Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hoá truyền thông trong thời kì hội nhập” do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã diễn ra vào ngày 22/2/2012.
Tới dự có các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước, các nhà quản lí báo chí, nghiên cứu -giảng dạy báo chí, sinh viên và học viên Khoa Báo chí và Truyền thông.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung chính: những vấn đề mang tính lí luận về văn hoá báo chí – văn hoá truyền thông, mối quan hệ hai chiều giữa văn hoá và báo chí – truyền thông; những vấn đề đặt ra trong thực tiễn về văn hoá báo chí – truyền thông trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo Việt Nam hiện nay; đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao tính văn hoá của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá truyền thông đại chúng.
Với cách tiếp cận đa chiều và từ các góc độ chuyên môn khác nhau các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng văn hoá và báo chí - truyền thông của nước ta hiện nay. Nhà báo Hà Minh Huệ (Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Nhà báo Việt Nam) trong báo cáo đề dẫn đã nêu rõ: Văn hoá và báo chí – truyền thông có mối quan hệ khăng khít, biện chứng. Báo chí là bộ phận của văn hoá nhưng báo chí cũng sáng tạo ra và phổ biến văn hoá, lưu truyền văn hoá…Do vậy người làm báo phải hiểu văn hoá, có văn hoá, coi hoạt động báo chí không những là hoạt động chính trị - xã hội, mà còn là hoạt động mang đậm tính văn hoá.
Phát biểu tại phiên khai mạc GS.NGND Hà Minh Đức đề cập đến các vấn đề: cái riêng và cái chung, cái tốt và cái xấu trên báo chí hiện nay, văn hoá thực dụng, báo chí phê phán cái tiêu cực, cái xấu trong lĩnh vực văn hoá. GS nhấn mạnh đến sự thay đối thị hiếu của công chúng ngày nay và truyền thông trong thời kì hội nhập phải làm cho các giá trị văn hoá của dân tộc có một sức sống mới, hơi thở mới.
Nhà báo lão thành Phan Quang thì cho rằng: Báo chí vừa làm nhiệm vụ của bản thân với tư cách bộ phận cấu thành văn hoá theo sứ mệnh được giao, vừa chung tay cùng các loại hình văn hoá khác thực hiện sứ mệnh của họ, góp phần quảng bá, lan toả chúng vào đông đảo nhân dân. Báo chí truyền thông vì vậy không đơn thuần làm công việc chuyển tải văn hoá một cách thụ động mà phải chủ động sàng lọc khi quảng bá văn hoá đại chúng, và cân nhắc thận trọng khi tự mình làm ra sản phẩm văn hoá phục vụ cộng đồng.
Bàn về vai trò, trách nhiệm của truyền thông đại chúng Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá kỉ nguyên số TS. Đặng Thị Thu Hương (Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông) nhấn mạnh: thế giới hiện nay đang bước vào kỉ nguyên truyền thông mới, các phương tiện truyền thông đại chúng trực tuyến hiện đại đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người sử dụng hơn với những tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện, trực tiếp và tương tác… Vì vậy văn hoá truyền thông cần phải được xây dựng trên nền tảng giá trị và tính liên tục lịch sử, khơi dậy các khả năng sáng tạo của công chúng và phục vụ công chúng.
Một số ý kiến khác tại hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề: những chuẩn mực cần có về kiến thức, kĩ năng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, vai trò của các cơ quan quản lí báo chí, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí - truyền thông…
Hội thảo khoa học này vừa mang tính lí luận chuyên ngành, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí trong tác nghiệp, quản lí báo chí, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.