Ngôn ngữ
Hội thảo quốc tế "Đề xuất chính sách thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học Việt Nam" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở - Bộ Khoa học và Công nghệ và Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam tổ chức. Tham dự hội thảo có sự quy tụ của các chuyên gia, nhà khoa học từ các cơ quan chuyên ngành, Hiệp hội, Liên hiệp hội, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và lãnh đạo Trung tâm Thư viện của hơn 40 trường đại học trên phạm vi cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Là một quốc gia đang phát triển, đối với Việt Nam, học liệu mở càng mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây sẽ là nguồn tài nguyên học thuật rất quý giá, hỗ trợ đắc lực hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp giải quyết căn bản khó khăn về học liệu đại học từ nhiều năm nay." Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là trường đi tiên phong ở Việt Nam trong việc tìm hiểu, nghiên cứu cũng như thúc đẩy phong trào xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở(*). Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ hy vọng rằng, những vấn đề được nêu và thảo luận trong hội thảo lần này sẽ tạo tiền đề quan trọng để vấn đề xây dựng và phát triển bền vững tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam đi vào thực chất, phục vụ đắc lực cho công tác giáo dục và đào tạo nói chung, cũng như cho quá trình tự học, tự nghiên cứu và học tập suốt đời của người học.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của tài nguyên giáo dục mở là cần thiết và góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh việc bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, phát triển tài nguyên giáo dục mở là phương tiện đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao tri thức cũng như công bố các kết quả nghiên cứu khoa học với toàn xã hội.
Trong chương trình hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia về OER đã trình bày báo cáo khảo sát cũng như đề xuất các chính sách và tổ chức thực hiện việc phát triển OER trong giáo dục đại học Việt Nam.
TS. Nghiêm Xuân Huy (Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN) trình bày Báo cáo khảo sát tình hình sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam
Báo cáo khảo sát tình hình sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam cho thấy, hiện nay, mức độ tích cực của việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho mục đích đào tạo và học tập là khá cao. Giảng viên, sinh viên đã khai thác tài nguyên giáo dục mở như một trong những nguồn học liệu quan trọng. Tuy nhiên, một số rào cản trong quá trình triển khai tài nguyên giáo dục mở được chỉ ra, đó là vấn đề về nhận thức về OER còn hạn chế, chính sách của trường về phát triển OER, e ngại vi phạm bản quyền, thiếu các trang thiết bị và kỹ năng cần thiết về công nghệ... Báo cáo cũng cho thấy, bản thân các thư viện nhận thức khá rõ ràng về vai trò trung tâm của mình trong phát triển OER. Tuy nhiên, khi xét về phương diện một cộng đồng cần sự liên kết và phối hợp với giữa thư viện của các trường thì mức độ sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên còn hạn chế.
Để phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng chương trình quốc gia về tài nguyên giáo dục mở, giúp tạo lập nền tảng cơ bản về hạ tầng công nghệ và nguồn dữ liệu ban đầu, trên cơ sở đó các trường đại học sẽ bổ sung và phát triển tài nguyên giáo dục mở quốc gia.
Các nhà khoa học, các chuyên gia và lãnh đạo các trung tâm thư viện của các trường đại học trên cả nước sôi nổi thảo luận
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan hữu quan để triển khai áp dụng hệ thống giấy phép CC (Creative Commons Licences) tại Việt Nam. Cùng với đó là việc xây dựng bộ công cụ hướng dẫn tạo lập, sử dụng và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở như cẩm nang cho tất cả các tổ chức và cá nhân muốn tham gia phát triển nguồn tài nguyên này, cũng như xây dựng cổng thông tin quốc gia về tài nguyên giáo dục mở bao gồm các nguồn trong nước và quốc tế.
Kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Văn Hùng, Chủ nhiệm Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, thay mặt Ban tổ chức tổng kết những nội dung quan trọng của Hội thảo. Các vấn đề nổi cộm cần tiếp tục triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của OER trong tương lai, đó là: nhận thức của cộng đồng và cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, hai đối tượng quan trọng được nhấn mạnh qua hội thảo này là thư viện trường đại học và các công ty công nghệ. Hội thảo cũng đã thể hiện được tính kết nối và quyết tâm trong vấn đề phát triển OER thông qua việc ký biên bản hợp tác tài nguyên giáo dục mở giữa các trường đại học Việt Nam.
Ký kết biên bản hợp tác phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam
Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
----------------------------------------------------
(*):Tháng 12/2015, Trường ĐHKHX&NV tổ chức thành công Hội thảo quốc tế ”Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. Đây là hội thảo đầu tiên tại Việt Nam đề cập đến vấn đề tài nguyên giáo dục mở.
Các tham luận trình bày tại hội thảo: 1. Báo cáo khảo sát tình hình sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam - TS. Nghiêm Xuân Huy - ĐHQGHN 2. Bản đề xuất chính sách cho tài nguyên giáo dục mở Việt Nam - TS. Đỗ Văn Hùng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN 3. Giấy phép CC (Creative Commons Licences) - một cách tiếp cận ưu việt để phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam - TS. Đinh Thị Thanh Nhàn - ĐH Thương Mại 4. VOER - giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn giáo trình và học liệu chất lượng cao của giáo dục Việt Nam - Đỗ Ngọc Minh - Đại diện Quỹ Vietnam Foundation 5. WikiHow - một nền tảng thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam - Bà Bridget Fiona Connolly - Director of International Development - wikiHow 6. Khai thác dữ liệu và nền tảng của Open Development Mekong và Open Development Vietnam như một tài nguyên giáo dục mở - Penhleak Chan - East - West Management Institute, Open Development Initiative 7. Bản địa hoá và chương trình OER@University Roadshow ở Việt Nam - Lê Trung Nghĩa - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở (RDOT) Tài liệu toàn văn hội thảo có thể tải về tại đây: http://flis.edu.vn/oer2 |
Tác giả: Lê Thu Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn