Sáng nay, 29/8/2012, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức Hội thảo “Hàn Quốc học: khía cạnh mới trong hợp tác ở Đông Nam Á”.
Đây là hội thảo thường niên lần thứ V của Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc học tại Đông Nam Á (KoSASA) mà Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) là một thành viên chủ chốt. Hội nghị được tài trợ của Quỹ Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc (AKS) và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc - Đại học New South Wales (KRI).
Tham dự Hội thảo có TS Lê Đình Tiến (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc ĐHQGHN), TS Woosang Kim (Chủ tịch Quỹ Hàn Quốc), GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng gần 80 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ các đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc, Australia và các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipin, Campuchia, Lào…
Trong phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh đến xu hướng hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia trong kỉ nguyên toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Là một khu vực năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, các quốc gia Đông Nam Á đã sớm thiết lập mối quan hệ với Hàn Quốc về kinh tế, văn hoá, chính trị. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc học ở Đông Nam Á đã cho ra đời những nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn, đóng góp quan trọng trong hoạt động hợp tác về học thuật giữa các quốc gia.
Là một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế của Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đóng vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc học những năm gần đây, đặc biệt là quan tâm nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình phát triển hiệu quả của Hàn Quốc - một quốc gia có những đặc điểm văn hoá khá tương đồng với các nước Đông Nam Á nói chung. Từ 2005, Trường ĐHKHXH&NV cùng các đại học Đông Nam Á đã thiết lập mối quan hệ với KRI để phát triển Hàn Quốc học cũng như phát triển mạng lưới nghiên cứu Hàn Quốc học ở khu vực Đông Nam Á thông qua các hội thảo quốc tế và các dự án nghiên cứu liên quốc gia. Từ năm 2007, hai bên đã tiến hành nghiên cứu đánh giá vai trò của chính phủ ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong phát triển kinh tế nội địa trong liên hệ so sánh quốc tế với Hàn Quốc – một mô hình phát triển kinh tế thành công ở Đông Á. Giai đoạn 2 (2011-2012) của nghiên cứu này đã và đang tiếp tục được Trường ĐHKHXH&NV và KRI thực hiện, tập trung vào nghiên cứu so sánh giữa các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc trên 3 lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu khu vực công; cải tiến chính phủ điện tử, văn hoá và công nghiệp văn hoá. GS.TS Nguyễn Văn Khánh cho biết những kết quả nghiên cứu cửa dự án trên sẽ được công bố tại hội thảo lần này. Ông cũng cho rằng, đây là cơ hội quý giá để trao đổi kinh nghiệm phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc, không chỉ trong lĩnh vực Hàn Quốc học mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: kinh tế, chính trị, văn hoá, nhân học…
Từ khi thành lập đến nay, KoSASA rất thành công trong việc tổ chức 4 hội nghị quốc tế về chủ đề: Hàn Quốc học ở Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2010-2012, các trường đại học thành viên của KoSASA đã tiến hành một số nghiên cứu bao gồm các xu hướng mới về nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc học từ cách tiếp cận học thuật khác nhau. Hội thảo lần này nhằm tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác của các đơn vị chủ chốt, các thành viên KoSASA bằng cách chia sẻ và tìm hiểu các hướng đi đa dạng và sâu sắc hơn để phát triển ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á giai đoạn tiếp theo.
Đánh giá về sự phát triển của Hàn Quốc học tại Việt Nam, TS Lê Đình Tiến (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu: “Nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng và chủ trương mở rộng các chương trình nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc học ở Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tốt của xã hội”. Hiện nay, Việt Nam có 10 trường đại học và 01 viện nghiên cứu có nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc, trong đó có 6 trường tập trung nghiên cứu và đào tạo về ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc, 4 trường và 1 viện nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc học như một ngành học riêng biệt với các kiến thức kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục... của Hàn Quốc. Trong số đó, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là một trong những đơn vị đi đầu về nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc học, mà ở đó, đào tạo tiếng Hàn được coi là công cụ ngôn ngữ không thể thiếu trong quá trình đào tạo các chuyên gia về các lĩnh vực của đời sống xã hội và con người Hàn Quốc.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc ĐHQGHN) thì nhận xét: Đây là hội thảo toàn diện về Hàn Quốc học - một cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu Hàn Quốc ở Việt Nam có tiếp xúc với các chuyên gia trong khu vực, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc học nhằm phát triển hơn nữa ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.
Trong phiên họp ngày mai, 30/8, nhiều kết quả nghiên cứu về Hàn Quốc học sẽ được công bố tại 4 tiểu ban: Đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc ở Đông Nam Á; Dạy tiếng và ngôn ngữ học; Kinh tế chính trị và cải cách khu vực công; Văn hoá, công nghiệp hoá và nhân văn. Bên cạnh đó, sẽ có một nội dung trao đổi đặc biệt liên quan đến “Phát triển quốc gia và chia sẻ kinh nghiệm” với 3 tiểu chủ đề: chính sách xuất khẩu, chính sách đổi mới quốc gia, chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.