Cuộc chiến Covid-19: Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ hai - 23/03/2020 23:44
Để nói về cuộc khủng hoảng do dịch bệnh cũng như cách Chính phủ và người dân Việt Nam đối phó với Covid-19, tôi không thể nghĩ ra nơi nào tốt hơn để ở lại vào thời điểm này.
Cuộc chiến Covid-19: Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau
Cuộc chiến Covid-19: Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau

Sáng cuối tuần đẹp trời, tôi quyết định thay đồ và đeo khẩu trang để ra ngoài cắt tóc. Dưới đường, có một cửa hàng nhỏ dành cho sinh viên, hai bên lối đi treo biển nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang và khử trùng tay trước khi vào -  điều mà nhiều nơi công cộng ở Việt Nam đang áp dụng.

Ngoại trừ việc này và không phải đợi xếp hàng, thì với tôi, mọi thứ vẫn bình thường một cách đáng kinh ngạc, bất chấp số quốc gia ban hành lệnh giới nghiêm, hạn chế hoạt động công cộng đang tăng chóng mặt trên thế giới. Ngược lại, cuộc sống ở Việt Nam dường như không mấy thay đổi.

Tại khu tôi ở, hầu hết sinh viên và người dân đã về quê. Hơn 5 tuần qua, không trường đại học nào cho sinh viên đi học. Đây chính là một trong nhiều biện pháp được Chính phủ Việt Nam thực hiện ngay từ những ngày đầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Mọi thứ đang dần ổn định trở lại khi 16 bệnh nhân đầu tiên đã hồi phục và xuất viện từ vài tuần trước. Nhưng sự xuất hiện của bệnh nhân số 17 như một tiếng sét phá tan 22 ngày bình yên không có ca nhiễm mới tại Việt Nam. “Cư dân mạng” hoảng loạn, vô vàn lời chỉ trích và tin đồn về bệnh nhân số 17 được tung ra. Dù vậy, sau vài ngày, mọi việc một lần nữa dần lắng xuống, Việt Nam tiếp tục giữ bình tĩnh trong khi cả thế giới đang vật lộn đối phó với đại dịch.

Làm thế nào một quốc gia gần 100 triệu dân, một đất nước đang phát triển lại có thể kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều so với các nước phát triển khác? Tôi đã nhiều lần tự hỏi mình trước khi đi tìm câu trả lời.

Khoảng 2 hay 3 tuần trước, hầu hết bạn bè Việt Nam của tôi đều cho rằng, Đức (quê hương tôi) sẽ xử lý và kiểm soát dịch tốt hơn vì sở hữu hệ thống y tế hiện đại. Nhưng cho đến nay, theo ý kiến của tôi, điều đó chưa hẳn đã đúng. Trong khi đại dịch đang nhanh chóng trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng ở nhiều quốc gia vốn được coi là “phát triển”, thì Việt Nam đã không cho nó bất cứ cơ hội nào hoành hành.

Etienne Mahler, Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Người Việt Nam nhìn nhận virus Corona chủng mới là một mối nguy, nhưng chẳng ai hoảng sợ đến mức phải giành nhau những cuộn giấy vệ sinh. Chính phủ luôn đặt sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Biên giới phía Bắc tiếp giáp Trung Quốc - nơi khởi phát của dịch bệnh được kiểm soát kỹ lưỡng. Cho đến nay, việc nhập cảnh vào Việt Nam là gần như không thể đối với hầu hết du khách, đặc biệt khách du lịch đến từ khu vực Schengen, khi châu Âu thay thế Trung Quốc trở thành tâm dịch mới.

Tất cả những người nghi nhiễm, tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm đều được xét nghiệm và cách ly. Quân đội tiến hành khử trùng toàn bộ đường phố. Người dân được khuyến cáo nên hạn chế tụ tập đông người. Các biện pháp này nghe có vẻ khá quyết liệt, nhưng thực sự rất có hiệu quả trong công tác phòng dịch.

Báo chí và mạng xã hội cũng trở thành các kênh truyền thông hữu ích để tuyên truyền về biện pháp phòng ngừa, cập nhật tình trạng dịch bệnh. Sáu tuần gần đây, mỗi ngày, tôi đều nhận được thông tin từ Bộ Y tế và các tổ chức liên quan về số ca nhiễm mới nhất, những lời khuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch... Mọi thứ được cập nhật nhanh chóng thông qua hai ứng dụng phổ biến là tin nhắn SMS và Zalo.

Ngay cả khi không có điện thoại, Internet, thì thông tin về Covid-19 cũng xuất hiện khắp mọi nơi tại Hà Nội: trên các áp-phích lớn dọc đường, bảng thông báo trong các con hẻm, màn hình quảng cáo trong thang máy, kể cả khi đặt đồ ăn qua Grab hoặc Now, bạn cũng nhận được thông báo về dịch bệnh. Cùng với phương thức truyền miệng vốn rất phổ biến ở Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi tôi không thấy một người nào hoàn toàn thiếu thông tin về dịch bệnh.

Sống ở Việt Nam gần 6 năm nay, tất nhiên, có nhiều điều tôi thấy Việt Nam cần phải cải thiện. Tuy nhiên, để nói về cuộc khủng hoảng do dịch bệnh cũng như cách mà Chính phủ và người dân Việt Nam đối phó với Covid-19, tôi không thể nghĩ ra nơi nào tốt hơn để ở lại vào thời điểm này. Việt Nam đã và đang làm điều đó rất tuyệt vời. Dù không phải là một công dân mang quốc tịch Việt Nam, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng tự hào khi được là một phần của đất nước này.

Việt Nam đang phát động một “cuộc chiến” toàn dân ngay giữa thời bình mà ở đó, tôi đã thấy các áp-phích và bức vẽ cổ động thể hiện quyết tâm “Việt Nam sẽ thắng (Covid-19)”. Bản cover “Ghen Cô-Vy” hướng dẫn rửa tay đúng cách và lan tỏa thông điệp đoàn kết chống lại virus đã trở thành một hiện tượng. Bài hát này phổ biến đến mức xuất hiện thêm các phiên bản cover bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nổi tiếng và tuyệt vời như chính tinh thần của người Việt.

Theo baodautu.vn

Tác giả: Etienne Mahler

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây