Thủ khoa kép ngành Đông Nam Á học lựa chọn ngoại ngữ hiếm

Thứ ba - 31/10/2023 21:52
(SVVN) Theo học ngôn ngữ Indonesia, Khánh Vi vừa trở thành thủ khoa kép (thủ khoa tuyển sinh năm 2019 và thủ khoa tốt nghiệp năm 2023) của ngành Đông Nam Á học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với điểm học tập 3.77/4.0, Trần Thị Khánh Vi (22 tuổi) là một trong những thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2023 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô là sinh viên lớp K64 Đông Nam Á học, khoa Đông phương học.
Trần Thị Khánh Vi nhận giấy khen dành cho thủ khoa tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học tại lễ tốt nghiệp hồi tháng 8/2023
Cô gái Hà Nội cho biết, vài tháng trước kỳ thi THPT quốc gia, cô vẫn chưa xác định sẽ đăng ký ngành học hay trường đại học nào. Tình cờ tại một chương trình tư vấn tuyển sinh, cô được nghe giới thiệu về ngành Đông Nam Á học và biết đây là ngành học mới được tách ra từ ngành Đông phương học trước đó.
“Lúc đó, mình nghĩ đơn giản rằng một ngành học mới sẽ có nhiều cơ hội và không quá nhiều cạnh tranh việc làm. Hơn nữa, chương trình học có nhiều tín chỉ học bằng tiếng Anh và được học thêm một ngôn ngữ bản địa nên mình thấy rất thú vị. Vậy nên mình đã quyết định chọn nó”, cô nhớ lại.
Trong chương trình của ngành Đông Nam Á học, sinh viên được chọn học tiếng Thái Lan hoặc tiếng Indonesia. Khánh Vi lúc đầu có ý định chọn học tiếng Thái vì độ phổ biến của nó tại Việt Nam và chưa bao giờ biết tới tiếng Indonesia. Tuy nhiên, vào mùa hè trước khi nhập học, cô đã học thử và “đầu hàng” trước bảng chữ cái tiếng Thái, nên quyết định sẽ học tiếng Indonesia.
Tiếng Indonesia sử dụng bảng chữ cái Latin và có nhiều từ tương tự tiếng Anh nên cô thấy dễ học hơn. Sau khi tìm hiểu, cô nhìn thấy tiềm năng ở tiếng Indonesia, ngôn ngữ chính thức của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, nên càng quyết tâm theo đuổi.
Khánh Vi trong trang phục truyền thống của Indonesia
Cô thường theo dõi các kênh Youtube của người Indonesia và nghe nhạc để duy trì hứng thú với việc học. Nhà cô khá gần Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội nên cô thuận tiện tham gia nhiều sự kiện tại đây.
“Mình thấy ngôn ngữ này rất là lãng mạn nên các bản tình ca tiếng Indonesia luôn nằm trong danh sách nhạc của mình”, cô chia sẻ.
Năm 2021, Khánh Vi đạt giải Nhì trong cuộc thi hát tiếng Indonesia dành cho học viên của khoá học tiếng Indonesia BIPA do Trung tâm Quảng bá Indonesia - Umah Indo ở Hà Nội tổ chức. Năm 2022, cô giành giải nhất trong trong cuộc thi viết nhân kỉ niệm ngày Kartini (ngày lễ tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và ngoại hình của người phụ nữ Indonesia) do Đại sứ quán Indonesia tổ chức.
Nhờ đó, cô được tài trợ chuyến đi tham quan và học tập trong 2 tuần tại Gresik - thành phố xinh đẹp nằm ở phía đông đảo Java, Indonesia. Đây là phần thưởng thuộc chương trình "Short Indonesian Culture & Language Program For Foreign Speakers Indonesia 2022" (Chương trình Ngôn ngữ & Văn hóa Indonesia ngắn hạn dành cho người nước ngoài) của Trường Đại học Universitas Muhammadiyah Gresik (UMG).
Khánh Vi (hàng dưới, thứ 3 từ phải qua) và bạn bè quốc tế trong chuyến đi Gresik
Bên cạnh việc đi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cô đã học được cách chơi dàn nhạc truyền thống gamelan, thử làm các món salad hoa quả rujak hay món bánh nagasari, nhảy Damar Kurung và vẽ Damar Kurung. Đây đều là những nét văn hoá đặc trưng của đất nước Indonesia.
Tại thành phố Gresik, cô đặc biệt ấn tượng với nhiều ngôi nhà đa màu sắc và được quy hoạch gọn gàng. Cô cũng rất thích những nhà thờ Hồi giáo (masjid) ở đây, bởi cảm giác choáng ngợp vì vẻ đẹp và sự thiêng liêng mà masjid đem lại.
Khánh Vi trong một nhà thờ Hồi giáo ở Gresik
“Đồ ăn ở Gresik vừa tuyệt vời lại vừa rẻ. Một cụm từ mình vẫn nhớ là ‘tidak pedas’ - không cay. Nếu quên nói từ này, các món cay có thể khiến bạn phải phun ra lửa”, cô bật mí.
Tại lễ bế mạc của chương trình, Khánh Vi đã vinh dự được đọc bài thơ “Bhinneka Tunggal Ika” (Thống nhất trong đa dạng - tiêu ngữ quốc gia của Indonesia), trước toàn hội trường. Hai tuần tại Gresik đã giúp cô có hình dung rõ hơn về đất nước Indonesia xinh đẹp và thân thiện, cũng như thêm quyết tâm để học tiếng Indonesia.
Đề tài khóa luận tốt nghiệp được viết bằng tiếng Anh của cô có tên “Feminism in the novel Tarian Bumi by Oka Rusmini” (Chủ nghĩa nữ quyền trong tiểu thuyết Tarian Bumi của Oka Rusmini). Tarian Bumi là một tiểu thuyết nổi tiếng của nền văn học Indonesia và khoá luận của cô đã đạt 9.5/10 điểm.
Khánh Vi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp đại học
Trước khi làm khóa luận một học kì, Khánh Vi đã gặp cô hướng dẫn thông qua môn học “Văn học và nghệ thuật ở các nước Đông Nam Á”. Nhờ môn học này, cô cảm thấy rất hứng thú với nền văn học của khu vực, đặc biệt là của Indonesia. Sau đó, nhờ cô chủ nhiệm gợi ý, cô đã liên hệ với giảng viên dạy môn học đó và nhờ cô làm người hướng dẫn khóa luận.
Khi phân tích tác phẩm bằng tiếng Indonesia, cô có tham vọng tự dịch cuốn tiểu thuyết gốc từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh, dù khả năng tiếng Indonesia vẫn còn hạn chế. Với sự trợ giúp của các công cụ và sự tự đối chiếu với các bản dịch khác, cô đã cố gắng dịch toàn bộ tác phẩm trước khi đi vào phân tích.
Theo Khánh Vi, tiếng Indonesia rất uyển chuyển và đa nghĩa nên việc tìm từ tiếng Anh để miêu tả một cách chính xác cũng cần nhiều công sức. Tuy phần dịch thuật không phải trọng tâm chính của khóa luận, nhưng cô thấy hài lòng vì đã cung cấp một bản dịch đủ tốt để người đọc khóa luận có thể hiểu được tác phẩm mà cô đang phân tích.
Sau tốt nghiệp, Khánh Vi đã quyết định học tiếp thạc sĩ tại trường và đang hồi hộp chờ kết quả tuyển sinh. Bên cạnh việc học chuyên môn, cô tiếp tục học nâng cao tiếng Indonesia và đang theo đuổi một công việc phù hợp về chuyên môn lẫn ngoại ngữ.
“Mình rất mong chờ vào tương lai với thật nhiều dự định phía trước”, nữ thủ khoa kép bày tỏ.

Tác giả: Sinh viên Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây