Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan, về phía có quan chính phủ có Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân – Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; về phía đại diện các cơ quan, trường đại học của Đức có TS. Stefan Kaufmann – thành viên của Quốc hội Liên bang Đức, GS. TS Martin Grossheim, Đại học Passau (Đức); về phía KAS có ông Peeter Girke – Trưởng Đại diện KAS tại Việt Nam; về phía Trường ĐHKHXH&NV có PGS. TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên của Khoa Quốc tế học. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chính sách Đổi mới toàn diện đất nước. Sau ba mươi năm thực hiện đường lối Đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện khác nhau. Về kinh tế, Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý-tập trung sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Về chính trị đã có nhiều sự dân chủ hóa. Về văn hóa-xã hội, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã và đang theo đuổi chính sách đa phương hóa và đa dạng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề và khó khăn đặt ra trên bước đường phía trước. Việt Nam có thể làm gì để tiếp tục con đường Đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay? Hội thảo Khoa học quốc tế “30 năm đổi mới: Thành tựu, bài học và triển vọng” được tổ chức nhằm trả lời câu hior nói trên.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh: “Đổi mới là một quá trình lâu dài chứ không phải đích đến có sẵn. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục tỏ ra tích cực và sáng tạo để tiếp tục quá trình này.” Hiệu trưởng cũng mong muốn Trường ĐHKHXH&NV sẽ là một diễn đàn mở để thảo luận và trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học về vấn đề này. Điều này gắn liền với tôn chỉ của Trường là “Trân trọng quá khứ và nắm lấy tương lai”. Chỉ có qua việc hiểu được những gì đã làm trong quá khứ, dù là thành tựu hay thất bại, ta mới có thể nắm được tương lai.
PGS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc hội thảo
Nhân sự kiện này, Trưởng Đại diện KAS tại Việt Nam là ông Peter Girke tiếp tục khẳng định KAS sẽ hỗ trợ và hợp tác với Trường ĐHKHXH&NV trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hội thảo lần này vừa nhằm mục đích nhìn lại những thành tựu, hạn chế, cơ hội, khó khăn của Việt Nam trong quá trình đổi mới; vừa là dịp so sánh sự phát triển của Việt Nam và CHLB Đức, nhất là so sánh giữa nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và nền kinh tế thị trường-xã hội của CHLB Đức. Mới đây, vào ngày 14/9/2016, Viện KAS đã phối hợp với Trường tổ chức thành công Hội thảo Khoa học quốc tế “Cộng đồng ASEAN sau một năm thành lập”.
Ông Peter Girke phát biểu tại hội thảo
Sau phần khai mạc, hội thảo đã lắng nghe bài phát biểu chính của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Bài phát biểu tập trung vào những nội dung cơ bản về Đổi mới là bối cảnh đất nước và quốc tế , những đặc điểm khi phát động công cuộc Đổi mới, những sự đổi mới về tư duy, một số chính sách lớn, cuối cùng là những kết quả chủ yếu trong 30 năm đổi mới, những vấn đề còn tồn tại và phương hướng tiếp tục đổi mới theo ĐH XII.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trình bày tham luận đề dẫn về đề tài Đổi mới tại Việt Nam
Hội thảo diễn ra liên tục với 5 phiên:
Phiên 1: “Phát biểu chính” gồm bài phát biểu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và bài thuyết trình “Đổi mới như là chìa khóa với quan hệ tốt đẹp giữa Đức-Việt Nam và đòn bẩy của hợp tác hữu nghị trong kinh tế, khoa học và giáo dục” của TS. Stefan Kaufmann.
Phiên 2: “Đổi mới nhìn từ góc độ so sánh” gồm các tham luận: “Hội nhập quốc tế của Việt Nam – Đôi điều so sánh cùng các nước trong khu vực”, “Lịch sử chưa chấm dứt” – Đổi mới Việt Nam nhìn từ góc độ so sánh.
Phiên 3: “Đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và ngoại giao” gồm các tham luận: “Hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng: 30 năm nhìn lại”, “Đổi mới trong lớp học – Lịch sử Việt Nam trong các giáo trình lịch sử Việt”, “30 năm quan hệ Việt-Mỹ: Từ cựu thù đến quan hệ đối tác toàn diện”, “Thành tựu đối ngoại đa phương – khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Phiên 4: “Đổi mới trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục” gồm các tham luận: “Thành tựu 30 năm đổi mới văn hóa ở Việt Nam”, “Đánh giá tác động pháp luật – một đổi mới trong hoạt động xây dựng pháp luật tại Việt Nam”, “Phát triển con người của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới: Thành tựu và hạn chế”, “Mô hình đánh giá chất lượng giáo dục đại học – một đổi mới của giáo dục của Việt Nam”
Phiên 5: “Những thách thức và triển vọng của Đổi mới” gồm các tham luận: “Ba mươi năm sau Đổi mới, Việt Nam cần đổi mới lần hai với phạm vi và cường độ mạnh mẽ hơn”, “Đổi mới văn hóa ở Việt Nam: Một số suy nghĩ về thành tựu, hạn chế và định hướng phát triển”.
PGS. TS Phạm Quang Minh chụp ảnh cùng Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan và các đại biểu tham dự hội thảo
>>>Tin bài liên quan:
- [Video] Hội thảo Khoa học quốc tế “30 năm đổi mới: Thành tựu, bài học và triển vọng”
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn