Ngôn ngữ
Tại toạ đàm lần này, các nhà nghiên cứu trẻ đem đến hai nghiên cứu mới.
NCS. Phạm Hoàng Hưng (Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học) đã trình bày báo cáo “Vấn đề thừa kế của phụ nữ trong bộ luật ‘Goseibai Shikimoku – Ngự thành bại thức mục’ thế kỷ XIII (Nhật Bản) và ‘Quốc triều hình luật’ thế kỷ XV (Việt Nam). Báo cáo đã khái quát lại hai bộ luật trên và làm rõ cả hai bộ luật đều công nhận quyền thừa kế tái sản của phụ nữ. Đây là quan điểm mà luật pháp hình mẫu Trung Quốc không hề có. Từ đó, tác giả cho rằng Việt Nam và Nhật Bản là những quốc gia phong kiến có nền kinh tế trọng nông và thừa nhận tài sản tư hữu.
NCS. Phạm Hoàng Hưng trình bày báo cáo “Vấn đề thừa kế của phụ nữ trong bộ luật ‘Goseibai Shikimoku – Ngự thành bại thức mục’ thế kỷ XIII (Nhật Bản) và ‘Quốc triều hình luật’ thế kỷ XV (Việt Nam)
Bình luận về bài viết, PGS.TS Phan Hải Linh (Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học) cho rằng tham luận đề cập đến một vấn đề thú vị trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản là quyền thừa kế của phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến, đồng thời đã làm sáng tỏ vấn đề chính là quyền thừa kế của phụ nữ thể hiện trong hai bộ luật và sử dụng được nhiều nguồn tư liệu gốc có giá trị để tham khảo. PGS.TS Vũ Thị Phụng (Khoa Lưu trữ học và QTVP) coi đây là đề tài có ý nghĩa không chỉ để nhận diện quá khứ mà còn cho thấy quan điểm của các nhà nước đương thời với vai trò, vị trí của phụ nữ. Tuy nhiên, bài viết cần phân tích sâu hơn vị thế của người phụ nữ trong xã hội đương đại ở Nhật Bản và việt Nam, đồng thời nên tham khảo thêm một số bài viết về vấn đề thừa kế tài sản phụ nữ trong pháp luật phong kiến nói chung và Bộ luật Hồng đức nói riêng.
TS. Võ Minh Võ (Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học) trình bày báo cáo “Sự hiện diện của karayuki-san ở Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920”. Báo cáo khảo sát mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Nam Á dựa trên việc tìm hiểu về sự hiện diện của nhóm phụ nữ Nhật Bản ra nước ngoài làm việc, còn gọi là karayuki-san ở Đông Nam Á giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920, hthoong qua tư liệu ghi chép, thống kê của Nhật. Sự hiện diện của karayuki-san ở nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á, là một hiện tượng xã hội xuất hiện cùng với quá trình một số lượng lớn người Nhật di cư ra nước ngoài.
TS. Võ Minh Vũ trình bày báo cáo “Sự hiện diện của karayuki-san ở Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920”
Bình luận về bài viết, TS Phạm Văn Thủy (Khoa Lịch sử) cho rằng việc lựa chọn một vấn đề thuộc lịch sử xã hội – hoạt động mại dâm của phụ nữ Nhật ở Đông Nam Á – là một hướng tiếp cận mới mẻ của tác giả. TS. Nguyễn Mạnh Dũng (Viện Chính sách và Quản lý) thì cho rằng tác giả đã khảo cứu toàn diện và hệ thống về sự hiện diện của sakayuki-san ở Đông Nam Á về số lượng, niên đại và nghề nghiệp tuy nhiên cần làm rõ một số luận điểm hơn như sự hiện diện của karayuki-san ở Đông Nam Á và Việt Nam, khái niệm “hiện tượng xã hội”, một số tài liệu từ lịch sử truyền miệng của Nhật.
Chuỗi tọa đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và Châu Á” do Quỹ Toshiba tài trợ nhằm hướng tới thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và giao lưu học thuật của cán bộ trẻ, đồng thời đẩy mạnh chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học mới về Nhật Bản nói riêng và Châu Á nói chung.
Tác giả: Trần Minh, Ảnh: Thanh Hà, video: Đình Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn