Tin tức

Xây dựng đề án đầu tư nâng cao năng lực thực hành phục vụ các ngành khoa học cơ bản

Thứ bảy - 26/09/2015 00:05
Đó là nội dung trọng tâm của buổi làm việc diễn ra buổi chiều ngày 23/9 tại Trường ĐHKHXHVNV nhằm xây dựng các tiểu đề án thụ hưởng thuộc dự án “Đầu tư nâng cao năng lực thực hành phục vụ đào tạo các ngành khoa học cơ bản” của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2016-2018. PGS.TS Trần Thị Minh Hoà - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - chủ trì cuộc họp.
Xây dựng đề án đầu tư nâng cao năng lực thực hành phục vụ các ngành khoa học cơ bản
Xây dựng đề án đầu tư nâng cao năng lực thực hành phục vụ các ngành khoa học cơ bản

Nằm trong module 2 của dự án, Trường ĐHKHXHVNV đã được ấn định đầu tư  9 phòng thực hành thí nghiệm với các đối tượng quản lí và thụ hưởng là: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Nghệ thuật; đầu tư phòng thực hành cho ngành Lưu trữ học và ngành Quản trị văn phòng (phục vụ ngành lưu trữ học, ngành quản trị văn phòng); phòng thực hành cho ngành Thông tin học và Thư viện học; Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại (phục vụ ngành Triết học, Lịch sử); Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc (phục vụ ngành Đông phương học, Quốc tế học); Trung tâm Nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương và quốc tế (phục vụ ngành Quốc tế học, Đông phương học, Khoa học chính trị); Bảo tàng Nhân học (phục vụ ngành Khảo cổ học, Nhân học, Lịch sử, Văn hóa, Du lịch); Phòng thực hành công tác xã hội và phát triển cộng đồng (phục vụ ngành xã hội học, ngành công tác xã hội).

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Ngọc Liêu (Trưởng phòng Đào tạo) đã nêu rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến; đánh giá hiệu quả, tính bền vững; dự kiến kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện đầu tư và các vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư nâng cấp và bổ sung hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời, thầy cũng giải đáp những thắc mắc liên quan đến đối tượng thụ hưởng của dự án cũng như nội dung đề xuất đầu tư của các ngành, khoa, trung tâm nghiên cứu thuộc đối tượng thụ hưởng của Trường ĐHKHXHVNV.

Chủ trì buổi làm việc, PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Dự án này quyết định quan trọng tới công tác đào tạo trong tương lai gần của Trường ĐHKHXHVNV và toàn ĐHQG Hà Nội. Việc xây dựng các tiểu đề án phải bám thật chắc vào dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội. Để triển khai, Trường cần xác định các đơn vị cùng tham gia và thụ hưởng đề án. Nội dung đề án cần có đầy đủ 3 hạng mục là trang thiết bị, học liệu, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lí, sử dụng nhưng phải phân bổ tỉ lệ hợp lí, chú trọng nhất vẫn là đầu tư về trang thiết bị.

Trong phần tổng kết buổi làm việc, PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa cũng chỉ rõ: Trước mắt cần chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực về cơ sở vật chất, trong đó trọng tâm là địa điểm lắp đặt thiết bị. Các đơn vị cần cố gắng thực hiện theo đúng thời hạn gửi hạng mục đề xuất, hoàn thành 9 tiểu đề án để hoàn thiện đề án tổng thể của trường đúng thời gian quy định với đầu mối trợ giúp từ Phòng đào tạo, phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Quản lí Nghiên cứu khoa học. 

Tác giả: Huyền Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây