Tin tức

Thuyết trình "NATO và an ninh Châu Âu”

Thứ ba - 01/11/2016 23:58
Sáng ngày 1/11/2016, GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) và đông đảo các cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế học, Khoa Khoa học Chính trị đã đón tiếp và lắng nghe bài thuyết trình của TS Andrew Cottey (Trưởng Khoa Chính phủ, Đại học College Cork - Ireland) với chủ đề “NATO và an ninh Châu Âu”.
Thuyết trình
Thuyết trình "NATO và an ninh Châu Âu”

Tại buổi tiếp đón, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã giới thiệu về các thành tựu chính trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các định hướng nghiên cứu chính của Nhà trường; trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng đại học nghiên cứu, tăng cường các dự án nghiên cứu. Để thúc đẩy hoạt động này, Trường mong muốn được học tập, trao đổi kinh nghiệm học thuật với các học giả nước ngoài. Do đó, buổi thuyết trình của TS Andrew Cottey có ý nghĩa rất lớn với không chỉ các cán bộ giảng viên mà còn với sinh viên của Trường.  

 

GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) giới thiệu về Trường tới TS Andrew Cottey

Mở đầu bài thuyết trình, TS Andrew Cottey điểm một số nét về bối cảnh lịch sử của Châu Âu. Trong lịch sử, Châu Âu duy trì một trật tự cân bằng đa cực, với đặc điểm là các liên minh cạnh tranh nhau và chiến tranh giữa các cường quốc như hai cuộc Thế chiến vào thế kỷ 21. Trong Chiến tranh lạnh, Châu Âu được phân chia thành 2 cực Đông-Tây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ III nhưng cũng chứng kiến sự nổi lên của một cộng đồng an ninh ở Tây Âu. Sau Chiến tranh lạnh, Châu Âu đã củng cố cộng đồng an ninh và mở rộng sang phía Đông, Trung Âu với hy vọng thắt chặt quan hệ hơn với Nga, đồng thời triển khai “sức mạnh mềm” nhiều hơn, đặc biệt là thông qua EU.

Tiếp đó, TS Andrew Cottey đề cập tới tình hình an ninh hiện nay ở Châu Âu. Ở phía Đông Âu, NATO và EU thực hiện chính sách ngoại giao hai bước, vừa mở rộng sang Trung và Đông Âu, vừa thắt chặt quan hệ hơn với Nga. Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị vẫn có thể châm ngòi một cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai giữa phương Tây và Nga, khi Nga ngày càng tỏ ra xác quyết và hung hãn hơn, với đỉnh điểm là cuộc xung đột ở Ukraine năm 2014-2015. Ở phía Nam Âu, cuộc chiến tranh Syria nổ ra năm 2011, cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người, khiến gần 5 triệu người phải tị nạn và khơi mào cho sự thành lập của Nhà nước IS. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng nhập cư ở Châu Âu đã và đang tiếp diễn, với khoảng 1 triệu người nhập cư tới Châu Âu năm 2015, trong khi nội bộ EU vẫn còn bất đồng về chính sách nhập cư của khối. Về phần NATO, dường như tổ chức này phải thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động trong khuôn khổ các quốc gia thành viên, thông qua các chương trình và kế hoạch phản ứng nhanh ở Trung và Đông Âu. Mặt khác, NATO phải ngăn ngừa rủi ro xung đột với Nga thông qua những biện pháp xây dựng lòng tin và củng cố an ninh (CSBM), cũng như phải cân bằng chính sách ở phía đông với phía nam.

TS. Andrew Cottey trình bày về những khó khăn của EU nói riêng và Châu Âu nói chung hiện nay

Đứng trước những thách thức này, có thể nói tình hình an ninh Châu Âu năm 2016 là đáng lo ngại. Châu Âu phải tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Syria, hàn gắn mối quan hệ lục đụa trong lòng EU, cân bằng giữa “sức mạnh cứng” và sức mạnh mềm”, tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính ở Eurozone, cũng như ứng phó với hành vi của Anh Quốc sau Brexit. Tháng 6/2016, EU xuất bản ‘Chiến lược Toàn cầu EU’ về chính sách đối ngoại, Nhưng theo TS Andrew Cottey, khó mà tìm ra giải pháp dễ dàng cho những vấn đề đối ngoại của EU.

Quang cảnh buổi thuyết trình

Để kết luận, TS Andrew Cottey đặt ra một số hệ lụy của khủng hoảng an ninh Châu Âu với Châu Á. Theo ông, Nhà nước Hồi giáo IS cũng như cuộc chiến ở Syria sẽ trở thành vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng tới không chỉ Châu Âu mà toàn thế giới, trong đó có Châu Á. Thêm vào đó, một cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây, với hệ quả là sự mất cân bằng trong tam giác Nga-Trung-phương Tây sẽ không hề có lợi cho Châu Á. Cuối cùng, sự sa sút của kinh tế Châu Âu sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới Châu Á, bởi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước Châu Á vẫn dựa nhiều hàng xuất khẩu tới Châu Âu.

Bài thuyết trình của TS Andrew Cottey nhận được nhiều trao đổi và câu hỏi từ phía các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường về những vấn đề như bản chất quan hệ an ninh giữa EU và NATO, triển vọng của chính sách phòng thủ an ninh chung của EU, vị trí của nước Anh trong NATO trước và sau Brexit, hệ lụy của Brexit với chủ nghĩa ly khai tại Châu Âu, chính sách của các nước trong EU với người nhập cư từ Châu Phi-Trung Đông…

Một sinh viên nước ngoài đặt câu hỏi cho TS Andrew Cottey

                                TS Andrew Cottey chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên Khoa Quốc tế học và Khoa Khoa học Chính trị

TS. Andrew Cottey là Giảng viên Kỳ cựu, Trưởng Khoa Chính phủ, Đại học College Cork, Ireland. Ông thường xuyên nghiên cứu, giảng dạy về khoa học chính trị, đặc biệt là quan hệ quốc tế. Ông từng làm việc tại Khoa Nghiên cứu Hoa bình, Đại học Bradford, là Trợ lý Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Giáo sư Thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Các hướng nghiên cứu chính của TS Cottey là chính sách đối ngoại, an ninh và phòng thủ Châu Âu, đặc biệt là quan hệ giữa EU và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây