Các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam giai đoạn cận hiện đại - giá trị và khả năng tiếp cận

Thứ bảy - 29/10/2016 13:33
Với mong muốn lập một diễn đàn để các nhà khoa học và quản lý về lưu trữ của các quốc gia có cơ hội thảo luận, chia sẻ về thông tin trong tài liệu lưu trữ hiện đang nằm trong lưu trữ của nhiều quốc gia, lãnh thổ, vừa qua, ngày 27/10/2016, khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã phối hợp với Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam giai đoạn cận - hiện đại: Giá trị và khả năng tiếp cận".
Các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam giai đoạn cận hiện đại - giá trị và khả năng tiếp cận
Các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam giai đoạn cận hiện đại - giá trị và khả năng tiếp cận

Một số hình ảnh khác của hội thảo

Video hội thảo

Hội thảo đã thu hút được hơn 50 tham luận của các nhà khoa học và quản lý từ nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Pháp, Đức, Mỹ, Liên bang Nga, Nhật. Ngoài 04 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia lớn của Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ) và của Đảng về lưu trữ (Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng), tác giả của các tham luận là các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như lưu trữ học, sử học, xã hội học, Hán Nôm, Hồ Chí Minh học, hành chính học...

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào khẳng định các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam giai đoạn cận hiện đại rất đa dạng và hiện đang được quản lý ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ với nhiều loại hình khác nhau như tài liệu hành chính, tài liệu phim ảnh ghi âm, tài liệu, tư liệu bản đồ, tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật số. Đây là những quốc gia có nhiều mối liên hệ với Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại.

Khối lượng tài liệu lưu trữ đồ sộ đó hiện đang được bảo quản và phục vụ khai thác, sử dụng tại lưu trữ quốc gia, lưu trữ các tổ chức chính trị, trường đại học hay lưu trữ tư nhân của các cá nhân, gia đình, dòng họ ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.

Nguồn phong phú của các nội dung tài liệu lưu trữ phản ánh tiềm năng về giá trị to lớn và phong phú của các nguồn sử liệu này đối với nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, quan hệ quốc tế...

TS. Đào Đức Thuận, Trưởng khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN trình bày báo cáo đề dẫn của hội thảo

Nếu được tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả, nguồn thông tin từ các sử liệu chính thống, trung thực và khách quan này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều sự kiện và hiện tượng lịch sử Việt nam trong giai đoạn cận hiện đại.

Các tham luận tại hội thảo đều ủn hộ chủ trương hợp tác, chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ  trong xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Trên tinh thần đó cũng với quy định pháp lý hiện hành của từng quốc gia, lãnh thổ trong lĩnh vực lưu trữ và thông tin các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học đều có cơ hội tiếp cận tương đối bình đẳng với các nguồn tài liệu, tư liệu để phục vụ nghiên cứu của mình.

Các diễn giả cũng đều đồng tình rằng, cơ quan quản lý về công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ của các nước có liên quan cần tăng cường và phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác sẵn có nhằm đạt được mục đích cuối cùng và tối quan trọng của hoạt động lưu trữ là phát huy tối đa giá trị của tài liệu phụ vụ cho các mục đích khác nhau của đời sống xã hội.

Trên cơ sở nội dung các báo cáo tham luận, ban tổ chức hội thảo tiếp tục thảo luận sâu hơn vào các vấn đề: hiện trạng quản lý tài liệu lưu trữ về Việt Nam tại Lưu trữ các nước; Giá trị nổi bật về hình thức và nội dung của các nguồn tài liệu, tư liệu lưu trữ về Việt Nam trong từng lĩnh vực; Quy chế pháp lý của Lưu trữ các quốc gia liên quan tới vấn đề khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ nói chung và tài liệu lưu trữ về Việt nam nói riêng; Khả năng hợp tác trong chia sẻ nguồn lực thông tin tài liệu lưu trữ giữa các nước và tiềm năng trong nghiên cứu và đào tạo về lưu trữ.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc của hội thảo

Hội thảo diễn ra cả ngày, với 7 phiên và chia làm 2 tiểu ban làm việc:

Tiểu ban 1 với chủ đề các nguồn tài liệu lưu trữ về chính trị - lịch sử Việt Nam thời cận đại, hiện đại. Một số báo cáo trình bày trong tiểu ban là: Một số nguồn tài liệu phương Tây về lịch sửu Việt Nam: Hiện trạng khai thác và triển vọng nghiên cứu; Nguồn tài liệu lưu trữ về lịch sử Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc: Cái bẫy của sự đa dạng; Danh mục liên quan đến Hồ Chí Minh của các phông liên hợp SLOTFOM (4001-4014 COL), SPCE (6 HCI); Di tích tài liệu lưu trữ và bằng chứng: Nguồn sử liệu phục vụ nghiên cứu lịch sử hiện đại vùng núi phía Bắc Việt Nam...

Tiểu ban 2 với chủ đề nguồn tư liệu về kinh tế - xã hội Việt Nam thời cận, hiện đại. Một số báo cáo được trình bày tại hội thảo là: Giới thiệu khối tài liệu lưu trữ của công ty thương mại Nhật Bản tại Việt Nam thời kỳ cận đại, hiện đại - DAINAN KOOSI; Nguồn sử liệu về di dân ở Việt Nam: Trường hợp người Nhật Bản (1880-1950); Tài liệu về các hội hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp và Việt Nam...

 Đây là diễn đàn bổ ích cho giới quản lý và khoa học có điều kiện bản luận, đánh giá về giá trị của các nguồn sử liệu về Việt Nam, tạo cơ hội cho giới học thuật của các quốc gia quan tâm hiểu rõ được khả năng tiếp cận các nguồn tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.

Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 20 năm thành lập khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (1996-2016) và hướng tới kỉ niệm dấu mốc 50 năm đào tạo đại học lưu trữ ở Việt Nam (1967-2017).

Tác giả: Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây