Tin tức

Từ Cambridge đến Việt Nam: Giảng dạy và nghiên cứu Nhân học trong thế giới toàn cầu hiện nay

Thứ tư - 13/04/2016 23:08
Trong khuôn khổ chương trình seminar khoa học thường kỳ của Khoa Nhân học, sáng ngày 12/4/2016, tại phòng Hội thảo tầng 2 nhà H, Giáo sư Susan Bayly từ Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) đã có buổi thuyết trình với chủ đề “Từ Cambridge đến Việt Nam: Giảng dạy và nghiên cứu Nhân học trong thế giới toàn cầu hiện nay”.
Từ Cambridge đến Việt Nam: Giảng dạy và nghiên cứu Nhân học trong thế giới toàn cầu hiện nay
Từ Cambridge đến Việt Nam: Giảng dạy và nghiên cứu Nhân học trong thế giới toàn cầu hiện nay

Tới dự buổi thuyết trình có PGS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), các cán bộ, giảng viên của Trường và Khoa Nhân học, đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa Nhân học.

Trong phần thứ nhất của buổi thuyết trình, GS. Susan Bayly đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu Nhân học tại Đại học Cambridge; quá trình chuyển hướng tiếp cận trong Nhân học thế giới, từ việc nhấn mạnh các vấn đề vĩ mô như cấu trúc hay hệ thống xã hội sang nhấn mạnh những trải nghiệm của con người, tiếng nói của cộng đồng được nghiên cứu, cũng như mối quan hệ khăng khít giữa nghiên cứu thực địa và lý thuyết với tư cách là hai hợp phần không thể tách rời của nghiên cứu Nhân học.

Trong phần hai của buổi thuyết trình, Giáo sư Susan Bayly đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của bà trong quá trình nghiên cứu hơn mười lăm năm qua ở Việt Nam, đặc biệt là mối quan tâm của bà với những chủ đề lý thú của Việt Nam đương đại, như trải nghiệm của các gia đình trí thức ở Hà Nội trong lịch sử Việt Nam từ cách mạng tháng Tám đến nay và quan niệm xã hội về khái niệm “thành tựu” ở Việt Nam hiện nay. Giáo sư Bayly đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác lâu dài của bà nói riêng và Khoa Nhân học của Đại học Cambridge nói chung với Bộ môn Dân tộc học trước đây và Khoa Nhân học hiện nay. Theo bà, mặc dù hai truyền thống Nhân học của hai nước có thể có một vài điểm khác nhau trong cách tiếp cận, nhưng có một điều mà hai bên cùng chia sẻ: đó là niềm tin vào vai trò của Nhân học với tư cách là một khoa học đặc thù, có sự nhạy cảm đặc biệt với những trải nghiệm của con người và cách thức họ thích nghi với thế giới luôn thay đổi, và luôn luôn nhìn nhận những trải nghiệm đó với một thái độ chia sẻ, tôn trọng và đầy cảm thông. 

Trong phần thảo luận, GS Susan Bayly đã có những chia sẻ cởi mở với các nhà khoa học và sinh viên có mặt tại buổi thuyết trình, tập trung vào những vấn đề như vài trò của nhà Nhân học với công tác hoạch định chính sách và tư vấn cho các chính phủ, mối liên hệ giữa Dân tộc học và Nhân học, các trường phái Nhân học và mối liên hệ giữa Nhân học xã hội và văn hóa, và nhiều vấn đề lý thú khác của Nhân học thế giới và Việt Nam hiện nay.

Susan Bayly là giáo sư Nhân học lịch sử tại Đại học Cambridge (Anh) và là Chủ tịch Hội đồng Tiến sĩ của Khoa Nhân học thuộc Đại học Cambridge. Bà từng là Tổng biên tập của Tạp chí Hội Nhân học Hoàng gia (trước đây là tạp chí Con người), tạp chí nhân học uy tín nhất của vương quốc Anh. Các hướng nghiên cứu chính của bà bao gồm tính hiện đại, toàn cầu hóa, mối quan hệ giữa Sử học và Nhân học, chủ nghĩa thực dân và những di sản văn hóa của nó. Bà là tác giả của ba cuốn chuyên khảo (đều do nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành) và nhiều bài viết trên các tạp chí uy tín. Trong sự nghiệp nghiên cứu học thuật, bà đã dành hơn 20 năm nghiên cứu tôn giáo và chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ. Từ năm 2000 đến nay, bà đã chọn Việt Nam làm địa bàn nghiên cứu mới. Các mối quan tâm chính của bà tại Việt Nam bao gồm trải nghiệm của các gia đình trí thức Hà Nội trong thời kỳ trước Đổi mới và quan niệm xã hội về khái niệm “thành tựu” ở Việt Nam hiện nay.

Tác giả: Minh Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây