Ngôn ngữ
Tham dự có: GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trường trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted và đông đảo các đại biểu là những nhà khoa học đến từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, việc công bố quốc tế các công trình khoa học được coi là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của một trường đại học. Việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu và đưa các công trình đó đến với giới khoa học quốc tế, khẳng định tiềm năng và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam.
Bày tỏ lạc quan về những con số các công trình công bố quốc tế có thể đạt được trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn trong thời gian tới - từ bệ phóng chỉ có 7 công trình vào năm 2010, tới 54 công trình vào năm 2015, và trong 9 tháng năm 2016 đã có 40 công trình được công bố quốc tế, PGS.TS. Phạm Quang Minh cho biết, Tường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm này để sớm áp dụng nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học về lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Chia sẻ một số kinh nghiệm về công bố quốc tế, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tư vấn cách lựa chọn tạp chí, cần nghiên cứu lựa chọn đề tà riêng cho nhà trường, xây dựng ngân hàng đề tài để cùng nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh và dựa trên số lượng các công trình được công bố để làm căn cứ đánh giá cán bộ, từ đó nâng cao dần giá trị của đội ngũ chuyên gia đầu ngành.
TS. Trần Văn Kham, Phó trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, để thúc đẩy công bố quốc tế, cần các giải pháp cụ thể, rõ ràng. Cụ thể, về cơ chế, chính sách: Tiếp tục thực hiện các quy định khen thưởng, xây dựng quỹ đầu tư trọng điểm và quảng bá kết quả nghiên cứu; Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh và điều chỉnh các trung tâm nghiên cứu; Thành lập các nhóm trợ giúp để trợ giúp cá nhân hoặc các đề tài nghiên cứu thực hiện các sản phẩm nghiên cứu khoa học; Chuẩn hóa kỹ thuật nghiên cứu, phân tích dữ liệu; Nâng dần chỉ báo thực hiện nhiệm vụ khoa học; Đồng thời hợp tác với các nhà xuất bản, các học giả nước ngoài để thúc đẩy công bố quốc tế.
Theo TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted, việc công bố quốc tế phải được coi là nhiệm vụ của mỗi nhà khoa học. Đích đến không phải là bài báo mà là chất lượng, sức ảnh hưởng của mỗi công trình được công bố. Để góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế nói chung, Quỹ Nafosted đã đưa công bố quốc tế vào điều kiện cứng để cấp kinh phí cho các đề tài. Cùng với 9 lĩnh vực hỗ trợ: Hỗ trợ cá nhân nhà khoa học tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; Hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ; Hỗ trợ thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam; Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế; Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước; Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước đối với sáng chế và giống cây trồng; Hỗ trợ các nhà khoa học trẻ tài năng được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác; Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, quỹ Nafosted sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu - hội nhập quốc tế và phát triển.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề: Công bố quốc tế có khó không và công bố như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất đối với những đề tài nghiên cứu khoa học./.
Khánh Lan
Tác giả: Khánh Lan - Báo Điện tử ĐCSVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn