Nhân văn trong tôi: Giấc mơ hai mươi

Thứ ba - 15/04/2014 23:17
“Ngày vừa hai mươi, em ùa vào đời. Đời vừa hai mươi xanh lạ.” Lứa tuổi hai mươi là lứa tuổi của những khát khao cháy rực, của những đam mê nóng bỏng… Đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện những ước mơ có phần mạo hiểm nhưng không kém phần thú vị cho mỗi người. Để những ước mơ có thể vươn cao, bay xa và trở thành hiện thực thì chúng ta cần có những “bệ phóng” vững chắc. Với tôi cũng vậy. Tôi có thể không tìm được bệ phóng tốt nhất, nhưng tôi đã tìm được bệ phóng phù hợp nhất với mình. Đó chính là ngôi trường đại học tôi đang theo học: Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Được khám phá những nền văn hóa khác biệt để mở mang tri thức và có thể truyền lại niềm cảm hứng và những tri thức mà mình học được từ cuộc sống cho mọi người chính là ước mơ dù nhỏ nhoi nhưng cũng đầy thử thách của tôi. Chưa thể thực sự đặt chân lên những mảnh đất mình mơ ước, tôi đi du lịch qua những trang sách, qua màn ảnh nhỏ… Để có đầy đủ hành trang cho những chuyến du lịch thú vị đó thì tôi cần chuẩn bị thật cẩn thận, chu đáo. Vệ tinh được phóng thành công, đi vào quỹ đạo mà con người muốn là cả một quá trình dài chuẩn bị và thực hiện. Bệ phóng chỉ là một trong những yếu tố quyết định thành công nhưng nếu thiếu nó thì vệ tinh không thể bay lên được. Trường Nhân Văn cũng như bệ phóng, còn tôi như chiếc Vệ tinh đang chuẩn bị bay vào không gian, vào quỹ đạo mà mình mong muốn. Bệ phóng chính là tiền đề cần thiết quyết định hướng bay của mình có chính xác hay không.

Bước lên bệ phóng, bất kì ai cũng căng thẳng, lo lắng nhưng không kém phần háo hức. Khác đôi chút với những chiếc Vệ tinh đã chuẩn bị kỹ càng ở khâu hậu kì, sẵn sàng với chuyến bay, tôi mang trong mình đôi chút “lỗi”. Bước vào Nhân Văn dưới cái tên “Trúng tuyển nguyện vọng hai” khiến tôi có đôi chút khác biệt và hụt hẫng. Tôi đã từng kiếm tìm bệ đỡ và thất bại. Tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn một thời gian khá dài. Bệ phóng mới chỉ là trường hợp cứu trợ lúc khẩn cấp, không chính thức. Tôi luôn nghĩ với chiếc bệ phóng mình không dành nhiều tâm huyết tìm hiểu thì mình sẽ không thể thành công… Và tôi đã lầm!

Có thể đó không phải là chiếc bệ đỡ tốt nhất nhưng nó là chiếc bệ đỡ phù hợp nhất để tôi có thể phóng lên cao nhất, chuẩn xác nhất vì đâu cứ có bệ phóng tốt, chuẩn bị ổn mà đã thành công. Càng đi sâu tìm hiểu, khám phá ngôi nhà mới mà mình trú ngụ, tôi càng tin vào số phận, càng tin vào sự thành công trong chuyến bay của cuộc đời mình. Học tập tại một ngôi trường với bề dày lịch sử, có những giảng viên tâm huyết yêu nghề, có những người bạn thân thiện… khiến tôi không ngừng nuôi dưỡng đam mê, thực hiện ước mơ của mình. Không thể tránh khỏi những lúc mệt mỏi vì những ngày thi liền kề nhau, những núi bài tập mà cần chuẩn bị… nhưng tất cả đó chính là những tri thức, những hành trang tốt nhất cho chuyến phiêu lưu của mình. Học hỏi không chỉ tri thức văn hóa, xã hội… mà còn học được những kinh nghiệm sống để đúc rút kinh nghiệm cho chính bản thân là những bài học còn quý giá hơn, không phải trường lớp nào cũng dạy bạn. Số phận đã đưa tôi đến với Nhân Văn, và sau hơn hai năm gắn bó với nơi này, tôi không hề cảm thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình. Sống trong xã hội kinh tế thị trường như ngày nay, mối lo cơm áo gạo tiền là không tránh khỏi. “Chưa bao giờ như bây giờ, đồng tiền lại có sức mạnh ghê gớm như vậy” đã trở thành câu nói quen thuộc của mọi người. Tôi cũng biết và theo học tại đây, tôi càng hiểu rõ hơn bản chất, ma lực ghê gớm của đồng tiền. Biết, hiểu điều đó nhưng không vì thế mà dấn thân, đi theo cám dỗ không lối thoát mà cái bẫy đó giăng ra chính là bài học mà tôi học được tại ngôi trường này. Đó chỉ là một trong những bài học bổ ích, những hành trang quý báu mà tôi mang theo bên mình trong suốt chuyến hành trình của cuộc đời mình.

Nhân Văn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ của tôi phát triển để trở thành hiện thực. Nó không đơn giản chỉ là bệ phóng, giá đỡ bình thường. Sau thời gian gắn bó tuy không dài, nhưng cũng đủ khiến một cây non có thể đứng vững mà không cần chăm sóc, Nhân văn đã trở thành một phần con người tôi. Nó không chỉ là một ngôi trường để học, dạy tôi nhiều điều bổ ích, thử thách tôi để giúp tôi trưởng thành, mà đã là một niềm tự hào, một biểu tượng trong tôi. Không còn hụt hẫng vì tên gọi “nguyện vọng hai” mà tôi lại thấy hạnh phúc khi nghĩ về điều đó. Tôi tìm hiểu, khám phá những nền văn hóa khác ở những lớp sâu hơn. Tôi không chỉ biết mà còn hiểu được nó. Để thành công không chỉ dựa vào yếu tố khách quan, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan, nội lực của chính mình. Sau này, tôi có thể không thể đặt chân đến mọi miền đất mà mình mong muốn, nhưng tôi vẫn hiểu được những nét tinh tế của nó qua những điều đã được học. Tôi sẽ truyền lại những điều đã học cho thế hệ sau của mình, đề chúng biết, chúng hiểu và để chúng thực hiện những khát vọng mới, là hành trang vững chắc để bước vào đời.

Nhân Văn là bệ phóng cho mơ ước của tôi được bay cao, là ngôi nhà nuôi dưỡng đam mê của tôi luôn cháy rực… và là niềm tự hào trong trái tim tôi. “Hai mươi em cho đời một giấc mơ” và hai mươi cũng là lúc biến giấc mơ đó thành hiện thực. Tôi tin vào Nhân Văn sẽ giúp tôi thực hiện những đam mê, khát vọng của mình. Luôn lạc quan, cố gắng hết mình, không ngừng tin tưởng… để sau này không phải hối hận vì mình chưa dám làm. Hai mươi, tôi thấy tim tôi rực hồng. 

Tác giả: Lưu Hoài Trang (K56 Văn học CLC)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây