Tin tức

Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: đong đầy cảm xúc và tình yêu !

Thứ tư - 29/05/2019 05:45
Ngày 28/5 vừa qua, lễ trao giải Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019 đã diễn ra tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (VSL), khép lại hành trình hơn 1 tháng BTC đã vất vả chọn lựa từ hơn 50 bài thi để tìm ra những bài viết hay nhất. Đó không chỉ là những bài viết đặc sắc về nội dung, tràn đầy cảm xúc mà còn phô bày được vẻ đẹp của tiếng Việt qua cách sử dụng ngôn từ mang đậm dấu ấn cá nhân. Trang thông tin điện tử Ussh xin trân trọng giới thiệu bài viết mà TS. Đặng Hoàng Giang đã thay mặt BTC tổng kết cuộc thi.
Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: đong đầy cảm xúc và tình yêu !
Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: đong đầy cảm xúc và tình yêu !

Tiết mục văn nghệ chào đón các đại biểu của sinh viên Việt Nam và nước ngoài

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy cô giáo, thưa các bạn sinh viên!

Với tư cách là Thư ký của cuộc thi, dựa trên các nhận xét của hai Ban giám khảo do TS. Lê Thị Thanh Tâm và TS. Vũ Lan Hương chấp bút, tôi xin phép có vài lời tổng kết về hai cuộc thi viết năm nay. 

Mặc dù hôm nay đã là lần thứ ba tôi có vinh dự được đứng ở đây làm công việc này nhưng tôi vẫn cảm thấy hết sức hồi hộp. Vì cuộc thi năm nay - trong khi vẫn tiếp tục giữ được hương sắc độc đáo của các mùa đã qua, thì nó cũng kịp tạo nên một phong vị riêng nhờ những tác phẩm vừa đa dạng về phong cách, vừa tinh tế trong hành văn, vừa sắc sảo về tư tưởng mà giọng điệu lại không kém phần duyên dáng, tha thiết.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt phát biểu: Cuộc thi khiến tôi thấy xúc động vì tình yêu tiếng Việt của các em. Cũng bởi viết là một trong bốn kĩ năng khó nhất với mọi người, ngay cả đối với người bản ngữ. Qua cuộc thi, các em sẽ có cơ hội rèn luyện và trau dồi kĩ năng viết tốt hơn

Trước hết, xin được nói đôi lời về các tác phẩm tiếng Việt của các bạn sinh viên nước ngoài. Về các bài viết tiếng Việt của các bạn sinh viên nước ngoài tham dự cuộc thi Thư Việt Nam 2019, so với năm trước, mặc dù năm nay số bài ít hơn (18 bài trong khi năm trước có 25 bài) nhưng số lượng sinh viên tham gia nhiều hơn (30 bạn), trong đó có 4 bài là sản phẩm làm việc nhóm. 30 tác giả dự thi đến từ 7 quốc gia khác nhau: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan.

TS. Đào Minh Quang - Chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang là đơn vị tài trợ cho cuộc thi năm nay. Ông phát biểu: Quỹ mong muốn được hỗ trợ các bạn trẻ - những người sáng tạo, dám đổi mới, dám chấp nhận thử thách để tìm kiếm giá trị của cuộc sống cũng như ý nghĩa của cuộc đời mình

Trong bài viết của mình, các bạn đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về cuộc sống thường nhật ở Việt Nam. Họ đã kể cho chúng ta những khó khăn, bỡ ngỡ trong thời gian đầu đến Việt Nam học tiếng Việt và cách họ thích nghi với cuộc sống mới, cùng những trải nghiệm phong phú của họ: từ cảnh tắc đường thường ngày đến một lần bỗng nhiên đi lạc trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở Hà Nội; từ sự thích thú khi thưởng thức ẩm thực phố cổ cho đến nỗi háo hức được tham dự một lễ hội ở nông thôn; từ cảm giác lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động cho đến sự cảm động pha lẫn ngạc nhiên về lòng tốt của người Việt Nam - những người chỉ bằng một nụ cười đã vượt qua mọi rào cản vô hình với người đối diện.

Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ Đào Minh Quang cho các hoạt động của Trường, của Khoa. Thầy cũng gọi Khoa là "sứ giả ngoại giao", "đại sứ văn hóa" của nước nhà khi góp phần lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài qua những cuộc thi hấp dẫn như Cây bút VSL và Thư Việt Nam

Điều hết sức đáng quí là một số bài viết đã không chỉ dừng lại ở việc miêu tả đời sống thông thường, mà còn bộc lộ những nỗ lực khám phá, thông hiểu xã hội và con người Việt Nam. Nếu chúng ta theo dõi hành trình học tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam để có thể hòa nhập dễ dàng với gia đình bạn trai gốc Việt của bạn Leonie Elisha với một sự thích thú, thì hẳn chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên khi biết có một chàng trai Ba Lan, sau khi nhận ra căn tính Việt Nam của mình, đã không chút do dự rời bỏ châu Âu cổ kính và hoa lệ trở về quê cha đất tổ, để sống một cuộc sống của một người Việt Nam, như một người Việt Nam, bằng thể xác lẫn tâm hồn.

TS. Đào Minh Quang gây bất ngờ cho quan khách khi thể hiện một số bài hát về quê hương trên tiếng đàn ghi ta mộc

Và cảm xúc của chúng ta hẳn sẽ được đẩy đến cao trào khi được nghe chặng đường học tiếng Việt đầy phi thường của chàng trai khiếm thị Apichit Mingwongtham đến từ Thái Lan. Có lẽ vì một nhân duyên tiền định nào đó, anh đã dùng ánh sáng của tinh thần, chính xác hơn, ánh sáng của niềm tin, của niềm đam mê và lòng quả cảm để chiến thắng bóng tối của đôi mắt, bóng tối của số phận, chinh phục tiếng Việt, trở thành thầy giáo dạy tiếng Việt cho người Thái. Trong một chừng mực nào đó, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, thông qua tiếng Việt, Apichit Mingwongtham đã tự giác ngộ, tự khai sáng cho chính mình, và đang âm thầm đóng góp cho sự thông hiểu lẫn nhau của hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan. Tác giả đã thổ lộ: “Tóm lại, tôi và Việt Nam được gắn kết bởi mối lương duyên là tình yêu tình tiếng Việt, tiếng Việt  là ngôn ngữ đẹp với những thanh điệu thánh thót trầm bổng, những câu ca dao tục ngữ thành ngữ được đúc kết đến nay vẫn còn đúng và vẫn được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.  Đây cũng là một trong những lý do làm cho tôi chết mê chết mệt Tiếng Việt”. Thật vui biết bao khi hôm nay, với sự giúp đỡ của cô giáo trẻ Cao Thị Minh Tâm, người giác ngộ ấy đã từ Sài Gòn ra đây chia sẻ niềm vui với chúng ta. Xin hãy dành một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng Apichit Mingwongtham và các bạn sinh viên quốc tế vì những cố gắng lớn lao của họ!

Thầy giáo dạy tiếng Việt Apichit Mingwongtham (Thái Lan).được trao giải Nhất Thư Việt Nam 2019 và giải được độc giả yêu thích nhất nhờ bài viết giàu cảm xúc về hành trình phi thường chinh phục tiếng Việt

Kính thưa quý vị đại biểu, Kính thưa các thầy cô giáo, Thưa các bạn sinh viên!

Giờ là lúc chúng ta hướng sự chú ý của chúng ta sang cuộc thi Cây bút VSL dành cho các bạn sinh viên Việt Nam. Năm nay, BTC nhận được 43 bài dự thi của 43 sinh viên đến từ 13 khoa trong Trường: Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Khoa Văn học, Khoa Quốc tế học, Khoa Đông Phương, Khoa Lịch sử, Khoa Xã hội học, Học viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Khoa Triết học,…. Với chủ đề hóc búa: “Tôi là ai trong thế giới này?”, Ban tổ chức cuộc thi không dám kỳ vọng những trang viết của triết nhân. Họ là những sinh viên thanh tân, mãnh liệt, hẳn là sẽ có những ý tưởng còn vương vấn màu sắc học trò chăng?

Trao giải Nhất cuộc thi Cây bút VSL và giải Nhất Thư Việt Nam 2019

Nhưng, niềm bất ngờ phấn khởi là cảm xúc mà chúng tôi có được suốt từ lúc phát động cuộc thi, từ lúc nhận những bài đầu tiên cho đến bài cuối cùng. 43 bài dự thi đều mang đến những thao thức chân thành về bản thân và cuộc sống. Có khi họ viết mông lung, nhưng cái mông lung ấy lại thật thà biết bao. Chúng ta không chỉ cần những trang viết lấp lánh chất thơ, tài tình về ngôn ngữ, mà trước hết, cần những trang viết sáng trong. Nơi đó, tâm hồn tìm cách lên tiếng và hiện hình trong ngôn ngữ một cách tự nhiên. Chúng tôi đang ở cánh đồng gặt năm nay, nơi mỗi bông lúa có một mùi thơm riêng, một ám ảnh riêng. Nhiều câu đọc lên nhuần nhị, giản dị và đi thẳng vào lòng người như đoản thi dân gian vậy.

Nhưng điều khác biệt hơn cả, so với những mùa trước, là sự khốc liệt trong những trang viết. Xin chúc mừng những ai đã không sợ mọi lằn ranh, sự khuôn phép “thường có” của Ban giám khảo, quy tắc trừu tượng của những cuộc thi viết ở trường đại học, những chuẩn mực trong “ý tưởng học đường” để sẵn sàng bày tỏ bản thân bằng tất cả sự gai góc và sắc sảo. Chúng tôi đã nâng lên đặt xuống nhiều bài viết gồ ghề như một thiên truyện ngắn, một thứ bút ký dữ dội về những lầm lỗi và ăn năn: nên hay không nên trao giải. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn cách trao giải một cách gai góc và sắc sảo như những gì các thí sinh dự thi mang đến, để họ hiểu rằng, chúng tôi và họ, tất cả chúng ta, xứng đáng để gặp gỡ nhau trong cuộc thi tưởng chừng bé nhỏ này.

Cuộc thi thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo đài

Bạn có tin đây là văn chương của người trẻ vẫn còn ngồi ở giảng đường không:

“Tôi tự thấy tôi giống một “cây sầu đông non” nhanh tay khoác lên mình cái vỏ bọc già nua có phần hơi quá sức của sự “trưởng thành”, khi mà thân cây vẫn còn ấm nóng và hăng nồng mùi nhựa! Có lẽ do bản ngã của tôi quá lớn, khi tôi luôn muốn tự hào vỗ ngực để nói với người khác rằng tôi đã “lớn” một cách rất thành công. Khát khao muốn khẳng định bản thân trong tôi chưa bao giờ dừng lại, nó sục sôi và ghê gớm đến mức đôi khi chính tôi cũng chẳng hiểu nổi mình. Tuổi 19 tôi “hăng” như một con ngựa chiến đứt dây cương, điên cuồng lao mình vào những công việc làm thêm tiêu tốn một đống thời giờ chỉ để đổi lấy vài đồng bạc lẻ. Cuối cùng sau tất cả những tháng ngày ấy tôi mới nhận ra rằng thứ mà mình mua được nhiều hơn cả có lẽ không gì khác ngoài những bài học cuộc sống - những thứ mà tôi đã mơ hồ nghe về nó ở ngoài kia nhưng chưa ai dạy cho tôi biết về nó” (trích bài viết của Nguyễn Hữu Trung, Khoa Đông phương học),

Chủ đề cuộc thi “Tôi là ai trong thế giới này?” thực ra là một câu hỏi mở và nó chưa bao giờ đóng, kể cả khi cuộc thi này khép lại. Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một chủ đề muôn thuở ấy với niềm tin rằng, tất cả chúng ta, ai cũng có thể viết lại và viết tiếp những trang sách đời mình. VSL rồi sẽ là kỷ niệm, những giải thưởng hôm nay sẽ trở thành ký ức. Nhưng chúng ta đã viết, đã hy vọng, đã gặp nhau và đã đọc lẫn nhau, điều đó quý hơn mọi sự vinh danh. Vâng, xin chúc mừng tất cả 43 sinh viên đã làm nên giá trị cuộc thi này. Chúng tôi cảm ơn họ, trước khi cảm ơn 8 cây bút ấn tượng nhất, 8 cây bút đã vươn xa để nối chúng tôi với những tâm tư miên viễn của họ.

Kính thưa quý vị đại biểu, Kính thưa các thầy cô giáo, Thưa các bạn sinh viên!

Chúng tôi không phải là người mang đến giải thưởng. Chính các bạn đã khiến chúng tôi cảm thấy được tưởng thưởng xứng đáng như là một nơi để ngỏ mọi lời chào và hy vọng.

Chúc mừng cuộc thi, chúc mừng các bạn, và chúc mừng chúng ta với một mùa thi, mùa yêu thương, mùa của những suy tư và gửi gắm.

Kết quả cuộc thi Thư Việt Nam 2019

  • Giải Nhất: Apichit Mingwongtham (Thái Lan).
  • Giải Nhì: Leonie Elisha (CHLB Đức).
  • Giải Ba: Grzegorz Szyszkowski (Ba Lan).
  • Giải Khuyến khích: Hee Won You (Hàn Quốc), Dương Nhã Như (Trung Quốc), Sasaki Aika (Nhật Bản), nhóm tác giả Mun Jinyoung - Lee Sihwan - Chun Seunghwa - Chang HeeYoung (Hàn Quốc), Kwak Kwang I (Triều Tiên).
  • Giải được độc giả yêu thích nhất: Apichit Mingwongtham (Thái Lan).

Kết quả cuộc thi Cây bút VSL

  • Giải Nhất: Đoàn Thị Hiền (Khoa Quốc tế học).
  • Giải Nhì: Thạch Thanh Hà (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt).
  • Giải Ba: Nguyễn Hữu Trung (Khoa Đông phương học).
  • Giải Khuyến khích: Lê Thu Huyền (Khoa Văn học), Trịnh Ngọc Ánh (Khoa Xã hội học), Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt), Trần Hoài Bảo (Khoa Quốc tế học), Trần Văn Đạo (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt)..
  • Giải độc giả yêu thích nhất: Vũ Thị Thúy (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt).

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-trong-mat-em-1-702-18853

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-trong-toi-1-702-18846

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Tieng-Viet-ngon-ngu-dinh-menh-cua-doi-toi-1-702-18844

 

Tác giả: TS. Đặng Hoàng Giang, TS. Lê Thị Thanh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây