tác Hội và phong trào sinh viên. - Tăng cường các hoạt động giao lưu, đối ngoại với các mô hình trong và ngoài trường với tinh thần năng động, sáng tạo, hội nhập. - Tham gia các hoạt động vì cộng đồng, các hoạt động có ích cho xã hội từ đó tuyên truyền và khẳng định hơn nữa vị thế của Hội Sinh viên Nhà trường. Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lần thứ V Nhiệm kì 2010– 2012 đánh dấu một bước phát triển mới, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào sinh viên. Kế thừa và phát huy truyền thống Hội Sinh viên Nhà trường, vì vậy nhiệm vụ thảo luận, xây dựng chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên trong nhiệm kì mới là vô cùng quan trọng. Các chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên được dự thảo trên đây là kết quả của những nỗ lực của Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường, là kết quả của trí tuệ về tâm sức của tuổi trẻ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đúc kết từ thực tiễn phong trào sinh viên của Nhà trường nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của đông đảo hội viên, sinh viên cũng như xã hội đang đặt ra cho chúng ta. Chúng ta tin tưởng và hi vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hội cấp trên, của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường và sự hỗ trợ của các Phòng ban chức năng, các Khoa, sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn Thanh niên Nhà trường, tập thể Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường Đại hoc Khoa học Xã hội và Nhân văn nhiệm kì 2010 – 2012 và toàn thể hội viên Nhà trường sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Trường lần thứ V.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây