Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; UBND các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế. Đại diện cho một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội, về Việt Nam học, Hà Nội học,.. GS.TS Hoàng Anh Tuấn đã có những phân tích sâu sắc về vị thế của Thăng Long – Hà Nội cũng như đề xuất giải pháp căn cốt nhất nhằm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo khoa học: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Cầu nối gắn kết văn hóa với kinh tế trong phát triển vùng
Theo GS. TS Hoàng Anh Tuấn, trước hết, cần cụ thể hóa hơn chính sách kinh tế trong văn hóa, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa... để chính sách phải trở thành cầu nối gắn kết văn hóa với kinh tế trong phát triển vùng. Bởi trong chính quá trình tiếp xúc, giao lưu kinh tế - văn hóa luôn chấp nhận chọn lọc, không chối từ mà Thăng Long - Hà Nội luôn luôn được bổ sung, tăng cường, tích góp các yếu tố văn minh, kỹ thuật, văn hóa từ “Tứ chiếng”, “Tứ trấn” đến cả nước và quốc tế.
Nói cách khác, tiếp xúc, giao lưu kinh tế, văn hóa đã làm nên diện mạo của kinh tế - văn hóa Thăng Long trong mọi thời điểm. Không có tiếp xúc giao lưu kinh tế, văn hóa, không có một Thăng Long - Hà Nội như đã và đang có. Thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng thể hiện rõ nét nhân tố tạo sự gắn bó và sự sáng tạo của Nhân dân.
GS. TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Nội cần thường xuyên khích lệ, khơi dậy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, cốt cách Thăng Long trong các tầng lớp Nhân dân để kết hợp hài hòa với tinh thần thời đại phục vụ cho sự nghiệp đổi mới; tuyên truyền, giáo dục và vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để định hướng lẽ sống, lối sống, nếp sống cho mọi người.
Trên nền tảng đó, văn hóa Thủ đô sẽ thể hiện được rõ nét tính tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, vừa biết dung nạp các giá trị khác biệt tạo sự thống nhất trong đa dạng, vừa quyết liệt ngăn chặn ảnh hưởng của mọi biểu hiện lối sống phi văn hóa, phản văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập. Từ đó cho thấy, phát huy thế mạnh đặc thù về giá trị, tiềm năng văn hóa kết tinh văn hóa dân tộc trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở Hà Nội phải được tiến hành theo hướng phát huy thế mạnh vị thế Thủ đô.
Là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của cả nước, Hà Nội có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển không gian sáng tạo - những không gian đang thiếu vắng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với việc phát triển các không gian sáng tạo, chúng ta có thể chắc chắn rằng ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận ra những giá trị của di sản công nghiệp và đánh giá cao vai trò của các trung tâm văn hóa và sáng tạo trong thành phố đối với cuộc sống của họ.
Năm 2019, Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, với trọng tâm đặt sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững. Trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng 4.0, thành phố luôn chuyển động và thay đổi bởi nhiều yếu tố.
Các khu vực sáng tạo sẽ được tạo ra trong lòng thành phố, các khu đô thị mới, đặc biệt tại các không gian mở công cộng. Vì vậy, việc thúc đẩy các không gian sáng tạo ra đời và hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển đô thị sáng tạo. Và chúng ta cùng kỳ vọng rằng, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo của đất nước sáng tạo trong tương lai không xa.
Kết nối với các địa phương phát triển du lịch
Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, để phát huy hiệu quả các giá trị kinh tế - xã hội của di sản và tạo thương hiệu cho riêng mình, theo GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội cần lập ra hội đồng, tổ chức hội thảo chuyên đề để chọn lọc những di sản văn hóa tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có tính chất quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Thủ đô. UBND thành phố và Sở Du lịch Hà Nội cần đưa ra quy hoạch, chiến lược phát triển loại hình du lịch sinh thái và nhân văn.
Ngoài ra, với vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô, Hà Nội phát huy tính kết nối với các địa phương phát triển du lịch, khai thác các thế mạnh của từng địa phương; Tăng cường liên kết, nhất là liên kết liên vùng phát triển thành vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Bắc với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù đem lại thương hiệu cho vùng Thủ đô. Với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô di sản” và ngày nay là “Thành phố sáng tạo”, Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới.
Việc tổ chức các hội nghị quốc tế kết hợp với các tour du lịch ngắn ngày nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc và hoạt động kinh tế của nhiều vùng miền, địa phương tại Thủ đô và của Thủ đô tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”.
Tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu
Đúng như lời dạy của Bác Hồ gần 70 năm về trước “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực gắn với đổi mới phương thức huy động, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của Nhân dân, vị trí trung tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, đoàn thể trong tổ chức, quản lý các hoạt động sáng tạo, phát triển sản phẩm văn hóa - nghệ thuật độc đáo có sức lan tỏa cao.
Chuẩn hóa về tổ chức bộ máy, mô hình quản lý, đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố. Tập trung nguồn lực quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sỹ… và khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa Thủ đô; Tập trung đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật; Tiếp tục chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật.
Hoạt động biểu diễn văn nghệ tại Hà Nội
Bên cạnh đó, Hà Nội phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ Thủ đô. Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng thương hiệu cho văn hóa Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO...
Thành phố tăng cường tổ chức các sự kiện và xây dựng các sản phẩm văn hóa mang tầm quốc tế. Quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với thiết kế sáng tạo, quản lý, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa công cộng, cảnh quan, di tích; Khuyến khích phát triển các không gian văn hóa sáng tạo trong cộng đồng; gắn phát triển công nghiệp văn hóa với kinh tế du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, có giá trị kinh tế cao; Tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô.
Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô cần được bồi đắp mỗi ngày; Tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.
Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí về truyền thống thanh lịch, văn minh; Khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại tạo nên những giá trị văn hóa mới của người Hà Nội; Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội; Xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; Đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội; Kiên trì giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ; Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, của Thăng Long - Hà Nội.
Hương Thu (tuoitrethudo)