Nơi ta đến là nơi bắt đầu

Thứ sáu - 20/03/2015 02:50
Nhân dịp ngày 8/3, Thường vụ Công đoàn và Ban Nữ công Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức chuyến đi về nguồn thăm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Quảng Bình và khu tưởng niệm mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày 06-07/03/2015. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người thầy đầu tiên của Đại học Văn Khoa, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, do Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập năm 1945. Chuyến đi đã để lại cho nhiều người với nhiều xúc cảm, suy tư về một thời chiến tranh đã đi qua, về những giá trị nhân văn đã được vun đắp bằng những hy sinh to lớn vì độc lập tự do cho dân tộc. USSH xin trích đăng một bài viết ghi lại suy tưởng của cô Nguyễn Phương Liên, Khoa Văn học, một thành viên trong đoàn.
Nơi ta đến là nơi bắt đầu
Nơi ta đến là nơi bắt đầu

- Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều 
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu 
Ngày bom vùi tóc tai bết đất 
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được 
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang 
Cho mọc dậy vài cây Bồ Kết 
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Những câu thơ của Vương Trọng dành cho những người con gái nơi ngã ba Đồng Lộc xao xuyến trong giọng Hà Tĩnh đa tình, đa cảm của thầy Liệu đã vang lên khi đoàn xe chở hơn 100 cán bộ của trường Nhân văn chạm tới mảnh đất quê hương đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Khi đứng trước mộ của mười người con gái trẻ, không ai bảo ai, chị em đưa mắt kiếm tìm bóng dáng hai cây bồ kết đang tỏa bóng phía trên cao, ôm trùm một vòng tay quanh khu mộ. Tần ngần trước hố bom, rồi lặng lẽ tản bộ quanh khu di tích, nhiều người nhanh chóng nhận ra trong muôn vàn những cây xanh mà các đoàn thể cá nhân mang về trồng quanh đây, còn rất nhiều cây bồ kết khác đang kết quả. Không biết có phải lời thỉnh câu của thơ ca đã lan tỏa thật xa, để những tấm lòng biết nhớ về nguồn cội chung tay phủ xanh mảnh đất còn in dấu những hố bom này bằng loài cây dành riêng cho mái tóc dài con gái hay không?

Mà phải rồi, ở đây đâu chỉ có sự tưởng nhớ dành cho mười người con gái trẻ, phía bên trong Nhà tưởng niệm kia, có danh sách hàng trăm thanh niên xung phong đã ngã xuống quanh dải Trường Sơn. Ngước mắt nhìn những tấm bia đá khắc tên tuổi, quê hương của những con người còn rất trẻ đã ngã xuống vì ngày hôm nay, mỗi người đều dừng chân, vừa nhẩm đọc vừa thầm thì khe khẽ những lời cảm thán. Ngày lễ, những đoàn khách viếng thăm đổ về đây càng đông hơn, lư hương lớn là thế mà chặt cứng những chân hương đang nghi ngút. Mỗi một nén hương được thắp lên, chí ít cũng mang theo một dòng suy tưởng vụt qua về những người đã khuất, về cái quý báu của hòa bình giành lại được bằng biết bao sự hy sinh. Vậy thì, với ngàn vạn chân hương nơi đây, ý thức hướng về nguồn cội không còn xa xôi mà đã là một hiện thực rõ ràng, lớn lao. Và mỗi một làn khói bay lên lại khiến cho tri ân quá khứ trở thành một điều gần gũi.    

Đoàn tham quan của Nhà trường tại Vũng Chùa - Đảo Yến nơi yên nghỉ của Đại tướng (Ảnh: Nguyễn Phương Liên)

Sáng nay, tại mỗi điểm dừng, sự thành kính cứ lan tỏa trên khuôn mặt của từng người trong đoàn mỗi lần chia cho nhau những nén hương. Dù tiết xuân đang hửng dần lên, nét vui cười nhanh chóng nhường chỗ cho những phút trầm tư, suy tưởng. Có phải vì những người nằm dưới mộ còn quá trẻ, Lý Tự Trọng và mười cô gái Đồng Lộc đều có số tuổi ít hơn các cán bộ trong đoàn? Hay vì những người đã theo đuổi những ngành khoa học bồi đắp cho sự phát triển của tâm hồn, đặc biệt là phụ nữ, vốn dễ rung động, giàu xúc cảm; cho nên nỗi xót thương càng dễ dàng và nhanh chóng hòa vào với sự biết ơn từ thẳm sâu, với tấm lòng thành thực hướng về quá khứ? Ở ngã ba Đồng Lộc, ở khu mộ Lý Tự Trọng, bát hương đều bùng lên hóa, có lẽ vì những lý do ấy chăng?

Mới chiều ngày hôm qua, tề tựu trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nối tiếp nhau dâng hương, những giây phút trầm ngâm đã nhanh chóng thay thế bao tiếng cười rộ trên quãng đường dài. Nhiều người nán lại ngắm nhìn cảnh bãi biển nước xanh cát trắng và rặng núi hùng vĩ xanh ngút ngàn mà bâng khuâng lắng nghe lời thầy Kháng khẽ nói “chỗ này khí tụ rất cao...”  Chợt thấy yên lòng thêm khi giữa đường bờ biển dài hơn ba ngàn cây số có người anh cả của quân đội nằm đó, nhìn ra phía biển Đông như một lời nhắn nhủ âm thầm. Hướng ra phía đảo Yến, mấy em bé theo mẹ đi cùng đoàn đang tung tăng vui đùa trên bãi cát đẹp như thơ. Ơi những đôi mắt trong veo, chắc các bé còn chưa hiểu hết những điều người lớn cảm thấy trong chuyến đi 2 ngày này! Nhưng để dạy cho thế hệ sau lòng biết ơn, những chuyến đi như thế sẽ trở thành nước mưa trong lành ngấm dần vào mạch đất. Và truyền thống, điều mà khoa học xã hội và nhân văn có nhiệm vụ giữ gìn,  chắc chắn sẽ vững bền hơn bằng sự kế tục đó mà thôi!   

Tác giả: Nguyễn Phương Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây