Tin tức

VIETNAMICA: Làm sâu sắc thêm quan hệ học thuật Việt-Pháp

Thứ ba - 05/11/2019 02:53
Dự án hợp tác Pháp-Việt: VIETNAMICA với sự tài trợ của Liên minh châu Âu đã tổ chức lễ khởi động ngày 4/11 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự án được đánh giá là một trong những hoạt động hợp tác học thuật tiêu biểu Việt - Pháp với sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học hàng đầu của hai nước.
VIETNAMICA: Làm sâu sắc thêm quan hệ học thuật Việt-Pháp
VIETNAMICA: Làm sâu sắc thêm quan hệ học thuật Việt-Pháp

Lễ khởi động Dự án có sự tham gia của các quan khách: ông Jean-Michel Vernider - Chủ tịch Viện Khảo cứu Cao cấp; ông Jean-Paul Gaudemar - Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF; ngài Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ngài Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam; GS. Philippe Papin - Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt nam, Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp, Chủ nhiệm Dự án Vietnamica.

Về phía Việt Nam có Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, GS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn; GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch HĐKH&ĐT ĐHQGHN; GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Lễ ký kết chính thức giữa ĐHQGHN và Viện Khảo cứu Cao cấp

Vietnamica là Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam - một trong những dự án do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (European Research Council) thuộc Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án nhằm nghiên cứu lịch sử cung tiến Việt Nam qua văn bia, số hóa tư liệu KHXH Việt Nam lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam; tham gia đào tạo học viên cao học và nghiên cứu sinh Tiến sỹ; thiết lập thư viện điện tử, dịch thuật-xuất bản các chuyên khảo và nghiên cứu tổng hợp về lịch sử cung tiến Việt Nam.

Dự án được khởi xướng bởi GS. Philippe Papin - Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp. Đơn vị chủ quản của Dự án là Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp. Các đơn vị phối hợp cùng tổ chức và thực hiện là Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thông qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đơn vị quản lý về mặt tài chính là Tổ chức Đại học Pháp ngữ.

GS. Philippe Papin (giữa)

Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2019 đến 2024 và trên một địa bàn rộng lớn gồm Việt Nam, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác.        

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn: Vietnamica là một dự án giá trị và có ý nghĩa, triển vọng lớn trên nhiều khía cạnh; là cầu nối giúp làm sâu sắc và thắt chặt thêm quan hệ học thuật giữa Việt Nam và Pháp

Phát biểu tại lễ khởi động Dự án, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vinh dự khi ĐHQGHN khi trở thành đơn vị đối tác triển khai thực hiện Dự án Vietnamica - một dự án giá trị và có ý nghĩa, triển vọng lớn trên nhiều khía cạnh.

Vietnamica hướng tới các văn bản gốc, nguồn tư liệu có thể đem lại các kết quả của nghiên cứu có chất lượng nhất, trong đó Bia Hậu là đối tượng được đặc biệt chú ý. Dự án bao gồm cả sự kết hợp nghiên cứu và tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhằm duy trì một cách bền vững các hướng nghiên cứu và tạo ảnh hưởng lâu dài. Dự án được triển khai theo cách thức hiện đại, phù hợp với công nghệ số và những xu hướng công nghệ mới cho khoa học xã hội và nhân văn. Và điều đặc biệt, Vietnamica thu hút sự tham gia của nhiều học giả và cơ quan khoa học có uy tín của hai phía Việt Nam và Pháp. Với những khía cạnh đó, Vietnamica sẽ góp phần tạo nên một Big data giá trị về Việt Nam học, đồng thời là cầu nối giúp làm sâu sắc và thắt chặt thêm quan hệ học thuật giữa Việt Nam và Pháp.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cũng dành những lời trân trọng để gửi lời cảm ơn tới GS. Philippe Papin - nhà khoa học khởi xướng dự án. Là một nhà nghiên cứu Việt Nam học nổi tiếng có nhiều đóng góp nhiều cho nghiên cứu Việt Nam học, GS. Philippe Papin đã tạo lập được nhiều quan hệ và những hoạt động mang tính nhóm trong cộng đồng nghiên cứu Việt Nam học, hướng tới những dự án lớn và có chiều sâu học thuật.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá: Đây là một sự kiện quan trọng và tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội của Việt Nam trong năm 2019.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thì đánh giá: Đây là một sự kiện quan trọng và tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội của Việt Nam trong năm 2019.

Dự án này đặc biệt khi Bia Hậu chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đó. Trong kho 7 vạn thác bản văn bia hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bia Hậu chiếm số lượng không dưới một nửa con số trên. Đây là loại hình văn bia độc đáo và duy nhất, khác với bất kì nước nào khác ở châu Á. Tồn tại liên tục trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 20, Bia Hậu hàm chứa trong nó những thông tin quan trọng về lịch sử, xã hội, kinh tế và văn hoá Việt Nam nhưng nguồn tài liệu này chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Dự án Vietnamica nhằm tập trung đào tạo các chuyên gia nghiên cứu văn bia qua các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, từ đó xây dựng lực lượng kế cận cho ngành bi kí học Việt Nam.

Chủ tịch Viện Khảo cứu Cao cấp - ông Jean-Michel Vernider

Chủ tịch Viện Khảo cứu Cao cấp - ông Jean-Michel Vernider chia sẻ thông tin: Nghiên cứu những chủ đề về Việt Nam được bắt đầu từ năm 1990 và đóng vai trò hết sức quan trọng trong chính sách phát triển hợp tác quốc tế của Viện. Mặc dù là dự án nghiên cứu về lịch sử nhưng điểm đặc biệt của Dự án này là có sự tham gia của công nghệ hiện đại trong các công đoạn thực hiện. Hiện nay Viện có khoảng 6.000 tài liệu liên quan Việt Nam. Thông qua dự án này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hai nước không những có thể tiếp cận nguồn tư liệu không lồ này mà nó còn góp phần thúc đẩy tăng cường hợp tác của Viện trong các lĩnh vực khác với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là với ĐHQG Hà Nội.

Ông Jean-Paul Gaudemar -  Tổng Giám đốc Tổ chức AUF

Ông Jean-Paul Gaudemar -  Tổng Giám đốc Tổ chức AUF cho biết cơ quan này sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá các kết quả, thành tựu nghiên cứu để những giá trị khoa học có thể được lan toả trước hết trong cộng đồng AUF với khoảng gần 1.000 trường đại học, viện nghiên cứu thành viên.

Ngài Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Ngài Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: Dự án Vietnamica có hàm lượng khoa học lớn và rất quan trọng. Dự án này cũng phù hợp với chiến lược phát triển hợp tác hiện nay của Liên minh châu Âu với Việt Nam. Có thể thấy Vietnamica là dự án khoa học mang tính chất vừa truyền thống, vừa hiện đại khi có sự áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử.

Ngài Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam

Ngài Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho rằng đây là dự án thể hiện đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học. Dự án đã được thẩm định chặt chẽ và được phê duyệt bởi Hội đồng nghiên cứu khoa học châu Âu; có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu mỗi quốc gia. Trên phương diện tư liệu số, Dự án sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu một thư mục sách xưa về Việt Nam, chủ yếu bằng tiếng Pháp, phục vụ hữu ích cho các nghiên cứu chuyên ngành sau này.

Ra mắt Ban điều hành Dự án

Chủ tịch Viện Khảo cứu Cao cấp - ông Jean-Michel Vernider trao kỷ niệm chương của Viện cho Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lễ ký kết chính thức giữa ĐHQGHN và Viện Khảo cứu Cao cấp cùng hoạt động khai trương Văn phòng hợp tác giữa hai bên cũng diễn ra vào buổi sáng cùng ngày. Văn phòng sẽ là nơi đón tiếp các học viên, nhà nghiên cứu, cộng tác viên Việt Nam và nước ngoài; là nơi dự kiến tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề theo nhóm trong khuôn khổ Dự án.

Sau lễ khởi động, cũng trong khuôn khổ Dự án là toạ đàm chuyên môn của các nhà khoa học Việt-Pháp với 3 chuyên đề: chuyên đề về Bia hậu và vấn đề cung tiến trong lịch sử Việt Nam; chuyên đề về Ứng dụng công nghệ thông tin và bản đồ điện tử vào nghiên cứu và số hóa, xuất bản, dịch thuật tư liệu khoa học xã hội Việt Nam; chuyên đề về Đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ trong khuôn khổ Dự án Vietnamica.

Ban Điều hành và Hội đồng Khoa học của Dự án Vietnamica

  1. GS. Philippe Papin - Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp, Chủ nhiệm Dự án Vietnamica
  2. PGS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội
  3. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV
  4. TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
  5. TS. Marc Bùi - Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp
  6. PGS. Pascal Bourdeaux - Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp

 

Nội dung chính của Dự án

  1. Thứ nhất - Trên phương diện sử học: Nghiên cứu về phương diện kinh tế và tôn giáo ở các vùng nông thôn Việt Nam qua các thông tin thu thập được từ bia hậu. Chủ đề: chu trình tài chính trong hoạt động cung tiến; giá trị tiền tệ qua các thế kỷ; vai trò chủ đạo của phụ nữ; vai trò của quan lại ở làng xã và tầng lớp tu sĩ; Phật giáo dân gian trong thực tiễn đời sống ở các làng xã Việt Nam.
  2. Thứ hai - Trên phương diện ngôn ngữ học: Nghiên cứu sự xuất hiện của âm tiếng Việt (chữ Nôm và ngữ pháp tiếng Việt) thông qua các dữ liệu thu thập được từ văn bia (ví dụ địa danh) và được ghi lại theo ngữ pháp tiếng Việt thuần túy, nghiên cứu ngữ âm học của tiếng Việt cổ qua việc khai thác kho tư liệu lưu trữ ở Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP).
  3. Thứ ba - Trên phương diện cơ sở dữ liệu văn bia: Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tư liệu thác bản và nếu có thể sẽ bổ sung bộ sưu tập văn khắc, tiếp nối bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm đã được khởi soạn từ hơn mười năm trước. Tạo một bộ công cụ tin học ứng dụng vào việc tìm kiếm dữ liệu nghiên cứu (theo niên đại, địa danh, từ khóa…).
  4. Thứ tư - Trên phương diện bản đồ: Thiết lập một bản đồ điện tử để nghiên cứu sự phân bố văn bia. Chủ đề: lập một kho dữ liệu bản đồ số hóa, nghiên cứu những sự thay đổi về địa danh trong lịch sử, khảo cứu và thống kê những bản đồ xưa ở cấp độ địa phương (nguồn tư liệu này được lưu trữ ở Thư viện châu Á, Paris).
  5. Thứ năm - Trên phương diện nhân văn số: Tận dụng kỹ thuật công nghệ và các phương pháp điện toán, nhân văn kỹ thuật số nhằm xử lý tự động nôi dung văn khắc. Chủ đề: Tự động nhận diện các cột và nhận diện mặt chữ, tự động tìm kiếm một cách hệ thống tất cả những lần xuất hiện các đánh dấu/ký tự đặc biệt.
  6. Thứ Sáu - Trên phương diện tư liệu số: Cung cấp cho các nhà nghiên cứu một thư mục sách xưa về Việt Nam, chủ yếu bằng tiếng Pháp. Chủ đề: Tạo một thư viện điện tử bao gồm các tệp tài liệu định dạng pdf, epub… kèm theo các danh mục sách và mục lục bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cơ sở dữ liệu này sẽ dành cho các nghiên cứu chuyên ngành.
  7. Thứ bảy - Trên phương diện đào tạo: Khuyến khích học viên theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh, chuyên tu sau tiến sỹ và các nhà nghiên cứu lâu năm. Dự án dành một phần ngân sách dành cho đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và hướng dẫn luận án khoa học.
  8. Thứ tám - Trên phương diện xuất bản: công bố thành quả khoa học của thành viên tham gia dự án dưới hình thức bài tạp chí chuyên ngành, sách nghiên cứu…tuân theo những yêu cầu/đề nghị của một hội đồng khoa học.           

Tác giả: Thanh Hà, Vũ Sinh, Ngọc Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây