Ngôn ngữ
Có ý kiến cho rằng, trong cuốn Những điều cần biết về kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010 có 10 ngành của ĐHKHXH&NV Hà Nội tuyển sinh khối A là do lỗi in ấn, còn nhà trường không tuyển sinh khối A. Ý kiến này không đúng. Như đã thông báo chính thức, năm 2010, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội có 10 ngành tuyển sinh khối A bên cạnh các khối C, D. Có ý kiến cho rằng các ngành tuyển sinh của trường chỉ phù hợp với thí sinh thi khối C, D vốn có khả năng ghi nhớ, học thuộc mà thôi. Đây là ý kiến mà tôi cho là cần phải luận bàn nhiều nhất. Không có căn cứ nào ngoài thói quen, nếp nghĩ của một bộ phận thí sinh và xã hội, là đồng nhất khoa học xã hội và nhân văn với văn, sử, địa hay với việc học thuộc lòng. Đó là một quan niệm không thoả đáng. Từ khi chúng ta hình thành các khối thi tuyển sinh đại học A, B, C, D… thì chính chúng ta đã đưa một giới hạn nhất định về nguồn tuyển đầu vào cho các ngành khi gắn A, B với tự nhiên, công nghệ, kinh tế; và C, D với khoa học xã hội và nhân văn… Nếu nhìn ra thế giới, nhiều nước tuyển sinh vào đại học thông qua chấm điểm hồ sơ học sinh THPT hoặc các kì kiểm tra mà chủ yếu là toán, ngôn ngữ mẹ đẻ… thì chúng ta sẽ thấy có sự vô lí khi định hình khối C, D là “độc quyền” của khoa học xã hội và nhân văn. Điều quan trọng là năng lực của thí sinh dự thi khối A, B có đáp ứng yêu cầu đầu vào của các ngành khoa học xã hội và nhân văn hay không. Rõ ràng là, nếu đứng từ tiêu chí “học thuộc lòng” thì dù khối nào, lượng kiến thức phải học thuộc cũng như nhau. Như vậy, năng lực tư duy, phương pháp và cả “vốn xã hội” mới là nền tảng cho thiên hướng học đại học của thí sinh, từ đó quyết định sự thành công của họ trong môi trường đại học. Từ năm 2001 về trước (khoá 46), Trường ĐHKHXH&NV vẫn tuyển sinh khối A vào một số ngành. Nhưng khi đó, số thí sinh trúng tuyển khối A không phải ở mức điểm cao. Chính vì vậy, nhà trường đã dừng lại việc tuyển nguồn đầu vào từ khối A, B. Một số năm gần đây, trong phạm vi kì thi 3 chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQGHN đã chủ trương lấy mức điểm sàn cao để đón nhận những thí sinh có năng lực tốt nhất vào học. Trong bối cảnh ấy, nếu có thí sinh dự thi khối A thì nhà trường vẫn hoàn toàn có thể tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp. Chứ không buộc phải tuyển khối A điểm thấp và phải bớt chỉ tiêu của khối C, D điểm cao như trước đây. Với ý nghĩa như vậy, việc nhà trường tuyển sinh khối A không phải là để “hút thêm thí sinh dự thi” mà là để mở rộng nguồn tuyển đầu vào có chất lượng cao ngoài khối C, D. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho những thí sinh có năng lực thi tuyển khối A được học đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Theo nghĩa ấy, đó cũng là công bằng xã hội trong tuyển sinh. Sẽ không có việc mặc định có bao nhiêu phần trăm cho khối A, khối C hay khối D. Nhà trường sẽ xác định điểm chuẩn cho từng khối tuyển căn cứ trên kết quả dự thi. Bởi vậy, đối với thí sinh, bạn hãy thực hiện bài thi hết khả năng của mình và nếu có kết quả cao, cơ hội của bạn là rộng mở. Chính thí sinh mới là người tạo ra căn cứ để định điểm chuẩn cho từng ngành theo từng khối.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn